Bảo vệ nhân quyền ở Olympic Bắc Kinh 2022
Olympic có lịch sử phản đối bởi các vận động viên, nhưng Trung Cộng đang cố gắng ngăn chặn điều đó. Với mối quan tâm ngày càng tăng về bảo đảm quyền con người cho dân Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) và Hồng Kông, khả năng phản đối vi phạm nhân quyền ở Bắc Kinh sẽ ra sao?
Sự phản đối của các vận động viên gần như là một đặc điểm phổ biến của Olympic kể từ khi Olympic ra đời vào đầu thế kỷ 20.[1]
Tại Olympic 1906, vận động viên nhảy cao từ Ireland Peter O’Connor đã phản đối việc mình phải đăng ký với tư cách là một vận động viên người Anh – Ireland không có ủy ban Olympic quốc gia vào thời điểm đó. Peter O’Connor đã leo lên cột cờ trong lễ trao giải và vẫy cờ Ireland để phản đối việc phụ thuộc của Ireland vào Anh Quốc.
Tại Olympic Tokyo 2020, nhiều vận động viên và các đội tuyển vận động viên đã quỳ gối ủng hộ phong trào Black Lives Matter và phản đối kỳ thị màu da ở Mỹ trong các địa điểm tổ chức thế vận hội.
Lần cuối cùng Trung Cộng tổ chức Olympic mùa hè tại Bắc Kinh là vào năm 2008, lúc đó Trung Cộng là một quốc gia hoàn toàn khác với Trung Cộng dưới thời Tập Cận Bình. Tuy vậy, một điểm không đổi vẫn là vi phạm nhân quyền trầm trọng của Đảng Cộng Sản Tàu (ĐCST). Năm 2008, có các cuộc biểu tình do các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền tổ chức để phản đối việc vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng. Các vận động viên tuy nhiên đã giữ im lặng.
Đã có quá nhiều thay đổi trong 14 năm kể từ Olympic Bắc Kinh 2008. Các vận động viên có thể cảm thấy họ rất muốn lên tiếng. Bây giờ, toàn thế giới đã biết đến về chính sách diệt chủng của người Duy Ngô Nhĩ, liên quan đến việc ĐCST dùng phương tiện y tế để làm dân Duy Ngô Nhĩ không thể có con, giáo dục cưỡng bức trong các trung tâm giam giữ, thủ tiêu các nhà hoạt động và đe dọa trên khắp thế giới những người lên tiếng phản đối hành động diệt chủng tàn bạo của ĐCST.
ĐCST cũng đã gia tăng đàn áp xã hội dân sự ở Hồng Kông, chấm dứt hiệu quả chính sách một quốc gia, hai hệ thống. ĐCST đã ban hành luật an ninh quốc gia, đóng cửa các cơ sở truyền thông độc lập và bỏ tù đối lập chính trị.
Trong khi đó, các vụ lạm dụng khác của ĐCST – chẳng hạn như ở Tây Tạng – vẫn còn tái diễn. Thế giới cũng lo ngại về ngôi sao quần vợt Trung Cộng Peng Shuai, người đã biến mất vào cuối năm ngoái sau khi cô ấy cáo buộc một quan chức hàng đầu của ĐCST về hành vi xâm hại tình dục.
Tại giải quần vợt Australian Open vào tháng Giêng 2022, các vận động viên đã dùng cơ hội tại giải này để nói về Peng Shuai. Có nhiều khả năng là họ sẽ lên tiếng như vậy ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Cộng không phải là Australia.
Trong khi các quy tắc quản lý quyền tự do ngôn luận tại Olympic đã được nới lỏng sau sự phản đối của các vận động viên, ĐCST đã không làm gì để giảm bớt lo ngại về việc các vận động viên có thể lên tiếng phản đối các chính sách xâm hại quyền con người của ĐCST ở Bắc Kinh. Vào giữa tháng 1, Phó giám đốc ban tổ chức ở Bắc Kinh cô Dương Thụ nói rằng “Bất kỳ biểu hiện nào phù hợp với tinh thần Olympic, tôi chắc chắn sẽ được bảo vệ.” Sau đó, cô nói thêm, “Bất kỳ hành vi hoặc phát ngôn nào chống lại tinh thần Olympic, đặc biệt là chống lại luật pháp và quy định của Trung Cộng, cũng sẽ bị trừng phạt nhất định.”
Về cơ bản, lên tiếng là có nguy cơ ngồi tù. Đó là một cái giá cao phải trả.
Điểm quan tâm kế tiếp liên quan đến tự do phát biểu là công nghệ. Không giống như năm 2008 khi phương tiện truyền thông xã hội còn sơ khai, Trung Cộng sẽ rất lo lắng về khả năng các vụ lên tiếng cho nhân quyền có thể tiếp cận được nhiều đối tượng hơn trước. Bất kỳ ai đưa ra bình luận trên mạng xã hội từ trong Trung Cộng sẽ giao tiếp với thế giới thông qua các công ty viễn thông Trung Cộng.
Vào tháng 12, VOA News đưa tin rằng Trung Cộng đã cam kết tắt mạng kiểm duyệt tường lửa của ĐCST đối với các vận động viên và các phương tiện truyền thông được công nhận trong Làng Olympic, tại các địa điểm thi đấu và các khách sạn đã ký hợp đồng.
Tuy vậy, vì tường lửa kiểm duyệt có thể sẽ được nới lỏng không có nghĩa là những gì các vận động viên nói trên mạng xã hội sẽ không bị theo dõi bởi ĐCST.
Một mối quan tâm đặc biệt đối với các vận động viên là yêu cầu của ĐCST buộc họ phải tải xuống một ứng dụng có tên MY2022 lên điện thoại di động của họ trước khi đến Trung Cộng. Lập luận của ĐCST là ưng dụng MY2022 là cần thiết để duy trì một hệ thống cách ly vòng lặp khép kín liên quan đến các biện pháp chống Covid lây lan.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Citizen Lab ở Canada cho biết ứng dụng này không an toàn, dẫn đến một số ủy ban Olympic quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan và Anh, khuyến cáo các vận động viên của họ nên để thiết bị cá nhân và điện thoại di động của họ ở nhà.
Trong một tuyên bố chia sẻ với các vận động viên, ủy ban quốc gia Olympic của Canada đã viết: “Chúng tôi đã nhắc nhở tất cả các thành viên của Đội Canada rằng Olympic là cơ hội duy nhất cho tội phạm mạng và khuyến cáo họ nên cẩn thận hơn nữa tại Bắc Kinh, bao gồm cả việc cân nhắc để các thiết bị cá nhân ở nhà, hạn chế dữ liệu cá nhân được lưu trữ trên các thiết bị họ mang đến Bắc Kinh và thực hiện tốt rà xét an ninh mạng mọi lúc.”
Điều đáng chú ý là ứng dụng MY2022 cũng có một số tính năng khác ngoài Covid, chẳng hạn như dịch thuật và thời tiết được hỗ trợ bởi thông minh nhân tạo, cũng như các tính năng về nhắn tin và âm thanh. Citizen Lab cho biết MY2022 cũng bao gồm các tính năng cho phép người dùng báo cáo nội dung “nhạy cảm về mặt chính trị” trong khi phiên bản Android bao gồm danh sách các từ khóa phải bị kiểm duyệt bởi ĐCST.
Tổ chức Citizen Lab cũng cho biết, “Chúng tôi đã phát hiện ra một tệp có tên là legalwords.txt chứa danh sách 2.442 từ khóa thường được coi là nhạy cảm về mặt chính trị ở Trung Cộng.” Danh sách bao gồm các thuật ngữ như Tập Cận Bình, bạo loạn Thiên An Môn, Đạt Lai Lạt Ma, Tân Cương và cưỡng chế phá dỡ nhà đất, cũng như nhiều từ nhạy cảm với ĐCST khác.
Citizen Lab nói rằng nhiều thuật ngữ được viết bằng chữ Uyghur hoặc Tây Tạng, một điều “không phổ biến” trong các ứng dụng bị kiểm duyệt khác bởi ĐCST trên WeChat và YY.
Rất có khả năng một hoặc nhiều vận động viên có lương tâm và lòng tin vào lẽ phải sẽ sử dụng Olympic ở Bắc Kinh để lên tiếng về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng hoặc Hồng Kông. Câu hỏi đặt ra là liệu với sự theo dõi của thế giới, ĐCST có dám đàn áp tiếng nói của họ hay không.
Phạm Đình Bá (Giáo Sư đại học Toronto)
Nguồn:
- Mark Frary. Will athletes risk the wrath of Beijing to stand up for human rights? . 03 Feb 2022; Available from: https://www.indexoncensorship.org/2022/02/will-athletes-risk-the-wrath-of-beijing-to-stand-up-for-human-rights/.