Bắc Kinh chiêu dụ học giả ngoại quốc để bảo vệ lập trường về Biển Đông
Báo mạng Anh ngữ tại Đài Loan Want China Times hôm nay, 11/10/2015, tiết lộ : Trung Quốc đang tung tiền ra để mời học giả từ các nơi khác, kể cả từ Đài Loan, nghiên cứu vấn đề tranh chấp Biển Đông, theo hướng bảo vệ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.Theo tờ báo Đài Loan, chính quyền Trung Quốc đã bơm tiền vào Đại học Nam Kinh để thúc đẩy nghiên cứu về các vấn đề Biển Đông. Với ngân quỹ này, Đại học Nam Kinh đã thành lập một trung tâm nghiên cứu gọi là hợp tác để đổi mới công việc nghiên cứu Biển Đông (tên tiếng Hoa là Trung Quốc Nam Hải Nghiên cứu Hiệp đồng Sáng tân Trung tâm – tiếng Anh gọi là Collaborative Innovation Center for South China Sea Studies).
Ông Chu Phong (Zhu Feng), từng là giáo sư nghiên cứu về quốc tế tại Đại học Bắc Kinh được chọn làm Giám đốc Trung tâm, còn ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), đứng đầu Viện Nghiên cứu Nam Hải ở Hải Nam, được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc.
Cho đến nay, Bắc Kinh đã mời học giả ngoại quốc đến nghiên cứu về vụ Philippines kiện các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông trước Tòa án Trọng tài quốc tế và Tòa án Quốc tế về Luật Biển vào năm 2013. Gần đây hơn, các học giả nước ngoài cũng được “huy động” vào việc “xem xét” vấn đề tàu Hải quân Mỹ tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp tại Trường Sa.
Việc chiêu dụ các học giả ngoại quốc phải chăng bắt đầu có kết quả ? Trong một bài “Ý kiến” đăng trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 21/09/2015, một chuyên gia Biển Đông người Mỹ, Tiến sĩ Mark Valencia, đã không ngần ngại phê phán lời kêu gọi của giới lập pháp Mỹ muốn Hải quân Hoa Kỳ tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo của Trung Quốc. Đối với nhà nghiên cứu này, vốn hợp tác chặt chẽ với các trung tâm Trung Quốc, thì việc làm đó “thiếu không ngoan, thậm chí nguy hiểm” và Bắc Kinh có phần có lý trong việc quy định các hạn chế quanh các đảo này.
Theo tờ Want China Times, Trung tâm nghiên cứu tại Đại học Nam Kinh đã thành lập mười chương trình nghiên cứu nhỏ với hy vọng sẽ chiêu dụ được học giả nước ngoài để học hỏi được từ các phân tích của họ. Một trong những chương trình đề xuất hợp tác với Đài Loan, bất chấp việc Đài Bắc cũng có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.
Việc hợp tác với học giả Đài Loan sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng kết luận của họ để củng cố lập luận của Bắc Kinh vì lẽ hai bên đều đòi chủ quyền rộng khắp, trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Trọng Nghĩa