Đập thủy điện Xayaburi tại Lào tác hại như thế nào đối với Việt Nam?

Lào đang dự tính xây một đâp Thủy Điện  Xayaburi bắt ngang sông Me-Kông (Sông Cửu Long) với giá 3.5 tỉ USD. Nếu đập này thành hình, nó sẽ ảnh hưởng đời sống hằng triệu người dân ở hạ nguồn sông Cửu Long đặc biệt là đồng bào Việt Nam ở vựa lúa đồng bằng Nam Việt Nam….chúng ta có thể tìm hiểu sự tác hại của nó như thế nào và tình trạng xây đập ra sao như bản tin dưới đây:

Hội thảo về đập thủy điện Xayaburi (Lào) tại Cam Bốt

Vị trí dự định xây đập Xayaburi

Trong hai ngày 25 và 26/3 tại tỉnh miền biển phía Nam Cam Bốt là Kampong Som, bốn nước thành viên trong Ủy Hội Sông Mêkông bao gồm Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam đã nhóm họp để bàn bạc có nên quyết định tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi thuộc địa phận tỉnh Xayaburi ở mạn Bắc nước Lào hay không.

Thông tín viên Phạm Phan tường trình từ Phnompenh.

 

 

1/ Diễn biến cuộc hội thảo

Theo thủ tục của Ủy Hội Sông Mêkông, sau khi dự án xây đập được đề nghị, các bên sẽ có thời gian 6 tháng để tham khảo. Trong trường hợp các thành viên không thể thỏa thuận trong phạm vi 6 tháng, thì thời gian ưu tiên tham khảo sẽ được kéo dài. Cuộc họp tại Kampong Som tập trung chú ý vào các nhận định của Việt Nam đối với những tác hại khi xây đập Xayaburi.

Theo nhận định của Ủy Hội Sông Mêkông Cam Bốt, chắc rằng thời gian dành cho tham khảo ý kiến các bên sẽ được kéo dài thêm. Quyết định sau cùng, như vậy, sẽ không thể có được từ đây cho đến ngày 22 tháng 4 tới.

Việc chọn Cam Bốt là địa điểm diễn ra hội nghị cũng cho thấy, Ủy Hội Sông Mêkông không muốn tạo căng thẳng về dự án đập Xayaburi, bởi vì, cho đến trước giờ khai mạc hội thảo, Cam Bốt vẫn có thái độ đứng giữa, không yêu cầu hoãn dự án như Việt Nam, nhưng vẫn tỏ rõ thái độ quan tâm đến các tác hại của dự án này.

2/ Vài nét chính về dự án đập thủy điện Xayaburi

Được biết ngày 4/5/2007, nhà nước Lào đã ký Biên Bản Ghi Nhớ với công ty Ch.Karnchang của Thái, chi phí xây dựng con đập này là 3,5 tỷ Mỹ Kim, thời gian xây dựng kéo dài trong 8 năm. Công ty sản xuất điện Ratchaburi và Tập Đoàn Điện Lực Thái Lan cũng có can hệ trong đầu tư vào công trình xây con đập Xayaburi.

Nằm hầu như trên hết chiều ngang của sông Mêkông, đập Xayaburi dài 810 mét, ở thác nước Kaeng Luang, cách  trung tâm tỉnh Xayaburi về phía đông, khoảng 30 cây số, công suất theo dự tính là 1260 MW, với 95% sản lượng điện sản xuất được sẽ bán cho Thái Lan theo thỏa thuận hai nước này.

Vào tháng 9/2010, Lào đệ đơn lên Ủy Hội Sông Mêkông xin được xây đập Xayaburi, khi tiến hành xây phải trục đuổi 2.100 dân cư đã sống lâu đời tại đây và phải có chương trình tái đinh cư cho họ, bên cạnh đó, đập cũng ảnh hưởng đến 202.000 người đang sống gần khu vực này.

Từ trước đến nay, Lào vẫn được coi là một nước “đàn em” của Việt Nam. Nhưng hiện nay trên dự án đập thủy điện Xayaburi, Lào đã dùng lập luận, vì chủ quyền và quyền lợi đất nước để đòi tiến hành xây dựng đập mặc dù phía Việt Nam từ lâu yêu cầu phải hoãn lại việc tiến hành dự án. Đây là một bất đồng lộ rõ giữa Lào và Việt Nam trên căn bản quyền lợi quốc gia.

Cần chú ý rằng, trong bốn nước thành viên Ủy Hội Sông Mêkông, Thái Lan là một quốc gia đã theo đuổi thể chế chính trị đa đảng và nền kinh tế thị trường từ lâu, nên giàu mạnh hơn 3 thành viên còn lại. Thêm vào đó, Thái Lan, từ hai thập niên qua, đã đầu tư nhiều vào Lào, đặc biệt ở ở vùng Tây Lào sát biên giới Đông Bắc Thái, việc đầu tư này một vì quyền lợi của Thái và một phần muốn lôi kéo nước Lào Cộng Sản nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu vào vòng ảnh hưởng của Thái.

3/ Quan điểm của các nước có liên quan về đập thủy điện Xayaburi

Có thể phân chia làm hai nhóm ý kiến, thứ nhất, Lào là nước đề nghị xây đập và Thái Lan là nước đầu tư xây dựng và muốn hưởng lợi. Thứ hai, Cam Bốt và Việt Nam là hai quốc gia ở hạ nguồn chịu đựng những tổn hại về môi trường thiên nhiên và sinh hoạt dân cư địa phương.

Về phía Việt Nam, vào tháng 2/2011, tại Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, Ủy Hội Sông Mêkông Việt Nam đã có phiên họp bàn về những tác động mà đập Xayaburi gây ra cho giòng sông Mêkông chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Phía Việt Nam cho rằng Lào có lợi nhất khi có đập Xayaburi, còn Việt Nam thì lượng thủy sản sẽ giảm từ 200.000 – 400.000 tấn/năm. Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, hiện tại, sông Mêkông đang cho đồng bằng sông Cửu Long 26 triệu tấn phù sa/năm, nếu chặn dòng sông chính để làm thủy điện, thì lượng phù sa chỉ còn khoảng 7 triệu tấn/năm.

Theo tổ chức Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, đập Xayaburi là một con đập hiện đại nhất trong 10 con đập đang được lên kế hoạch xây dựng trên giòng sông Mekong, tuy nhiên, trong trường hợp dự án được thông qua, khi hoàn thành việc xây đập, nó sẽ làm thay đổi vĩnh viễn môi trường sinh thái ở hạ lưu, làm tuyệt chủng loài cá trê lớn đang sinh sống ở khu vực này.

Phía Cam Bốt, cho tới trước giờ khai mạc hội thảo vẫn chưa quyết định có nên ủng hộ kế hoạch xây đập hay không. Theo ông Sin Niny, Phó Chủ Tịch Ủy Hội Sông Mêkông Cam Bốt thì, Điều 15 của Thỏa Thuận Mêkông năm 1995 qui định bất cứ việc sử dụng nước trong dòng chính của sông Mêkông đòi hỏi phải có sự tham vấn hay thỏa thuận giữa các nước thành viên. Và mỗi nước thành viên, trước khi có quyết định đưa ra Ủy Hội, phải tổ chức diễn đàn rộng rãi với sự tham dự của đại diện các bộ liên quan, các chuyên gia trong chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các cộng đồng dân cư địa phương nhằm thảo luận vấn đề sử dụng nước hay xây đập thủy điện trên dòng sông Mêkông. Cam Bốt đã tổ chức hai diễn đàn như thế vào tháng 2 năm nay.

4/ Những ưu tư của Cam Bốt về tác hại của con đập Xayaburi

Ủy Hội Sông Mêkông Cam Bốt đưa ra 5 vấn đề đáng lo lắng như sau :

a/ Đầu tiên và quan trọng hơn hết là các tài liệu do Lào ghi chép về sự lượng định tác động của môi trường khi khởi công xây đập Xayaburi được gởi đến các nước thành viên trong Ủy Hội Sông Mekong một cách chậm chạp, không đúng thời gian qui định, khiến cho không có đủ thời gian nghiên cứu.

b/ Thứ hai là biện pháp làm giảm bớt tác hại về cá, như trong tài liệu của Lào phân tích là không được rõ. Ủy Hội Sông Mêkông Cam Bốt đặt vấn đề là đập được xây dựng như thế nào để không ảnh hưởng đến luồng di thực của cá trên dòng sông. Trong dự án của Lào đã có có đề ra một luồng di thực cho một chủng loài cá, nhưng Cam Bốt cho rằng đời sống của các chủng loài cá trên giòng sông Mêkông là rất phong phú, đa dạng.

c/ Thứ ba là ưu tư chính liên quan đến các thảm họa thiên nhiên gây ra cho đập. Thí dụ như, trường hợp có xảy ra động đất, thì dự án của Lào không thấy có đề ra cuộc nghiên cứu như vậy. Trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, việc nghiên cứu về thảm họa thiên nhiên một cách toàn diện là cần thiết.

d/ Thứ tư là việc xây đập Xayaburi không chỉ tác động đến cá, nhưng còn gây tác hại đến lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng bùn trôi dưới dòng sông sẽ bị con đập ngăn chận. Tất nhiên điều này làm cho đồng ruộng kém năng suất.

đ/ Thứ năm là hàng triệu người đang sinh sống ở vùng hạ lưu sẽ chịu tác hại nghiêm trọng. Tại Cam Bốt đa số dân cư sống bằng nông nghiệp và ngư nghiệp dọc theo hai bên bờ con sông. Và tại Việt Nam, khu vực dân cư tại đồng bằng sông Cửu Long là trên 10 triệu người.

Không chỉ tác hại đến Cam Bốt và Việt Nam, Thái và Lào cũng bị ảnh hưởng xấu khi xây đập Xayaburi.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt