Áp chế Trung Quốc, Mỹ điều quân từ Đức sang châu Á-Thái Bình Dương
Đối mặt với Trung Cộng – “thách thức địa chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”, theo mô tả của một giới chức chính quyền Trump, quân đội Hoa Kỳ sẽ bắt tay vào việc tái phân bổ lực lượng quân sự toàn cầu, theo báo Nikkei.
Vài ngàn binh sĩ hiện hiện đang đồn trú ở Đức dự kiến sẽ được tái phân bổ đến các căn cứ của Mỹ ở đảo Guam, Hawaii, Alaska, Nhật Bản và Úc.
Danh sách ưu tiên đã thay đổi. Trong Chiến tranh Lạnh, các chiến lược gia quốc phòng Mỹ cho rằng điều quan trọng là phải duy trì một lực lượng trên bộ quy mô lớn ở Châu Âu để kiềm chân Liên Xô. Trong những năm 2000, trọng tâm chủ yếu tập trung vào Trung Đông khi Hoa Kỳ tiến hành “cuộc chiến chống khủng bố” tại Iraq và Afghanistan.
Để chống lại “hai đối thủ cạnh tranh lớn” là Trung Cộng và Nga, “các lực lượng Mỹ phải được khia triển ở nước ngoài theo một chiều hướng chủ động và viễn chinh hơn so với những năm gần đây”, Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump viết trong một bài báo trên tờ Wall Street Journal hồi cuối tháng trước.
Để đạt được mục đích này, chính quyền sẽ giảm lực lượng đồn trú vĩnh viễn tại Đức từ 34,500 quân xuống còn 25,000 quân.
9,500 quân sẽ được điều chuyển đến những nơi khác ở châu Âu, tái phân bổ trở lại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hoặc đưa trở về các căn cứ ở Mỹ.
Đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông O’Brien đã viết: “Tại khu vực này, người Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với thách thức địa chính trị quan trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”.
Một trong những thách thức đó là việc Bắc Kinh đang tiếp tục đổ thêm tiền củng cố lực lượng của mình. Sách Trắng quốc phòng của chính phủ Nhật ước tính chi tiêu quốc phòng thực sự của Trung Cộng vượt quá ngân sách được công bố chính thức hàng năm, tức gấp gần ba lần Nga.
Mấu chốt trong chiến lược quốc phòng của Trung Cộng là từ chối tiếp cận khu vực, một nỗ lực nhằm ngăn cản các tàu và máy bay chiến đấu Mỹ tiếp cận khu vực bờ biển nước này. Để đạt mục đích này, Trung Cộng đã tăng cường các hệ thống hoả tiễn chính xác và mạng lưới radar tinh vi.
Các nhà phân tích đưa ra 3 xu hướng trong các hoạt động toàn cầu của quân đội Mỹ. Một là sự dịch chuyển trọng tâm từ khu vực Châu Âu và Trung Đông sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Thứ hai là sự chuyển đổi từ chiến đấu trên bộ sang “Chiến đấu phối hợp trên biển và trên không” (áp dụng khu vực biển Thái Bình Dương). Và thứ ba, và có lẽ là đặc trưng nhất trong chính sách của ông Trump, là mong muốn giảm thiểu chi tiêu quốc phòng.
Đề xuất tái phân bổ lực lượng của ông O’Brien chạm đến cả ba khía cạnh này.
Quý Khải (ĐKN)