Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) kỷ niệm 50 năm hoạt động

Thanh Trúc (RFA- 13/05/2011)

Ngày 12 tháng Năm 2011, Amnesty International Ân Xá Quốc Tế kỷ niệm năm mươi năm hoạt động, đồng thời công bố bản phúc trình thường niên về chính sách của chính phủ các nước trên thế giới đối với những quyền tự do căn bản của người dân tại các quốc gia đó. Thanh Trúc trình bày chi tiết về khoản phúc trình của Ân Xá Quốc Tế liên quan đến Việt Nam:
Tự do ngôn luân, tự do lập hội, phê bình chính phủ là những điều cấm kỵ, qui định mới về kiểm soát Internet đã được ban hành, người có chính kiến khác với nhà nước và người lên tiếng đòi hỏi nhân quyền trong ôn hoà thường bị công an đe dọa, tiếp tục viện dẫn điều luật “âm mưu lật đổ chính phủ” để bắt bớ, cầm giữ nhiều năm hoặc quản chế những người tranh đấu bất bạo động, duy trì chính sách bất dung tôn giáo, bắt buộc người theo đạo từ bỏ đức tin của mình.

Quyền tự do căn bản của người dân Việt Nam

Đã có mười bảy nghìn tù nhân được ân xá mỗi dịp quốc khánh hàng năm, trong số đó không bao giờ có tên các tù nhân lương tâm.

Các Thành Viên Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế

Đó là những điểm chính trong phúc trình 2011 phần đề cập đến các quyền tự do căn bản của người dân Việt Nam trong suốt năm 2010, được Amnesty International  công bố ngày thứ Năm 12 tháng 5.
Trả lời đài Á Châu Tự Do, bà Janice Beanland, phúc trình viên về Việt Nam trong Ân Xá Quốc Tế, nhấn mạnh rằng chính phủ Việt Nam không chấp nhận những quan điểm như đối lập, tự do phát biểu, tự do lập hội:
Điều này được thấy rõ qua  con số những vụ bắt bớ và xét xử các nhà bất đồng chính kiến năm ngoái cũng như năm nay. Những hành động đàn áp chừng như tăng lên chứ không giảm đi trong hơn hai năm trở lại đây. Nhiều nhà trí thức nổi tiếng lãnh những án tù nhiều năm. Điều đáng tiếc là chính phủ Việt Nam cứ nghĩ rằng phải bưng bít những tiếng nói đối lập chỉ trích chính quyền thay vì công khai cho dân chúng biết.
Là một tổ chức quốc tế với tầm hoạt động năm mươi năm qua, chưa bao giờ Amnesty International phải lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến, ngưng sử dụng tuỳ tiện Luật An Ninh 1999 có điều khoản 79 qui định tội âm mưu lật đỗ để bắt giữ đối lập, đàn áp tôn giáo, một cách thường xuyên như trong hai thập niên qua:Đối với Ân Xá Quốc Tế  những bằng chứng tự chúng nói lên sự thật. Những phiên toà xử tù nhân chính trị không công bằng và không phú hợp tiêu chuẩn quốc tế. Điển hình phiên toà tháng Giêng năm ngoái, xét xử luật sư Lê Công Định, Lê Thanh Long, Nguyễn Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức. Cả bốn nhà bất đồng chính kiến này bị kêu án từ ba, năm đến mười lăm năm tù giam trong phiên xử chỉ diễn ra  một ngày.

Hình Bìa Báo Cáo Nhân Quyền của AXQT năm 2011

Dưới mắt Ân Xá Quốc Tế, bà Janice Beanland nói tiếp, hệ thống tư pháp Việt Nam không có tính cách độc lập, những phiên xử chóng vánh và áp đặt như vậy đã chứng tỏ điều đó.
Số liệu từ phúc trình Ân Xá Quốc tế 2011 còn cho thấy từ 2009 đến hết 2010, hai mươi bốn nhà hoạt động dân chủ và nhà tranh đấu nhân quyền đã bị xét xử trong hàng loạt những phiên tòa bất công. Trường hợp nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ bị hành hung và bị vu cáo tội gây thương tích cho người khác cũng được nêu lên trong báo cáo. Năm 2011, Ân Xá Quốc Tế đặc biệt chú trọng vụ xử tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ và trường hợp luật sư Lê Quốc Quân. Vẫn lời bà Janice Beanland:

Ông Lê Quốc Quân, mà chúng tôi biết vừa được trả tự do, đã bị bắt cùng với một người bất đồng chính kiến khác từng bị giam giữ là bác sĩ Phạm Hồng Sơn, vào khi cả hai tìm cách vào tham dự phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ hồi tháng Tư. Đây không phải là dấu hiệu tốt cho tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Mặt khác, phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ, không đúng trình tự và thủ tục cần có của một phiên xử, mà vẫn phán quyết bảy năm tù đối với ông ta.

Sang đến lãnh vực bất dung tôn giáo, mà Amnesty International nhiều lần lên tiếng yêu cầu Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, nhất là những người sắc tộc đi theo đạo Tin Lành ở miền núi, Báo cáo viên Janice Beanland của Ân Xá Quốc Tế nhắc đến diễn biến mới nhất liên quan đến người H’mong ở miền Bắc:

Dù  không nhận được nhiều thông tin về vụ việc ở Điện Biên, cũng chưa thể kiểm chứng tin tức về người chết và rất đông người bị bắt ở đó, tuy nhiên Amnesty International  vẫn nghĩ nếu Việt Nam cho phép  báo chí đến địa phương để đưa tin một cách công khai thì vẫn hay hơn là dùng quân đội để giải tán vụ tập hợp của người H’mong rồi phong toả khu vực đó.

Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của các đạo giáo trong nước, nhưng điểm đáng quan ngại nhất là khu vực Tây Nguyên và các dân tộc miền núi, nơi mấy trăm người Thượng vẫn còn bị giam giữ từ 2001 khi biểu tình đòi quyền lợi và tự do tôn giáo. Đến giờ Amnesty International vẫn nhận được báo cáo là công an cảnh sát địa phương tiếp tục đàn áp, sách nhiễu, đe dọa, bắt giữ, buộc từ bỏ đức tin đối với người Thượng theo đạo Tin Lành. Có thể nói nhân quyền của người sắc tộc Tây Nguyên đã và đang bị chà đạp một cách nghiêm trọng.

Nhân quyền ở Việt Nam không được cải thiện

Công An Cộng Sản Việt Nam kiểm soát blogger - là vi phạm nhân quyền.

Quay sang lãnh vực Internet, Amnesty International cho biết qui định mới từ tháng Tư về việc sử dụng mạng không chỉ gây khó khăn cho người kinh doanh Internet ở Hà Nội mà còn hạn chế hơn nữa quyền tự do phát biểu của các bloggers muốn dùng mạng lưới thông tin toàn cầu để bày tỏ quan điểm của họ. Nhiều Bloggers ở Việt Nam đã bị bắt, máy điện toán của họ bị tịch thu, tư gia bị khám xét, gia đình của họ bị công an sách nhiễu. Vẫn lời bà Beanland:
Một trong những trường hợp tôi muốn dẫn chứng là vụ blogger Nguyễn Hồng Hải, được biết đến dưới tên Điều Cày, bị kêu án hai năm rưỡi tù giam năm 2008. Theo lẽ hạn tù của ông chấm dứt ngày 20 tháng Mười năm ngoái nhưng chính quyền Việt Nam không trả tự do mà tiếp tục giam giữ để điều tra về tội tuyên truyền chống phá nhà nước.

Theo tin Amnesty International thu thập được thì đã sáu tháng qua không một ai nhìn thấy hay gặp Nguyễn Hồng Hải. Có nghĩa ông ta vẫn ở trong tù nhưng gia đình không được phép thăm nuôi hoặc tiếp tế thực phẩm hay thuốc men và cũng không rõ ông đang bị giam nơi nào.
Đây là một trong những thí dụ khiến Amnesty International có thể khẳng định nhà cầm quyền Việt Nam đã không thể bảo vệ cũng như không tôn trọng quyền làm người của người dân trong nước họ.

Kết luận tổng quát về khoản phúc trình của Amnesty International đề cập đến Việt Nam, báo cáo viên Janice Beanland khẳng định:
Tôi ước mình có thể nói Việt Nam có tiến bộ có cố gắng trong lãnh vực nhân quyền, nhưng thực tế là Amnesty International không nhìn thấy sự giảm thiểu việc nghiêm cấm các quyền tự do căn bản của con người tại quốc gia đó. Tình trạng nhân quyền ở Việt Nam không được cải thiện.
Về lãnh vực tôn giáo thì chừng như phức tạp hơn nhiều, bà nói tiếp, bởi một mặt người ta có thể ghi nhận một vài tiến triển tốt về tự do tín ngưỡng, mặt khác chính quyền Việt Nam vẫn tập trung kiểm soát sự thờ phượng và bày tỏ đức tin của một số nhóm tôn giáo ở các địa phương trong nước.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt