BẢN TIN LIÊN HỘI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM Ở THỤY SĨ
VĂN BÚT QUỐC TẾ HỌP ĐẠI HỘI THẾ GIỚI Ở NAM HÀN ĐỒNG THANH CHẤP THUẬN QUYẾT NGHỊ ỦNG HỘ NHỮNG NHÀ CẦM BÚT ĐỘC LẬP NHỮNG NGƯỜI TRANH ĐẤU BẢO VỆ NHÂN QUYỀN VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI ĐANG BỊ ĐÀN ÁP TÀN BẠO Ở VIỆT NAM…
Quyết Nghị về Việt Nam do Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại soạn thảo với sự tán trợ của các Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Đức thoại, Văn Bút Thụy Sĩ Ý thoại và Réto-romanche (đã được Hội đồng Đại biểu của Văn Bút Quốc Tế đồng thanh thông qua).
Hội đồng Đại biểu của Văn Bút Quốc Tế họp Đại Hội Thế Giới kỳ thứ 78 tại Gyeongju, nước Nam Hàn, từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 9 năm 2012
Nhận định rằng :
VIỆT NAM vẫn còn là một mối quan tâm lớn: Nhà cầm quyền tiếp tục đàn áp quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm. Họ cho áp dụng các điều luật hình sự nhằm hủy diệt tự do. Phải kể đặc biệt là điều 88 ‘’Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCHVN’’ và điều 258 ’’Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước”. Bị cáo buộc bởi điều 88, người vô tội có thể bị kết án đến 20 năm tù giam; với điều 258, có thể bị tuyên phạt đến 7 năm tù giam. Các tòa báo in, các cơ quan truyền thông đại chúng (phát thanh và truyền hình), mạng lưới Internet và các cơ sở xuất bản bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ và chịu sự kiểm duyệt gắt gao. Việc hạn chế tùy tiện trắng trợn vẫn còn hiệu lực đối với quyền tự do tìm kiếm, thu nhận và trao đổi tin tức, nhứt là các tin tức nhằm xác định trách nhiệm đối với các hành động vi phạm nhân quyền, tham nhũng và bất công xã hội. Nhiều nhà văn, nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử và các nhà hoạt động bênh vực nhân quyền là nạn nhân của những hành vi sách nhiễu, những trận đánh đập tàn nhẫn, những vụ bắt giữ độc đoán, những sự đối xử võ phu, hung bạo của công an cùng những đòn tra tấn. Những người vô tội đó thường phải trải qua những tháng năm kéo dài thời gian giam cứu trước khi bị đưa ra xét xử tại những phiên tòa thiếu công minh để chỉ nhận lấy những bản án tù nặng nề bất nhân. Trong các trại lao động cưỡng bức, tù nhân ngôn luận và lương tâm nào từ chối nhận tội hoặc tuyệt thực để phản đối các điều kiện giam cầm vô nhân đạo đều bị biệt giam và/hoặc bị nhốt kín ở một nơi không ai biết. Tù nhân mắc bệnh nặng bị tước quyền được chăm sóc y tế thích hợp và được gặp gia đình tới thăm nom. Một số tù nhân đó đã bị tù thường phạm hành hung. Những tù nhân ngay sau khi rời trại giam đều phải bị quản thúc tại nhà trong khuôn khổ án tù quản chế đến 5 năm.
Bất bình và phẫn nộ vì được báo động về tình trạng sức khỏe tồi tệ và điều kiện giam cầm vô nhân đạo của nhiều nhà văn, nhà báo và tác giả nhựt ký điện tử bị hành hạ ngược đãi. Trong số những trường hợp nguy cấp nhứt (Bảng Danh sách không đầy đủ đính theo dưới đây) :
– Linh mục Nguyễn Văn Lý, biên tập viên của tạp chí Tự do Ngôn luận (không được CS công nhận hợp pháp). Năm 2007, Linh mục bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm tù quản chế. Trước đây, Linh mục từng bị tù giam 15 năm trong khoảng thời gian 1977-2005. Tháng 11 năm 2009, Linh mục bị tai biến mạch não gây liệt nửa người phải. Lo sợ Linh mục Nguyễn Văn Lý sẽ chết nếu bị tai biến mạch não một lần nữa, bộ Công an đã chuyển Linh mục về thành phố Huế vào tháng 3 năm 2010. Linh mục bị quản thúc có công an kiểm soát trong lúc trị bệnh. Ngày 25 tháng 7 năm 2011, Linh mục đã bị công an đưa trở lại trại tù để thi hành tiếp bản án tù giam cho tới cuối vào năm 2015. Linh mục vẫn bị liệt một phần cơ thể và bị chứng u tuyến tiền liệt có thể chuyển thành ung thư.
– Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà văn và nhà thơ, nguyên hội viên Hội Nhà văn Hải phòng, thành viên Khối 8406 (Mạng lưới Bênh vực Nhân Quyền), đồng biên tập viên báo Tổ Quốc (không được CS công nhận hợp pháp), tác giả của nhiều bài thơ, truyện ngắn, bút ký, sổ tay, bài báo. Năm 2009, ông bị kết án 6 năm tù giam và 3 năm tù quản chế. Lên tiếng phản đối những điều kiện giam cầm tồi tệ và một mực xác quyết mình vô tội, ông bị biệt giam nhiều tháng trời trong năm 2011. Ông lại còn bị tước quyền được chăm sóc y tế thích hợp và được gặp gia đình tới thăm nom. Hiện ông đang bị chứng trĩ, loét dạ dày, sỏi thận và viêm khớp.
– Ông Nguyễn Văn Hải (bút hiệu Điếu Cày), nhà báo độc lập và tác giả nhựt ký điện tử, đáng lẽ ông phải được trả lại tự do sau khi đã mãn hạn án tù giam (2 năm 6 tháng) vào tháng 10 năm 2010. Tuy nhiên ông lại bị chuyển vào trại giam của bộ Công an thành phố HCM dường như với các cáo buộc vào điều 88 luật hình sự. Các cáo buộc đó được cho là căn cứ vào các bài viết trên Internet của ông trước khi ông bị bắt vào năm 2008 nhằm cổ xúy cho Câu Lạc Bộ Nhà báo Tự do ở Việt Nam. Một mực xác quyết mình vô tội, ông bị nhốt kín ở một nơi không ai biết. Ông bị tước quyền được gặp gia đình tới thăm nom. Ông không được quyền nhận thư từ, thuốc men và thực phẩm từ ngày 18 tháng 10 năm 2010 cho tới ngày 2 tháng 5 năm 2012. Sức khoẻ của ông vốn đã yếu kém lại càng suy giảm thêm sau khi ông tuyệt thực trong năm 2011.
Cực lực lên án những vi phạm quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm tại Việt Nam và thúc giục nhà nước CHXHCNVN :
– Trả tự do, ngay lập tức và không điều kiện, Linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà văn Nguyễn Xuân Nghiã, nhà báo Nguyễn Văn Hải và tất cả những nhà văn, nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử bị hành hạ ngược đãi được nêu tên trong Danh sách đính theo dưới đây, cũng như tất cả những người khác đang bị nhốt tù hoặc giam cứu chỉ vì đã hành sử quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm của mình;
– Chấm dứt các tấn công, sách nhiễu, đe dọa bắt bớ hoặc giam cầm độc đoán đối với những người có quan điểm và chính kiến khác biệt hoặc những người cổ xúy cho tự do tư tưởng, tự do về lương tâm, tôn giáo và tín ngưỡng;
– Bãi bỏ mọi hạn chế tùy tiện đối với các cựu tù nhân ngôn luận và lương tâm, kể cả những người vẫn chưa hết hạn tù quản chế;
Cải thiện điều kiện giam cầm trong – các nhà tù và các trại lao động cưỡng bức, chận đứng việc để các tù thường phạm gây hấn và tấn công các tù nhân ngôn luận và lương tâm, nghiêm cấm và trừng phạt mọi hình thức tra tấn, hành hạ ngược đãi, cho phép các tù nhân ngôn luận và lương tâm mắc bệnh được chữa trị tại bệnh viện, được chăm sóc y tế thích hợp, cũng như tạo điều kiện dễ dàng cho gia đình tới thăm nom;
Xóa bỏ mọi hình thức kiểm duyệt và – giải tỏa các cấm đoán về quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm, quyền tự do báo chí, quyền được thông tin bằng mọi phương tiện kể cả nhứt là Internet, cũng như quyền tự do hội họp và tự do lập hội, phù hợp với các Điều 19, 21 và 22 của Công ước Quốc tế và các quyền Dân sự và Chính trị (PIDCP/ICCPR).
Bản văn đính kèm : Danh sách (không đầy đủ) các nhà văn, nhà báo và tác giả nhựt ký điện tử bị đàn áp ngược đãi :
1. Đang thọ hình với bản án tù giam nặng nề :
. Ông Cù Huy Hà Vũ bị kết án 7 năm tù giam, ông Đinh Đăng Định 6 năm tù giam, bà Hồ Thị Bích Khương 5 năm tù giam, ông Lê Công Định 5 năm tù giam, ông Lê Thanh Tùng 5 năm tù giam, ông Lư Văn Bảy 4 năm tù giam, ông Nguyễn Hữu Cầu tù chung thân, ông Nguyễn Kim Nhàn 5 năm 6 tháng tù giam, ông Nguyễn Mạnh Sơn 3 năm 6 tháng tù giam, ông Nguyễn Phong, 6 năm tù giam, ông Nguyễn Thanh Long (Mục sư Nguyễn Công Chính) 11 năm tù giam, ông Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù giam, Mục sư Nguyễn Trung Tôn 2 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Túc 4 năm tù giam, bà Phạm Thanh Nghiên 4 năm tù giam, ông Phạm Văn Trội 4 năm tù giam, ông Phan Ngọc Tuấn 5 năm tù giam, ông Trần Anh Kim 5 năm tù giam, ông Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù giam và ông Vi Đức Hồi 5 năm tù giam;
2. Đang bị nhốt tù chờ đưa ra tòa :
. Ông Lê Văn Sơn (Paulus) bị bắt hồi tháng 8 năm 2011, ông Nguyễn Văn Khương (bút hiệu Hoàng Khương) bị bắt hồi tháng giêng năm 2012, ông Phan Thanh Hải (bút hiệu Anh Ba Sài Gòn) bị bắt hồi tháng 10 năm 2010, bà Tạ Phong Tần (tác giả nhựt ký Công Lý và Sự Thật) bị bắt hồi tháng 9 năm 2011, ông Trần Vũ Anh Bình bị bắt hồi tháng 9 năm 2011, ông Võ Minh Trí (bút hiệu Việt Khang) bị bắt hồi tháng 12 năm 2011.
3. Bị quản chế từ năm 2003 :
. Hòa thượng Thích Quảng Độ (thế danh Đặng Phúc Tuệ), 84 tuổi, tu sĩ Phật giáo, nhà thơ.
—————————————————————————————————————
Nguồn tin và tài liệu: Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam và nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, Phó Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại đặc trách Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù, thành viên Trung tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong và Hội Nhà Văn Liên Hiệp Quốc – Genève.
Ghi chú: Bà Nguyễn Ngọc dịch bản Quyết Nghị về Việt Nam ra tiếng Việt từ nguyên văn tiếng Pháp và tiếng Anh của Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại. Văn Bút Quốc Tế cung cấp bản tiếng Tây Ban Nha.
Genève le 23 septembre 2012
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ – Ligue Vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland