Ấn-Nhật phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông
Ngay sau thượng đỉnh Ấn Độ-Việt Nam, trong đó hồ sơ Biển Đông đã được thủ tướng hai nước thảo luận, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ vào hôm qua, 22/12/2020 đã có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nhật Bản để trao đổi quan điểm về tình hình khu vực, bao gồm cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.
Một thông cáo chính thức do bộ Quốc Phòng Nhật công bố cho biết là cả hai bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Nhật Bản Nobuo Kishi đều “đồng ý gửi đi một thông điệp rõ ràng (nhằm) phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương muốn thay đổi hiện trạng bằng cách cưỡng chế hoặc bất kỳ hoạt động nào làm căng thẳng leo thang”.
Bản thông cáo cho biết thêm là New Delhi và Tokyo “cũng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của trật tự hàng hải tự do và rộng mở dựa trên luật pháp”.
Về hợp tác song phương, theo bản thông cáo, hai bộ trưởng đã thảo luận về những thành tựu của việc ký kết thỏa thuận ACSA Nhật-Ấn vào tháng 9/2020 và việc hoàn thành tốt cuộc tập trận hải quân Malabar vào tháng 11/2020 vừa qua, tập hơp Bộ Tứ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc.
Bộ Quốc Phòng Nhật cho biết thêm: “Hai bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác và trao đổi quốc phòng để duy trì và củng cố một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và duy trì liên lạc chặt chẽ giữa các cơ quan quốc phòng hai bên.”
Trung Cộng khoe là đã “đuổi” tàu khu trục Mỹ tại Trường Sa
Cuộc tiếp xúc giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Nhật-Ấn diễn ra trong tình hình Trung Cộng lại phô trương thanh thế, cho biết đã xua đuổi được một khu trục hạm Mỹ, sau khi Hoa Kỳ nhắc lại rằng sẽ tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng quần đảo Trường Sa.
Một phát ngôn viên quân đội Trung Cộng vào hôm qua cho biết là chiến hạm và phi cơ của Trung Cộng đã được điều động để cảnh cáo và xua đuổi chiến hạm Mỹ USS John S. McCain, sau khi chiếc tàu này “xâm phạm lãnh hải của Trung Cộng ngoài khơi quần đảo Nam Sa ở Biển Đông”. Nam Sa là tên Trung Cộng đặt cho quần đảo Trường Sa.
Vào hôm qua, Hải Quân Mỹ đã ra thông cáo xác nhận là chiếc khu trục hạm USS John S. McCain đã đi qua Biển Đông để “duy trì các quyền tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển.”
Một quan chức Mỹ đã nói với đài truyền Fox News rằng chiến hạm Mỹ đã đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh hai đảo nhận tạo Ga Ven và Gạc Ma hiện bị Bắc Kinh chiếm đóng. Tàu chiến Hoa Kỳ cũng đi qua rạn san hô Collins mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Phi cơ Trung Cộng và Nga xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc
Hàn Quốc hôm qua 22/12/2020 cho biết đã điều động chiến đấu cơ xuất kích để đáp trả cuộc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của 19 máy bay quân sự của Nga và Trung Cộng.
Bốn chiến đấu cơ Trung Cộng theo sau là 15 chiếc máy bay Nga đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ), buộc Seoul phải cho máy bay lên để sẵn sàng “nghênh chiến”.
Theo hãng tin Reuters, vào tháng 7 năm ngoái, các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc bắn hàng trăm phát súng cảnh cáo về phía máy bay quân sự của Nga đã tiến vào không phận Hàn Quốc lúc đó trong khuôn khổ một chuyến tuần tra chung với Trung Cộng.
Khi bị tố cáo, Trung Cộng đã phủ nhận là đã xâm phạm không phận Hàn Quốc.
Thoe tin RFI