Chính Sách An ninh của Hoa Kỳ ở Đông Á: Điều Chỉnh theo bối cảnh mới

Tiến sĩ Wu Xinbo

Trích từ tài liệu  “Vai Trò Cuả Hoa Kỳ ở Châu Á” bài nghiên cứu của Tiến Sĩ Wu Xinbo, Giáo Sư tại Đại Học Fudan, Thượng Hải Trung Cộng. Dr. Wu là Phó Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Về Hoa Kỳ, Phụ Tá Hiệu Trưởng trường đại học Bang Giao Quốc Tế, Fudan Thượng Hải. Hiện nay Dr. Wu đang nghiên cứu về: Diễn Biến Chính Sách An Ninh của Hoa Kỳ Đối Với Châu Á Thái Bình Dương Sau Chiến Tranh Lạnh.
Đồng tiền có hai mặt, thì chính trị chúng ta cần nhìn hai phía, những bài từ các chính khách Hoa Kỳ là phản ảnh quan điểm của chính trị Hoa Kỳ, tài liệu trình bày từ một nước Độc Tài Cộng Sản cũng phản ảnh quan điểm chính sách của họ….Nhìn cả hai mặt, chúng ta tìm được những nhận định lý thú, giúp ta đánh giá chính xác hơn về các chiến lược của thế lực siêu cường và đại cường…….từ đó mới vạch được hướng đi thích hợp cho công cuộc đấu tranh tự do dân chủ.

CHÍNH SÁCH AN NINH CỦA HOA KỲ Ở ĐÔNG Á:
ĐIỀU CHỈNH THEO BỐI CẢNH MỚI

Chính sách an ninh châu Á của Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt với những khó khăn to lớn, một phần bởi sự thay đổi mạnh mẽ của bối cảnh an ninh, kinh tế, chính trị khu vực và một phần bởi cuộc chiến chống khủng bố. Trong giai đoạn bất ổn như hiện nay, khi đề cập đến châu Á thì các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ không thể tránh khỏi những câu hỏi sau: làm thế nào để xác định được những thách thức an ninh dài hạn đối với lợi ích của Hoa Kỳ? Cách thức hiệu quả nhất để xác định những thách thức đó là gì? Đối phó với nước Trung Cộng đang lớn mạnh như thế nào để hai bên cùng có lợi? Làm thế nào để thuyết phục Nhật Bản đóng một vai trò an ninh lớn hơn trong khi giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với nền chính trị Nhật Bản và ổn định trong khu vực? Và cuối cùng là Hoa Kỳ sẽ làm như nào để hình thành nên một cơ cấu an ninh mới cho khu vực Đông Á, một cơ cấu lâu bền và hiệu quả hơn trong việc xử lý các vấn đề an ninh khu vực?

  1. Tình hình an ninh đang thay đổi ở Đông Á

Thập niên vừa qua đã cho thấy sự cần thiết phải đưa ra những định nghĩa đặc trưng mới cho an ninh khu vực. Những đặc trưng này không chỉ ảnh hưởng tới cách thức giải quyết và xử lý những vấn đề an ninh khu vực mà còn tạo ra những ảnh hưởng quan trọng đối với cơ cấu an ninh khu vực.

Đặc trưng thứ nhất là sự hoán chuyển các mối quan tâm về địa lý chính trị sang các mối quan tâm theo chức năng nhiệm vụ. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, động lực địa lý chính trị đã dẫn hai siêu cường tới một cuộc cạnh tranh toàn cầu và tạo ra động lực cho an ninh ở khu Đông Á. Tuy nhiên, khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc thì các vấn đề theo chức năng nhiệm vụ như: phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố, nhập cư trái phép, buôn bán ma túy, v.v.. đã trở thành những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự an ninh khu vực. Sự thay đổi bản chất của lĩnh vực an ninh đã làm thay đổi chiến lược an ninh khu vực bởi một lẽ Đông Á hiện nay không còn bị chia cắt theo hệ tư tưởng hay địa lý chính trị nữa, và lợi ích chung giữa các quốc gia trong việc ứng xử những thách thức trên dẫn tới sự hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh điố đầu.

Đặc trưng thứ hai là việc sử dụng chủ yếu các biện pháp kinh tế trong việc xử lý các thách thức an ninh. Trên bán đảo Triều Tiên, “Hàn Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế để chuyển mối quan hệ Nam-Bắc từ đối đầu trong Chiến Tranh Lạnh sang cùng tồn tại một cách hòa bình tuy vẫn phải đề phòng nhau”(1). Hơn nữa, Seoul (Thủ Đô Nam Hàn) cũng đang cố gắng thuyết phục Bình Nhưỡng (Thủ Đô Bắc Hàn) chấp nhận chính sách cải tổ kinh tế và mở cửa, hy vọng rằng chiến lược phát triển này sẽ dẫn tới những hành động hòa bình và thân thiện hơn trong quan hệ đối ngoại của Bắc Triều Tiên. Về vấn đề Đài Loan, Bắc Kinh đã điều chỉnh chiến lược của mình từ ép buộc Đài Loan phải đàm phán chính trị để thống nhất sang thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Kết quả là quan hệ kinh tế chặt chẽ xuyên eo biển Đài Loan đã dẫn đến động lực mới cho sự cân bằng và trong dài hạn có thể tạo ra một khuôn khổ hợp tác theo đó vấn đề Đài Loan sẽ được giải quyết. Nói cách khác, việc này đã đem lại triển vọng gỡ rối cho tình hình chính trị đang bế tắc về vấn đề Đài Loan theo hướng hòa bình, phát triển và dùng biện pháp kinh tế(2).

Đặc trưng thứ ba là sự suy giảm khá nhiều ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với an ninh khu vực. Do việc chấm dứt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh và sự suy yếu của nguy cơ Cộng Sản nên các đồng minh và quốc gia thân Hoa Kỳ không còn quá phụ thuộc vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Đương nhiên là những quốc gia này ngày càng chủ động tìm kiếm những lợi ích an ninh của riêng mình theo cách có thể không giống như cách của Washington. Chẳng hạn như sự bất đồng trong cách giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên của Seoul và Washington là một ví dụ. Các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin đang cố gắng tăng hệ số an ninh của mình thông qua việc phát triển các mối quan hệ an ninh, kinh tế, chính trị với các nước láng giềng. Đối với các quốc gia này thì Hoa Kỳ chỉ là một trong số các trụ cột an ninh của họ

Đặc trưng cuối cùng là vai trò ngày càng lớn mạnh của Trung Cộng đối với an ninh khu vực. Như David C. Kang đã nhận xét “Theo lịch sử thì chính sự suy yếu của Trung Cộng đã dẫn đến bất ổn ở châu Á. Khi Trung Cộng lớn mạnh và ổn định thì trật tự lại được vãn hồi”(3). Từ trước giữa những năm 1990 sự dính líu của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa vào an ninh khu vực chủ yếu mang tính chất song phương và thụ động. Tuy nhiên trong vài năm gần đây Bắc Kinh đã trở nên chủ động hơn. Trung Cộng đã khởi xướng việc thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải-ECO và hiện đang đóng một vai trò chủ chốt và tích cực trong vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, như đã được thể hiện trong việc tham gia vào Diễn đàn khu vực ASEAN, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh ngày càng tỏ ra thoải mái trong việc thúc đẩy hợp tác và hội đàm an ninh đa phương. Cùng với sức mạnh kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng thì việc tham gia một cách xây dựng của Trung Cộng vào công việc của khu vực là một điều cực kỳ quan trọng đối với hòa bình và ổn định khu vực.

  1. Những thay đổi trong chính sách an ninh châu Á của Hoa Kỳ kể từ sau vụ “11/9”

Dưới thời chính quyền Clinton, Hoa Kỳ đã cố gắng điều chỉnh theo môi trường an ninh hậu Chiến Tranh Lạnh ở Đông Á bằng cách một mặt xác định lại quan hệ liên minh với Nhật Bản và một số nước, mặt khác lại tăng cường quan hệ với Trung Cộng. Mối lo về sự lớn mạnh của Trung Cộng xuất hiện từ giữa những năm 1990, tuy nhiên Washington vẫn cố gắng dung hòa cả hai giải pháp cam kết và kiềm chế. Tuy nhiên khi Chính quyền Bush lên nắm quyền thì chính sách an ninh của Hoa Kỳ chủ yếu lại thiên về mối lo ngại một Trung Cộng lớn mạnh và những thách thức mà Hoa Kỳ nhận ra đối với lợi ích của mình. Mối lo ngại này đã ảnh hưởng rất lớn đến chính sách của Chính quyền Bush đối với Đông Á từ trước sự kiện “11/9”. Tuy nhiên thảm họa 11/9 đã buộc các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ phải xem xét lại các giả định trước đó và điều chỉnh lại vị thế an ninh của Hoa Kỳ trong khu vực. Nhìn chung, ta thấy có bốn thay đổi lớn trong chính sách an ninh châu Á của Hoa Kỳ thời kỳ hậu 11/9.

Từ thách thức địa lý chính trị sang thách thức chức năng nhiệm vụ. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ đã rất băn khoăn trong việc xác định đâu là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ, một bên là nỗi lo về mối đe dọa chức năng nhiệm vụ như việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), khủng bố, buôn bán ma túy, nhập cư trái phép, v.v., và một bên là nỗi lo về những thách thức địa lý chính trị truyền thống như sự lớn mạnh của các trung tâm quyền lực mới và sự thay đổi trong cán cân quyền lực. Báo cáo tổng kết Quốc phòng bốn năm ra một lần ngày 30/9/2001 chỉ ra rằng “một đối thủ quân sự với cơ sở nguồn lực hùng mạnh” là thách thức lớn nhất của Hoa Kỳ tại Đông Á(4), cho thấy các nhà hoạch định quốc phòng của Chính quyền Bush coi Trung Cộng là mối đe dọa an ninh hàng đầu và dự định sắp xếp lại các nguồn lực quân sự xung quanh nước này. Tuy nhiên báo cáo về Chiến lược an ninh Quốc gia của Hoa Kỳ tháng 9/2002 cho rằng khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với Hoa Kỳ, và “sự kiện 11/9/2001 đã thay đổi cơ bản mối quan hệ của Hoa Kỳ với các trung tâm quyền lực lớn trên thế giới và đem lại những cơ hội mới to lớn”(5). Mặc dù mối lo ngại về sự lớn mạnh của Trung Cộng vẫn chưa chấm dứt ở Lầu Năm Góc nhưng thảm kịch 11/9 và sự tái phạm của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân đã khiến cho những thách thức chức năng nhiệm vụ trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình an ninh của Hoa Kỳ tại châu Á.

Từ đồng minh sang liên minh. Từ giữa những năm 1990, việc củng cố khối đồng minh với Hàn Quốc và Nhật Bản là quan tâm hàng đầu trong chính sách an ninh châu Á của Hoa Kỳ. Đối với các nhà hoạch định quốc phòng trong Chính quyền Bush, nếu thách thức an ninh lớn nhất là đối phó với một nước Trung Cộng đang lớn mạnh thì Hoa Kỳ phải dựa vào những phương thức truyền thống như khối đồng minh và triển khai sớm. Như Báo cáo tổng kết Quốc phòng bốn năm ra một lần đã nhấn mạnh, “Chiến lược quốc phòng nhằm vào những nỗ lực củng cố đồng minh và đối tác của Hoa(6). Tuy nhiên khi các mối đe dọa chức năng nhiệm vụ ngày càng trở nên nguy hiểm hơn thì việc chỉ dựa vào sự hỗ trợ của các đồng minh không thôi là chưa đủ. Trong tình hình mới, Hoa Hoa Kỳ sẽ có nhiều tự do hơn trong các hành động của mình. Mặt khác, xây dựng liên minh thì dễ có khả năng hơn bởi các nước không có cùng quan điểm và lợi ích địa lý chính trị vẫn có thể có cùng bối cảnh chống khủng bố và ngăn chặn vũ khí hủy diệt hàng loạt. Kỳ và phát triển những hình thức hợp tác an ninh mới” Kỳ phải tạo ra được một “liên minh thiện ý” rộng nhất có thể được để chống lại khủng bố và ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sự ưu tiên đối với liên minh hơn đối với đồng minh còn do một thực tế là đối với một chính phủ thiên về chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ đối ngoại thì liên minh sẽ có ít ràng buộc hơn so với đồng minh và

Từ Đông Á sang Đông, Trung và Đông Nam Á. Trước sự kiện 11/9, Đông Á đóng vai trò đột phá khẩu trong chính sách an ninh châu Á của Hoa Kỳ với Trung Cộng là tiêu điểm. Điều này thể hiện ở việc dịch chuyển có kế hoạch trọng tâm chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ từ châu Âu sang Đông Á và đưa nhiều lực lượng đến khu vực này hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hậu 11/9 khi cuộc chiến chống khủng bố trở nên cấp thiết hơn thì các nhà hoạch định quốc phòng Hoa Kỳ đã chú ý nhiều hơn tới khu vực Trung, Nam và Đông Nam Á. Dưới lá cờ chống khủng bố, Hoa Kỳ đã thiết lập nhiều căn cứ quân sự ở các nước Trung Á và cũng đã được phép sử dụng các thiết bị quân sự của những nước này. Hoa Kỳ cũng đã tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia Đông Nam Á với việc đưa quân trở lại Phi-lip-pin. Ở khu vực Đông Bắc Á, vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã thay thế vấn đề eo biển Đài Loan để trở thành mối quan tâm hàng đầu của Washington. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn rất cảnh giác đối với việc phát triển và hiện đại hoá quân sự của Trung Cộng tại eo biển Đài Loan nhưng nhìn chung thì mối lo của Hoa Kỳ về an ninh ở châu Á đã phân tán hơn rất nhiều.

Từ chính sách kiềm chế Trung Cộng sang chính sách vừa kiềm chế vừa cam kết với Trung Cộng. Do trước sự kiện 11/9 Trung Cộng được coi là mối quan ngại an ninh hàng đầu nên phương sách của Hoa Kỳ là nhằm kiềm chế không cho phép Trung Cộng thay đổi tình trạng hiện nay tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là tình trạng eo biển Đài Loan. Báo cáo tổng kết Quốc phòng bốn năm một lần đã ám chỉ rằng Lầu Năm Góc có ý định tăng cường lực lượng quân sự tại Tây Thái Bình Dương thông qua việc tăng thêm tàu sân bay, củng cố vị trí đóng quân cho Không quân và triển khai thêm lính thủy chiến đấu(7). Trong khi đó, quan hệ quân sự giữa Trung Cộng và Washington bắt đầu nhận ra rằng mình cần phải tìm kiếm sự hợp tác của Trung Cộng trong các vấn đề như chống khủng bố hay vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong tình hình mới, Hoa Kỳ đã chấp nhận một phương thức khác đối với Trung Cộng. Như tuyên bố của Tổng thống Bush trong cuộc viếng thăm Thượng Hải vào tháng 10 năm 2001, Hoa Kỳ cố gắng phát triển mối quan hệ “thẳng thắn, xây dựng và hợp tác” với Trung Cộng. Trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Đài Loan và xây dựng chiến lược kiềm chế Trung Cộng, Hoa Kỳ cũng phải bắt đầu xây dựng lại, tuy vẫn còn chậm chạp và hạn chế, mối quan hệ quân sự với Trung Cộng. Quan trọng hơn là cả hai quốc gia đều hợp tác chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố và trong việc xử lý vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Nhằm đưa ra những mối quan tâm an ninh chung, Bắc Kinh và Washington đã tiến hành trao đổi thông tin tình báo và tham vấn ngoại giao ở mức độ chưa từng thấy kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Kỳ hầu như đã bị cắt đứt sau sự kiện “EP3”. Nhưng sau vụ khủng bố 11/9,

  1. Hoa Kỳ nên làm gì trong chính sách an ninh khu vực?

Trước hết, Hoa Kỳ cần phải hiểu đúng về ảnh hưởng của một nước Trung Cộng đang lớn mạnh. Mặc dù cuộc chiến chống khủng bố đã phần nào giảm bớt sự quan tâm của các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ tới Trung Cộng, nhưng mối lo lớn về sự hùng mạnh của Trung Cộng và ảnh hưởng của nó tới Hoa Kỳ vẫn còn đang tồn tại. Đối với các thế lực diều hâu, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa bảo thủ kiểu mới, thì Trung Cộng vẫn là đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ nếu không phải trong ngắn hạn thì sẽ là trong dài hạn. Rốt cuộc thì nguy cơ an ninh hàng đầu đối với Hoa Kỳ là một nước Trung Cộng đang lớn mạnh hay là các thách thức nhiệm vụ chức năng? Nếu không để ý tới vấn đề này, chính sách an ninh châu Á của Hoa Kỳ sẽ không thể tạo đà tốt cho thế kỷ 21 được. Đúng vậy, Trung Cộng đang ngày càng lớn mạnh và điều này sẽ chắc chắn khiến cho Hoa Kỳ phải chia sẻ ảnh hưởng với Trung Cộng và các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên đây sẽ là một xu hướng tự nhiên và dài hạn do động lực an ninh, chính trị và kinh tế khu vực quyết định chứ không phải do hiểm họa trong chính sách hiện nay của Bắc Kinh tạo ra. Trên thực tế, mặc dù ngày càng hùng mạnh nhưng Bắc Kinh lại mong muốn cùng chung sống với Hoa Kỳ, và theo một chừng mực nào đó còn sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực cũng như sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các vấn đề khu vực. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng muốn chung sống hòa bình với các nước láng giềng bởi Trung Cộng cần duy trì một môi trường thuận lợi để có thể tiếp tục tập trung vào phát triển kinh tế. Khi càng gia nhập sâu hơn vào hệ thống quốc tế thì Trung Cộng lại càng nhận thức được trách nhiệm của mình trong khu vực và các vấn đề thế giới. Vì vậy Trung Cộng chắc chắn sẽ đóng góp vào sự thịnh vượng và hòa bình khu vực, và điều này cũng phục vụ những lợi ích của Hoa Kỳ. Các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ cũng nên tránh tâm lý về cuộc chơi bên được, bên mất và chấp nhận một cử chỉ thoáng đạt hơn về sự lớn mạnh tất yếu của Trung Cộng, đồng thời giúp cho quá trình vô tiền khoáng hậu này thành một quá trình hòa bình hai bên cùng có lợi. Khi thăm Trung Cộng vào tháng 2 năm 2002, Tổng thống Bush đã nói với sinh viên Đại học Thanh Hoa rằng “Hoa Kỳ hoan nghênh việc Trung Cộng nổi lên như là một quốc gia hùng mạnh, hòa bình và thịnh vượng”(8). Washington nên nghĩ như họ nói.

Thứ hai, Hoa Kỳ nên thận trọng hơn đối với việc khuyến khích Nhật Bản đảm nhận gánh nặng lớn hơn về mặt quân sự. Từ sau Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã theo đuổi một chính sách an ninh chủ động và quyết đoán hơn, với khả năng quân sự được tăng cường một cách đáng kể và tỏ ý muốn tái sử dụng lực lượng quân sự. Nhật Bản làm việc này một phần là do họ đã thay đổi nền chính trị trong nước và thay đổi nhận thức về nguy cơ, một phần là do sự khuyến khích của Hoa Kỳ. So với quá khứ và xét theo tình hình khu vực hiện nay, Tokyo đã làm rất nhiều việc để nâng cao khả năng an ninh của mình. Tuy nhiên, đối với những người Mỹ “hoan nghênh việc Nhật Bản sẵn sàng đóng góp nhiều hơn và trở thành một đồng minh ngang bằng hơn”, những người “coi mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Hoa Kỳ là mẫu mực của đồng minh”, thì Nhật Bản đã làm hơn mức cần thiết quá nhiều. Chính quyền Bush đã tỏ dấu hiệu cho Tokyo thấy rằng Nhật Bản cần xem xét lại cái được gọi là hiến pháp hòa bình cho phép Nhật Bản trở thành một cường quốc quân sự “bình thường”. Đằng sau việc Hoa Kỳ khuyến khích Nhật Bản đóng góp nhiều hơn trên mặt trận an ninh còn có một xu hướng muốn tạo đối trọng với một Trung Cộng đang mạnh lên bằng cường quốc Nhật Bản. Tuy nhiên, cho dù nền chính trị Nhật Bản có thiên hướng cánh hữu và dân tộc chủ nghĩa, và cho dù Nhật Bản ngày càng quyết đoán hơn trong quan hệ đối ngoại thì việc thái độ năng nổ hơn của Nhật đối với an ninh sẽ có ý nghĩa như thế nào với ổn định khu vực vẫn còn là điều không thể biết trước được. Trong khi chắc chắn là Nhật Bản sẽ mạnh hơn về quân sự và chủ động hơn, Washington nên theo dõi chặt chẽ xem quá trình này gắn kết với chính trị của Nhật Bản như thế nào và ảnh hưởng tới ổn định khu vực ra sao. Với tư cách là “anh cả” của Tokyo, Washington nên khuyên Nhật Bản nhạy cảm hơn với các mối quan tâm khu vực và nên tiến hành tham vấn chặt chẽ với các nước khu vực, đặc biệt là với Hàn Quốc và Trung Cộng. Hoa Kỳ cũng nên chỉ cho Nhật Bản biết rằng nếu Nhật thực sự muốn được chấp nhận là một quốc gia “bình thường” thì cần phải tỏ rõ thiện chí chính trị trong việc giải quyết các vấn đề lịch sử một cách chín chắn và có trách nhiệm hơn. Bằng việc tới thăm đền thờ Yasukuni, Thủ tướng Koizumi muốn đáp ứng yêu cầu của nhóm cử tri bảo thủ và chứng tỏ rằng ông ta đủ bản lĩnh chịu chỉ trích của các quốc gia khác. Nhưng việc này chỉ làm hại cho uy tín quốc tế của Nhật Bản và làm hỏng những nỗ lực mà Tokyo đã làm để đảm bảo một vị thế mà Nhật muốn có trong khu vực.

Thứ ba là Washington cần phải nhạy bén hơn đối với “nỗi lo an ninh” ở Đông Á. Chồng chất với các nhiệm vụ xây dựng nhà nước còn dang dở, bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, đối mặt với cuộc suy thoái kéo dài một Thập niên của Nhật và đương đầu với Trung Cộng vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và đang trở thành “công trường của thế giới”, hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ, các quốc gia trong khu vực đã đưa vấn đề quản lý kinh tế xã hội lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của quốc gia. Mặc dù sự kiện 11/9 đã đem lại mối lo về khủng bố, hầu hết chính phủ các nước trong khu vực đều coi đây là sự kêu gọi tăng cường thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế chứ không phải là sự thay đổi toàn diện chiến lược an ninh quốc gia. Nhưng Chính quyền Bush dường như lại muốn chú tâm hơn đến các nguy cơ không chỉ từ phía khủng bố mà còn từ phía các quốc gia thù địch và các cường quốc đang nổi lên. Sự thiếu nhất quán trong nỗi lo về an ninh của châu Á và Hoa Kỳ làm cho các quốc gia Đông Á không hiểu được chính sách an ninh của Hoa Kỳ, và dần sẽ dẫn đến câu hỏi về vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực.

Cuối cùng, Hoa Kỳ nên nhận thức được nhu cầu về một cơ cấu an ninh mới ở Đông Á. Do đã tốn quá nhiều tiền vào việc duy trì quân đội và đồng minh an ninh khu vực nên chúng ta có thể hiểu tại sao Hoa Kỳ lại có xu hướng quay lại với kiểu dàn xếp “trục và nan hoa” truyền thống. Tuy nhiên, xu thế cải tổ kinh tế, an ninh, chính trị ở Đông Á đòi hỏi một kiểu dàn xếp mới, và sự thay đổi bản chất của các thách thức an ninh cần một phương thức mới. Chẳng hạn, để phá bỏ nguy cơ khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thì đồng minh truyền thống là không đủ; mà ta cần phải có một liên minh ý chí càng rộng càng tốt. Càng ngày chúng ta càng thấy rõ rằng việc hình thành một cộng đồng an ninh đa cực mới là giải pháp. Việc xây dựng một cộng đồng an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương là hoàn toàn khả thi bởi các quốc gia trong khu vực đều chia sẻ lợi ích của một môi trường an ninh ổn định và hòa bình, và các quốc gia này ngày càng có lợi từ việc hợp tác kinh tế ngày một gia tăng giữa chính các quốc gia với nhau. Một cộng đồng như này là khả thi cũng bởi do quan hệ giữa các nước lớn sẽ ổn định hơn sau một khoảng thời gian điều chỉnh, và cơ chế an ninh khu vực mới xuất hiện này sẽ càng phát triển thành phương thức hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực trong các vấn đề an ninh. Ở đây chữ “đa cực” được hiểu là cộng đồng không chỉ dựa trên một cơ sở mà dựa trên một loạt các nhân tố như sự đồng thuận giữa các nước lớn, liên minh thiện chí, việc duy trì các đồng minh an ninh và các cơ chế khu vực hay tiểu khu vực, v.v. Theo bối cảnh này, Hoa Kỳ vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng, tuy không phải vai trò lãnh đạo nhưng vẫn rất thiết yếu.

  1. Vai trò đang thay đổi của sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Á

Ngũ Giác Đài hiện đang xem xét lại việc triển khai quân ở cả châu Âu lẫn châu Á, và việc này có thể dẫn tới hàng loạt sự sắp xếp lại căn cứ trên toàn thế giới. Một việc cũng cần quan tâm là quan điểm mới về chức năng của sự hiện diện quân sự ở Đông Á của Hoa Kỳ. Trong thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh, sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở trong khu vực được cho là có ba chức năng: hình thành một môi trường an ninh khu vực, kiềm chế kẻ thù và các nước chống đối, và phản ứng trước các tình huống bất ngờ có thể xảy ra ở bán đảo Triều Tiên hoặc eo biển Đài Loan. Trong một tương lai đoán trước được, nhiều quốc gia châu Á vẫn có thể chấp nhận sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ, tuy nhiên thách thức là Hoa Kỳ sẽ điều chỉnh vai trò của sự hiện diện quân sự như thế nào trước môi trường an ninh đang thay đổi. Quan trọng nhất là chức năng kiềm chế và phản ứng có thể sẽ giảm xuống do sự thay đổi bản chất của vấn đề Triều Tiên và Đài Loan. Đối với vấn đề Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên, cả khu vực nhất trí rằng giải pháp tốt nhất là thúc đẩy cải tổ kinh tế, mở cửa và hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Cho dù bối cảnh chiến lược đang thay đổi ở Đông Bắc Á, bất cứ nhà lãnh đạo có lý trí nào ở Bình Nhưỡng cũng không xem xét đến khả năng có thể xảy ra một cuộc chiến chống lại Nam Triều Tiên. Thậm chí nếu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn còn mải mê theo đuổi chương trình hạt nhân thì tham vọng hạt nhân của họ cũng sẽ bị hủy bỏ để đổi lấy những lợi ích trọn gói về kinh tế, an ninh và chính trị. Còn về vấn đề khó xử Đài Loan, sự hợp tác kinh tế giữa hai eo biển đã tạo ra một động lực mới cho sự cân bằng và trong dài hạn có thể tạo ra một khuôn khổ hợp tác theo đó vấn đề Đài Loan sẽ được giải quyết. Nói cách khác, việc này đã đem lại triển vọng gỡ rối cho tình hình chính trị đang bế tắc về Đài Loan theo hướng dùng biện pháp kinh tế, hòa bình và phát triển(11). Mặc dù việc ngăn chặn các hoạt động khủng bố vẫn là nhiệm vụ khẩn cấp của quân đội Hoa Kỳ, bản chất của chủ nghĩa khủng bố thường đòi hỏi những hoạt động bán quân sự hơn là những chiến dịch quân sự theo kiểu chiến tranh. Do lợi thế quân sự của Hoa Kỳ không còn nằm ỏ việc triển khai sớm nên các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ cần phải tận dụng ảnh hưởng chiến lược chính trị để tạo ra một môi trường an ninh khu vực ổn định. Môi trường này phản ánh động lực mới về an ninh, kinh tế, chính trị ở Đông Á và sẽ ổn định bền vững hơn.


Chú thích:

(1) Morton Abramowitz và Stephen Bosworth, “Điều chỉnh trước châu Á mới”, Ngoại giao, quyển 82, số 4, trang 121.

(2) Wu Xinbo, “Vấn đề Đài Loan và chiến lược an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”, Lợi ích chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, quyển 24, số 3, 6/2002, trang 233.

(3) David C. Kang, “Nhận định sai về châu Á-Nhu cầu về cơ chế phân tích mới”, An ninh Quốc tế, quyển 27, số 4 (mùa xuân 2003), trang 66.

(4) Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Báo cáo tổng kết quốc phòng bốn năm một lần, 30/9/2001, trang 4.

(5) Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ, 9/2002, trang 28.

(6) Báo cáo Tổng kết Quốc phòng bốn năm một lần, trang 14.

(7) Michael McDevitt, “Tổng kết quốc phòng bốn năm một lần và Đông Á”, PacNet 43, 26/10/2001.

(8) Bài nói của Tổng thống Bush tại Đại học Thanh Hoa, ngày 22/2/2002 do Văn phòng Thư ký Báo chí Bạch Ốc công bố. http:/usinfo.state.gov/regional/ea/uschina/bushqinghua.htm

(9) “Hoa Kỳ và Nhật Bản: Tiến tới một quan hệ đối tác hoàn thiện”, Báo cáo đặc biệt INSS, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia, Đại học Quốc phòng Quốc gia, ngày 11/10/2000.

(10) Ronald Montaperto và Satu Limaye, “Nỗi lo về an ninh của Hoa Kỳ và châu Á – Để ý đến khoảng cách”. PacNet 29, ngày 20/7/2001; Wu Xinbo, “Vấn đề Đài Loan và chiến lược an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”, Lợi ích chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, quyển 24, số 3, tháng 6/2002, trang 232.

(11) Wu Xinbo, “Vấn đề Đài Loan và Chiến lược An ninh châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”, Lợi ích chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, quyển 24, số 3, 6/2002, trang 232.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt