CƠN SỐC MANG MÀU XÁM (trong tập truyên Ngang Trời Mây Đỏ) của Ngọc Bái ở trong nước

Những tấm lòng nhớ về anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và 12 Liệt Sĩ Yên Báy trong nước, nhân ngày 17-06-2011 một nhà văn trong nước cố gắng hoàn thành tập truyện “Ngang Trời Mây Đỏ” để dâng lên tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và 12 Liệt Sĩ lên đoạn đầu đài 81 năm về trước tại Yên Báy.

Cơn Sốc Mang Màu Xám

Những lặng im tích tụ
Thành những sóng vô hình
Biết đâu là mắt bão
Cả khi trời rất xanh


Những tin báo ở khắp các địa bàn trong cả nước dồn dập loan về cho Nguyễn Thái Học làm cho anh rất phấn chấn. Giữa đất Hà Nội, cơ sở bí mật có hàng chục địa chỉ. Anh chọn số 9 đường Thanh Giám, một nơi thật yên tĩnh để hẹn gặp một số yếu nhân trong tổ chức, chuẩn bị cho cuộc họp bàn phương hướng hành động của cả năm 1929. Phương châm là củng cố và xây dựng tổ chức từng bước vững chắc, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, chuẩn bị lực lượng phối hợp phong trào yêu nước toàn quốc, chờ thời cơ hành động.

Cuộc họp mặt trong phạm vi hạn chế nhưng đông đủ những người có vai trò sống còn của tổ chức. Đó là Nguyễn Khắc Nhu, Đoàn Trần Nghiệp, Phó Đức Chính, Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm, Hoàng Phạm Trân.
Nguyễn Thái Học thông báo tin tức mới nhận được cho mọi người cùng hiểu rõ những gì đã đạt được để yên tâm đón cái tết trong sự yên vui.

Đã liên lạc được với cụ Phan Bội Châu ở trong Huế. Cụ già Bến Ngự vui lòng nhận làm Chủ tịch danh dự của đảng. Cụ hứa giúp đỡ người của đảng gặp gỡ những nhân vật có tiếng ở nước ngoài để giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Phái đoàn ngoại giao của đảng do Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch và Phạm Tiềm đã lên đường sang Cao Miên, sang Xiêm, liên hệ với các nhà cách mạng ở hải ngoại và vận động mua vũ khí cho đảng. Ở Thanh Hoá nhóm của Hoàng Văn Tùng đã có cơ sở tốt. Ở Thái Bình nhóm của Đặng Đình Điển hoạt động ráo riết. Bắc Ninh nhóm Nguyễn Thế Nghiệp quy tụ được nhiều tầng lớp tham gia. Miền Trung tuy khó khăn hơn, nhưng ta đã tập hợp được trong nhóm Phan Khôi. Ở trong nam các anh Trần Huy Liệu, người chủ soái “Cường học thư xã” đã lập được Kỳ bộ. Anh Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình) cũng hoạt động tạo được thanh thế cho đảng. Người giỏi về chính trị, người giỏi về quân sự kết hợp lại là đáng tin cẩn…Hãy ăn một cái tết trong bình yên vô sự.

Mọi công chuyện hãy gác lại, chờ sau tết sẽ lại tiếp tục hoạt động theo sự phân công của tổ chức với từng người.
Cuộc gặp mặt nhanh chóng kết thúc, mỗi người đi mỗi ngả, tản nhanh trong các ngõ ngách Hà Nội. Nguyễn Khắc Nhu và Nguyễn Thái Học rủ nhau về Bắc Giang làm nốt một số việc liên quan tới cơ sở. Ngoài công việc, Nguyễn Thái Học cũng nóng lòng về đó để gặp người yêu. Từ hôm rủ được Nguyễn Thị Giang về thăm cha mẹ và gia đình ở Thổ Tang đến giờ, lúc nào nguôi việc anh lại nghĩ đến Giang. Nỗi nhớ lạ lùng.
Chuyện tình ái có người trở nên mụ mẫm không điều khiển nổi hành vi của mình, nhưng cũng có người vì tình yêu mà thăng hoa hơn trong mỗi việc làm. Đối với Nguyễn Thái Học rơi vào trạng huống thứ hai. Anh cảm thấy lúc nào cũng muốn cất lên câu hát. Anh lặng lẽ làm thơ tặng người yêu. Bài thơ chẳng biết đặt tên là gì, chỉ thấy cảm xúc tuôn trào trên từng nét chữ.


Em là cô lái đò nhung
Giúp người lữ khách qua vùng sông sâu
Tay em mưa nắng giãi dầu
Chìa cho anh vịn qua cầu bình yên
Thác ghềnh xoáy nước triền miên
Em đưa anh tới những miền vinh quang
Anh như sóng gió ngang tàng
Cuốn em theo những nẻo đàng đấu tranh…

Không cần biết hay dở ra sao. Chỉ biết đấy là những lời chân thật, bật ra từ buồng tim lá phổi. Giờ chỉ cần mấy giờ tàu hoả là đến Bắc Giang, người yêu sẽ được đọc và sẽ nói anh thật lãng mạn.
Nếu không có gì trắc trở, Nguyễn Thái Học định bụng sẽ ăn tết ở Bắc Giang theo lời mời của Nguyễn Khắc Nhu để có dịp gần Giang hơn.

Nguyễn Khắc Nhu khăn sếp áo the, cắp tráp bên mình y như lý trưởng ra tỉnh. Còn Nguyễn Thái Học cắp ô theo hầu. Định nhảy tàu điện ra ga Hàng Cỏ. Nhưng hai người vừa chớm đến Cầu Giấy thì gặp ngay bọn mật thám đi tuần. Sợ gặp chúng khám xét phiền hà, Nguyễn Khắc Nhu kéo Nguyễn Thái Học lánh vào khu nhà có tên là “lữ quán mộng mơ”.
Thấy hai người, các cô tưởng khách “làng chơi” liền đon đả mời chào:
– Thày lý, anh hầu ơi, vào quán em đã nào. Chẳng mấy khi được tiếp các anh! Ở đây giá cả rất phải chăng, phục vụ tận tình.
Nhìn ra ngõ vẫn thấy bọn mật vụ đáng ngờ lảng vảng, sợ dùng dắng sẽ lộ, hai người đành phải rẽ vào lữ quán. Đợi cho chúng đi rồi mới trở ra. Nhưng oái oăm, chúng cứ lởn vởn làm cho hai người tắc lại.
Nhìn đồng hồ đã muộn giờ tàu. Hai người đành phải vào quán nghỉ trọ.
– Cho hai người chúng tôi một phòng trọ qua đêm.
– Tưởng các anh cần chuyện kia.
– Tôi cứ nghĩ xóm cô đầu ở đằng Khâm Thiên mới có “chuyện kia”, thế ở đây cũng có à?
– Rõ mớ đời! Ở đây mới thật là mơ mộng cảnh tiên. Các quan chức trong thành trốn vợ ra đây hưởng hương đồng gió nội, chả sướng à?
– Chúng tôi mệt vì lỡ đường, chỉ có nhu cầu ngủ thôi.
– Rõ là vớ vẩn…
Nói vậy, nhưng các cô vẫn xếp cho Nguyễn Khắc Nhu và Nguyễn Thái Học một phòng nghỉ.
Nguyễn Thái Học cười chua chát:
– Rõ là vớ vẩn thật! Các cô ấy nói thế mà đúng, mình cần đi ngay, mà đành phải nghỉ lại, chả vớ vẩn là gi?!
– Chắc là Giang sẽ mong Học lắm đấy!
– Vâng, chắc chắn là thế!
– Thôi, gắng chờ đến sớm mai ra Bến Nứa đi ô tô vậy.
Đêm lạnh, chỉ có chiếc chăn đơn cho hai người, Nguyễn Thái Học nằm ôm lấy Nguyễn Khắc Nhu, trong nỗi trăn trở, vừa da diết nhớ người yêu, vừa bực lòng vì thời gian lỡ dở.
Mấy cô nàng ở “lữ quán mộng mơ” cũng ngạc nhiên, rỉ tai nhau. Rõ ràng hai người này nói thèm ngủ mà lục sục suốt đêm. Bốn giờ sáng đã dậy trả phòng. Xem cử chỉ thì thấy có vẻ là những người đàng hoàng, mà sao cứ thấy vội vàng và có gì khang khác. Hay họ đánh bạc hết tiền. Nếu vậy thì chỉ còn cách là chịu, sởi lởi giời cho, khi nào họ gặp vận đỏ trả sau cũng không sao.
Nguyễn Thái Học loay hoay lục túi trả tiền trọ, chủ nhà thấy vậy nói:
– Thôi hai anh lỡ độ đường, chả lấy tiền các anh làm gì. Nếu ví thử rồi gặp vận đỏ, lần sau nhớ trả cũng được.
– Thế thì cho chúng tôi được cảm tạ.
– Vâng! Cho chúng tôi cảm tạ!
– Không dám!
Chủ nhà ném theo một câu không biết là cảm thông hay coi thường. Hai người nhanh chóng biến qua ngõ hẻm.



Arnoux, Chánh mật thám Đông Dương, ngồi nặn ra từng dòng báo cáo thượng cấp về tình hình an ninh mà hắn phải đảm trách. Vốn bị coi là kẻ võ biền nên Arnoux rất muốn tỏ ra mình là kẻ có học. Chữ nghĩa trong báo cáo phải chau chuốt, không để ai coi thường. Trong báo cáo làm sao vừa tế nhị nói được công trạng của cá nhân, lại vừa phản ảnh sự thật làm sao ở tình trạng không quá trầm trọng, giảm thiểu tối đa những gì cấp trên có thể đánh giá về sự non yếu của người đứng đầu cơ quan mật thám được tin cẩn. Đó là sự lập lờ cần thiết của báo cáo. Không cần kể thành tích mà vẫn thấy thành tích. Còn nếu có sự cố gì thì cũng có đủ bằng chứng rằng đã có báo cáo. Phương pháp ấy Arnoux gọi là sự trung thực trong những điều không cần trung thực và sự không cần trung thực như là trung thực. Ý tứ được gói gọn trong lời kết của báo cáo:
– Với cố gắng của cơ quan giữ trọng trách về trật tự an ninh toàn Đông Dương, sau những hoạt động điên rồ của bọn gây rối bằng treo cờ và rải truyền đơn tại Hà Nội, tình hình đã được ổn định nhanh chóng bằng các hành động cứng rắn. Các giải pháp an ninh được tăng cường. Những hành vi chống đối của bọn phản loạn không còn xuất hiện. Tuy nhiên, chưa thể yên tâm vì mầm mống phản kháng của dân bản xứ là điều không thể không đề phòng. Sở mật thám  đang tăng cường kiểm soát và kiểm soát có hiệu quả để ngăn ngừa mọi hành vi phản loạn của đám gây rối.
Thở phào chấm hết báo cáo, Arnoux ký một chữ dài ngoằng dưới dòng chữ chức vụ được đánh máy qua giấy than.
Nhớ lại ngày đầu đến xứ sở này, mọi chuyện đều ngỡ ngàng, bởi dòng chủng, ngôn ngữ, cho tới mọi lề lối phong tục đều khác lạ. Một đằng da trắng mắt xanh mũi lõ. Một đằng da vàng mắt đen mũi tẹt. Muốn cai trị và khai sáng cho họ thì phải học. Đấy là công thức mà bất kể tên thực dân nào cũng phải áp dụng. Arnoux đặt chỉ tiêu nửa năm là phải nói thạo tiếng Annam. Những nhà truyền giáo tiền nhân, tuổi cha ông của Arnoux vượt muôn trùng sông biển đến xứ sở này cũng đã phải học tiếng bản xứ để dễ bề truyền đạo Kitô, môn đạo vốn lạ hoắc với một đất nước từ xa xưa từng lấy Đạo Phật làm quốc đạo. Người tiêu biểu cho các bậc truyền giáo tiền nhân đã để lại tên tuổi sáng giá ở xứ sở này là Alexandre de Rhodes, đến đất Annam năm 1625, có công đóng góp hình thành chữ Việt – Latin, ngài chỉ học tiếng Việt trong 4 tháng là đã đi giảng đạo bằng tiếng Việt. Thời ấy các cha cố học tiếng Việt để dễ truyền giáo trong dân chúng. Giờ đây Arnoux học tiếng Việt là để dễ hành xử theo bổn trách của người thực thi nghĩa vụ đi cai trị.
Nhưng đối với Arnoux, tiếng Việt trúc trắc thật khó nhằn. Đặt kế hoạch nửa năm biết tiếng Việt, mà hết năm cũng chỉ nhớ lõm bõm chẳng đáng là bao. Đã thế, nhờ mấy đứa thanh niên Việt dạy tiếng, chúng vừa dậy vừa đùa cợt, thật khó tin đúng sai thế nào. Có lần đi giữa phố, trẻ con nhìn mặt Arnoux rồi thản nhiên nói “đồ con lợn”, thông ngôn bảo chúng nó “chào quan lớn”! Lại nghe chúng nói “tiên sư cha mày”. Hỏi nói thế là gì? Thông ngôn bảo, nói thế là “chúc ngài may mắn!”. Rồi bọn họ cười ngặt nghẽo. Cái cười đầy bí hiểm. Cho nên, đối với người Annam, cảnh giác mấy cũng không thừa. Vì thế mà Arnoux phải cố học bằng được tiếng Annam. Và bây giờ Arnoux có thể thách đố với bất cứ ai nếu kiểm tra môn ngữ pháp của Annam.
Arnoux lại cũng tự cho rằng mình nhập cuộc với dân bản xứ rất đắc địa. Ấy là việc hắn đã quen được mùi mắm tôm, cái thức ăn mà bất cứ đồng chủng nào của hắn cũng phải lấy khăn mousoa bịt mũi quay mặt đi khi thấy bày ra bàn. Thứ mắm tôm không thể thiếu trong gia vị thịt chó. Diềng mẻ mắm tôm! Dân Bắc Kỳ coi là thứ gia vị mê ly nhất! Ôi thịt chó! Thịt chó! Dân Annam gọi “cầy tơ bảy món”! Đối với Arnoux là một thứ thức ăn đặc biệt, thực sự khoái khẩu, có thể thường xuyên dùng không chán. Chứ đâu lại mở miệng chê là thức ăn của dân mọi rợ như mấy quan tây đồng sự, dốt nát về ẩm thực phương đông. Thức ăn này người Annam còn gọi là “mộc tồn”. Ô la la, mộc là cây, tồn là còn. Cây còn là con cầy. Thịt con cầy là thịt con chó! Lại thêm thứ rượu nút lá chuối, trông thì rất tầm thường, mà mùi thơm và vị nồng ấm hơn hẳn mọi thứ rượu mạnh mang từ bản quốc sang. Ăn cái thứ thịt chó này vào là dậm dật khắp người, muốn đi tìm bạn tình ngay!
Từ một nhân viên mật thám tiểu tốt, sang xứ Annam, Arnoux đã leo tới chức Chánh mật thám bằng chính sự hiểu biết thông thổ và những công trạng lập được từ xứ sở này.

Pierre Pasquier cho gọi Arnoux đến Phủ Toàn quyền để hỏi rõ thêm những điều trong báo cáo chưa nêu rõ và bàn định những việc cần thiết phải làm. Pasquier biết thừa cái thói lập lờ trong ngôn ngữ của Arnoux. Nhưng không thể không dựa vào hạ cấp. Có thể đó là cách giữ miếng của những kẻ võ biền, cố tình giữ lại một chút ngón nghề. Cho nên, phủ đầu Pasquier hỏi Arnoux:
– “Mầm mống phản kháng của dân bản xứ” trong báo cáo là sao? Thưa ngài Chánh mật thám!
– Nói vậy là phòng xa thưa ngài Toàn quyền. Kể từ vụ treo cờ, rải truyền đơn của bọn phản loạn bị dẹp đến giờ, thực hiện giới nghiêm và thẳng tay trừng trị những kẻ bất phục tùng, đã làm cho tình hình Hà Nội khá yên ổn. Bọn phản loạn chưa thể ngóc đầu dậy.
– Ngài Chánh mật thám có chủ quan không?
– Tôi vẫn nói, tuy nhiên ta phải đề phòng mọi tình huống xấu xảy ra.
– Sự đề phòng đó là thế nào? Ngài cần nói rõ hơn.
Arnoux biết rằng dù vặn vẹo thế nào thì Pasquier vẫn tin tưởng và ủng hộ hắn. Hắn cũng cố hết sức để khỏi phụ lòng người đã đề xuất với Bộ thuộc địa Pháp tiếp tục giao trọng trách cho hắn ở Đông Dương. Vì thế, Arnoux rất tự tin đưa ra chính kiến:
– Tôi cho rằng để đề phòng bọn phiến nghịch, ta cần phải tổ chức nhiều lực lượng tham gia kiểm soát và săn lùng, tận diệt từ trong trứng những kẻ chủ mưu. Ai đó từng nói “bắt nhầm hơn bỏ sót”. Phương châm ấy thật đắc dụng. Tất cả những kẻ bị tình nghi là bắt, là tù, là tra tấn thì mới diệt được mầm loạn. Ngoài lực lượng cảnh binh công khai, ta cần tăng cường cá chìm, lặn vào tất cả các xó xỉnh dân cư, bến xe, bến tàu và mọi nơi mọi chỗ để phát hiện những kẻ có rắp tâm làm phản. Thực thi được điều này rất cần xử dụng những kẻ đầu hàng, bắt buộc chúng làm tai mắt cho ta.
– Hay! Tôi tin khả năng của ngài. Báo cho ngài Chánh mật thám tin vui, thắng lợi vừa qua của chúng ta đã được Nhà nước Pháp thưởng médaille và tuyên dương công trạng cho tôi và ngài. Lễ trao médaille sẽ được đại biểu nước Mẹ Đại Pháp sang thực hiện ngay trên đất Annam này vào một ngày gần nhất. Tôi lưu ý ngài rằng, cần phải giữ được an ninh tuyệt đối trong dịp Tết cổ truyền của dân Annam năm nay. Đấy là yêu cầu số một. Sở mật thám phải làm bằng được không chỉ đối với Hà Nội mà cả xứ Đông Dương.
Arnoux phấn khích trả lời:
– Cám ơn ngài Toàn quyền. Ngài cứ yên tâm. Phương cách chủ yếu dành cho dân xứ này là đàn áp, đàn áp và đàn áp! Muỗi cũng không lọt nổi lưới của chúng tôi.
Hai chính khách viễn chinh lại chúc nhau bằng whisky.
Vừa lúc đó lính hầu vào báo cáo có ngài Hervé Bazin Giám đốc Tổng nha Nhân lực Đông Dương xin gặp Toàn quyền. Arnoux cáo từ xin phép ra về thì Pasquier giữ lại:
– Không phải khách sáo. Có ai xa lạ đâu. Cùng cánh ta cả mà, đừng để “đang vui thì đứt dây đàn”.
– Ngài Toàn quyền quả là sành phương ngôn xứ này.

Bazin lễ độ chào Toàn quyền Pasquier và Chánh mật thám Arnoux:
– Chào ngài Toàn quyền! Ô la la, có cả ngài Arnour, cảm ơn cơn gió lành cho chúng ta hội ngộ. Tôi có chút quà từ phương nam mang ra đây. Chút quà mọn gửi ngài Toàn quyền, đây là sừng tê giác do người Thượng săn được khi mở đồn điền cao su lên vùng Tây Ninh. Nó có thể dùng trong mọi hoàn cảnh, tăng cường sinh lực và chống mọi cảm hàn. Biếu ngài Chánh thanh tra mật thám cặp nhung hươu, cũng do người Thượng săn đó. Còn đây là café chồn cao nguyên. Mời hai ngài cùng thưởng thức.
– Chúc mừng người hùng đã đưa được nhiều cu li đi mở mang các đồn điền cao su ở những vùng lam sơn ám chướng. Chắc lần này trúng to?
– Nhờ Chúa, cũng không tồi!
– Ra Hà Nội đã gặp nàng chưa?
Pasquier hỏi với giọng kẻ cả. Bazin thành thật trả lời:
– Ồ đã! Đã! Lần này ra bắc hưởng cái rét và hưởng cái tết cổ truyền của người Annam tại Hà Nội. Tất nhiên đã tới yết diện nàng để nàng yên tâm.
– Thú vị thật! Có vợ lại có người tình ngay trên đất Hà Nội, thật tuyệt vời!
Arnoux cười lớn:
– Tôi cũng mong được như ngài, mà khó quá, ngài Bazin! Phụ nữ xứ này chê nghề mật thám của tôi là khô khan, khó gần.
– Trong nam, xem nhật báo ca ngợi ngài Arnoux dẹp vụ nổi loạn treo cờ và affiches chống chính phủ của bọn hội kín ở Hà Nội mà cảm phục. Ngài thật mẫn cán! Mẫn cán!
– Cảm ơn lời khen quí giá. Ngài có thể an tâm về an ninh và hưởng những ngày tết se lạnh đáng nhớ ở đất Hà Nội. Tôi đã làm việc khá kỹ lưỡng với Sở mật thám và lực lượng an ninh Hà Nội, chốt giữ chặt chẽ các cửa ô và kiểm soát ngày đêm trên đường phố.
– Cảm tạ ngài. Xứ sở này bình yên được có công lao rất lớn của ngài Arnoux đó.
– Hôm nay, tôi có thể chiêu đãi ngài món ăn ngon số một, món cầy tơ của dân Annam không?
– Ấy, tết Annam đến nơi rồi, không nên sài món đó, đen lắm, rủi ro lắm! Tôi đã từng nếm thử. Tôi khâm phục ngài. Nhưng thú thật mùi vị món đó tôi ăn chưa thể quen.
– Rủi ro? Tôi sài thường xuyên mà chả hề thấy rủi ro!
Họ còn tán dương nhau với những lời hào phóng nhất. Hai quan chức cao cấp của nước Pháp và một trùm buôn người cùng thưởng thức hương vị café chồn hảo hạng một cách sành điệu.



Dân Hà Nội nô nức đi sắm tết.


Những cành đào mang mùa xuân đến từng nhà. Phố phường Hà Nội như tươi tắn hẳn lên với đủ màu sắc qua những gian hàng ngày tết. Chợ Đồng Xuân mua bán tấp nập. Không mấy ai để ý tới ai. Người nào cũng mong sắm được những gì cần thiết cho nhu cầu ngày tết.
Các công sở dường như đã đóng cửa hết. Chỉ còn những tiệm hàng tư nhân cố tận dụng ngày cuối cùng trong năm để tiêu thụ nốt số hàng hoá tồn dư.
Những thứ hàng được tiêu thụ nhiều nhất, ngoài gạo nếp lá dong thịt lợn gói bánh chưng phải kể đến các loại hoa, tranh ảnh, đôi câu đối và pháo tết. Mấy ông đồ choài người bên các vỉa hè để viết câu đối tết cho khách bận rộn suốt buổi sáng, cho tới tận chiều mới ngớt việc. Hà Nội được tiếng thanh lịch với những thú chơi tao nhã. Người ta chọn những cây đào thế cầu kỳ hay những chậu quất kiểng vàng rực màu quả điểm xuyết những lá xanh, cầu mong sự an lành, sung túc, một năm mới sinh hoa kết trái.
Cuối chiều 30 tết, như thường lệ hàng năm, ngoài đường phố người vắng tanh. Ai cũng mải lo cỗ bàn, thờ phụng tổ tiên và sửa soạn bữa ăn ấm cúng trong gia đình, chuẩn bị đón Giao thừa.
Bờ hồ Hoàn Kiếm được trang hoàng lộng lẫy. Cầu Thê Húc ra đền Ngọc Sơn được kết đèn điện lung linh toả bóng dưới ánh nước. Tháp Rùa rêu phong cổ kính cũng được trang trí hình rồng phượng cùng với những bóng đèn lồng, làm cho cảnh vật càng huyền ảo.
Đường phố quanh bờ hồ toả ra các phố đèn điện sáng rực.
Có ba người khách từ ga tầu điện bờ hồ đi bộ dọc tuyến đường xuống chợ Hôm. Họ bình thản như mọi người Hà Nội đi dạo phố chuẩn bị hái lộc xuân. Một vài đôi trai gái khoác vai nhau bước về phía công viên. Mấy bác xích lô hết khách vội vàng đưa xe về nhà còn chuẩn bị tết nhất như mọi người.
Trong ngôi nhà số 110 chợ Hôm, cô đầm lai Germaine Carcelle đang có vẻ nóng lòng chờ đợi người tình. Hôm nay ngày cuối năm âm lịch của người Annam, ngày 9 tháng 2 năm 1929 của lịch tây. Nàng chờ người tình để đỡ cô đơn và cũng để xả nỗi bực dọc hồi chiều nàng gặp phải. Đó là việc nàng từ hãng Godard ra bờ hồ mua một cành đào, rồi thuê chuyến xe tay về nhà. Khi trả tiền, tên cu li đòi một hào. Nàng mắng “đồ bần tiện” và cương quyết chỉ trả năm xu. Đưa tiền cho tên cu li, hắn cầm rồi ném trả vào mặt nàng kèm theo câu chửi “đồ con lợn” trước bao cái nhìn thóc mách và hả hê của đám dân phố hạ đẳng(!). Họ cười nhạo báng nàng và ném những ánh mắt sắc lạnh về phía nàng. Nàng bứt rứt không yên từ đấy. Chỉ mong người tình đến để trút mối tâm sự.
Một chiếc ô tô sang trọng đi từ phía bờ hồ Hoàn Kiếm sang Hàng Bài rồi rẽ về phía chợ Hôm thì dừng lại. Trên xe bước xuống là một ngài quan tây. Ngài rẽ vào số nhà 110. Cô đầm lai ra tận cửa đón người tình.
Ba người thanh niên từ bờ hồ đến chợ Hôm là Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đức Lung. Dáng vẻ bình thản như mọi người đi trên phố. Nguyễn Văn Viên nói rằng đây là cơ hội tốt nhất để diệt tên cáo già chuyên câu kết với bọn hào lý nhũng nhiễu ở các địa phương Bắc Kỳ để mộ phu rẻ mạt và bắt cóc người đi các đồn điền cao su ở phương nam và Cao Miên, Lào. Ba người phân công nhau theo sát mọi hành vi của Bazin từ khi trong nam đặt chân ra Hà Nội. Theo phán đoán thể nào hắn cũng đến thăm người tình ở 110 chợ Hôm như mọi ngày. Họ đã quan sát ngôi nhà này nhiều lần và cắt đặt hành động theo phương án đã định.
Khi Viên trao khẩu súng lục và yêu cầu Lân tập luyện bắn súng, Lân hỏi Viên kế hoạch ám sát Bazin đã được cấp trên đồng ý chưa? Viên trả lời đại rằng đã được cấp trên duyệt, nhưng trong bụng nghĩ nếu hỏi cấp trên thì chắc chắn không được, vì Nguyễn Thái Học đã nói rồi. “Nếu vội giết Bazin, tất nhiên chính quyền sẽ khủng bố dữ dội…”. Viên chỉ nghĩ đơn giản, Bazin là tên bắt cóc, tên buôn người đã làm cho bao nhiêu người dân khốn khổ, điêu đứng, chết chóc. Chừng nào còn Bazin còn thì dân còn đau thương, khổ ải. Cho nên phải quyết diệt bằng được, kẻo hết tết hắn lại vào nam mất. Việc diệt Bazin chỉ bí mật 3 người biết.
Đã thấy chắc chắn Bazin vào nhà ả đầm lai. Viên đứng bên gốc cây theo dõi. Còn Lân và Lung nấp trong ngõ chờ đợi ám hiệu.
Phải đến 20 giờ mời thấy Bazin đi ra. Nàng Germaine Carcelle tiễn chân đến tận bờ đường. Họ không quên hôn quắn vặn ghì siết nhau, ngay trước cửa nhà. Vị ngọt của tình yêu làm cho Bazin cao hứng cất lên câu hát trong bài “Petite Tonkinoise” (Cô em Bắc Kỳ nho nhỏ) với giai điệu tươi vui nồng nàn, rất được hâm mộ của nhạc sĩ Vincent Scotto.


“Pour qu’ j’ finisse
Mon service
Au Tonkin je suis parti
Ah! Quel beau pays Mesdames
C’ Est l’ Paradis des p’ tites Femmes
Ell’ s sont belles
Et fidèles
Et j’sui  dev’ nu  l’ cheri
D’ un’ p’tit ‘femm’ du pays
Qui s’ appell ‘ Melaoli…
(Để hoàn thành nghĩa vụ
Tôi đã đến Bắc Việt
Ôi, các quý bà ơi
Đó là một xứ sở tuyệt vời
Thiên đường các mỹ nhân
Các nàng đẹp
Và trung tình
Rồi tại đó
Tôi đã trở thành người thương
Của một nàng bé nhỏ
Tên là Mê lao li…)”


Chiếc ô tô sang trọng đỗ bên đường, tài xế ra mở cửa cho Bazin. Vừa hát Bazin vừa bước vào xe. Bỗng bên kia đường hai người ăn mặc rất lịch sự bước qua từ tốn chào:
– Bonjour Monsieur! (Chào ngài).
Lung đưa tờ giấy và nói: ngài có thư. Bazin vừa ngước mắt chưa kịp nói gì thì Lân nổ liền hai phát súng lục vào mặt Bazin. Hắn hự lên một tiếng rồi tắt lịm. Tài xế nằm bẹp xuống vô lăng xe. Ba người biến vào các ngõ hẻm và mất hút trong khu nghĩa địa thành phố thông ra Chợ Giời. Mãi sau tài xế mới ú ớ kêu:
– Ám sát! Ám sát!
Phải một khoảng thời gian khá dài, nhà chức trách mới tới. Bazin nằm ngoẹo đầu vào thành cửa xe. Tờ cáo trạng nhòe nhoẹt máu.
Đến lúc ấy còi xe cảnh sát mới rú inh ỏi. Không biết bọn thủ phạm ám sát đã tẩu thoát về phía nào.


Sau tết Kỷ Tỵ, trên các trang báo chí khắp từ bắc vào nam đều đưa tin vụ ám sát Bazin táo bạo và tài tình ngay trên đất Hà Nội, dân chúng hả dạ, chính quyền trơ mắt xám mặt. Điều đó càng làm cho các nhà chức trách thay mặt cho chính phủ Pháp ở Đông Dương đau đầu. Toàn quyền Đông Dương triệu tập Chánh mật thám và các quan chức cao cấp đến Phủ Toàn quyền để bàn bạc mở chiến dịch truy lùng khủng bố. Điểm mặt không thiếu một ai.
Ngài Pasquier, Toàn quyền Đông Dương.
Ngài Robin, Thống sử Bắc Kỳ.
Ngài Arnoux, Chánh mật thám Đông Dương.
Ngài Jules Brides, Chánh Hội đồng Đề hình.
Ngài Leconte, Tổng thanh tra các thuộc địa.
Ngài Poullet Osier, Thanh tra các vấn đề chính trị.
Ngài Tổng cục trưởng an ninh.
Tướng Aubert, Chỉ huy tối cao quân đội.

Sau một hồi cân nhắc chữ nghĩa, Pasquier mở đầu:

– Thưa các ngài, đáng lí ra chúng ta đang yên ổn, chúng ta không muốn làm đảo lộn tình hình như chúng ta đang duy trì. Mặc dù, để đảm bảo cho sự nghiệp, cần thiết phải làm trong sạch về chính trị, phải tiến hành và phải đeo đuổi sự yên ổn vào thời điểm đặc biệt thích hợp, và sự phát triển của nó có thể tạo ra lợi thế, cung cấp cho chúng ta những chỉ dẫn quý giá cho hiện tại và tương lai. Nhưng tình hình buộc chúng ta phải tăng cường khám xét, bắt giữ những kẻ phản nghịch. Việc Hervé Bazin bị ám sát là tổn hại tới nền an ninh. Tuy nhiên, việc tra xét bắt bớ vẫn phải đảm bảo cho những vận hành của bộ máy thuộc địa. Tôi đã gửi vụ này sang Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ, đặt trong tình trạng đặc biệt về pháp lý và chính trị, giải quyết triệt để những phản kháng của những tổ chức và cá thể đối lập với chính quyền. Tôi đã báo cáo Bộ thuộc địa, một mặt trấn áp những kẻ âm mưu phiến động, làm trong sạch môi trường chính trị, mặt khác không để mất thêm tầng lớp trí thức, quan lại và những kẻ làm công phục vụ chúng ta. Công thức là đàn áp để phòng ngừa. Phòng ngừa bằng đàn áp. Phải biến những tên làm cách mạng phải lưu vong ngay trên đất nước của chúng…
Bài thuyết lý của ngài Toàn quyền vòng vo và rối rắm, khiến cho đám thuộc hạ sốt ruột. Arnoux quá biết tính cách của Pasquier nên chỉ nêu quyết tâm thực hiện chỉ giáo. Chỉ có Poullet Osier là còn hoài nghi những giải pháp được Pasquier đưa ra:
– Trấn áp, đàn áp, đã phải là giải pháp tối ưu chưa? Xin các ngài cân nhắc lựa chọn. Người Annam hay nói “đổ dầu vào lửa”. Liệu chúng ta có tạo nên sự yên ổn hay tạo ra sự bất ổn lớn hơn?
Arnoux được tiếng là người nói thạo tiếng Việt chẳng kém người Việt, lần nữa tỏ chính kiến:
– Vâng, ngoài các biện pháp cứng rắn, còn có câu người Annam thường dùng, đó là “lạt mềm buộc chặt”. Ta sẽ không quên những biện pháp thít chặt đối với dân bản xứ. Trấn áp và mua chuộc những tên qui hàng, sẽ là cách thức luôn luôn song hành.

Robin nói:

– Việc Bazin bị ám sát, đối với toàn cục thì chưa có gì đáng kể. Nhưng ngay ở Hà Nội vào đúng cái đêm chuẩn bị Giao thừa của xứ Annam thì thật là điều xỉ nhục cho bộ máy cai trị của chúng ta.
Lúc này, Pasquier chợt nhớ câu của Robin ví “sức mạnh của chúng ta chẳng khác gì mãnh hổ vồ đàn ong”. Chưa vồ được con ong nào, đã bị đốt sưng mặt. Kết thúc buổi họp, Pasquier không phân tích thêm, mà chỉ thị:

– Công việc lúc này đặt trách nhiệm chính lên hai cơ quan: Sở mật thám và Hội đồng Đề hình. Điều tra, lùng bắt nghịch loạn. Kịp thời đưa ra vành móng ngựa xét xử bọn can tội chống nhà nước Đại Pháp. Còn quân đội phải sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống xấu xảy ra trên cái xứ sở Đông Dương này, mà chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh trung thượng du Bắc Kỳ.

Ngọc Bái

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt