Một cuộc thâu tóm quyền lực tại Hà Nội

Tô Lâm TBT đảng CSVN

Việt Nam sẽ hướng nội dưới sự lãnh đạo mới?

Tô Lâm, người giữ chức vụ chủ tịch nước Việt Nam từ tháng 5, trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng qua đời. Sự lên ngôi của Tô Lâm đánh dấu một bước ngoặt trong cách thức quản trị đất nước. Nhà nước Đông Nam Á này là một trong số ít quốc gia được điều hành bởi một chế độ độc tài toàn trị do Đảng Cộng Sản cầm đầu. Nhưng khác với Trung Cộng, nước mạnh nhất trong khu vực, Việt Nam không được điều hành bởi một người lãnh đạo duy nhất. Thay vào đó, bốn trụ cột được gọi là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội—tạo thành bộ máy lãnh đạo. Tô Lâm, cựu bộ trưởng công an, được cho là vẫn kiểm soát không chính thức lực lượng cảnh sát và tình báo mặc dù đã chính thức từ chức quyền lực đó vào đầu năm nay. Do đó, ông có khả năng trở thành nhân vật quyền lực nhất ở Việt Nam kể từ giữa thập niên 1980.

Kể từ khi thực hiện các cải cách vào năm 1986, hơn một thập kỷ sau khi thống nhất, quyền lực đã nằm vững chắc trong tay một nhóm nhỏ các nhân vật lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, những người thông qua việc chuyển giao quyền lực liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác đã ngăn chặn sự củng cố quyền lực của một lãnh đạo duy nhất. Sự phân chia quyền lực này thường làm chậm quá trình ra quyết định, nhưng nó đã ngăn chặn sự xuất hiện của một chế độ độc tài cá nhân. Do đó, sự lên ngôi của Tô Lâm và khả năng củng cố quyền lực của ông là một cú sốc đối với hệ thống đó, và những rung chuyển từ sự thay đổi này sẽ được cảm nhận trong chính trị nội bộ của Việt Nam, cũng như có khả năng ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại.

Lâm, người đã lãnh đạo một cuộc điều tra chống tham nhũng khi còn là người đứng đầu bộ Công An CSVN, đã hứa sẽ tăng cường chiến dịch này với tư cách là tổng bí thư—một triển vọng có thể làm hạn chế các quyền và sự tự do của công dân trong nước và có nguy cơ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài, mà chương trình hiện đại hóa của ngành công nghệ mới nổi của Việt Nam phụ thuộc vào. Đồng thời, danh tiếng của Tô Lâm như một nhà thực dụng khéo léo có khả năng làm dịu những đối thủ chính trị mang lại một chút hy vọng rằng việc ông tập trung quyền lực sẽ không thay đổi cơ cấu của chính phủ Việt Nam hoặc đẩy các thành quả ngoại giao mà đất nước đã dày công xây dựng vào tình trạng rủi ro.

Là một quan chức thi hành pháp luật nhưng không có kinh nghiệm trực tiếp trong chính sách đối ngoại hay quản lý kinh tế, Tô Lâm phải cần một khối lượng kiến thức lớn cần phải thông hiểu. Tuy nhiên, ông đã hứa sẽ tiếp tục di sản của ông Nguyễn Phú Trọng, duy trì chiến dịch chống tham nhũng trong nước và theo đuổi cái gọi là ngoại giao cây tre, theo đó đất nước tìm cách duy trì mối quan hệ hữu nghị với các đối thủ địa chính trị. Tuy nhiên, trong vài năm tới—ít nhất là cho đến đại hội đảng tiếp theo vào năm 2026—mối bận tâm hàng đầu của Tô Lâm sẽ là củng cố quyền lực trong nước. Mặc dù Lâm khó có khả năng từ bỏ việc theo đuổi tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn có nguy cơ mất đi một phần động lực trong chính sách đối ngoại mà nước này đã đạt được trong những năm gần đây. Đối với tổng bí thư, tuy nhiên, mối quan hệ ngoại giao ổn định sẽ phục vụ cho việc bảo đảm tối đa quyền kiểm soát trong nước hơn là ngược lại.

KẾ HOẠCH MỀM DẺO (ngoại giao cây tre)

Trước khi lên nắm quyền, Tô Lâm được biết đến nhiều nhất vào cuối năm 2021, khi đầu bếp nổi tiếng Salt Bae đút vào miệng ông một miếng thịt bò dát vàng tại một nhà hàng cao cấp ở Luân Đôn. Cảnh xa hoa này diễn ra khi Tô Lâm là Bộ Trưởng Bộ Công An, đang đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của nhà nước Việt Nam, một chiến dịch nhắm vào nhiều lãnh đạo đảng CSVN cao cấp, doanh nhân lớn và các nhà hoạt động dân sự. Ngay cả trước khi Nguyễn Phú Trọng qua đời, đất nước đã trải qua một đợt bắt giữ, sa thải và từ chức trong hai năm qua ở một số vị trí cao nhất của chính phủ, bao gồm việc lật đổ ba vị chủ tịch nước. Gần một nửa số thành viên được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan đưa ra quyết định cao nhất của đảng, trong đại hội đảng năm 2021 đã bị loại bỏ; năm trong số các thành viên bị sa thải đã đủ điều kiện tranh cử chức vụ Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam, trong đại hội đảng năm 2026.

Tuy nhiên, mặc dù có nội bộ tranh chấp, Việt Nam vẫn đang củng cố vị thế trên trường quốc tế của mình, mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các cường quốc lớn, bao gồm việc thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2023. Hà Nội đã thu được những lợi ích từ chính sách ngoại giao cây tre để tận dụng tối đa cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Washington DC và Bắc Kinh.

Thành công trong chính sách đối ngoại của Hà Nội còn khá mới mẻ. Các cải cách Đổi Mới, được giới thiệu vào năm 1986, đã vứt bỏ mô hình “bạn và thù” của Việt Nam—các quốc gia cộng sản là bạn, còn các đế quốc phương Tây là kẻ thù—để chuyển sang một chính sách đối ngoại thực tế hơn. Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với những đối thủ dân chủ trước đây và bắt đầu giao thương với nhiều đối tác rộng rãi hơn. Trong những năm 1990, Việt Nam gia nhập Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) và làm việc để bình thường hóa quan hệ với Trung Cộng và Hoa Kỳ, những kẻ thù trong các cuộc chiến tranh gần đây. Bằng cách thoát ra khỏi sự cô lập về ngoại giao, Việt Nam đã hội nhập vào cộng đồng quốc tế.

Ngày nay, Việt Nam là một tay chơi đang phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia Đông Nam Á cởi mở về thương mại, chỉ đứng sau Singapore trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nước khác. Nước này đã mở rộng mạng lưới đối tác, thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Úc, Trung Cộng, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Nam Hàn đồng thời tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn Diện và Tiến Bộ, cũng như một hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu. Hà Nội hiện là một trong những đối tác ngoại giao và chiến lược khá được ưa chuộng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và là một thị trường phù hợp cho các công ty chuyển địa điểm từ Trung Cộng. Cũng có thông tin cho rằng Việt Nam đang đàm phán để gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi quan trọng được gọi là BRICS, điều này sẽ củng cố mối liên kết của Việt Nam với các trung tâm của khối toàn cầu phương Nam (Global South) và cho phép việc tiếp cận với các thị trường đang phát triển  của họ.

Trong tình trạng cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Cộng, Việt Nam đã định vị mình là một đối tác quan trọng của cả Trung Cộng và phương Tây. Năm 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất nhận được chuyến thăm cấp nhà nước từ cả Tổng Thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình, tiếp theo là chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2024. Trong khi duy trì quan hệ kinh tế thân thiện với Trung Cộng, Việt Nam đã kiên quyết và vẫn giữ vững lập trường và thúc đẩy các yêu sách của mình ở Biển Đông, bất chấp áp lực và ép buộc từ Bắc Kinh. Chính sự linh hoạt này mà Nguyễn Phú Trọng, người đã lãnh đạo trong 13 năm, gọi là “ngoại giao cây tre”.

Nếu tính ngoại giao “cây tre” đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, thì điều ngược lại, lại đúng với chính trị nội bộ. Tô Lâm (Nguyễn Phú Trọng trước đây cũng vậy) dần dần áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với đội ngũ đảng viên và xã hội nói chung. Cuộc thanh trừng nhắm vào những kẻ trục lợi và bạn bè thân cận, những người đã hưởng lợi từ sự giàu có do các hiệp định thương mại tự do mới mang lại, nổi bật nhất là Trương Mỹ Lan, một đại gia bất động sản có liên hệ với các ngân hàng nhà nước và đảng, người đã bị tuyên án tử hình vào mùa Xuân năm ngoái vì tham ô 27 tỷ đô la, tương đương với sáu phần trăm GDP của Việt Nam năm 2023.

CHIẾN DỊCH ĐỐT LÒ

Ông Trọng đã cung cấp lý do mang tính ý thức hệ cho chiến dịch chống tham nhũng, nhưng ông cần các đồng minh trong lực lượng thực thi pháp luật và một Bộ Chính trị muốn hợp tác để có đủ không gian thực hiện. Đại hội XIII của Đảng vào năm 2021, được các chuyên gia xem là một cơ hội để thúc đẩy các cải cách chính trị và kinh tế vốn đã bắt đầu trì trệ kể từ khi các cải cách này được bắt đầu kể từ những năm 1990, lại dẫn đến việc gia hạn đặc biệt cho nhiệm kỳ thứ ba của Nguyễn Phú Trọng, cùng với sự hiện diện chưa từng thấy của các quan chức quân đội và công an trong Bộ Chính Trị CSVN kể từ thời hậu chiến.

Đến khi Nguyễn Phú Trọng qua đời vào tháng 7/2024, chiến dịch này ngày càng nhắm vào không chỉ các quan chức chính phủ tham nhũng và các nhà bất đồng chính kiến mà còn cả các thành viên Bộ Chính trị và những ông trùm có liên hệ với đảng CSVN. Khi phạm vi điều tra mở rộng, ngay cả những đồng minh thân cận, bao gồm cả những người mà Nguyễn Phú Trọng dường như đã chuẩn bị làm người kế nhiệm, cũng không thoát khỏi: Vương Đình Huệ, người giữ chức Chủ tịch Quốc hội từ năm 2021 đến tháng 4 năm nay, và Võ Văn Thưởng, người từng giữ chức chủ tịch nước trong thời gian ngắn trước khi bị lật đổ vào tháng 3, đã bị nhắm tới. Những cuộc loại bỏ này cho thấy Nguyễn Phú Trọng đã không hoàn toàn kiểm soát cuộc thanh trừng vào cuối triều đại của mình.

Từ vị trí đứng đầu cơ quan công an, Tô Lâm đã giám sát các cuộc điều tra và truy tố, đồng thời có quyền truy cập vào các hồ sơ tình báo, nắm giữ quyền lực to lớn đối với mọi hoạt động của chiến dịch. Trong bài phát biểu nhậm chức với tư cách tổng bí thư, ông cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực này, được gọi một cách phổ biến là “đốt lò”. Tô Lâm đã hứa “Tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng… bất kể đó là ai”.

Theo nghiên cứu của liên minh chống tham nhũng có trụ sở tại Đức, Transparency International, một số tiến bộ đã được thực hiện trong việc xóa bỏ nạn tham nhũng lan rộng trong xã hội và chính trị Việt Nam kể từ khi cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2016. Tuy nhiên, những tiến bộ này chưa được chuyển hóa thành một môi trường đầu tư thân thiện hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo bảng xếp hạng “thuận lợi trong kinh doanh” của Ngân Hàng Thế Giới, điều kiện ở Việt Nam đã xấu đi kể từ năm 2017. Dù ảnh hưởng của chiến dịch “đốt lò” là gì, nó vẫn không giúp cải thiện hình ảnh của Hà Nội trong con ngươi các quốc gia và những ngành công nghiệp mà Việt Nam mong muốn thu hút.

Trên thực tế, nó có thể bóp nghẹt nền ngoại giao năng động vốn đã cho phép Việt Nam theo đuổi nhiều liên minh và hiệp định thương mại. Nỗi sợ bị truy tố, hoặc ít nhất là bị giám sát, có thể khiến các quan chức nhà nước chậm lại trong việc cấp phép và đấu thầu cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tình trạng tê liệt hành chính này có thể làm các công ty không có sự hiện diện trước đó ở Việt Nam đã chùn bước và giảm lượng đầu tư nước ngoài nói chung trong dài hạn.

Lấy ví dụ về đầu tư trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, đây là điểm mấu chốt trong kế hoạch của Việt Nam để trở thành một trung tâm lớn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu nhưng lại có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bất kỳ tác động tiêu cực nào. Luật An ninh mạng 2018 của nước này bảo đảm quyền kiểm soát thông tin và định vị dữ liệu cho Đảng Cộng sản, đồng thời tạo ra thách thức tiềm ẩn cho các công ty công nghệ đa quốc gia của phương Tây muốn hoạt động tại Việt Nam. Nếu Tô Lâm, với tư cách là cựu bộ trưởng Bộ Công an, hiểu rõ về quyền lực mà luật này mang lại, thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn trong nỗ lực củng cố quyền lực nội bộ, ông có thể tạo ra một môi trường kém thuận lợi cho cả đầu tư kỹ thuật công nghệ nước ngoài và sự đổi mới, nghiên cứu, và phát triển ngay bên trong quốc gia.

TÔ LÂM SƯ TỬ?

Mặc dù đã nắm giữ quyền lực vô song, Tô Lâm một mình sẽ không quyết định con đường phía trước cho Việt Nam. Một cuộc đấu tranh trong Bộ Chính trị đang diễn ra giữa các nhà cải cách—thường được đào tạo tại phương Tây, thường cởi mở với sự tham gia quốc tế và ủng hộ một hệ thống kỹ trị có năng lực—và các nhà bảo thủ, những người thường nghi ngờ các thách thức đối với đường lối của đảng và có xu hướng gần gũi hơn với phong cách quản lý của Trung Cộng, nhấn mạnh sự trung thành với đảng và tuân thủ lý thuyết xã hội chủ nghĩa. Ai giành được ưu thế trong cuộc cạnh tranh này sẽ quyết định xem đất nước tiếp tục tham gia quốc tế hay rút lui vào bên trong. Lâm không hoàn toàn phù hợp với bất kỳ nhóm nào trong số này. Ông hiểu tầm quan trọng của hiệu suất kinh tế đối với duy trì quyền lực cai trị của chế độ và sẽ đặt nó lên hàng đầu. Tuy nhiên, những cuộc bổ nhiệm sớm của ông vào Bộ Chính Trị, bao gồm Lương Tam Quang, con trai của một người bảo vệ cho cha của Lâm (Tô Quyền), và các vị trí phó thủ tướng, cho thấy ông ưu tiên bổ nhiệm những người trung thành với cá nhân mình hơn là với bất kỳ nhóm nào trong đảng. Kết quả là, sáu trong số 15 thành viên hiện tại của Bộ Chính trị đến từ cơ quan công an CSVN.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tô Lâm với tư cách là người đứng đầu đảng và nhà nước là đến Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Việt Nam thường chú trọng thiết lập mối quan hệ tốt tốt đẹp với Trung Cộng để duy trì sự liên tục và ổn định trong quan hệ song phương. Cách ông tiếp cận với Hoa Kỳ vẫn còn là một câu hỏi, với ít khả năng có hành động nào cho đến sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11. Giống như tất cả các lãnh đạo Việt Nam, ông phải đối mặt với nỗi lo ngại thường trực, được thể hiện trong một câu nói phổ biến: “Đứng về phía Trung Cộng thì mất nước, còn đứng về phía Hoa Kỳ thì mất Đảng”. Tương tự, mặc dù có những tham vọng lớn, nhưng với những điều kiện đặc biệt trong việc lên nắm quyền và củng cố quyền lực, Tô Lâm cũng đối mặt với những ràng buộc và câu hỏi tương tự mà các người tiền nhiệm đã trải qua về việc cân bằng quan hệ với các cường quốc trong một môi trường địa chính trị ngày càng khó lường. Cách tốt nhất để giải quyết một Trung Cộng đầy thách thức, với mối quan hệ tư tưởng gần gũi, trong khi phát triển quan hệ đối tác chiến lược mới được thiết lập với Washington, nơi từng tham gia chiến tranh muốn lật đổ chế độ cộng sản của Việt Nam, là một bài toán sẽ định hình nhiệm kỳ của Tô Lâm. Ông sẽ phải đối mặt với tâm lý quốc gia của những người dè dặt với Bắc Kinh nhưng cũng lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào các chính phủ thường xuyên thay đổi của Hoa Kỳ.

Nếu Việt Nam thực sự nghiêng hẳn về chủ nghĩa độc tài dưới sự lãnh đạo của Tô Lâm, các nhà đầu tư quốc tế có thể xem xét lại khả năng sẵn sàng làm ăn tại nước này. Vai trò lãnh đạo tương đối mới của Hà Nội trong ngoại giao khu vực, bao gồm cả trong ASEAN, có thể gặp rủi ro nếu việc củng cố quyền lực của Tô Lâm dẫn đến sự bất ổn và Việt Nam không thể tự quảng bá như một tấm gương về “lãnh đạo” tốt đối với các quốc gia thành viên khác. Những thành quả ngoại giao khó khăn đạt được trong 40 năm qua có thể bị đe dọa nếu Lâm ưu tiên quyền lực cá nhân của mình.

Tô Lâm là nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong lịch sử gần đây của Việt Nam. Với sự xuất thân từ lực lượng công an và thiếu động lực tư tưởng như Nguyễn Phú Trọng, chiến dịch chống tham nhũng có thể trở thành một công cụ thô bạo để loại bỏ các đối thủ chính trị trước thềm đại hội đảng năm 2026. Mặc dù Lâm không có khả năng thay đổi hướng đi trong chính sách đối ngoại, sự liên tục về chính sách này sẽ được dùng để phục vụ cho sự thay đổi đang có: việc các khoản đầu tư và cam kết với nước ngoài được tiếp tục sẽ hợp thức hóa chương trình kiểm soát chưa từng có trong nước của ông. 

Theo cách này, mặc dù ông không đại diện cho một mối đe dọa đối với các hệ thống hiện có của Việt Nam, nhưng triều đại của ông có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng, nếu không muốn nói là biến đổi. Hà Nội khó có khả năng từ bỏ ngoại giao cây tre, mà Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều từ thành công quốc tế của mình. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tô Lâm, quyền lực ngoại giao của đất nước có thể gặp rủi ro.

Nguồn: Le Thu Huong, “A Power Grab in Hanoi,” Foreign Affairs, 9/9/2024.

Phiên dịch: Phong trào Duy Tân.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt