Báo Anh: Chuyên gia kêu gọi Mỹ và Ấn Độ cảnh giác với Trung Cộng
Trên trang “Thư độc giả” của The Economist có nêu bật, những ai quan tâm đến châu Á, không thể không chú ý đến hai lời cảnh báo về tham vọng bành trướng của Trung Cộng!
Mỹ phải cẩn thận với Trung Cộng tại vùng biển Caribe
(Caribe là vùng: là khu vực giáp Nam Mỹ về phía nam, Trung Mỹ về phía tây và Bắc Mỹ về phía tây bắc. Địa lý vùng Caribe bao gồm biển Caribe, các hải đảo thuộc nhóm Lucayan, Đại Antilles và Tiểu Antilles cùng dải duyên hải trên đất liền).
Dưới tiểu tựa “Trung Cộng bành trướng”, tuần báo Anh trích đăng ý kiến của Willem Oosterveld, chuyên gia phân tích chiến lược thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược La Haye (Hà Lan), cảnh báo Mỹ về sự lơ là hiện nay trước các động thái của Trung Cộng tại vùng Trung Mỹ.
Theo chuyên gia Hà Lan, tương tự như đối với châu Âu và châu Phi, Sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” của Trung Cộng cũng đã đến vùng bờ biển Caribê, như đã được The Economist ghi nhận ngày 28/07 trong bài “Cổng vào thế giới”.
Thường được coi là sân sau của Mỹ, vùng Caribê ngày càng biến thành “tử huyệt” của Hoa Kỳ. Lợi dụng cơ hội vùng này bị Washington bỏ bê về mặt chiến lược trong nhiều năm, Bắc Kinh đã lao vào xây dựng quan hệ với nhiều quốc gia ở đấy. Một loạt các đại sứ quán mới của Trung Cộng đã mọc lên trong toàn khu vực, một trong những cơ sở lớn nhất nằm ở Cộng Hòa Dominica nhỏ bé, một quốc gia chỉ có 74.000 dân.
Các chính quyền vùng Caribê không có nhiều tài nguyên thiên nhiên để cung cấp cho Trung Cộng, nhưng họ lại là những người rất mong muốn về đường xá, sân vận động, trường học, bệnh viện và dĩ nhiên là các dinh tổng thống và tòa nhà Quốc Hội.
Chuyên gia Hà Lan báo động: Ví dụ ở khu vực Nam Thái Bình Dương cho thấy là các cuộc tấn công kinh tế của Trung Cộng thường kèm theo hành động leo thang quân sự hóa khu vực. Một diễn biến tương tự có thể xảy ra ở Caribê trong những năm tới.
Hiện nay, vẫn còn quá sớm để nói là phải chăng Trung Cộng đang củng cố sự hiện diện ở vùng biển Caribê để trả đũa việc Mỹ cho Hải Quân tuần tra ở Biển Đông. Thế nhưng, nếu một lúc nào đó mà Bắc Kinh tăng tốc khống chế khu vực, thì Washington sẽ phải tự hỏi tại sao Mỹ lại ngủ quên trong khi Trung Cộng củng cố một vị trí chiến lược quan trọng ngay dưới mũi mình.
Ấn Độ cần động viên “Vòng Cung Dân Chủ” để kháng lại Trung Cộng
Cũng lo ngại trước các tham vọng bá quyền của Trung Cộng, nhưng tại vùng Ấn Độ Dương, phó đề đốc đã về hưu người Ấn Độ Anil Jai Singh, phó chủ tịch hiệp hội hàng hải Ấn Độ Indian Maritime Foundation tại thành phố Noida (Ấn Độ), đã xuất phát từ “thất bại” của khối ASEAN trong việc thành lập mặt trận đoàn kết chống tham vọng của Trung Cộng tại Biển Đông, để cảnh tỉnh chính quyền New Delhi.
Nhận định của vị tướng Hải Quân Ấn Độ đã về hưu này đối với Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN rất nghiêm khắc: “Trung Cộng đã thiết lập được quyền sở hữu vững chắc đối với Biển Đông, và khó có thể nhượng bộ bất kỳ nước nào khác. Bắc Kinh sẽ có thể buộc ASEAN làm theo ý Trung Cộng, vì các cố gắng rời rạc để ngăn chặn việc đó đều không hiệu quả. Khuyết điểm của ASEAN đã bị phơi bày một cách trần trụi”.
Đối với nhà quan sát người Ấn Độ, các hành vi của Trung Cộng tại Ấn Độ Dương hiện nay cần được kềm chế vì Bắc Kinh đang mở rộng sự hiện diện trong vùng thông qua các căn cứ hải quân, trong khuôn khổ một chiến lược tổng thể nhằm áp đặt quyền thống trị hàng hải của Trung Cộng trên toàn cầu.
Theo ông Singh, Hải Quân Ấn Độ có thể kềm hãm sự hiện diện hải quân của Trung Cộng trên Ấn Độ Dương vào lúc này, nhưng sẽ gặp khó khăn rất nhiều nếu Hải Quân Trung Cộng tiếp tục tăng cường sức mạnh với tốc độ hiện tại. Cuộc tranh chấp biên giới Trung-Ấn trên bộ đã có từ lâu, mà Trung Cộng cố tình duy trì với những hành vi khiêu khích thường xuyên, cũng hạn chế hành động của Ấn Độ.
Trong tình trạng đó, chuyên gia này kết luận : “Các nước trong “Vòng Cung Dân Chủ” (tức là Ấn, Nhật, Úc, Mỹ) cần phải phối hợp hành động nếu mục tiêu là phải duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Theo điểm báo Tây phương của RFI