Báo Mỹ đòi Washington đáp trả sự khiêu khích của Trung Quốc

Vào lúc Bắc Kinh không ngần ngại dùng cả lời nói lẫn hành động cụ thể chống lại việc Washington can dự vào tình hình Biển Đông, đang trở nên căng thẳng do các hoạt động bồi đắp và xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành trên các bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa, The Washington Post, một tờ báo có uy tín hàng đầu tại Hoa Kỳ, vào hôm qua đã công khai biểu lộ thái độ bất bình, và lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ phải có phản ứng đáp trả cụ thể trước các hành vi của Bắc Kinh bị tờ báo gọi là “khiêu khích nguy hiểm”.

Ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21/05/2015 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đảo Vành Khăn

Nguyên do trực tiếp khiến tờ Washington Post bất bình là sự kiện xẩy ra vào tuần trước, khi một chiếc phi cơ do thám của Mỹ, trong lúc bay trên Biển Đông gần các bãi ngầm ở vùng Trường Sa mà Trung Quốc đang bồi đắp, đã bị Hải quân Trung Quốc cảnh cáo đến 8 lần. Không những thế, ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng đả kích phía Mỹ, tố cáo một hành vi “vô trách nhiệm và rất nguy hiểm”.

Vấn đề tuy nhiên, theo tờ báo Mỹ, là các hoạt động của Hoa Kỳ hoàn toàn hợp pháp và hợp tình, hợp lý. Chuyến bay của chiếc phi cơ do thám Mỹ nằm trong các nỗ lực của Washington nhằm đánh động dư luận về những hành động khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc, khi cho ồ ạt xây dựng hạ tầng cơ sở tại một khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ.

Theo tác giả bài báo, Trung Quốc đã lấn lướt các láng giềng bằng cách xây dựng nhanh chóng nào là phi đạo, bến cảng, nào là các hạ tầng cơ sở khác tại một trong những vùng biển nhạy cảm nhất Châu Á – với những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo lên nhau. Điểm nguy hại được nhấn mạnh là nguy cơ Trung Quốc tìm cách giới hạn lưu thông trên không và trên biển qua khu vực gần các cơ sở mà họ đang hoàn tất ở Biển Đông.

Đối với The Washington Post, có thể là không thể nào ngăn chặn được các công việc mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, nhưng điều quan trọng là cần phải dứt khoát tố cáo và bác bỏ mưu toan của Trung Quốc muốn hạn chế tự do lưu thông, tại một vùng biển mà họ đòi chủ quyền đến 80% diện tích, dựa theo một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mơ hồ có từ thập niên 1940.

Ở một khu vực là đường qua lại của tàu bè quốc tế, Trung Quốc lại muốn loại tàu thuyền và máy bay quốc tế ra khỏi một vùng rộng 200 hải lý chung quanh các vùng tranh chấp, rộng hơn gấp bội so với 12 hải lý mà Hoa Kỳ công nhận.

Đối với The Washington Post, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thiếu cơ sở chính đáng, nhưng chế độ Tập Cận Bình lại từ chối sự trung gian hòa giải của quốc tế, hay tích cực đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử với các láng giềng. Trung Quốc cũng bác bỏ những phản đối của Mỹ liên quan đến hành động bồi đắp đảo nhân tạo.

Thậm chí, như Hoàn cầu Thời báo đã huênh hoang, Trung Quốc đang trong thế chủ động, và một khi các công trình tại Biển Đông hoàn tất, thì sự can thiệp của Mỹ sẽ trở nên vô nghĩa.

Trong tình đó đó, tờ báo Mỹ cho rằng Hoa Kỳ phải xúc tiến kế hoạch cho phi cơ bay qua khu vực mà Trung Quốc cho là của họ trên Biển Đông, hay cho chiến hạm tiến gần các vùng này. Đó là các biện pháp nhằm cho thấy rõ là Mỹ bác bỏ các đòi hỏi của Trung Quốc.

Mỹ và Nhật đã từng áp dụng chiến thuật tương tự để vô hiệu hóa vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố vào năm 2013 ở Biển Hoa Đông.

Đối với The Washington Post, thái độ cứng rắn của Mỹ sẽ động viên các quốc gia châu Á còn ngần ngại trong việc đoàn kết chống lại các yêu sách chủ quyền và hành vi áp đặt thô bạo của Trung Quốc. Một trong những lợi thế mà Washington có thể khai thác là cho dù rất muốn thiết lập quyền bá chủ trong khu vực, nhưng Trung Quốc vẫn tránh gây xung đột lớn với các nước láng giềng và với Hoa Kỳ. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng phải rút lui chiến thuật khi hành vi hung hăng trên biển của họ đã gặp phải sự kháng cự.

Trọng Nghĩa

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt