AI CHỊU TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC IM LẶNG TRƯỚC HẢI CHIẾN HOÀNG SA – CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC – TRẬN CHIẾN GẠC MA?
Tháng 7/2013, tôi sang Singapore để thực hiện một số cuộc phỏng vấn các học giả chuyên nghiên cứu về tranh chấp trên Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (ASEAN Studies Centre) cho bộ phim tài liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Đài Truyền hình HTV thực hiện. Sau giờ làm việc, tôi được Alex Giang, một người bạn Hà Nội đang làm luận án tiến sĩ ở ĐHQG Singapore mời đi uống trà và nói chuyện về gốm sứ cổ với ông Phó chủ tịch Hội sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ Singapore.
Qua trò chuyện, khi biết mục đích chính của tôi đến Singapore là để phỏng vấn các học giả ở Singapore về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, ông Phó chủ tịch Hội sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ Singapore nói: “Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) là những hòn đảo của Trung Hoa, Việt Nam tranh với Trung Hoa làm gì và làm sao mà tranh được!”.
Tôi phải mất gần 15 phút để giải thích, đưa dẫn chứng và tranh luận với ông là Trung Hoa đã xâm lược, và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Khi đó thì ông Phó chủ tịch Hội sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ Singapore nói rằng: “Tôi toàn đọc sách, tài liệu, xem phim ảnh do Trung Hoa xuất bản, khẳng định rằng hai quần đảo đó là của Trung Hoa từ nghìn đời nay. Việt Nam nói các quần đảo này là của Việt Nam sao không xuất bản các cuốn sách bằng tiếng Hoa, tiếng Anh… để công bố cho thế giới biết về điều này?”.
Tôi nói: “Đó là sai lầm của Việt Nam. Vì thế, hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu, xuất bản và công bố ra quốc tế những cuốn sách, bộ phim tư liệu về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ phim mà chúng tôi đang thực hiện tại Singapore hôm nay là một nỗ lực để sửa chữa sai lầm đó”.
Tháng 6/2015, bộ phim BIỂN ĐẢO VIỆT NAM – NGUỒN CỘI TỰ BAO ĐỜI (5 tập) do HTV thực hiện từ đầu năm 2013, đã hoàn thành và đã được phát trên sóng của HTV, sau khi vượt qua nhiều gian truân, trắc trở.
Bộ phim cũng đã được nhiều đài truyền hình khác ở Việt Nam phát lại, được đưa lên Youtube và được nhiều webpage khác dẫn lại [như link này (đủ cả 5 tập)].
Tháng 9/2015, phiên bản tiếng Anh của bộ phim này được phát trên Youtube, thu hút hàng ngàn lượt người xem links tại đây:
https://www.youtube.com/watch?v=gTfnz7TSedk (tập 1);
https://www.youtube.com/watch?v=Cu00mR9X_NE (tập 2);
https://www.youtube.com/watch?v=i93hfKUrZP0 (tập 3);
https://www.youtube.com/watch?v=XYFCshLoEDY (tập 4);
https://www.youtube.com/watch?v=B22KfiCfDcU (tập 5)
Và, đến tháng 3/2016, phiên bản tiếng Hoa của bộ phim này tiếp tục được phát trên Youtube [links tại đây:
http://youtu.be/ox_vJn_itYk (tập 1);
http://youtu.be/JDQr_ODgd7o (tập 2);
http://youtu.be/_AyrCih9KIU (tập 3);
http://youtu.be/_SR6yCOEWTk (tập 4);
http://youtu.be/moNKQy1t6gM (tập 5)
Vậy, ai có bạn bè là người Trung Hoa hoặc là người sử dụng tiếng Hoa, thì giới thiệu cho họ xem để họ biết về lịch sử chiếm hữu, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác của Việt Nam; để họ biết rằng những tuyên bố của Trung Cộng về chủ quyền của họ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn dối trá.
Tuy nhiên, cũng phải đau buồn mà thừa nhận rằng trong khi Trung Cộng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về “chủ quyền dối trá” của họ đối với những vùng biển và quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, về trận hải chiến Hoàng Sa tháng 1/1974 và trận chiến Gạc Ma tháng 3/1988…, thì lãnh đạo Cộng SảnViệt Nam lại im lặng.
Không thấy vị lãnh đạo cao cấp nào lên tiếng về những sự kiện trên, trong khi báo chí thì bị hạn chế đưa tin; dư luận bị dập tắt, nhân chứng không có cơ hội lên tiếng về các sự kiện này. Mãi cho đến vài năm gần đây thì chính quyền mới “nới lỏng” đôi chút trong những dịp kỷ niệm, nhưng đâu đó vẫn có cấm đoán, ngăn chặn, thậm chí cướp phá vòng hoa và hành hung người tham dự tưởng niệm các sự kiện này.
Những sự kiện này không được đưa vào sách giáo khoa để học sinh được học, được biết, được nhớ, được căm thù quân xâm lược và được nuôi dưỡng lòng yêu nước.
Những công trình nghiên cứu về những sự kiện này thì bị ngăn cấm xuất bản, mà điển hình nhất là vụ cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” do tướng Lê Mã Lương chủ biên, đã không được Cục Xuất bản cấp giấy phép xuất bản.
Vậy thì, sự ngộ nhận của ông Phó chủ tịch Hội sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ Singapore về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn có lý.
Và sai lầm này thì ai phải chịu trách nhiệm? Tất nhiên là không ai khác ngoài giới lãnh đạo Việt Nam.
NGƯỜI NƯỚC HUỆ (Từ New Haven, Connecticut).