ASEAN muốn Hoa Kỳ sớm có chính sách rõ ràng về Biển Đông
ASEAN hy vọng chính quyền của tân tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng thảo ra “một chính sách cụ thể hơn và rõ ràng hơn” về khu vực, đặc biệt chính sách với Trung Cộng, trong tình hình Bắc Kinh “quân sự hóa” nhiều đảo nhân tạo tại Trường Sa, khiến các quốc gia Đông Nam Á rất lo ngại. Trên đây là tuyên bố của lãnh đạo ngoại giao Philippines hôm nay, 21/02/2017, sau phiên họp kín với các đồng nhiệm thuộc khối ASEAN.
Tin Reuters cho hay, phát biểu trước báo giới, tại Boracay, sau phiên họp đầu tiên với các ngoại trưởng ASEAN ngày hôm qua, Ngoại trưởng Perfecto Yasay tuyên bố : “chúng tôi hoàn toàn hiểu được là chính sách (quốc tế) của Hoa Kỳ đang được chính phủ Donald Trump xây dựng”, “hiện tại chúng tôi chưa nắm chính xác về chính sách đối ngoại của chính quyền Hoa Kỳ trong quan hệ với Trung Cộng… và chúng tôi hy vọng sẽ được biết cụ thể hơn và rõ ràng hơn trong những tháng tới”.
Ngoại trưởng Perfecto Yasay cũng cho biết bộ trưởng các nước thành viên ASEAN đã thể hiện “sự lo ngại rất lớn” về “các hoạt động quân sự hóa” của Trung Cộng tại nhiều đảo ở Biển Đông, và việc làm sao để Trung Cộng chấp nhận “phi quân sự hóa” và giải thể các công trình quân sự hiện có tại các đảo tranh chấp là một thách thức lớn đối với toàn khối, đặc biệt là các nước có yêu sách chủ quyền như Việt Nam, Malaysia và Philippinnes.
Hãng thông tấn Philippine News Agency trích lời thứ trưởng Ngoại Giao Philippines Enrique Manalo trong cuộc họp báo hôm qua tại Boraca, theo đó ASEAN “rất quyết tâm” hoàn tất sớm Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông, và các hoạt động chuẩn bị sắp tới sẽ “rất gấp rút”. Về mặt chính thức, ASEAN và Trung Cộng đặt mục tiêu hoàn tất khuôn khổ chung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (gọi tắc là COC) vào giữa năm nay 2017, nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định lâu dài tại Biển Đông. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Philippines, trên thực tế, rất ít tiến bộ đạt được trong các đàm phán, kể từ khi ý tưởng này được các bên nhất trí vào năm 2002.
Một số bộ trưởng ASEAN lo ngại các căng thẳng hiện nay tại Biển Đông có thể làm “xói mòn lòng tin”, ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán COC. Ngay trước hội nghị hai ngày đầu tuần này của ASEAN, thứ Sáu tuần trước, 17/02, Trung Cộng vừa kết thúc một đợt tập trận với tàu sân bay tại Biển Đông. Ngày 18/02, Hải Quân Hoa Kỳ tuyên bố sẽ đưa một nhóm tàu chiến đấu cùng hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới tuần tra tại Biển Đông, để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN sẽ tiếp tục hôm nay. Đây là cuộc họp đầu tiên cấp bộ trưởng do Philippines tổ chức với tư cách quốc gia Chủ tịch ASEAN năm 2017.
Tin RFI