ASEAN – Trung Cộng: Biển Đông vẫn gây cản trở quan hệ
Thương mại và Biển Đông đã là hai chủ đề bao trùm cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Trung Cộng lần thứ 21 tại Singapore sáng nay, 14/11/2018. Nếu như hai bên có thể đạt đồng thuận trên vấn đề tự do thương mại, thì về hồ sơ Biển Đông, mặc dù thủ tướng Lý Khắc Cường đã cố trấn an, các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại trước việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo ở vùng biển đang tranh chấp này.
Từ Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Suntech, Singapore, đặc phái viên Thanh Phương trả lời các câu hỏi của ban Việt ngữ:
RFI:Thân chào anh Thanh Phương, trước hết trong cuộc họp thượng đỉnh sáng nay, hai thủ tướng Lý Hiển Long và Lý Khắc Cường đánh giá như thế nào về quan hệ ASEAN- Trung Cộng đã được?
Thanh Phương: Mở đầu bài phát biểu khai mạc thượng đỉnh ASEAN–Trung Cộng tại Trung Tâm Triển Lãm và Hội Nghị Quốc Tế Suntech, Singapore, Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long nhắc lại năm nay là kỷ niệm 15 năm đối tác chiến lược giữa ASEAN với Trung Cộng. Ông nói: “Giữa ASEAN và Trung Cộng có một mối quan hệ vững mạnh, lâu bền và đôi bên cùng có lợi. Trong 8 năm liên tiếp, Trung Cộng là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, với trao đổi mậu dịch về hàng hóa trong năm 2017 lên tới 442 tỷ đôla, chiếm đến 17% tổng trao đổi mậu dịch về hàng hóa của ASEAN. ASEAN và Trung Cộng nên tiếp tục xác định những lĩnh vực hợp tác mới và cùng nhau làm việc để đưa người dân và nền kinh tế của hai bên đến gần nhau hơn. ASEAN và Trung Cộng cũng cần tiếp tục đối thoại và hợp tác để củng cố nền hòa bình và ổn định.”
Về phần thủ tướng TC Lý Khắc Cường, ông nói rằng hai bên có những bất đồng, nhưng phải cố giải quyết những bất đồng đó một cách đúng đắn, và thủ tướng Trung Cộng nêu ví dụ về hợp tác trên Biển Đông.
RFI: Về hồ sơ Biển Đông, ASEAN và Trung Cộng đã thể hiện quan điểm như thế nào qua cuộc họp thượng đỉnh sáng nay tại Singapore?
Thanh Phương: Trước hết, theo bản dự thảo mà chúng tôi có được, trong Tuyên bố của chủ tịch thượng đỉnh ASEAN thứ 33, các lãnh đạo Đông Nam Á, tuy không nêu đích danh Trung Cộng, bày tỏ “một số” quan ngại về những công trình bồi đắp đảo và những hoạt động đã làm “sói mòn” sự tin cậy, làm gia tăng các căng thẳng và có thể làm tổn hại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Trong bản tuyên bố này, các lãnh đạo nhấn mạnh là các nước tranh chấp và các nước khác không được quân sự hóa và nên tự kềm chế khi tiến hành các hoạt động có thể khiến tình hình phức tạp thêm và khiến căng thẳng leo thang ở Biển Đông.
Trong “ngôn ngữ” của ASEAN, hai chữ “quan ngại” là một từ rất “nhạy cảm”, đến mức mà tại thượng đỉnh năm ngoái ở Philippines, vào giờ chót, hai chữ này đã bị rút ra khỏi Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN, vì lúc đó tổng thống Duterte đang cố cải thiện quan hệ với Trung Cộng. Nhưng từ “quan ngại” đã xuất hiện trở lại trong tuyên bố chung của cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần trước vào tháng 4 vừa qua, sau khi Singapore lên làm chủ tịch luân phiên của khối này. Dầu sao thì nhiều nước trong ASEAN vẫn theo đúng chủ trương cố hữu của khối Đông Nam Á là duy trì một sự cân bằng trong quan hệ với hai cường quốc Mỹ & Trung.
Về phía Bắc Kinh, trong bài phát biểu hôm qua nhân chuyến viếng thăm chính thức Singapore, Lý Khắc Cường đã kêu gọi ASEAN cùng làm việc với Trung Cộng để duy trì hòa bình ở Biển Đông, vì đối với ông, “một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định là rất cần thiết để Trung Cộng cải thiện quan hệ và tiến đến ký kết các hiệp định tự do mậu dịch” với những nước láng giềng châu Á.
Hôm qua, Lý Khắc Cường đã hai lần khẳng định là Trung Cộng không có và sẽ không bao giờ có ý định xâm chiếm các nước khác. Bắc Kinh cũng đang cố lôi kéo các nước Đông Nam Á về phía mình, cho nên đã mở các cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên với ASEAN vào tháng trước tại một vùng biển gần Trung Cộng. Nhưng để giữ một sự cân bằng trong quan hệ với hai cường quốc, trong bản tuyên bố của chủ tịch thượng đỉnh ASEAN lãnh đạo các nước Đông Nam Á, một mặt ghi nhận “thành công” của cuộc tập trận chung với Trung Cộng, nhưng mặt khác nhấn mạnh đến kế hoạch mở tập trận chung với Hoa Kỳ vào năm tới.
RFI: Nhưng về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) thì qua cuộc họp thượng đỉnh ASEAN – Trung Cộng lần này ta có thể biết rõ hơn về lịch trình đàm phán hay không?
Thanh Phương: Trong phát biểu khai mạc thượng đỉnh sáng nay, thủ tướng Lý Khắc Cường đã lập lại tuyên bố hôm qua của ông, đó là ông hy vọng các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông sẽ hoàn tất trong vòng 3 năm tới. Ông cho biết là trước mắt, các lãnh đạo của ASEAN và Trung Cộng đã đồng ý là trong năm tới sẽ hoàn tất việc diễn giải đầu tiên bản dự thảo COC. Nhưng đó rất có thể chỉ là dự báo thôi, còn trên thực tế thì giữa Trung Cộng với ASEAN, nhất là với những nước có tranh chấp như Việt Nam và Philippines, hiện còn rất nhiều bất đồng.
Ở đây cũng xin nhắc lại là tại Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Cộng họp hồi tháng 8/2018 tại Manila (Philippines), hai bên đã đồng ý với nhau về một văn bản làm cơ sở để đàm phán về nội dung của COC. Ngày 11/11, tờ Nihon Keizai Shinbun (Tin tức kinh tế Nhật Bản) loan tin là phía Trung Cộng đã đề nghị đưa vào COC một điều khoản “cấm các quốc gia ngoài khu vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông”. Mục đích có vẻ là nhằm ngăn chặn Mỹ và một số nước khác, như Ấn Độ, hợp tác khai thác tài nguyên với các nước ở vùng Biển Đông, để qua đó mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Nihon Keizai Shinbun cho rằng, nếu ASEAN phản đối đề nghị này của Trung Cộng thì việc đàm phán về bộ quy tắc có thể sẽ tiếp tục bị chậm trễ.
Trong bài phát biểu khai mạc thượng đỉnh ASEAN – Trung Cộng, thủ tướng Lý Khắc Cường cũng lưu ý là các cuộc đàm phán về COC sẽ rất phức tạp và trong thời gian từ đây cho đến khi kết thúc đàm phán, thủ tướng Singapore kêu gọi các bên phải “tự kềm chế”, cố giữ một môi trường ổn định để đàm phán diễn ra “êm thắm”.
Cũng xin nói thêm là trong cuộc gặp với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề thượng đỉnh ASEAN, phó tổng thống Mỹ Mike Pence, đại diện tổng thống Donald Trump đến dự, đã tuyên bố là Hoa Kỳ “chia sẽ” mong muốn của Việt Nam về một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý để “bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông”.
RFI: Về thương mại, thượng đỉnh ASEAN –Trung Cộng có đạt những tiến bộ nào không?
Thanh Phương: Về thương mại, ngay từ hôm qua, Lý Khắc Cường đã lập lại lời kêu gọi bảo vệ tự do mậu dịch và chủ nghĩa đa phương, đối lại với chủ trương bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa đơn phương của TT Donald Trump. Ông cũng trấn an các lãnh đạo Đông Nam Á là Trung Cộng sẵn sàng làm việc với các bên để cải thiện tự do thương mại và làm cho tiến trình toàn cầu hóa trở nên “lành mạnh” hơn, gián tiếp đáp lại những lời chỉ trích về sự cạnh tranh “không lành mạnh” của Trung Cộng.
Trước mắt, thủ tướng TC Lý Khắc Cường xác nhận là các lãnh đạo hy vọng vào năm tới sẽ ký kết được hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (Regional Comprehensive Economic Partnership-RCEP), sẽ quy tụ 10 nước ASEAN và sáu nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Trung Cộng, hình thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, chiếm một phần ba mậu dịch toàn cầu.
Nhưng về phần thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông yêu cầu là hai bên cũng cần thực hiện đầy đủ hiệp định nâng cấp Khu vực tự do mậu dịch ASEAN- Trung Cộng để các doanh nghiệp xâm nhập thị trường Trung Cộng dễ dàng hơn.
Theo RFI