Bao giờ sự hèn hạ được thay thế bằng thái độ quyết liệt?
Bài báo của Joanna Chiu trên Foreign Policy (8-3-2016) đã cung cấp một số cập nhật liên quan tiến trình củng cố “chủ quyền” của Trung Cộng tại biển Đông. Không chỉ các đồn bót hay vọng gác, đảo Phú Lâm (Trung Cộng gọi là “Vĩnh Hưng”) giờ có cả sân bóng đá, ống dẫn nước ngọt, hoặc thậm chí quán trà. Đây là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Cộng đã biến thành “thành phố Tam Sa”.
Truyền thông Trung Cộng viết rằng, bây giờ, ở đây, cư dân có thể nhâm nhi càphê và đọc sách ở các tiệm giải khát dưới bóng mát hàng cọ; vào ban đêm thì họ quần tụ ở quán bia để thưởng thức nước giải khát lạnh. Khi không đánh cá hoặc bơi, họ chạy bộ quanh một đường đua, chơi thể thao trên bãi cỏ hoặc giao đấu cầu lông tại một khu giải trí mới toanh.
Cũng theo truyền thông Trung Cộng, một ngôi trường đã được khánh thành vào tháng 12-2015 để dạy cho khoảng 40 trẻ em. Tiện ích sinh hoạt còn được hỗ trợ với con đường chính trên đảo gọi là “Bắc Kinh lộ”. Cư dân tại đây có thể rút tiền từ cột ATM, ăn ở nhà hàng, gửi thư bằng đường bưu điện, hưởng tiện ích chăm sóc y tế tại một bệnh viện và có thể mua quần áo hoặc thiết bị điện tử ở các siêu thị mini.
Tam Sa còn có đài truyền hình riêng. Bắc Kinh đang kêu gọi đầu tư tư nhân vào hạ tầng Tam Sa nói riêng và các đảo khác nói chung. Phó thị trưởng Tam Sa cho biết, hệ thống cáp quang ngầm và trạm phát wifi không lâu nữa sẽ được thiết lập. Trong khi đó, hệ thống ống nước và trạm xử lý biến nước biển thành nước ngọt với dung tích 1.000 tấn cũng đang được xây dựng. Tại đảo Chữ Thập (Trung Cộng gọi là “Vĩnh Thử tiêu”), nơi đóng quân của 200 lính Trung Cộng, đã có nhà máy chuyển hóa nước biển và hệ thống tích trữ nước mưa…
Những thông tin được thuật ở trên thật ra chỉ là một lượng rất nhỏ thông tin liên quan hoạt động ráo riết của Trung Cộng ở khu vực Hoàng Sa. Trong khi đó, những thông tin “dồn dập”, như vốn được trông chờ và khao khát trông chờ, từ Việt Nam, nhằm chứng minh hành động cụ thể bảo vệ chủ quyền và tuyên xưng chủ quyền, lại gần như không hề có. Cho đến giờ, người dân vẫn chỉ nghe, vào những lúc xảy ra sự việc nghiêm trọng gì đó mà Trung Cộng gây ra, sự “khẳng định” quen thuộc của người phát ngôn Bộ ngoại giao, rằng “Việt Nam sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình” (phát biểu của người phát ngôn Lê Hải Bình trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 3-3-2016).
Bao giờ các đảo mà Việt Nam đang đóng giữ có cột ATM, bao giờ cư dân đảo Trường Sa được “ngồi uống càphê dưới bóng mát hàng cọ”? Bao giờ? “Biện pháp” là chỉ hành động. Chưa bao giờ và không thể bao giờ “biện pháp” được xem như là một tu từ.
Tất cả những chuyện này xảy ra khi mà ngư dân Việt Nam vẫn bị tấn công, như vụ tàu đánh cá xa bờ biển số KH 96640 TS của bà Lê Thị Hằng bị đánh chìm khiến 5 ngư dân bị mất tích vào ngày 8-3-2016; hoặc vụ xảy ra cùng thời điểm, liên quan ngư dân Võ Quang Thái, chủ tàu cá QNa-91939 (Quảng Nam). Sự việc được anh Thái thuật: Lúc 12g30 ngày 6-3, có hai tàu Trung Cộng áp sát, thả canô cho 13 lính mang quân phục màu đen có mặc áo phao, tay cầm roi điện nhảy lên tàu. Anh Thái bị 11 lính khống chế, đập toàn bộ thông tin liên lạc, bắt chụp hình rồi tiếp tục đập phá tài sản, lấy dao cắt 17 tay lưới, đập hai thúng chai…
Sự việc, một lần nữa, không có ý kiến gì từ Bộ quốc phòng Việt Nam. Lại thêm một câu hỏi “bao giờ”. Bao giờ ngư dân được bảo vệ; bao giờ sự hèn hạ được thay thế bằng thái độ quyết liệt?
Facebook Mạnh Kim