Ảnh hưởng của Việt Nam tại Campuchia và Lào suy yếu trước Trung Cộng
Trong những năm qua, sức hút kinh tế của Trung Cộng đã bắt đầu kéo Campuchia và Lào ra khỏi quỹ đạo của Việt Nam.
Trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam, các nhà quan sát nhận thấy Hà Nội duy trì ba cấp độ quan hệ rõ rệt. Theo thứ tự về tầm quan trọng từ trên xuống thì cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện”, kế đến là “đối tác chiến lược”, đến “đối tác toàn diện”. Ở cấp độ cao nhất, “đối tác chiến lược toàn diện” đôi khi bao gồm cả tính từ “hợp tác”. Theo đó, chỉ có Nga, Ấn Độ và Trung Cộng được xếp vào ngoại giao cao cấp nhất này trong thế giới quan của Việt Nam – trong đó Trung Cộng được xác định là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.
“Đối tác chiến lược” với những quốc gia như Úc và Nhật thì có nhiều; Việt Nam và những đối tác loại này cùng chia sẻ những mối quan tâm chiến lược về lâu dài. “Đối tác toàn diện” phổ biến hơn và bao gồm những quốc gia không nhất thiết (nhưng có thể) cùng chia sẻ những lợi ích dài hạn. Hoa Kỳ là một “đối tác toàn diện” nổi bật và thực sự hoạt động ở cấp độ chiến lược khi hai quốc gia cùng hợp tác đẩy lùi Trung Cộng – một người bạn của Việt Nam nhưng đồng thời cũng là một đối thủ ở vài lĩnh vực, đặc biệt là trên Biển Đông.
Hệ thống thứ bậc trong các quan hệ ngoại giao của Việt Nam đã được tìm hiểu nhiều. Tuy nhiên, có vài mối quan hệ ít được thảo luận và không được hiểu rõ ràng là “quan hệ chiến lược đặc biệt” với hai quốc gia láng giềng Campuchia và Lào. Hai mối quan hệ mang tính “đoàn kết đặc biệt” này bắt nguồn từ thời Chiến Tranh Việt Nam; cả hai quốc gia này đã hỗ trợ hậu cần thiết yếu cũng như nơi trú ẩn an toàn cho các đơn vị vũ trang của Cộng Sản Bắc Việt dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh, góp phần vào sự thất bại của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa. Hà Nội chưa bao giờ quên những hy sinh vô cùng lớn của hai nước “anh em” Đông Dương và coi trọng hai nước láng giềng này hơn tất cả các đối tác khác.
Trong nhiều thập niên, mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt này diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Cộng ngày càng thách thức ảnh hưởng của Việt Nam ở Campuchia và Lào, chủ yếu bằng cách vận dụng những dự án trong Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (BRI) nhằm nâng cao và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Khả năng tài chính không thể so sánh với BRI, Hà Nội gần như chắc chắn lo ngại rằng nay họ không còn có thể trông chờ Campuchia và Lào đưa ra những quyết định phù hợp với an ninh quốc gia của mình. Hành động củng cố quan hệ với Campuchia và Lào của Trung Cộng trong những năm gần đây đã thực sự có tác động đến Việt Nam. Chẳng hạn, sự hỗ trợ của Trung Cộng có thể đã góp phần vào quyết định của Campuchia và Lào khi hai nước này không hoàn toàn ủng hộ lập trường của Việt Nam trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ở Campuchia:
Xét trường hợp Campuchia, hiện nay có những dấu hiệu bất ổn. Hun Sen, thủ tướng nước này trong suốt 35 năm, đã được Việt Nam ủng hộ hồi cuối thập niên 1970 khi ông này thuộc phe quân đội nổi dậy lật đổ chế độ Khmer Đỏ do Trung Cộng hậu thuẫn. Hun Sen cũng đã nhận được sự giúp đỡ lớn lao từ Hà Nội trong thập niên 1980 khi Hun Sen bị cấm vận bởi Trung Cộng, Hoa Kỳ và các nước khác trong khối ASEAN. Tuy vậy, trong những năm gần đây, gió đã đổi chiều. Hun Sen nay đã trở thành một người bạn chí cốt của Tập Cận Bình. Để tô đậm thêm sự gần gũi trong quan hệ đôi bên, Hun Sen là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Tập tại Trung Cộng trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Ông ta gọi Campuchia và Trung Cộng như những người bạn lâu năm, đáng tin cậy. Lòng trung thành của Hun Sen đối với Trung Cộng được đẩy lên một bậc nữa khi ông ta phụ họa quan điểm lịch sử xét lại của Bắc Kinh về việc hỗ trợ cho lực lượng Khmer Đỏ. Giờ đây, ông ta bỏ qua bất kỳ những phát biểu nào nói về những hành động vi phạm quá đáng của Bắc Kinh, và điều này hẳn gây khó chịu đặc biệt đối với Việt Nam; Hà Nội bây giờ không còn đồng minh của mình ở Campuchia nữa!
Hơn thế nữa, hồi giữa tháng 10/2020, chính quyền Hun Sen đã chào đón Bộ Trưởng Ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị và hai bên đã ký một thỏa thuận thương mại tự do mới, được thương thảo trong chưa đầy một năm. Trung Cộng nay đã là nước cung cấp viện trợ và nhà đầu tư lớn nhất cũng như là đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia. Campuchia cũng là một thành viên tham gia tích cực vào BRI với giá trị đầu tư lên tới 5.3 tỉ USD, và Phnom Penh đang hưởng lợi dưới hình thức những dự án cơ sở hạ tầng bao gồm cầu, đường, sân bay, đường sắt, đập thủy điện và những đặc khu kinh tế (SEZs). Tại những nơi khác trên thế giới, như ở Sri Lanka, Bắc Kinh đã lợi dụng những dự án BRI nhằm giành được lợi ích địa chính trị khi chính quyền sở tại nhận thấy họ không đủ khả năng chi trả cho các khoản nợ cho vay. Hun Sen bỏ qua một bên những lo ngại như vậy đối với Campuchia mặc dù một số nhà quan sát tin rằng Phnom Penh đã từ bỏ một phần chủ quyền quốc gia qua những thỏa thuận liên quan tới BRI, đặc biệt trong phạm vi những đặc khu kinh tế do Trung Cộng sở hữu.
Dù Hun Sen bác bỏ những báo cáo cho rằng Trung Cộng đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ không quân và cảng hải quân ở Ream và Dara Sakor, rõ ràng Bắc Kinh đang tham gia tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi này nhằm giúp họ tiếp cận khu vực này một cách thuận lợi hơn trong tương lai. Hơn nữa, hồi tháng 9, Campuchia đã cho phá dỡ những cơ sở vật chất của Mỹ tại Ream mà không thông báo cho Washington biết; một Hành động cho thấy rõ rằng Phnom Penh đã cố gắng làm công việc này trong bí mật. Hình ảnh chụp được cho thấy phi đạo ở Dara Sakor có thể tiếp nhận máy bay quân sự Trung Cộng. Lo ngại của Việt Nam tăng lên khi Trung Cộng và Campuchia liên tục tổ chức những cuộc tập trận quân sự chung bất chấp đại dịch virus Vũ Hán, làm nổi bật tầm quan trọng mà mỗi bên gắn cho những sự kiện này. Nếu Bắc Kinh tiếp cận được Ream hay Dara Sakor dọc theo Vịnh Thái Lan, hoặc, trong tình huống xấu nhất, Bắc Kinh đột ngột sở hữu và điều hành những căn cứ này, thì cạnh sườn phía tây của Việt Nam sẽ bị đe dọa trầm trọng và nguy hiểm. Bên cạnh sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, hẳn Hà Nội sẽ cảm thấy áp lực gia tăng từ sự bao vây địa chiến lược.
Ở Lào:
Ở Lào tình hình cũng đang diễn biến không thuận lợi. Bên cạnh chuyến thăm Campuchia tháng vừa rồi, Vương Nghị cũng đã ghé Lào nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực giảm nhẹ hậu quả của đại dịch và quảng bá BRI. Về BRI, chính phủ Lào đang mắc nợ Trung Cộng quá nhiều. Viêng Chăn rõ ràng không có đủ khả năng để trang trải chi phí cho những dự án cơ sở hạ tầng đồ sộ trong chương trình BRI, bao gồm việc xây dựng một đường xe lửa cao tốc chạy từ tỉnh Vân Nam của Trung Cộng tới thủ đô Viêng Chăn, cùng với những đập thủy điện dọc theo sông Mekong.
Thay vì chi tiền để thanh toán những món nợ nhằm xúc tiến các dự án trong chương trình BRI, chính phủ Lào có vẻ như sẵn lòng đem các tài sản quốc gia có giá trị khác để giao cho chủ nợ lớn nhất của mình. Chẳng hạn, hồi giữa tháng 9/2020, một công ty quốc doanh của Trung Cộng đã nắm quyền kiểm soát phần lớn hệ thống lưới điện của Lào. Thậm chí có những quan ngại là Lào sẵn lòng trả các món nợ cho Trung Cộng bằng cách chuyển giao đất. Tương tự như ở Campuchia, Lào tích cực tham gia các hoạt động liên quan tới các đặc khu kinh tế với Trung Cộng. Các công ty Trung Cộng đã và đang xúc tiến thực hiện một khu nghỉ mát hạng sang ở Đặc Khu Kinh Tế Boten phía bắc Lào, dọc theo biên giới với Trung Cộng, và nhiều đặc khu kinh tế khác đang tồn tại hoặc chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện. Các đặc khu kinh tế thường cho Trung Cộng thuê đất trong nhiều thập niên để phát triển dự án bất động sản. Trong trường hợp ở Boten, Lào đã thỏa thuận cho Trung Cộng thuê đất với thời hạn 90 năm. Không khác gì Campuchia, những thỏa thuận như vậy tạo cho người ta ấn tượng rằng hiện nay Lào đang trở thành, hoặc thậm chí là đã trở thanh một “bán thuộc địa” của Trung Cộng.
Cuối cùng, việc xây dựng các đập thủy điện ở Lào do Trung Cộng tài trợ thông qua BRI – với mục đích tối hậu là biến Lào thành “Bình ắc quy của Đông Nam Á” – là một mối lo ngại đặc biệt với Việt Nam. Những đập thủy điện này sẽ hạn chế dòng nước chảy xuống đồng bằng sông Cửu Long, gây nhiều khó khăn cho vựa lúa của Việt Nam, ảnh hưởng đến hàng triệu người và đe dọa gây ra nạn đói và mất sinh kế. Sự sụt giảm về nguồn tôm cá và phù sa sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ về môi trường. Các đập do Trung Cộng xây ở Campuchia tuy không nhiều bằng ở Lào nhưng cũng là những mối lo lớn đối với Hà Nội.
Hàng loạt các hoạt động của Trung Cộng tại hai quốc gia “đối tác chiến lược đặc biệt” truyền thống của Việt Nam hẳn là gây khó chịu đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Mặc dầu ít công khai hơn, các tương tác giữa Việt Nam với Campuchia và Lào vẫn đang tiếp tục gần gũi một cách đặc biệt bất chấp ảnh hưởng đang mở rộng của Trung Cộng trong khu vực. Nhưng thực tế là hiện nay, Trung Cộng đã làm lu mờ ảnh hưởng của Việt Nam ở Đông Dương. Điều này có nghĩa là những lo lắng của Hà Nội sẽ tiếp tục tăng lên ngay ở “sân sau” của mình. Trong những năm tới đây, có khả năng Hà Nội sẽ phải tìm những phương cách khác để can dự với Campuchia và Lào nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng trong khu vực hết sức quan trọng này.
Tác giả: Derek Grossman là chuyên gia phân tích cao cấp về quốc phòng tại RAND Corporation, nay viết cho TheDiplomat và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Southern California.
English: https://thediplomat.com/2020/11/vietnam-is-losing-its-best-friends-to-china/
Người dịch: Huỳnh Mỹ Xuyên