Báo chí tây phương: G20 Tàu Cộng “run rẩy” chờ gặp Trump

Tập Cận Bình đi dự Hội Nghị G20 – 2018 trong lo âu

Lời người post: Bình luận từ các trang báo Tây Phương, Hội Nghị G-20 (20 nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới) chỉ nóng bỏng chờ đợi cuộc ăn tối của TT Trump và Tập Cận Bình ngày 1/12/2018. Dư luận cho biết, với tình hình hiện nay thì không có kết quả tốt gì như thế giới đang mong đợi. Mỹ thừa hiểu là chế độ Cộng Sản là “lùi một bước tiến ba bước” nên hiện nay mà không giải quyết dứt điểm ý đồ Trung Cộng thì một ngày không xa sẽ không còn cứu vãn được nữa.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tuần này tại thủ đô Buenos Aires, Argentina, chủ đề chiếm nhiều giấy mực nhất của báo chí Pháp hôm nay. Thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh nhấn mạnh: “Tàu Cộng lo sợ trước cuộc gặp Trump-Tập”.

Các nhà lãnh đạo Tàu Cộng chừng như thực sự run rẩy chờ đợi kết quả bữa ăn tối giữa Chủ Tịch Tàu Cộng Tập Cận Bình và Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump bên lề hội nghị G20. Trong trường hợp tốt đẹp nhất, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra từ sáu tháng qua có thể chấm dứt, nhưng chẳng ai tin vào điều này.

Nếu né được thuế mới, đã là tốt cho Tàu Cộng

Washington không ngừng gia tăng áp lực. Mới cách đây vài hôm, Thứ Tư 28/11, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tố cáo “chính sách hung hăng của Tàu Cộng gây thiệt hại nặng nề cho người lao động Mỹ”, nhất là thuế hải quan “cao khủng khiếp” đánh vào kỹ nghệ xe hơi Hoa Kỳ. TT Donald Trump còn tuyên bố sẵn sàng tăng thuế đánh vào 200 tỉ đô la hàng Tàu Cộng hiện nay từ 10% lên 25%, và áp thuế toàn bộ số 267 tỉ đô la còn lại.

Tại Bắc Kinh, chẳng ai khẳng định là ông Tập sẽ né được các sắc thuế mới, và nếu đạt được điều này thì đã là một thành công. Cũng có thể TT Trump loan báo đánh thuế nhưng sau đó hủy bỏ nếu Tàu Cộng thực hiện những cải cách mà Mỹ đòi hỏi. Hôm thứ Tư trong chuyến thăm cấp quốc gia Tây Ban Nha, Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ mở cửa thêm thị trường Hoa lục, cải thiện điều kiện đầu tư và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Nhưng vấn đề là ở đó: cho đến nay, Bắc Kinh liên tục đưa ra những lời hứa hẹn nhưng phương Tây chờ mãi chẳng thấy đâu cả. Tập Cận Bình cũng lờ đi việc tài trợ cho các tập đoàn quốc doanh khổng lồ, mập mờ về tài chính và độc quyền trong các lãnh vực quan trọng như ngân hàng, viễn thông…

Dù có thỏa thuận, sẽ chỉ là hưu chiến?

Nhật báo Le Monde ghi nhận, hôm thứ Ba 27/11, thứ trưởng Khoa học Công nghệ Từ Nam Bình (Xu Nanping) đã có hành động bất thường là mời khoảng 15 phóng viên ngoại quốc đến dùng tiệc trà để phân trần về ba điểm:

– Trước hết, theo ông, Bắc Kinh còn lâu lắm mới theo kịp Mỹ về công nghệ, và nếu có tiến bộ nhanh thì đó là nhờ các nỗ lực của chính người Tàu. Ông Từ Nam Bình không hề nhắc đến việc Tàu Cộng đã hưởng lợi rất nhiều khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.

– Cuối cùng ông nói rằng Washington than phiền thâm hụt thương mại mà lại muốn cấm xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao sang Tàu Cộng, vì Mỹ xuất siêu trong lãnh vực này – một “nghịch lý”, theo ông. Vị thứ trưởng mỉa mai, như vậy sẽ kích thích Tàu Cộng nỗ lực nâng tầm. Công ty kiểu mẫu là Huawei (Hoa Vi) phát triển trên khắp thế giới nhờ công nhân “làm việc như điên”. Tuy nhiên Le Monde nhắc nhở, đây chính là công ty viễn thông bị Washington cho vào tầm ngắm, tố cáo dọ thám cho Bắc Kinh.

Một cuộc xung đột địa chính trị kéo dài 15-20 năm?

Phía sau giọng điệu hòa nhã, thông điệp của ông Từ Nam Bình có vẻ đã rõ: Tàu Cộng sẽ không nhượng bộ nào đáng kể trước Mỹ. Nhà kinh tế Alicia Garcia-Herrero, phụ trách về châu Á của Natixis ở Hồng Kông nhận định: “Cho dù có tìm ra một thỏa thuận, thì chỉ là hưu chiến thay vì giải quyết dứt điểm chiến tranh thương mại. Lý do rất đơn giản: Hoa Kỳ và Tàu Cộng đang trở thành hai đối thủ cạnh tranh chiến lược, và còn sẽ tiếp tục như thế trong tương lai”.

Trong bài “Tại G20, Tàu Cộng và Hoa Kỳ thanh toán lẫn nhau”, báo La Croix dự báo cuộc đối mặt Trump-Tập sẽ làm mờ nhạt đi tất cả những chủ đề khác. Với câu hỏi trung tâm mà các nhà quan sát đều đặt ra: cuộc gặp này sẽ dẫn đến xung đột, hay là còn có khả năng đạt được một thỏa thuận nào đó?

Nhà kinh tế Christian Saint-Etienne nhấn mạnh: “Nếu có được thỏa thuận, thì chỉ là bề ngoài, từng phần và ngắn hạn. Những gì diễn ra giữa Hoa Kỳ và Tàu Cộng vượt quá cạnh tranh thương mại đơn thuần. Đó là một cuộc đối đầu trên mọi phương diện giữa hai siêu cường nhằm thống trị thế giới. Một cuộc xung đột địa chính trị, hứa hẹn sẽ kéo dài từ 15 đến 20 năm”.

Mỹ đang ở thế thượng phong

Theo La Croix, hiện giờ rõ ràng Washington “trên cơ” rất nhiều. Chỉ số tăng trưởng (3%), thất nghiệp (4%), và việc tăng 10% thuế hải quan quyết định hồi tháng 9/2018 lên 176 tỉ đô la hàng Tàu Cộng nhập khẩu cũng đã khiến cho ngân sách nhà nước thêm rủng rỉnh. Một nghiên cứu của Viện IFO (Đức) ước lượng những biện pháp bảo hộ đã giúp giảm 17% thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Tàu Cộng, mang về 16 tỉ Euro cho chính quyền liên bang. Và ông Donald Trump còn rất nhiều đạn dược: tăng mức thuế và áp thuế toàn bộ hàng Tàu Cộng.

Tuy nhiên ông Sébastien Jean, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Tế (CEPII) cho rằng: “Sức khỏe dồi dào của nền kinh tế Mỹ hiện nay là nhờ cải cách thuế, nhưng lại làm tăng thâm hụt ngân sách và nợ công. Người tiêu dùng và các nhà sản xuất Mỹ lệ thuộc vào thị trường sẽ phải trả giá”. Ông Julien Marcilly, kinh tế gia trưởng COFACE kết luận: “Chiến tranh thương mại chỉ gây thiệt hại, trực tiếp hoặc gián tiếp”.

Trước tình hình đó, châu Âu tất nhiên không khỏi lo ngại. Người ta hy vọng ít nhất có thể thúc đẩy hiện đại hóa WTO – được đưa vào chương trình nghị sự theo đề nghị của Pháp. Và theo một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm với G20, thì “một sự đồng thuận tối thiểu về điểm này đã có thể coi là chiến thắng, trong hoàn cảnh hiện nay”.

Trump mong thuyết phục cử tri, Tập không muốn tỏ ra sợ Mỹ

Báo Les Echos cho rằng cơ hội “hưu chiến” về thương mại, dù chỉ từng phần, là rất nhỏ nhoi.

Tổng Thống Donald Trump cần có được những nhượng bộ từ Tập Cận Bình để thuyết phục được các cử tri trung thành với mình, rằng cuộc chiến thương mại sắp mang lại kết quả. Cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua cho thấy một số vùng Trung Tây vốn đóng góp rất lớn vào chiến thắng của TT Trump trước đây, bị ảnh hưởng thuế quan nhiều nhất, có vẻ sẵn sàng quay lưng.

Về phía Tập Cận Bình, cũng cần chứng tỏ không sợ hãi trước Mỹ. Mục tiêu chính của cuộc gặp này đối với Bắc Kinh là tránh được việc Mỹ tăng thuế kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 như TT Trump đã đe dọa, khi đó 200 tỉ đô la hàng Tàu Cộng phải chịu mức thuế 25% thay vì 10%.

Nhà nghiên cứu Ding Yifan, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển trực thuộc chính quyền Tàu Cộng dự báo: “Có thể sẽ được giảm nhẹ mức thuế, nhưng không có nghĩa là tình hình trở lại bình thường”. Ông “không quá lạc quan” về kết quả, nhất là do chính sách thất thường của Mỹ.

Tàu Cộng không từ bỏ “Made in China 2025”

Các kinh tế gia của Nomura trong báo cáo hôm qua 29/11 nhận xét: “Bắc Kinh rất mong cuộc gặp Trump-Tập thành công, nhưng rõ ràng lại không muốn có những nhượng bộ theo đòi hỏi của TT Donald Trump”.

Bắc Kinh có thể cam kết nhập thêm hàng Mỹ hoặc mở cửa thêm thị trường, nhưng “đa số những hứa hẹn tương tự cũng đã được đưa ra trong những cuộc đàm phán trước”. Và khó có khả năng Tàu Cộng “cam kết cụ thể” về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, sáng tạo. Washington vào đầu tuần đã cho biết thất vọng với câu trả lời của Bắc Kinh, và có thể sẽ tăng thuế nhập khẩu xe hơi từ Tàu Cộng từ 25% lên 40% cho ngang với mức thuế đánh vào xe Mỹ hiện nay.

Cũng không loại trừ một thỏa thuận khiêm tốn. Wall Street Journal nêu ra khả năng Washington cam kết không đánh thêm thuế mới, đổi lại Bắc Kinh cam đoan dỡ bỏ thuế hải quan trên một số mặt hàng, chủ yếu là nông sản. Nhưng không một nhà quan sát nào tin rằng hai nguyên thủ sẽ giải quyết được những bất đồng chính yếu.

Tàu Cộng không muốn từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025” đang bị Hoa Kỳ “chiếu tướng”, và cuộc thương chiến khiến Bắc Kinh muốn đạt được tự cung tự cấp trong một số lãnh vực chủ chốt.

Cuộc gặp Trump-Tập như vậy, trừ khi có bất ngờ, theo Les Echos, sẽ kết thúc mà không có tuyên bố lẫn họp báo chung. Như vậy mỗi nguyên thủ tha hồ diễn dịch kết quả của bữa ăn tối làm việc theo ý mình.

G20: Thượng đỉnh của mọi căng thẳng

Nhìn rộng ra, bên cạnh võ sĩ ngôi sao Donald Trump đến Buenos Aires với quyết tâm so găng cùng Tập Cận Bình, Les Echos cho rằng G20 kỳ này là “hội nghị thượng đỉnh của mọi căng thẳng”. Tranh chấp thương mại, đấu tranh chống biến đổi khí hậu, bất đồng địa chính trị đa dạng…sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Trong bài “G20 với Donald Trump, chủ nghĩa đa phương đơn độc”, Libération ví von, bàn hội nghị G20 không lớn hơn chiếc bàn họp của 27 nước châu Âu, hay ở Liên Hiệp Quốc, nhưng có thể sẽ rung chuyển nhiều đợt.

Đặc biệt là sự hiện diện của thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salmane (MBS). Vị thái tử trẻ nhận được một món quà tẩm thuốc độc vô tiền khoáng hậu: một thẩm phán Argentina đang xem xét đơn kiện về tội ác chống nhân loại do Human Rights Watch đệ trình. Sự kiện này chưa từng diễn ra đối với một nguyên thủ đến dự G20. Nếu nhiều nguyên thủ khác sẽ cố tránh chụp hình chung với ông, MBS ít nhất vẫn phải tiếp xúc với Tổng Thống Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến tranh ở Yemen.

Thụy My RFI 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt