Bất đồng xung quanh việc Ý tham gia “Vành Đai & Con Đường” của Trung Cộng
Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình dự kiến sẽ hạ cánh tại Rome vào ngày 21 tháng 3, khi số này của tạp chí The Economist đang in. Lịch trình của ông sẽ bao gồm một bữa quốc yến, kèm theo màn biểu diễn của Andrea Bocelli, một ngôi sao opera người Ý (Italia). Thậm chí đáng mừng hơn nữa đối với ông Tập sẽ là việc chào đón nước Ý tham gia vào Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (BRI: Belt & Road Initiative) của ông, một chương trình xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trải dài khắp Âu-Á, Trung Đông và Châu Phi. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hy vọng thỏa thuận, dự kiến được ký vào ngày 23 tháng 3, sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng của Ý sang Trung Cộng. Nhưng thỏa thuận này đã gây ra sự phẫn nộ cả trong chính phủ của ông và từ các đồng minh truyền thống của Ý.
BRI là dự án của Trung Cộng nhằm tạo ra một Con Đường Tơ Lụa hiện đại, mạng lưới các tuyến giao thương cổ xưa từng kết nối Đông và Tây. Hàng tỷ đô la đã được đầu tư kể từ khi nó được khởi động năm 2013 tại hơn 60 quốc gia, với các dự án cơ sở hạ tầng khác nhau bao gồm đường sắt, đường bộ và hải cảng. Một số ước tính về tổng đầu tư trong những năm tới lên tới mức một nghìn tỉ đô la hoặc thậm chí nhiều hơn.
Chính phủ Ý vào mùa hè năm ngoái đã ra mắt một “Lực Lượng Đặc Nhiệm về Trung Cộng” [Đặc nhiệm này không có nghĩa là chiến đấu mà có nhiệm vụ đặc biệt làm việc với Trung Cộng] nhằm phát triển một chiến lược quốc gia để củng cố mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Ý – Trung, đồng thời bảo đảm cho nước Ý “một vị trí lãnh đạo ở Châu Âu”. Stefano Manzocchi, giáo sư kinh tế quốc tế Đại học LUISS ở Rome, nói rằng Ý có “một lợi ích rõ ràng” khi tham gia BRI. Là một trong những nhà xuất khẩu mặt hàng chế tạo lớn nhất Châu Âu, Ý trên lý thuyết sẽ được hưởng lợi từ gia tăng thương mại giữa Trung Cộng và Châu Âu. Nhưng ông thừa nhận, “người Trung Cộng là những nhà đàm phán đáng kinh ngạc nên [Ý] sẽ phải cẩn thận”.
Một số các thành viên EU đã ký bản ghi nhớ với Trung Cộng về BRI. Nhưng Ý sẽ là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham gia vào BRI. Thỏa thuận không phải là một hợp đồng, nhưng tính biểu tượng của nó vẫn rất quan trọng. Nó diễn ra vào thời điểm mà BRI đang phải đối diện với những phản ứng bất lợi, EU đang cố gắng tạo ra một cách tiếp cận mang tính phối hợp hơn để đối phó với Trung Cộng, và sự căng thẳng giữa Trung Cộng và Mỹ đang gia tăng. Hội Đồng An Ninh Quốc gia Tòa bạch Ốc đã bác bỏ thỏa thuận này, với dòng tweet rằng nó “mang lại tính hợp pháp cho phương pháp đầu tư mang tính trục lợi của Trung Cộng và sẽ không mang lại lợi ích gì cho người dân Ý”.
Lucrezia Poggetti thuộc Viện Mercator về Nghiên cứu Trung Cộng, một viện nghiên cứu chính sách của Đức, cho rằng Ý đang phải chịu “một rủi ro chính trị lớn đối để đổi lại những lợi ích kinh tế nhỏ bé”. Bản ghi nhớ không có khả năng bảo đảm giúp các công ty nước Ý được tiếp cận với các khoản đầu tư hoặc dự án BRI một cách cụ thể, và các nhà xuất khẩu lớn nhất của Châu Âu sang Trung Cộng – Đức và Pháp – đã không ký các hiệp định tương tự. Thay vào đó, bà Poggetti cho rằng thỏa thuận này phục vụ các mục đích của Tập Cận Bình, tạo ra uy tín cho BRI tại thời điểm mà sáng kiến tiêu biểu này của ông đang bị chỉ trích vì tạo ra “bẫy nợ” ở một số quốc gia mà nước này đầu tư.
Vấn đề đã trở thành gây tranh cãi khác trong chính phủ liên minh của Ý. Phong trào Năm Sao (Five Star) chống dòng chính rất muốn Ý tham gia BRI. Nhưng Liên đoàn phương Bắc theo hướng dân tộc chủ nghĩa lo ngại rằng xích gần lại Trung Cộng sẽ khiến liên minh với Mỹ gặp nguy hiểm.
Khi Tập Cận Bình ký bản ghi nhớ, ông có thể thoáng thấy một sự chia rẽ khác, về một dự án cơ sở hạ tầng hiện có. Một cuộc biểu tình được lên kế hoạch trong cùng ngày chống lại một tuyến đường sắt cao tốc mới hoàn thành một phần nối Torino ở miền bắc Ý và Lyon ở Pháp. Cuộc tranh luận tiếp tục nổ ra trong chính phủ giữa liên minh, trong đó Liên đoàn Phương Bắc ủng hộ nó, còn Phong trào Năm sao lại không.
Theo Francesco Galietti, một chuyên gia tại Policy Sonar, một công ty tư vấn rủi ro chính trị, thì trong số tất cả những “quả bom nổ chậm” đe dọa làm sụp đổ chính phủ liên minh của Ý, rủi ro lớn nhất chính là việc hoạch định ngân sách năm sau diễn ra vào tháng 11. Cho tới nay cả hai bên đều tập trung vào việc gắn bó với nhau, ít nhất là cho đến khi cuộc bầu cử quốc hội châu Âu tháng 5 kết thúc.
Biên dịch: Phan Nguyên
Source: “Italy’s plan to join China’s Belt and Road Initiative ruffles feathers”, The Economist, 21/03/2019.