Bốn nguyên cớ tử vong tại Mỹ được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp

Trang nhà https://www.vietquoc.org mỗi tuần đưa một bài về y học thường thức để qúy độc giả đọc và chăm sóc sức khoẻ, tuần này nói về “Bốn nguyên cớ tử vong tại Mỹ được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp” theo tài liệu của Hội Y Sĩ Việt Nam:

– Bệnh tim mạch
– Ung thư
– Bệnh nhiễm trùng
– Tai nạn

Trong bài này, chúng ta đề cập 3 nguyên cớ bệnh tim mạch, ung thư, và bệnh nhiễm trùng.

1. Bệnh tim mạch

Tử vong vì bệnh tim thời gian gần đây đã xuống. Chết chóc bớt nhờ thuốc men, trị liệu mỗi ngày mỗi tiến bộ. Thuốc hạ chất mỡ cholesterol làm hại tim đầy dẫy trên thị trường. Cholesterol trong máu giảm, nguy hại vì kích tim (heart attack) bớt hẳn đi. Nong mạch tim (angioplasty), mổ ghép mạch dẫn máu vào thành tim (coronary artery bypass graft) đã cứu phần tim bị thiếu máu nuôi dưỡng, hầu tránh cho thịt tim bị bầm chết. Qua cơn kích tim, sức bơm có yếu giảm, thuốc hóa chặn angiotensinogen (angiotensinogen converting enzyme inhibitor) đã giúp bệnh nhân thọ hơn. Quả thế, bị hóa chặn, angiotensin bớt đi, mạch máu giãn ra, bớt cản trở, tim bơm dễ dàng, và nhờ thế người bị tim bại xệ (failing heart) sống lâu hơn. Thuốc cản beta (beta blocker) cũng giảm tử vong cho người đã bị kích tim.

Y học đã đạt thành công lớn trong việc điều trị bệnh tim. Nhưng tại sao số người bị bệnh tim dường như tăng (hay không giảm)? Phòng bệnh, như thế, coi như đã thất bại? Người ta tìm đủ mọi cách để giải thích dữ kiện trái ngược này. Tại Mỹ, người già tăng, số người mang bệnh tim cũng tăng. Ðịnh bệnh tinh vi chính xác hơn, bệnh tim bá cáo gia tăng. Có biện bạch cách nào đi nữa, ai cũng phải nhìn nhận là phòng ngừa bệnh tim chưa áp dụng triệt để, nếu không muốn nói vô hiệu. Dân Mỹ dư cân, thừa lượng, béo mập nhiều quá. Lý do: thừa ăn! Thực đơn mỡ dầu chừa bứa từ nhỏ, cân lượng cứ tích lũy, mạch máu đóng mỡ, chai cứng, teo nghẹt là đương nhiên. Tẩm bổ kỹ, chả vận động, đời sống tĩnh tại khiến bụng phệ ra, cổ núng nính. Máu cao, tiểu đường mỗi ngày mỗi tăng sĩ số. Thuốc hút thả giàn, người hút bị máu cao, cholesterol lên, mạch tim teo nghẹt đã đành, người chung quanh vô tội, hà hít thụ động khói thuốc, cũng mang hậu quả tương tự. Bước bước xe, ngồi cả ngày, về nhà là dán mắt vào màn ảnh truyền hình – cử động nhiều nhất là ngón tay bấm nút chuyển vận đài – chúng ta bịnh hoạn là phải.

Ai chả biết ăn uống phải điều độ, rau trái là căn bản, thịt thà vừa đủ, tránh mỡ, dùng dầu. Nhưng khốn rau đắt hơn thịt, nấu nướng lại lích kích, trong khi hamburger vừa ngon miệng lại vừa rẻ. Lúc này chả ai dùng mỡ lợn để chiên, nhưng thịt ba chỉ bacon, xúc xích ngầy ngậy toàn mỡ. Những gói khoai chiên, vòng hành rán, ong óng dầu đặc margerine độc địa không kém mỡ chài. Chúng ta đã rập khuôn theo tiện nghi, giản dị, hỏa tốc của địa phương rồi, trở về nếp sống thanh đạm cũng khó. Ai chả hiểu rau trái cung ứng chất xơ (fiber) làm tiêu hoá tốt, cholesterol LDH hạ, ngừa tránh bệnh tim mạch (có sinh tố loại B làm homocystein xuống, ngăn giảm kích tim), ngừa một số ung thư, nhưng nhà ăn cafeteria toàn bày bán rau nấu không đúng khẩu vị, đậu váng mỡ, cải hầm lẫn thịt ba chỉ, xà lách trộn đầy dầu…

Bên ta đi làm trả lương tháng, Mỹ tính lương giờ, sau 8 tiếng, ra về, gân cốt rão ra, người lử khử. Thể dục hay đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày – ai chả biết – tối cần thiết cho tim mạch khoẻ mạnh, tránh mỡ cholesterol vọt cao, ngừa insulin bị lờn khiến tiểu ra đường, nhưng thi hành thật khó.

Ði nghỉ hè về, tưởng đâu, vì ăn uống thất thường, cân xuống, hoá ra ai cũng nặng thêm vì coke, vì cơm tiệm, vì ngồi nhiều, và buồn miệng, “chip” cứ bốc rón nhai đều đều. Các bạn trẻ thì khỏi nói, ăn mãi thức ăn trường, về lại lục pizza, tìm “chip”, nhâm nhi vào, người dễ đẫy đà, nặng kí. Bé béo mập, thành nhân, phì nộn là phải.

Thực đơn giảm kí cần gì phải lôi thôi, cứ độn rau cho no, rau ít năng lượng, xuống cân chắc chắn. Thực đơn giản dị vậy mà ít người theo, cứ uống đủ thứ thuốc giảm đói, độc hại như Phen/Phen hay Redux làm mạch phổi tăng áp suất, van tim hư, và tim bại yểu. Càng ở Mỹ sớm càng dễ mang bệnh tim mạch. Thật ra thì nếp sống Hoa Kỳ bây giờ đâu cũng bắt chước, bệnh tim tăng khắp nơi là vậy. Bệnh tiểu đường vùn vụt tăng trong cộng đồng di dân. Tiểu đường cũng như máu cao làm tim mạch bệnh hoạn.

Lười mấy, đa đoan mấy, có lẽ ta cũng phải để ý đến ăn uống và vận động, nếu muốn sức khoẻ được khả quan. Thuốc hút khó bỏ nhưng cũng thử cai xem sao. Hút thuốc lá là tật cố hữu của trên 50% nam nhi ta. Mầm mống ung thư, thuốc lá hại tim mạch hơn cả. Rượu nữa, nguyên cớ tiểu đường từ đấy, cũng như bệnh gan, bệnh óc… Chiều chiều làm một cốc rượu vang cũng không sao, có lợi cho tuần hoàn là đằng khác. Chỉ sợ điều độ không tôn trọng và từ một ly ta tăng cấp lên một lít cũng mau.

2. Ung thư

Ung thư không còn là án tử hình. Nhiều ung thư đã trị được như ung thư bạch cầu của trẻ em (leukemia), ung thư hạch bạch cầu (lymphoma)…

Ngay như ung thư vú – nghe rợn người – biết sớm, sống còn sau 5 năm đạt được trên 97%. Quan trọng là tìm dò ung thư vú bằng cách khám vú định kỳ, chụp vú mỗi năm. Thuốc tamoxifene ngừa được ung thư cho ai nằm trong số không may có yếu tố nguy hại cao, như có di chủng BRC1-2 chẳng hạn. Thuốc herpecin cũng là một khám phá mới cho một số bệnh nhân bị bệnh tái lại tràn lan. Chị em phụ nữ không nên lơ là trong việc tìm dò bệnh ung thư vú vì tỷ số bệnh rất cao, 1/9 phụ nữ, tính đến tuổi thọ 86 năm. Ða số bệnh nhân không có yếu tố nguy hại nào cả, bệnh xẩy ra bất ngờ. Chụp vú để tìm bệnh đã giảm tử vong được một nửa đối với phụ nữ trên 50.

Ung thư cổ tử cung (dạ con) đã giảm thật rõ rệt tại Hoa Kỳ. Ðây là thành quả hùng hồn nhất về tìm tòi ung thư và trị liệu khi ung thư mới manh nha. Phụ nữ tại Mỹ đã đi khám nội tọa (pelvic exam), thử tế bào Pap (Pap smear) hằng năm. Tốn có mấy chục bạc, thử tế bào Pap smear đã ngừa được ung thư cổ tử cung từng hoành hành ở Mỹ mấy chục năm trước đây. Bây giơ bệnh chỉ thường thấy ở từng lớp thấp kém kinh tế xã hội (low social economic group) thôi. Dĩ nhiên ung thư cổ tử cung còn gieo tai họa tại các nước đang mở mang, chưa được hưởng lợi ích của thử nghiệm tế bào, dẫu thật rẻ tiền. Phụ nữ nào phải thử Pap smear? Ai cũng phải thử, và thử định kỳ; càng sớm vương vào tục lụy, càng nên sớm thử, vì tội phạm là người bạn tình chứ ai! (Xin nhớ y học không chính xác, nguyên nhân ung thư cũng nhiều, chớ vội hạch hài, bế quan tỏa cảng mà lầm!).

Ung thư nhiếp hộ tuyến (prostate), hạch nhờn bao quanh cổ bọng tiểu (bladder) nam giới, đã tìm thấy sớm hơn, từ ngày có thử nghiệm PSA (prostate specific antigen). Nam nhân nào cũng dễ bị ung thư nhiếp hộ tuyến nếu tuổi thọ đủ cao. Cơ hội mắc bệnh tăng với tuổi đời. Tìm dò bằng thử PSA, kháng chất của nhiếp hộ tuyến tiết ra trong máu. Khi hạch nhờn bị ung thư, PSA tăng vọt lên.

Ung thư ruột già cũng rất thường thấy trong cộng đồng người Việt. Tìm dò bằng cách thử nghiệm tìm máu ẩn (occult blood) trong phân. Nếu ung thư gần hậu môn, ngón tay khám có thể sờ được. Soi ống định kỳ nên làm cho ai đã trên 40-50, sớm hơn cho người có thân nhân bị ung thư ruột già hay chính mình có u bướu sẵn trong ruột, dẫu lành tính. Ðể ngừa ung thư, thường bác sĩ khuyên người có u bướu ruột già đi giải phẫu cắt khúc ruột bất thường đó đi. Khám thấy sớm, chữa trị kịp thời, ung thư ruột già trị khỏi được.

Ung thư gan (hepatoma) rất thường thấy ở người Á Ðông: Phi, Tầu, Việt… vì đa số bệnh ung thư gan là hậu quả của viêm gan kinh niên B và C vẫn ngấm ngầm hủy hại tế bào gan ở Á Châu. Siêu vi viêm gan B và C lây qua máu truyền, kim dơ, hay qua giao hợp… Thường bệnh cũng lây từ mẹ qua con, trẻ con nô đùa đổ bệnh cho nhau… Ít khi bệnh phát rõ rệt, cho nên đa số chúng ta lây siêu vi viêm gan B và C lúc nào không hay và bất thần thử máu mới biết. Bệnh âm ỷ mấy chục năm rồi mới làm gan xơ (cirrhosis) và ung thư (hepatoma).

Hiện nay, trị liệu phối hợp interferon với thuốc chống siêu vi (antiviral) cũng đạt được kết quả khả quan cho một số đáng kể những người chẳng may chuyên tải kinh niên siêu vi trong người.

Siêu vi viêm gan B là một đại hoạ nhưng ngừa được bằng thuốc chủng. Trẻ em ở Mỹ được chủng miễn phí. Các nước Á Châu tân tiến như Ðại Hàn và Ðài Loan đã phát động tiêm ngừa. Thuốc chủng còn đắt, nước kém kinh tế chưa dám nghĩ đến. Người lớn tính sao? Hiện nhân viên bệnh viện được khuyến khích tiêm ngừa siêu vi viêm gan B, người không chung đụng với bệnh nhân cũng nên tiêm ngừa. Thuốc không hành, và giá không đắt lắm.

Siêu vi viêm gan C chưa có thuốc chủng.

Siêu vi viêm gan A đã có thuốc chủng. Siêu vi viêm gan A nhập vào chúng ta qua miệng từ tay người ô uế (thay diaper cho trẻ nít, hay đại tiện rồi không rửa tay sạch). Viêm gan A hại cấp tính, may thay không âm ỷ gặm nhấm tế bào gan làm chai xơ và ung thư.

Khó tìm dò, ung thư phổi biết được thường đã trễ, không cắt được nữa. Thuốc lá gây ra một số lớn ung thư phổi. Hút thuốc nhiều, người Việt dễ mắc ung thư phổi hơn ai. Sống chung với người hút thuốc, hít hà khói thuốc lâu năm cũng dễ mắc tai họa như người hút vậy: ung thư, bệnh tim mạch…

3. Bệnh nhiễm trùng

Cứ tưởng sẵn vũ khí trụ sinh, bệnh nhiễm trùng phải tận diệt, hoá ra cuộc chiến mang sắc thái khác. Ðành rằng từ ngày phát minh ra penicillin, kết quả chữa trị bệnh nhiễm trùng thật phi thường, không thể chối cãi được. Nhưng hiện tượng lờn thuốc thật nguy hiểm, nhanh hơn độ phát minh thuốc mới. Lý do: toa kê bừa bãi, vi trùng thay dạng, tạo lờn tính. Kỹ nghệ chăn nuôi dùng liều trụ sinh tối thiểu khiến vi trùng – lây cho người – đã quen thuốc. Con người phải chung đụng với kẻ thù mới như trường hợp Hantavirus chẳng hạn. Xuất phát từ phân loài gặm nhấm, Hantavirus rất độc, bệnh nhân chết thật mau. Bệnh lao tưởng đã tận diệt, giờ lại tái phát vì cơ thể người chuyên tải vi trùng yếu miễn nhiễm do bị AIDS, hay ghiền rượu. Ðáng sợ là vi trùng lao lờn thuốc, không phải lờn một mà lờn với tất cả thuốc hiện hành. Ngày nay di chuyển nhanh chóng, hoàn vũ, vi trùng lao lờn thuốc dễ reo rắc khắp nơi, trên phi cơ kín, trong phòng hội đông đúc, từ Ðông sang Tây, hậu quả thật vô lường.

Bệnh đậu mùa (variola) – làm bệnh nhân sống sót mặt rỗ như tổ ong bầu – đã hoàn toàn bị chế ngự. Câu hỏi là nên hủy diệt số vi khuẩn tồn giữ hay duy trì để khảo cứu. Lợi cho khoa học nghiên cứu. Hại vô cùng nếu lọt vào tay kẻ phá hoại: lỡ kẻ ghét xã hội đánh cắp được mang ra vung vãi, trẻ em đã lâu bỏ trồng trái rồi làm gì có miễn nhiễm để chống trả.

Bệnh tê bại trẻ em gần như đã chế ngự nhờ thuốc chủng uống và chích.

Bệnh AIDS (gây do siêu vi HIV), đã lây cho cả 10 triệu người Phi Châu, dưới sa mạc Sahara, vùng nghèo túng, kém mở mang. Á Châu đông dân hơn, nạn nhân chắc phải nhiều hơn. Riêng ở Mỹ, có 1 triệu người Mỹ mắc bệnh AIDS. Ở Mỹ, người lây siêu vi HIV sống lâu hơn nhờ trị liệu sớm với tổng hợp thuốc. HIV chưa trị tuyệt nhưng chặn đứng được. Quả thế, tử vong vì AIDS đã giảm nhiều. Số người lây bệnh vẫn còn cao, thêm 10 ngàn mỗi năm. Chích choác độc dược với kim dơ vẫn thịnh hành và lang chạ không bao che vẫn liều mạng. Ở Phi cũng như ở Á nghèo túng – thuốc đâu mà trị, bao đâu mà đeo, chưa kể ngu dốt, phong hoá suy đồi, cộng thêm, nhà nước bít bưng, vì sợ xấu mặt, e mất du khách – bệnh mặc sức hoành tung. HIV chưa có thuốc ngừa.

Bệnh nhiễm trùng ruột tưởng không đáng ngại hay sao? Lâu lâu lại thấy trẻ em bị bạo bệnh ruột mà chết. Sau khi ăn thịt bò xay, uống nước táo… trẻ em bị tiêu ra máu, nước tiểu đỏ do hồng cầu bể, thận bại, áp huyết kích xúc. Lý do: vi trùng E. coli, loại độc, còn sống sót trong thịt bằm xay, nướng chiên còn hồng đào, trong nước táo không khử trùng (pasteurised). Lời khuyên: chớ ăn thịt xay hồng đào! Vi trùng lẫn trong thịt còn sống nhăn, nếu lửa chưa đủ, nước nhễu ra chưa nâu đậm.

Khi xuất ngoại, chúng ta cữ ăn rau trái sống là phải. Về Mỹ thì sao? Xin nhớ, rau trái ở Mỹ nhập cảng rất nhiều, có khi đến 70%. Nhà nước đã cho phép chạy quang tuyến thịt thà rau trái để phòng nhừa nhiễm trùng nhưng còn vài trở ngại trước khi thi hành. Ngày nay, thực phẩm phân phối ở tầm vóc đại qui mô, nhiễm trùng xẩy ra, do đó, liên hệ đến nhiều người chứ không thu gọn cho một vài cá nhân, nên biện pháp phòng ngừa chắc chắn phải quyết liệt.

Tuy ở Mỹ không còn nữa, những bệnh cố hữu bên nhà vẫn liên tục đe doạ: sốt rét (malaria), độc nhất là loại falciparum, sợ nhất là loại lờn thuốc kí ninh (quinine). Bệnh thương hàn (typhoid fever), hiện đã có thuốc chủng mới, ít hành hơn loại thuốc chủng ngày xưa quân y bắt ta xếp hàng, lụi vào cánh tay. Ngoài ra, còn các bệnh sốt xuất huyết, bệnh sưng óc Nhật Bản…

Vì kinh tế èo ọt, ăn ở thiếu vệ sinh, nước không khử, phóng uế bừa bãi, y tế công cộng thô sơ, bệnh nhiễm vi trùng vẫn là nguyên cớ hàng đầu chết chóc ở Việt Nam cũng như tại các nước kém mở mang khác, Á cũng như Phi.

Cuộc cách mạng luyến ái, do thuốc ngừa thai phát sinh, đã dẫn đến bộc phát của bệnh phong tình, tràn lan, nhất là trong giới trẻ, chứ không nhất thiết thu gọn trong địa hạt độc quyền của người chuyên nghiệp dịch vụ luyến ái nữa. Siêu vi HIV của AIDS lúc nào cũng là mối lo. Siêu vi viêm gan B, C cũng đáng để ý ngăn ngừa. Vi trùng chlamydia trachomatis (giống như vi trùng đau mắt hột), rất lan truyền nhưng dễ trị bằng trụ sinh, gây ra nhiều hậu quả: viêm nội toạ phụ nữ đưa đến hiếm muộn vì ống dẫn trứng sưng nghẹt. Lắm khi không triệu chứng, bệnh nhiễm vi trùng chlamydia trachomatis phải tìm ra để kịp thời chữa trị, trước khi gây họa cho mình và lây truyền sang cho người khác qua luyến ái.

Kết luận

1/ Về trị liệu, y học đã bước thật dài. Bệnh tim đã bớt giết hại nhờ thuốc hay thầy giỏi. Bệnh ung thư không còn hoàn toàn bất trị. Phần lớn bệnh nhiễm trùng cũng đã khống chế được.

2/ Nhưng ngừa bệnh còn khiếm khuyết. Thuốc trị chưa toàn năng. Thuốc chủng ngừa HIV chưa tìm ra. Y học còn phải vất vả tìm tòi, khảo cứu.

3/ Nhận xét rõ rệt nhất là đa số bệnh tật nằm trong sự kiểm soát của chính bản thân chúng ta. Thật thế, một nếp sống lành mạnh, không rượu chè, không thuốc lá, không lang chạ, ăn uống đạm bạc, vận động đều, cộng thêm chủng ngừa viêm gan B, cúm, sưng phổi, một số lớn bệnh tật đã tránh được.

Luôn cảnh giác, khám bệnh định kỳ, tìm dò ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư ruột già, ung thư nhiếp hộ tuyến… Có xẩy ra, bệnh chưa quá trễ, trị liệu còn kịp thời, và sức khoẻ cũng như sinh mạng bảo tồn.

(Theo Tài liệu của Hội Y Sĩ Việt Nam)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt