525 nhà ái quốc VNQDĐ bỏ mình tại Guyane, Nam Mỹ – bài 4

Nhà lao An Nam ở Guyane – Đường vào nhà lao (Phóng viên Danh Đức bài 4)

Tấm ảnh ghi ở bìa rừng dấu hiệu lối đi vào Nha lao An Nam

Năm 1931, sau khi khởi nghĩa Yên Bái (Việt Nam Quốc Dân Đảng) thất bại, 525 tù nhân Việt Nam bị bắt đày đi Côn Đảo, sau đó bị đày biệt xứ sang Guyane thuộc Pháp và giam tại một trong những nhà lao ở Cayenne, gọi là nhà lao An Nam. Gần 80 năm qua, sự kiện đó dường như ít còn được mấy ai nhắc đến nữa!

Bác sĩ Kim và bác sĩ Danh, hai bác sĩ Việt kiều Pháp tại Guyane, là hai người đồng hành quí báu của tôi. Từ cả tháng trước, qua liên lạc thư điện tử, tôi đã hỏi thăm bạn bè ở Guyane về địa danh nhà lao An Nam (Danh Đức)

Bác sĩ Hi, tháng 11-2007 còn sinh sống tại Guyane trước khi dời sang đảo La Réunion tận châu Phi, đã giới thiệu tôi cho bác sĩ Kim và dặn dò: “Hãy đến thăm nhà lao An Nam và viết bài cho dân VN biết”. Bác sĩ Kim cho biết ông có nghe nói đến nhà lao song chưa đi đến đó, ông nhắc: “Làm sao đưa hài cốt các cụ về nước”. Sau đó, ông liên lạc với bác sĩ Danh (sang Pháp năm 1990 làm thực tập bác sĩ nội trú) và trả lời với tôi: “Anh Danh đã từng đi đến nhà lao An Nam rồi, nên sẽ dẫn đường cho chúng ta”.

Giữa rừng già:

Suốt từ trưa 16-4 đến sáng 18-4, trời mưa tầm tã không ngớt trên khắp Guyane. Bác sĩ Kim bảo: “Mưa này không tài nào vô rừng đến nhà lao được”. Đến tối 18-4, tên lửa Ariane chở vệ tinh Vinasat-1 phóng lên không gian trong bầu trời trong vắt, chả bù với sáng hôm trước phải di chuyển vệ tinh ra bãi phóng trong cơn mưa tầm tã. Vụ phóng vừa được loan báo thành công, mọi người từ phòng chỉ huy của trung tâm không gian xuống đất, chưa kịp nâng ly rượu mừng trời đã lại mưa. Trong bụng chúng tôi lại thầm lo. Kim bảo: “Điệu này thua rồi”. Nào ngờ, trên suốt con đường về lại Cayenne thấy thật khô ráo, chẳng thấy một giọt mưa.

Sáng 19-4 cũng thế, không hẳn là trời quang mây tạnh, song không có gì đe dọa rằng sẽ có mưa. 10 giờ, bác sĩ Danh đưa chúng tôi đi trên chiếc xe Peugeot phục chế của anh: “Đi xe này các anh ạ. Chú đi xe BMW của anh Kim, đến đó bỏ xe ngoài đường, tránh bị kẻ xấu lấy mất xe giữa rừng”. Trước đó, lúc 8 giờ, trời còn mưa vài hạt. Giờ thì trời quang mây tạnh trên con đường từ Cayenne đi Kourou.

Đường vào nhà lao An Nam là một con đường mòn giữa rừng già Amazon, tại một khu vực mang tên Montsinéry – Tonnégrande. Montsinéry là tên của một làng ở bìa rừng, còn Tonnégrande là tên của một dòng sông, nghĩa là “sấm to, sét lớn”. Đến ngã ba Montsinéry cách Cayenne 30km thì quẹo trái. Chạy được 3km, qua hai cái cầu thì đến lối vào nhà lao.

Phải loay hoay tìm tới tìm lui mới tìm ra lối vào nhà lao An Nam. Một tấm bảng chữ được chữ mất “Bagne des Anamites” ở gần cửa rừng. Ai đó ghi thêm “45 phút đi bộ”, bên cạnh một tấm bảng khác ghi “Propriété privée. Defense dentrer”, xác định đây là “tài sản tư nhân, cấm vào”. Nghĩa là giữa cánh rừng già bao la, nhà lao này thuộc về một ai đó và ai đó ra lệnh cấm vào. Nhưng đã vượt cả nửa vòng trái đất qua đây rồi, không ai ngăn được chúng tôi vai đeo balô, tay cầm gậy và mã tấu mà xông vào rừng. Rừng già Amazon là đây. Nhà lao An Nam là đây. Ráng lội bộ vào thôi.

“Chuồng cọp”

Từ cửa rừng đi vào là những bãi sình lầy lội. Muốn di chuyển cho dễ phải tránh đi vào giữa đường mòn bùn sình nhão nhoẹt, mà đi sát vào ven đường. May là hôm nay không mưa nên bùn không qua mắt cá chân.Sau những bãi sình còn có thể lội qua được là những đoạn sình lầy nhất được phủ bằng những thanh gỗ ngang khoảng 60cm, như một con đường bằng gỗ. Càng vào sâu đường mòn càng hẹp lại. Có những đoạn trên nền cát và đất không sình lầy nên bước chân không vất vả.

Thỉnh thoảng một thân cây to trốc gốc vắt ngang đường, những cành cây nằm ngang mặt đường tạo thành một mạng lưới chằng chịt. Bác sĩ Danh dùng mã tấu chặt những cành nhỏ dọn đường cho tôi leo qua dễ dàng hơn. Con đường thoai thoải xuống dốc. Đi mãi, hơn một giờ rưỡi thấy một tấm bảng chỉ dẫn vẽ bản đồ nhà lao, khu vực nhà lao nay còn được gọi là La crique danguille (suối Lươn). Danh cho biết người ta hay gọi đây là những con lươn điện (anguilles electriques) có thể phóng ra những tia điện lên đến 700volt. Rẽ trái chúng ta sẽ đến khu vực nhà lao. Chẳng còn gì ngoài dãy chuồng cọp bằng bêtông từng nhốt các tù nhân VN bất khuất.

Khu vực nhà lao An Nam xuất hiện trước chúng tôi bằng một hiện vật khá bất ngờ: hai hố xí (cầu tiêu) bằng ximăng xây cao khoảng 1m, không có vách, “trần truồng” để lính canh có thể quan sát xem tù nhân đang làm gì, có giấu giếm gì không, có mưu đồ gì không… Gần đó là hai dãy “chuồng cọp”. Mỗi bên 16 cái, mỗi “chuồng cọp” kích thước 1x2m, cao 2m. Trên trần là song sắt, không có mái che, để lính canh có thể đi bộ phía trên mà quan sát tù nhân. Quang cảnh lạnh lẽo thê lương, nhất là trong một buổi trưa trời muốn mưa giữa rừng già.

Hai dãy chuồng cọp gồm 24 chuồng cọp dùng để nhốt người tù An nam

Cầu tiêu lộ thiên để cai tù nhàn thấy người tù khi đi vệ sinh để khỏi chạy trốn trại

Nhà báo Danh Đức

(Đọc tiếp bài 5: Hương Khói Giữa Rừng Amazon)


Sau khởi nghĩa Yên Bái, có 525 người Việt bị bắt và đưa đi đày ở Côn Đảo, sau đó bị đưa sang tận Guyane. Đó là lý do giải thích trong truyện Papillon, người tù khổ sai, Henri Charrière có nhắc đến các bạn tù Đông Dương của mình tên là Chang và Văn Huê cùng các tù nhân An Nam khác.

“- Anh là bạn thân của Chang à?

– Phải, anh ấy báo tôi đến kiếm Quých – Quých để cùng vượt ngục với nhau. Tôi đã có lần vượt ngục đi rất xa, đến tận Colombia. Tôi đi biển giỏi lắm, vì vậy Chang muốn tôi đưa anh của anh ấy đi. Anh ấy tin tôi.

– Tốt lắm. Chang xăm những gì trên người?

– Ở ngực, một con rồng; bàn tay trái, ba dấu chấm. Anh nói ba cái dấu đó chỉ rõ anh ấy là một trong các thủ lĩnh cầm đầu cuộc nổi loạn ở Côn Đảo. Người bạn thân nhất của anh ấy cũng là một người chỉ huy cuộc nổi loạn, anh này tên là Văn Huê, anh này bị cụt một tay”.

(Trích Papillon – người tù khổ sai)

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt