Ai phá nát nền văn hóa truyền thống?
Một ngàn năm đô hộ, người Hán vẫn không đồng hóa được nước ta. Dưới thời Pháp thuộc, dân Việt Nam vẫn là Việt Nam. Nhưng 70 năm sau cuộc cách mạng tháng tám, chúng ta lại tự đánh mất chính mình. Do mất đi sức đề kháng văn hóa, nên giới trẻ Việt Nam hiện nay đang bị cuốn theo những yếu tố văn hóa ngoại lai. Cũng do đói nghèo đã dẫn đến sự cằn cỏi về tâm hồn, sự trượt dốc về nhân tâm. Chúng ta lâu nay vẫn thường nghe khẩu hiệu “giữ gìn và phát huy một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nhưng lấy gì để gìn giữ? Còn gì để phát huy? Từ thời lập quốc đến nay, xã hội Việt Nam chưa khi nào suy đốn như bây giờ: “xuống cấp về văn hóa”, “suy thoái về đạo đức.”
Một thời, người ta đã hô hào xóa bỏ tàn tích chế độ phong kiến, xây dựng văn hóa mới theo tư tưởng Mác-Xít duy vật. Thế là nền văn hóa duy tâm tồn tại cả ngàn năm bị phá bỏ không thương tiếc đến từng gốc rể. Người ta thờ Mác Lênin, ca ngợi Stalin, tôn sùng Mao Trạch Đông, còn ông cha, tiền nhân bị lên án là phong kiến, là lạc hậu, cần xóa bỏ.
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin… bất diệt”
(Tố Hữu)
Về phương diện vật chất: Hiếm có một đất nước nào như Việt Nam, làng nào cũng có đình, chùa, miếu mạo. Đó là một mặt biểu hiện của nền văn hiến dân tộc. Để phá bỏ triệt để cái gọi là tàn dư của chế độ cũ, trước hết là triệt phá các công trình kiến trúc văn hóa như: đình, chùa, miếu, mồ mả tổ tiên, lăng mộ vua chúa và các vị anh hùng dân tộc.
Sau cách mạng tháng tám mà đặc biệt sau cải cách ruộng đất, với phương châm đánh tất, đốt tất, diệt tất những gì được cho là tàn dư của chế độ phong kiến, những công trình kiến trúc văn hóa bị tàn phá một cách không thương tiếc. Người dân được hứa hẹn sẽ có xã hội mới, đó là xã hội “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Còn gì sướng hơn, đám đông lên đồng, đảng viên đi trước làng nước theo sau, họ đâu hiểu cái gì là tài sản quý giá của dân tộc, thế nên phá sạch, đốt sạch. Thật khủng khiếp, đó là một tội ác với nhân loại, với lịch sử, và với các thế hệ mai sau. Ai là người có chủ trương ấy? Ai phải chịu trách nhiệm?
Làng tôi, cũng có một ngôi đình, chỉ nhìn cái bệ đỡ chân cột thì cũng đã biết nó to cỡ nào, vòng tay một người ôm không hết. Người trong làng đi đâu cũng tự hào về cái đình làng mình. Nghe các cụ cao niên kể lại, hồi Cần Vương, làng có người chống Pháp. Pháp đưa quân về bắt bớ, dân làng sợ bỏ trốn vào rừng, chúng đốt trụi mấy trăm nóc nhà, nhưng tuyệt nhiên cái đình và các nhà thờ họ là không đụng tới. Thế nhưng sau này lại bị phá làm kho phân cho hợp tác xã, làm chuồng heo, giếng làng thành ao nuôi cá, con rùa đá chầu đình bị vứt lăn lóc. Giờ các cụ già mỗi khi kể chuyện làng, chuyện nước điều tiếc nuối, thở dài “đập phá hết rồi”.
Có lý do phá đình nghe mà cười ra nước mắt: Cụ thành hoàng đẻ ra con cháu địa chủ nên bị phá…. Đến bây giờ người ta lại hô hào xây dựng lại đình làng xưa, nhưng còn gì nữa, có những ngôi đình bị phá đến viên đá móng cũng không còn.
Về phương diện tinh thần: Làng xã Việt Nam là những thành lũy phòng thủ bảo vệ nền văn hiến, văn hóa truyền thống. Các cuộc đấu tố trong chiến dịch CCRĐ năm 1954-1956, đã phá nát thành lũy được xây dựng hàng ngàn năm ấy. Trước hết là đánh vào mối quan hệ gia đình: mối tương quan liên hệ giữa vợ chồng, giữa cha con, giữa người với người. Xóa bỏ tên làng bằng cách chia các làng thành đội, thôn. Khuyên kích, bắt buộc người dân trong làng đấu tố, sỉ nhục nhau phá vỡ khối đoàn kết thân ái. Thế là tình thân ái vợ chồng, cha con, họ hàng, xóm làng là gia đình bị thanh toán . Một vết thương tinh thần không thể lành, nhiều người chết ôm hận xuống mồ. Hàng triệu triệu gia đình ly tán. Có thể nói đây là tai họa khủng khiếp nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Để đổi lấy sự ủng hộ và viện trở của Liên xô và Trung Quốc, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã buộc phải tiến hành cuộc cải cách ruộng đất theo ý của Stalin, ông ta yêu cầu Việt Nam thực hiện một cuộc cải cách ruộng đất theo mô hình cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, điều này thể hiện hai bức thư của Hồ Chí Minh gửi Stalin ngày 30-10-1952. Tiếng súng đầu đã nổ vào một phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại là người từng nuôi cán bộ cộng sản – Bà Nguyễn Thị Năm.
Quan điểm của chủ nghĩa cộng sản là, muốn xây dựng XHCN trước hết phải có con người XHCN. Phải loại bỏ hẳn ý thức hệ cũ (phong kiến), giáo dục ý thức hệ XHCN để đào tạo con người mới. Nhưng kết quả lại là khiến xã hội Việt Nam ngày nay trở nên hỗn loạn, giá trị đạo đức văn hóa ngày càng bị xói mòn.
Xuân Hùng
https://www.danluan.org/