Vụ thử hạt nhân Bắc Triều Tiên làm thay đổi thế cân bằng tại châu Á

Ngày 12/02/2013 vừa qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành thành công vụ thử hạt nhân thứ ba. Vụ thử đã bị cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án. Mục tiêu giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên giờ đây trở nên lỗi thời. Séoul và Tokyo được đặt trong tình trạng báo động, trong khi đó Hoa Kỳ vẫn chờ đợi câu trả lời từ phía Trung Quốc, và một vụ thử khác có lẽ cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị.
Truyền hình Bắc Triều Tiên chiếu địa điểm thử hạt nhân ngày 12/02/2013.

Truyền hình Bắc Triều Tiên chiếu địa điểm thử hạt nhân ngày 12/02/2013. REUTERS/Lee Ji-Eun/Yonhap

Trên đây là những nhận định chung của các báo Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc về sự kiện vừa qua. Đề tài đã được tuần báo Pháp Courrier International lần lượt trích đăng lại trên số báo ra tuần này.

Đầu tiên hết, Courrier International phải để ý đến phản ứng của Hàn Quốc, người anh em phía Nam của Bắc Triều Tiên. Theo nhận định của tờ Kyonghyang Sinmun “Vụ thử hạt nhân vừa qua đang làm thay đổi cục diện”.

Cho đến giờ phút này, vẫn chưa có người nào biết được các đặc tính kỹ thuật của vụ thử hạt nhân lần thứ ba. Trong khi đó, Bình Nhưỡng tuyên bố đã thu nhỏ thành công bom hạt nhân. Như vậy, đối với Seoul, người anh em phía Bắc của mình đang tiến thêm một bước đến việc sở hữu các loại vũ khí thật sự có thể sử dụng được. Nhất là, nếu như vụ thử vừa qua đã sử dụng chất uranium được làm giàu, thì rõ ràng các lời đe dọa của Bình Nhưỡng kể từ giờ đã mang một dáng dấp khác hẳn. Tác động của vụ việc sẽ khó có thể mà đo lường được, đồng thời việc giải trừ hạt nhân sẽ không còn nằm trong chương trình nghị sự nữa.

Đối với tờ báo Hàn Quốc, việc phóng thành công một tên lửa có tầm xa ước tính đến 10.000 km vào cuối năm 2012, cộng với sự kiện lần này cho thấy Bắc Triều Tiên có thể đe doạ trực tiếp đến Hoa Kỳ. Và trong một chừng mực nào đó, Bình Nhưỡng có thể áp đặt các đòi hỏi của mình với Washington.

Thế nhưng, tờ báo Hàn Quốc này cũng cho rằng thành công của vụ thử vừa qua không đủ để quốc tế công nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Đối với chính phủ Hàn Quốc, “sở hữu hạt nhân và được công nhận là cường quốc hạt nhân là hai chuyện khác nhau hoàn toàn”, vì sẽ có rất nhiều quốc gia không muốn trao cho Bắc Triều Tiên quy chế này.

Nhưng cộng đồng quốc tế cũnng phải nhìn nhận rằng hiện nay Bình Nhưỡng đang nắm trong tay công nghệ thật sự đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân. Do đó, các nước lân bang cần phải thay đổi phương pháp. Giải trừ hạt nhân không phải là chuyện dễ làm như mục đích ấn định ban đầu khi tiến hành các vòng đàm phán sáu bên vào năm 2002. Mà giờ đây phải làm sao ngăn chặn sự phát triển các khả năng hạt nhân cũng như việc xuất khẩu vũ khí hạt nhân của quốc gia ra các nước khác.

Theo nhận định của một vị giáo sư thuộc trường đại học Yonsei tại Seoul qua vụ việc lần này, cộng đồng quốc tế phải có cách tiếp cận thực tiễn hơn. Ông ủng hộ lập trường “ba không” do nhà khoa học Mỹ Siegfried Hecker đề xuất, đó là “Không có thêm quả bom nào nữa, không có quả bom nào tốt hơn nữa, không xuất khẩu” (“Three No : No more bomb, no better bomb, No Export”.

Theo phân tích của phía chính phủ Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên nghĩ rằng việc tự trang bị các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có hiệu quả có lẽ sẽ mở rộng cho họ nhiều hơn các biên độ hoạt động. Nếu như vậy thì cộng đồng quốc tế không còn khả năng nào hết ngoài việc ngồi lại vào bàn đàm phán.

Thế khó xử của Seoul

Trong bối cảnh đó, Courrier International trích dẫn lại một bài viết đăng trên tờ Minjungui sori cho rằng nữ Tổng thống tân cử Hàn Quốc Park Geun Hye đang đứng hai lựa chọn khó khăn “trừng phạt” hay “đối thoại”.

Tờ báo cho rằng sau vụ thử hạt nhân vừa qua, dường như bà Park Geun Hye ngày càng có hướng theo chiến lược bao vây chống lại Bình Nhưỡng. Nhiều chuyên gia Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên tỏ ra e ngại rất có thể nữ Tổng thống tân cử sẽ từ bỏ vai trò chủ đạo trong việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo. Theo họ, việc gia tăng trừng phạt và trấn áp sẽ không giúp giải quyết được việc giải trừ hạt nhân. Bởi vì “Bắc Triều Tiên luôn phản ứng lại bằng những hành động đáp trả còn mạnh hơn nữa”. Theo họ, chính phủ Hàn Quốc cần phải triển khai một chính sách dựa trên sự hòa hợp và hợp tác, đồng thời hãy để cho Hoa Kỳ tiếp tục đi theo chính sách đồng minh của họ.

Đối các chuyên gia Hàn Quốc, trừng phạt của Liên Hiệp Quốc là điều không thể tránh khỏi. Nhưng bên cạnh đó, chính quyền Seoul cũng phải tiếp tục nỗ lực nối lại đàm phán. Họ cho rằng cần phải có một không gian liên Triều, độc lập với vấn đề hạt nhân, chẳng hạn như ý tưởng tiến trình tạo niềm tin do bà Park Geun Hye đề xuất trong quá trình tranh cử. Nếu như bà từ bỏ ý tưởng đó, thì sau 5 năm cầm quyền, nữ Tổng thống tân cử sẽ nhìn thấy khả năng hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên được tăng cường thêm, mối nguy đối đầu quân sự sẽ càng gia tăng, và quan hệ Bắc-Nam cũng sẽ trở nên xấu thêm.

Bom thu nhỏ là mối nguy thật sự cho Nhật Bản

Đối với Nhật Bản, Courrier International trích dịch bài viết đăng trên tờ Nihon Keizai Shimbun nhận định rằng “quả bom được thu nhỏ lại đang trở thành một mối nguy hiểm thật sự”.

Hiện tại, Bắc Triều Tiên sở hữu từ 100 cho đến 300 tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong. Cho đến giờ, các phân tích gia Hoa Kỳ vẫn đánh giá rằng các đầu đạn hạt nhân còn quá nặng để có thể gắn vào đầu tên lửa. Nếu đúng như thông báo của Bình Nhưỡng là đã thu nhỏ thành công quả bom, thì điều đó cho phép họ có thể trang bị các tên lửa Nodong của mình.

Trong hoàn cảnh này, Nhật Bản buộc phải thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Vấn đề là, hai hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có trên đất và trên biển, với hệ thống chống ngư lôi Aegis được trang bị bằng các tên lửa và tên lửa đất đối không lại không đủ sức để chống chọi với Bắc Triều Tiên, trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công trên diện rộng.

Như vây, nếu bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, Nhật Bản có thể dựa vào một điều khoản trong Hiến pháp quy định cho phép đáp trả với điều kiện tự vệ hợp pháp. Trong trường hợp đó, lại phát sinh thêm một khó khăn khác. Đó là các tên lửa Nodong của Bắc Triều Tiên là các tên lửa di động. Do đó, Nhật Bản khó có thể mà định vị được các bệ phóng.

Tờ báo nhận định rằng, trong bối cảnh đó, nhất thiết Washington và Tokyo phải chứng tỏ sự nhất quán nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng hiểu rõ tính chất vững chắc của “chiếc ô hạt nhân”. Chừng nào sự đảm bảo đó vẫn vững chãi, chừng ấy Bắc Triều Tiên không thể tự cho phép dựa vào kho vũ khí hạt nhân của mình để khiêu khích Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Cuối cùng, tờ báo cho rằng trong chiều hướng này, tThủ tướng Shinzo Abe nên tận dụng chuyến công du Hoa Kỳ sắp đến để đạt được sự đảm bảo từ phía ông Obama.

Trung Quốc trả giá đắt trong việc mặc cả hạt nhân với Bình Nhưỡng

Về phần Trung Quốc, tờ báo Hồng Kông Zhongguo Pinglun đăng một bài viết nhận định của một vị giáo sư Trung Quốc lại cho rằng “Giá phải trả cho mặc cả hạt nhân của Bình Nhưỡng quá đắt”. Bài viết đã bị chính quyền Bắc Kinh nhanh chóng kiểm duyệt.

Theo tác giả bài viết, Trung Quốc cần phải chuẩn bị tinh thần cho điều tệ hại nhất. Nếu như Bắc Triều Tiên sụp đổ, trong trường hợp tốt nhất, người dân sẽ bỏ chạy sang Hàn Quốc. Bằng như ngược lại, một làn sóng di tản sẽ tràn qua biên giới Trung Quốc. Dĩ nhiên, là Bắc Kinh không trông đợi điều đó xảy ra, nhưng cũng phải chuẩn bị tinh thần cho sự kiện đó. Bài viết cho rằng Trung Quốc cần phải phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và phải có các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp.

Nếu như Hoa Kỳ tìm đủ mọi cách để lật đổ chế độ Bình Nhưỡng, kể cả thông qua con đường hợp pháp là thông qua một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép tấn công quân sự, thì đối với Trung Quốc điều đó có thể sẽ gây ra một thảm họa nhân loại.

Hơn ai hết, Bắc Kinh hiểu rõ người đồng chí của mình có thể sử dụng nhân dân như một “lá chắn” nhằm bảo vệ bằng mọi giá quyền lực gia đình họ Kim. Bắc Kinh đã trả giá quá đắt cho các ý đồ đe dọa hạt nhân khác nhau của Bình Nhưỡng. Do đó, không có chuyện cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này phải bỏ rơi hoàn toàn người hàng xóm của mình, bởi vì Bắc Triều Tiên cũng là một quốc gia có chủ quyền và độc lập (và cũng không phải là đồng minh của Mỹ là một cái lợi đối với Trung Quốc). Hiệp ước hữu nghị đôi bên ràng buộc Trung Quốc với một trách nhiệm đặc biệt. Nhưng theo tác giả, Bắc Kinh cần phải tỏ rõ quan điểm của mình trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc rằng Trung Quốc không muốn gánh lấy trách nhiệm trước hành vi thiếu suy nghĩ của Bắc Triều Tiên.

MinhAnh / RFI

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt