Ai thắng, ai thua sau 101 ngày Nga xâm lăng Ukraine?

TT Joe Biden  và Vladimir Putin

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Ngay từ đầu cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine, trang nhà https://vietquoc.org đã có bài bình luận rằng Nga xâm lăng Ukraine là đi vào bẫy của Mỹ đã giăng ra. Nay quả thật đúng như tình hình cuộc chiến đang xảy ra.

Mỹ muốn kéo dài cuộc chiến tại Ukraine đến khi Nga kiệt quệ về nhân lực, tài lực và kinh tế, không còn đủ sức để mở một cuộc chiến vào nước nào nữa. Sự ngừng chiến ở Ukraine sẽ đến khi nào Mỹ đạt được mục đích nói trên để trừ hậu quả lâu dài cho châu Âu. Do đó, Mỹ viện trợ vũ khí cho Ukraine đủ để chiến đấu cầm cự, đánh trả chứ không phải viện trợ để Ukraine đánh quân Nga chạy về nước Nga. Bởi thế, chúng ta thấy nhiều loại vũ khí tối tân mà Mỹ chưa viện trợ cho Ukraine, lấy cớ là sợ Nga lấy được những kỹ thuật tối tân của những loại vũ khí của Mỹ. Nhưng bề trái của vấn đề là Mỹ muốn kéo dài cuộc chiến ở Ukraine cho đến khi cần thiết.

Tình hình cuộc chiến hiện ngay tại Ukraine, quân Nga không còn hy vọng gì chiến thắng bằng bộ binh mà chỉ dùng sức mạnh hỏa lực. Bao nhiêu vũ khí giết người đời cũ, mới của Nga thi nhau trút xuống các thị trấn và thành phố Ukraine.  Dùng phi pháo, hoả tiễn tầm xa để phá tan tành làng mạc, thành phố, bệnh viện, trường học gây cảnh chết chóc vô cùng man rợ… Bắn  như thế là tiêu thổ tấn công, hoàn toàn nằm ngoài quy luật chiến tranh của thế giới. Khi tiêu thổ xong, bộ binh Nga tiến vào lập công chiến thắng trên hoang tàn đổ nát, mà không biết quân Nga trụ lại được bao lâu? Sớm muộn bộ binh Ukraine sẽ phản công và chiếm lại vị trí đã mất. Bộ binh Ukraine càng ngày càng đông được bổ sung quân số từ những trung tâm huấn luyện an toàn ở trên lãnh thổ của các nước NATO gần biên giới Ukraine. Trong khi binh sĩ Nga rã ngũ, hàng trăm sĩ quan Nga từ chối ra chiến tường, 16 cấp tướng chỉ huy ngã gục trên chiến địa, nhân viên ngoại giao Nga từ chức vì cảm thấy xấu hổ trước cuộc chiến phi nhân tính của Putin, soái hạm lớn nhất và hàng nửa tá tàu chiến bị Ukraine bắn chìm xuống biển Hắc Hải (Black Sea).

Mỹ không tham chiến ở Ukraine mà có được chiến thắng to lớn:

Nước Mỹ đang “ngồi mát ăn bát vàng”, chiến thắng lớn nhất trong lịch sử mà Mỹ không gửi binh sĩ nào ra chiến trường. Thử đặt câu hỏi, có phải qua bao đời Tổng Thống Mỹ đều ước mơ được “bán vũ khí và dầu khí cho toàn thể các nước châu Âu không?” Nay không còn là giấc mơ nữa mà là sự thực.

Mỹ bán vũ khí đắt như tôm tươi: Chiến tranh Ukraine đã đến trước ngõ và sau nhà của 27 nước châu Âu, điều mà các đời tổng thống Mỹ trước đây, mỗi lần công du châu Âu đều nhắc nhở, đốc thúc các nước châu Âu tăng chi phí quốc phòng 2%, nhất là dưới thời TT Trump việc này gây tranh cãi và chia rẽ với các đồng minh NATO. Nay toàn thể các nước châu Âu không ai nhắc mà vội vàng thi nhau tăng ngân sách quốc phòng 2% hoặc hơn nữa. Tăng quốc phòng để mua vũ khí từ Hoa Kỳ mà trước mắt Ba Lan đặt mua xe tăng M1 Abram và Đức mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, chắc chắn rồi đây, cả 27 nước châu Âu đều đặt hàng mua vũ khí từ Mỹ. Hiện các công ty quốc phòng Mỹ không kịp sản xuất để bán, phải chờ đến năm 2024 mới giao hàng F-35.

Bán năng lượng dầu khí: 90% quốc gia châu Âu tuyên bố ngừng mua năng lượng của Nga, vì Nga dùng năng lượng như một vũ khí gây sức ép về chính trị. Hiện chỉ có Mỹ là nước có đủ khả năng thay thế Nga cung cấp năng lượng cho toàn khối châu Âu. Mỹ rồi đây chiếm thị trường năng lượng “khí hoá lỏng” bán qua toàn thể châu Âu.

Hai giấc mơ trên Mỹ không tốn một giọt máu nào, chỉ viện trợ 40 tỉ USD và những lô vũ khí sản xuất cách đây hơn 10 năm. Rồi đây Mỹ bán hàng ngàn tỉ USD vũ khí và dầu khí cho toàn khối châu Âu từ đời sang đời khác.

Chiến sự Ukraine, sẽ ngừng lại khi nào?

Nay, nhìn chiến sự Nga-Ukraine thì phải nhìn hai vùng Donbass và những thành phố phía Nam Ukraine sát Biển Hắc Hải (những mặt trận trong bản đồ ngày 4/06/2022)

Những vùng có chấm xanh tại miền Nam Ukraine là quân Ukraine đang mở cuộc phản công lớn

Vùng Donbass, quân Nga với hoả lực phi pháo, hoả tiễn tầm xa rót vào thành phố Severodonetsk đã chiếm được 80% thành phố, quân cố thủ Ukraine dùng chiến thuật di chuyển vòng quanh để cầm cự – theo tin của khối NATO thì sớm muộn gì thành phố Severodonetsk cũng lọt vào tay Nga như ở Mariupol trước đây. Nhìn vậy tưởng rằng Nga đang thắng? Nhưng không phải vậy!

Donbass là chỉ những khúc xương sườn, miếng bít-tết nằm ở các thành phố miền Nam Ukraine tiếp giáp với bờ biển Hắc Hải, tại vùng này quân Nga bị quân Ukraine đẩy lùi từ những cứ điểm mà Nga đã chiếm trước đây. Khi những thành phố phía Nam mà Nga không còn kiểm soát thì con đường tiếp tế lương thực và đạn dược ngắn và nhanh nhất cho quân đội Nga qua biển Hắc Hải bị chặn lại. Từ ngày Soái hạm Moscow và 5 tàu chiến và tàu tiếp tế khác của Nga bị Ukraine liên tục bắn chìm xuống biển Hắc Hải, Nga không còn năng lực hỗ trợ cho cuộc chiến ở miền Nam Ukraine nữa. Quân Ukraine tập trung chiếm lại các thành phố quan trọng ven biển như Mykolaiv, Zaporizhzhia, Odessa, và mở mặt trận chung quanh để chiếm lại Mariupol. Chiến sự đang xảy ra quyết liệt ở các thành phố miền Nam này, quân Ukraine tuyên bố đã chiếm lại một số thị trấn và thành phố ở miền Nam, có nơi đẩy lùi quân Nga ra khỏi thành phố 9 cây số, có nơi quân Nga tự động rút lui, bỏ chạy… Nếu Ukraine mà làm chủ được những thành phố miền Nam thì sẽ cắt đứt đường tiếp tế lương thực và vũ khí cho quân Nga. Với chiến thắng này, Ukraine ngồi vào bàn hội nghị đình chiến cũng chiếm được phần nào ưu thế. Một vị trí quan trọng tại Hắc hải là Đảo Rắn (Snake Island), hiện quân Ukraine nhận nhiều hoả tiễn chống hạm từ khối NATO và đang có kế hoạch chiếm lại, hay ít nhất không để Hải Quân Nga hoàn toàn kiểm soát.

Nga đang sa lầy,  nhưng Putin tự ái chưa dám nhận thua trận để rút quân

Về lâu về dài, Nga không còn hoả tiễn để bắn, thiếu chiến xa vì không thể sản xuất thêm khi lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước tây phương không cho phép Nga mua những linh kiện điện tử. Mặt khác Nga thấm đòn suy kinh tế trước sự trừng phạt của Mỹ và các nước tây phương. Tinh thần binh sĩ Nga sa sút, Nga không đủ lính ra chiến trường phải đi thuê từ các nước Ả Rập, v.v. trong khi Ukraine càng ngày được Mỹ và tây phương viện trơ vũ khí không giới hạn, binh sĩ chiến đấu trong tinh thần bảo vệ tổ quốc, càng đánh càng hăng và càng sáng ngời chính nghĩa. Trận chiến càng lâu Nga càng thiếu vũ khí, hao mòn sức lực, trong khi Ukraine càng đánh càng hăng. Bao nhiêu đó cũng đủ kết luận Nga sẽ thua trận chiến ở Ukraine về đường dài.

Nga sa lầy nhưng không rút quân vì tự ái là một cường quốc hạng nhì quân sự trên thế giới mà thua một nước nhược tiểu, nhất là bản tính ngạo mạn và độc ác của Putin không bao giờ chịu thua một cách nhục nhã như vậy.

Mỹ muốn có chiến thắng cao nhất…

Trong những ngày qua, chúng ta nghe tin những cuộc điện đàm giữa Tổng Tham Mưu Trưởng Mỹ với người đồng nhiệm Nga, đồng thời Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga-Mỹ cũng có điện đàm với nhau, không biết ai là người gọi điện thoại trước? Nhưng đó là những tín hiệu cho biết có một dàn xếp nào đó giữa Nga và Mỹ về cuộc chiến ở Ukraine. Mặt khác, gần đây Tổng Thống Joe Biden đăng trên tờ New York Times, có đoạn nhấn mạnh đến cuốc chiến Ukraine “sẽ chỉ kết thúc một cách dứt khoát thông qua ngoại giao” – Lời nói ấy mang biểu tượng hoà bình đối với thế giới, tuy nhiên đằng sau lời nói đó, các chiến lược gia của Mỹ có những tính toán thâm sâu là làm sao cho cuộc chiến Ukraine ngừng lại có lợi cho Mỹ nhất?

Chúng ta ai cũng đều nhận ra Nga đang sa lầy ở Ukraine, nhưng làm sao Nga rút ra khỏi cuộc chiến tranh. Dù mặt dày đến mức nào, Putin cũng cần có cái gì đó để rửa mặt cho ông trước dân Nga còn nhìn được. Cũng có thể làm mờ tính háo chiến xâm lược của Nga trước quốc tế. Cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin chỉ có một nơi được nguỵ biện là bảo vệ hai nước cộng hoà tự xưng độc lập “Cộng hòa Donetsk và Cộng hòa Luhantsk” thuộc vùng Donbass. Là những vùng có nhiều người nói tiếng Nga cư ngụ. Đó là lý do quân Nga hiện nay dồn mọi nỗ lực vào vùng Donbass để chiếm 2 tỉnh này. 

Phía Mỹ đây cũng là thời điểm thuận tiện để ngưng cuộc chiến. Mỹ có thể vận động, gây sức ép với TT Ukraine Lazensky đã từng tuyên bố “không để mất một tất đất” ngồi vào ký hiệp định ngừng chiến với Nga trong tình trạng với hai nước “Cộng hòa Tự xưng Donetsk và Luhansk” dưới sự kiểm soát của Nga.

Như thế là Nga thoát được cái bẫy chiến tranh, rút quân về vùng Donbass nhưng lại chui vào cái bẫy hoà bình của Mỹ, trên nguyên tắc Nga vẫn còn xâm lăng vùng Donbass của Ukraine nên Mỹ và tây Phương không thể bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, ở điểm này Nga rất khó hồi phục kinh tế trừ khi Nga thay đổi chế độ Putin bằng một thể chế tự do dân chủ.

Thêm nữa, Mỹ bắn mũi tên chết hai con chim, khi Putin thua cuộc chiến ở Ukraine sau đó làm cho kinh tế Nga kiệt quệ, thì Tập Cận Bình cũng lạnh tóc gáy không dám mở cuộc tấn công Đài Loan và giảm đi những hành động hung hăng xâm lược một cách vô pháp xem thường luật lệ quốc tế.

Đó là những “nước cờ” trên bàn cờ thế giới mà Mỹ luôn luôn có những bước đi rất ngoạn mục để giữ vị thế siêu cường trên thế giới gần 100 năm qua.

Hoa Kỳ ngày 4 tháng 6 năm 2022

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt