Báo chí Mỹ nói về chuyến đi của Obama ở Việt Nam
Trong vài ngày nữa, tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam lần đầu tiên. Theo tin mới nhất, ông sẽ viếng thăm Việt Nam trễ hơn một ngày so với lịch trình ban đầu, tức là từ ngày 23/05 đến 25/05, thay vì từ 22/05 đến 25/05. Trong những ngày qua, báo chí Mỹ đã có nhiều bài viết về chuyến đi Việt Nam đầu tiên của ông Obama, thuộc thế hệ những người đến tuổi trưởng thành khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Tờ New York Times ngày 15/05/2016 có đăng một bài viết về chuyến viếng thăm sắp tới của tổng thống Barack Obama ở Việt Nam, với tựa đề : “Obama thăm Việt Nam sẽ tập trung vào tương lai hơn là quá khứ”.
Tờ báo này viết : “Đối với ông Obama, chuyến viếng thăm Việt Nam sẽ không chỉ là dịp củng cố chính sách xoay trục sang châu Á mà ông đề xướng, mà còn là dịp tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh với một đối tác khu vực ngày càng quan trọng”.
Tranh luận không dứt về chiến tranh Việt Nam
Nhưng theo tờ New York Times, đối với các cựu chiến binh Việt Nam, chuyến đi của tổng thống đến một đất nước mà nhiều người trong số họ đã mất đi tuổi thanh xuân, và mất đi một số người bạn thân nhất của họ, sẽ gây ra nhiều cảm xúc mạnh mẽ, cũng như khơi lại những tranh luận không dứt về những hậu quả của cuộc chiến này.
Trả lời phỏng vấn tờ báo này, cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, cho biết : “Nó vẫn còn ám ảnh chúng tôi. Đó là sự lãng phí kinh khủng về sinh mạng và nhiều bài học chúng ta đã học ở đó, những bài học kinh khủng vẫn còn đeo bám chúng tôi”.
Tờ New York Times nhắc lại rằng, một trong những cản ngại trong quan hệ giữa hai nước chính là vẫn có một số người ở Hoa Kỳ tin rằng còn nhiều lính Mỹ sống sót bị giam giữ ở Việt Nam, như trong kịch bản của các bộ phim Missing in Action, với Chuck Norris thủ vai chính và loạt phim Rambo, với Sylvester Stallone trong vai người hùng.
Nhưng đối với các cựu chiến binh khác, chuyến đi Việt Nam của ông Obama là một lời nhắc nhở đáng hoan nghênh cho hai thế hệ người Mỹ đã đến tuổi trưởng thành vào lúc chiến tranh Việt Nam kết thúc, cho thấy tầm quan trọng của cuộc chiến này đối với Hoa Kỳ. Đối với những người này, những bóng ma của cuộc chiến tranh không thể yên nghĩ một cách dễ dàng.
Nhưng theo tờ New York Times, trong chuyến đi Việt Nam sắp tới, ông Obama chắc là sẽ không chú tâm nhiều vào những người đã ngã xuống trong chiến tranh như tổng thống Bill Clinton đã làm trong chuyến viếng thăm của ông vào năm 2000.
Khả năng nhiều hơn là ông Obama sẽ ca ngợi hợp tác giữa hai quốc gia về việc tẩy rữa tàn dư của chất độc Da cam, một trong những vấn đề thời chiến tranh vẫn còn quan trọng đối với Việt Nam. Nhưng tờ New York Times cho rằng, là một người đến tuổi trưởng thành vào lúc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, ông Obama sẽ không là biểu tượng của việc chữa lành những vết thương tâm lý mà một số cựu chiến binh đã bị, khi họ trở về nhà và bị nhiều đồng bào của họ khinh ghét vì đã sang chiến đấu ở Việt Nam.
Theo lời thượng nghị sĩ John McCain, Hoa Kỳ đã rút ra được bài học đó, tức là các quân nhân và cựu chiến bị nay thường được tôn vinh tại các sự kiện thể thao hay các cuộc tập hợp công chúng. Nhưng đối với một vài cựu chiến binh, chuyến viếng thăm của ông Obama gợi nhớ ký ức cay đắng về việc họ bị tẩy chay.
Theo tờ New York Times, thượng nghị sĩ Mccain nói rằng những nỗ lực của ông giúp bình thường hoá bang giao Mỹ-Việt là một trong những thành tích mà ông hãnh diện nhất. Ông còn cho biết kể từ sau chiến tranh ông đã đi Việt Nam nhiều đến mức “dân Hà Nội quen mặt tôi còn hơn cả dân thành phố Phoenix”.
Những nỗ lực đó từ lâu đã giúp ông McCain quên đi những ngày tháng kinh khủng nhất của cuộc chiến và của thời gian bị giam ở Việt Nam. Cho nên ông chắc là sẽ không xúc động vì những bức ảnh chụp tổng thống Obama viếng thăm Việt Nam.
Kêu gọi Obama nêu vấn đề nhân quyền
Tờ Washington Post ngày 15/05/2016 cũng đã có bài viết về chuyến đi của ông Obama đến Việt Nam, với tựa đề “Obama phải gởi một thông điệp đến Việt Nam”.
Tờ báo viết : “Trong khi Hoa Kỳ và Việt Nam có các lợi ích ngày càng gần nhau về thương mại và an ninh, ông Obama phải chú ý đến tình trạng nhân quyền tồi tệ của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm gần đây, nước này vẫn là một Nhà nước độc đảng chối bỏ các quyền tự do của người dân và lãnh đạo bằng vũ lực”.
Theo Washintong Post, việc bãi bỏ cấm vận vũ khí có vẻ hợp lý, nhưng ông Obama phải yêu cầu Việt Nam có những cải thiện thật su về nhân quyền trước khi bãi bỏ lệnh cấm vận đó. Tờ báo nhắc lại là đảng Cộng Sản hiện vẫn nắm độc quyền lãnh đạo và vẫn hạn chế các quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội và tự do tôn giáo. Bộ luật hình sự của Việt Nam còn hình sự hóa nhiều quyền căn bản của người dân.
Washington Post còn nêu lên việc một số ứng cử viên độc lập muốn ra tranh chức đại biểu Quốc Hội đã bị loại, trong số đó có nữ ca sĩ Mai Khôi. Tờ báo kêu gọi tổng thống Obama khi đến Việt Nam hãy gặp Mai Khôi và thúc giục Việt Nam trả tự do cho hòa thượng Thích Quảng Độ, lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ba thập niên qua vẫn khi thì bị buộc chuyển nơi cư trú, khi thì bị quản thúc tại gia. Hòa thượng Thích Quảng Độ đã viết một bức thư cho tổng thống Obama, đề nghị khi viếng thăm Việt Nam, ông hãy lên tiếng cho hàng ngàn người bị trừng phạt vì đã hoạt động đòi tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ.
Theo RFI