Ngày Tang Yên Báy 17-06-1930: Hào Khí Dân Tộc vang vọng đến đời sau

Ngày 17-06-1930, ngày bầu trời Việt Nam xám xịt vây bủa một màu tang u ám bầu trời Việt Nam, ngày dân tộc Việt Nam vươn mình đứng dậy đánh đuổi thực dân Pháp dành độc lập cho dân tộc, ngày mà các anh hùng dân tộc Việt Nam gióng lên tiếng chuông thức tỉnh đồng bào hãy đứng lên vì nền độc lập của dân tộc, vì tự do và vì hạnh phúc của toàn dân… Đã 82 năm trôi qua, nhưng tinh thần Yên Báy bất diệt vẫn trong tâm thức của dân Việt như hành trang yêu nước của mình…nhân tưởng niệm lần thứ 82 ngày tang Yên Báy, nhà văn trong nước đã viết….

Tiếng vang của “Khởi nghĩa Yên Báy” đã chấn động Đông Dương và chấn động sang nước Pháp, vang cả sang Nga thời bấy giờ. Những tác phẩm báo chí, văn thơ đương thời còn để lại dấu ấn, vượt qua thời gian.

Những nhân vật lịch sử đã đi vào lịch sử.
Vị đắng có trộn đường vào vẫn đắng.

Chỉ còn biết ngồi lại với nhau, ngẫm nghĩ. Hay dở, được thua, sống chết, khôn dại, đóng đinh vào các con chữ. Nó có linh hồn. Nó thay ta nói.

Cụ già Bến Ngự Phan Bội Châu bị thực dân Pháp quản thúc ở Huế đã làm mấy bài văn tế những người vì nước quên thân ở Yên Báy: Văn tế các tiên liệt Việt Nam Quốc Dân đảng, Văn tế dân làng Cổ Am bị nạn hỏa thiêu ngoài Bắc Kỳ vì liên can việc chứa chấp các đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng. Rồi Văn tế Cô Giang, Chị khóc em, Cô khóc cậu… Trong “Văn tế Cô Giang”, ông già Bến Ngự hơn bảy mươi tuổi đã hạ mình để gọi Nguyễn Thị Giang tuổi mới 22 bằng chị xưng em, chứng tỏ sự ngưỡng mộ đến chừng nào! Những câu văn tế của cụ Phan Sào Nam thật sâu xa:

Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng, mây Tam Đảo, hơi sầu cuồn cuộn, bóng rồng thiêng, đành ông HỌC xa xuôi.

Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi Nàng Triệu, ngựa Nàng Trưng, khí mạnh nhơn nhơn, hình hạc gió, hãy cô GIANG theo đuổi.

Và, chí sĩ Ngô Quang Đoan, người kế tục sự nghiệp chống thực dân Pháp của Nguyễn Quang Bích đã có câu đối về Nguyễn Thái Học:

Đại nghĩa sở đương vị: báo quốc, đan tâm quang nhật nguyệt
Thâm thù do vị tuyết: tiêm cừu, hạo khí tráng sơn hà.
(Nghĩa lớn nên làm: giết giặc, lòng son ngời nhật nguyệt
Thù sâu chưa trả: hi sinh, khí mạnh rạng non sông).

Lại có cả thơ “Ngày tang Yên Báy”, của một tác giả ẩn danh:

…Sau cái nhìn non nước bi ai
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng
“Việt Nam muôn năm!”. Một đầu rơi rụng
“Việt Nam muôn năm!”. Người kế tiến lên
Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.

Báo chí trong nước, ngoài nước liên tục đưa tin.

Tờ báo Đông Pháp có bài viết in một cột dọc, với hàng tít dài, nguyên văn là thế này:

“Mười ba đảng viên V.N.Q.D.Đ bị xử trảm tại Yen Bay” (1)

Hồi 4 giờ rưỡi chiều hôm qua, bản-báo nhận được điện tín bên Pháp gửi sang nói rằng trong 39 người bị Hội-đồng đề hình xử lần thứ hai ở Yên-bay khép tội tử hình, các phạm nhân trừ Phó-đức-Chính ra đều chống án về Chính-phủ Pháp.

Nay được tin rằng trong số 39 người ấy duy có 26 người được ân xá còn 13 người đều y án nghĩa là phải buộc vào tội tử-hình.

Hồi 8 giờ rưỡi hôm qua, một chuyến xe hỏa riêng đã chở máy chém và 13 phạm-nhân lên Yen bay có lính khố xanh, sen-đầm và các viên thanh tra mật thám đi áp giải, quan thanh tra chính trị M.Servoise, phóng viên báo Petit Parisien và báo Le Matin cùng phóng viên bản báo cũng đáp chuyến xe hỏa ấy lên Yên bay.

Tên 13 phạm nhân bị xử trảm:

Mười ba tội nhân không được ân xá là Nguyễn-thái-Học, Phó-đức Chính, Bùi-tư-Toàn, Bùi-v-Chuân, Ng Ân, Hà-v-Ân(?), Hà-v Lao, Đào văn-Nhít, Ngô- văn Du, Ng-văn-Thịnh, Ng v-Tiềm, Đỗ-văn Tư, Ng-v-Chu, Ng-như-Liên tức Ngọc Tỉnh.

Khi đi đường

Khi đi đường không xảy ra việc gì. Khi xe lửa đến Việt Trì có lính lê dương ra gác cầu và nhà ga.
Trên toa xe lửa các phạm nhân hút thuốc lá nói chuyện với nhau hoặc nói chuyện với các viên thanh tra mật thám.
Tàu đến Yên báy vào hồi 1 giờ rưỡi sáng. Quan chánh phó sứ tỉnh Yên báy cùng một đội lính lê dương ra ga. Mục sư Niochet (?) cũng có mặt ở nhà ga.

Đến Yên Báy

Thành phố im lặng, nhân dân hình như không biết việc này xảy ra.
Các phạm nhân đem về giam tại ngục thất Yên báy, chờ đến sáng mai thì đem ra hành hình ở đám đất trước trại giám binh.

Suốt đêm ở Yên bay không xảy ra việc gì. Đến 4 giờ rưỡi các mục sư cầu cho các phạm nhân ở trong ngục thất. Đến 5 giờ 10 phút một viên sen đầm vào báo cho quan Serro’se biết công việc đã sắp đặt xong.

Hành hình

Các quan chức văn võ tây nam và các hào mục trong thành phố đều đến chứng kiến việc hành hình. Công chúng đi xem không đông mấy.

Có một cơ lính khố đỏ, một cơ lính khố xanh, và một đội lính lê dương ra pháp trường giữ trật tự. Cửa trường hình mở, Ng-như Liên tức Ngọc Tỉnh bị giải ra pháp trường trước nhất, rồi sau các tội nhân cứ lần lượt từng người giải ra pháp trường thụ hình. Có sáu người lính Lê dương áp giải.

Sau khi Ngọc-Tỉnh đã thụ hình rồi, thì đến lượt Hà v Lao, Ng v- Cửu, Đỗ-v-Tư, Ng v Tiềm, Ng-v-Tỉnh (?), Ngô-văn-Du, Bùi-v-Chuân, Đào-v-Nhít, Ng An, Phó đức-Chính, Ng-thái-Học bị hành hình sau cùng.

Đến sáu giờ Di-hài các nhà cách-mệnh cho bỏ vào săng đưa xe bò chở ra nghĩa-địa cách nhà ga độ chừng năm trăm thước(!), cho mai táng (chung vào một huyệt) gần cạnh bốn phạm nhân bị hành hình trước”.

(1) Nguyên văn cách viết bài báo in trên đây, những chỗ có dấu (?) là tên người và chi tiết không thật chính xác. Có lẽ do trình độ người làm báo thời bấy giờ còn sơ đẳng, khi in không kiểm tra kỹ nên để sơ suất. (Danh sách không được ân xá những 14! Danh sách lần lượt bị xử trảm là 12? Thiếu mất tên Bùi Tư Toàn).

Nhà báo Louis Roubaud – người chứng kiến cuộc hành hình có bài viết đăng bài trên “Paris Soir” (Paris buổi chiều):

“Từ Hà Nội lên Yên Báy, các nhà ái quốc Việt Nam tuy biết mình sắp bị rơi đầu nhưng vẫn cười đùa vui vẻ, không một ai tỏ vẻ lo sợ. Nhất là Nguyễn Thái Học, ngày thường ít nói, tối hôm đó lại rất vui vẻ khi nói chuyện với anh em đồng chí và viên Cố đạo cùng đi theo để rửa tội cho mình. Đêm hôm đó ông Học đã hỏi viên Cố đạo nhiều câu làm cho vị Giáo sĩ Gia tô khó nghĩ. Ví như câu: “Làm việc cứu quốc có phải là phạm vào một điều cấm trong kinh thánh chăng?”

Cũng Louis Roubaud, tác giả của tác phẩm “Việt Nam bi thảm Đông Dương”, 15 năm sau cuộc khởi nghĩa Yên Báy, đã có bài đăng trên báo “Trung Bắc chủ nhật”.

“Trong đời phóng viên của tôi chưa bao giờ trông thấy cảnh tượng như sáng hôm nay. Những tiếng hô “Việt Nam” mà tôi nghe các nhà cách mạng cùng hô to trước khi bước lên đoạn đầu đài đã cho tôi thấy một lòng hăng hái, một sự tin tưởng gần như mê tín vào chủ nghĩa quốc gia của họ. Những tiếng hô đó đã làm cho tôi, một người ngoại quốc, cũng phải cảm động. Chắc chúng đã gợi ra trong lòng người Việt Nam tấm lòng ái quốc vẫn bị ngủ từ trước đến nay. Gây nên những cảnh tượng rùng rợn như hôm nay, phải chăng đó cũng là một chính sách vụng về của người Pháp ở xứ này”

Ít lâu sau ở Yên Báy mọi người truyền tụng bài thơ của Nhà thơ Pháp nổi tiếng Louis Aragon, in tại Paris:

Yen Bay, Quel est vocable qui rappelle qu’on ne bâillone pas un peuple qu’on ne le mate pas avec le sabre du bourreau
Yen Bay, A vous frères jaunes ce serment: pour chaque goutte de votre vie coulera le sang d’un Varenne
(Yên Báy, đây là cái từ nhắc nhở ta rằng, không thể bịt miệng một dân tộc, mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ.
Yên Báy, gửi đến các người anh em da vàng lời nguyền này, để mỗi giọt của cuộc sống các bạn sẽ tràn máu của một tên Varene)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt