Đâu là sự thật Mỹ không cho Việt Nam vào kinh tế thị trường!

Hình minh họa (Internet)

Tài liệu 256 trang của Bộ Thương Mại (BTM) Hoa Kỳ “Review of Vietnam’s Status as a Non-market Economy Country” (1) (Đánh giá tình trạng của Việt Nam như một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường). Trong tài liệu này nói rõ tại sao Mỹ từ chối quy chế “kinh tế thị trường” đối với Việt Nam vừa rồi. Tài liệu cho biết là BTM đánh giá dựa trên những bằng chứng thu thập được sau một thời gian dài điều tra rất tốn kém. Cuối cùng, ngày mồng 2/08/2024 BTM Hoa Kỳ quyết định: “Việt Nam vẫn giữ quy chế phi thị trường”.

Mở đầu, BTM Hoa Kỳ khen ngợi Việt Nam từ năm 2002 đến nay đã có những “đổi mới” kinh tế đáng kể. Nhưng  rồi khẳng định dù những “đổi mới” và kinh tế VN tăng trưởng như thế nào đi nữa thì BTM vẫn đánh giá một quốc gia có nền “kinh tế phi thị trường” theo luật chống phá giá (Anti-Dumping viết tắt AD) của Mỹ.

BTM dựa trên phân tích sáu yếu tố thực tế (de facto) theo đạo luật Thuế Quan 771(18)(B) của Mỹ có từ năm 1930. BTM còn nhấn mạnh: “Những quyết định dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng bằng nhiều nguồn khác nhau, gồm tin tức từ các bên liên hệ, từ các nhà bình luận đáng tin cậy và từ quần chúng. Một phiên điều trần công khai giữa những bên liên quan. Bộ Thương Mại đã mời dân chúng thảo luận về tình trạng kinh tế của Việt Nam với tư cách là một quốc gia phi thị trường (Non-Market Economic) để bảo đảm các bên liên hệ tham gia đầy đủ tin tức vào cuộc điều tra này”.
BTM Mỹ phân tích và đánh giá dựa trên hai khía cạnh pháp lý (de jure) và yếu tố thực tế (de facto). Đánh giá “kinh tế thị trường” như sau:

Yếu tố 1: Đồng tiền Việt Nam (Đồng) khó có thể chuyển đổi thành tiền tệ của các nước khác (1a),
Nhà nước Việt Nam tiếp tục xử dụng các biện pháp can thiệp ngoại hối để tác động đến giá trị của đồng tiền Việt Nam. Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam (SBV) không độc lập với bộ máy hoạch định chính sách thương mại. Và Việt Nam nằm trong danh sách các nước thao túng tiền tệ lớn nhất hiện nay [2024].

Yếu tố 2: Mức lương công nhân ở nước ngoài được thương lượng tự do giữa người lao động và ban giám đốc công ty [tại Việt Nam thì không] (1b),
Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam do nhà nước CSVN kiểm soát và lãnh đạo từ tổng đoàn đến các chi nhánh. Công nhân đình công được xem là bất hợp pháp tại Việt Nam. Khiếu nại của công nhân không được giải quyết có hiệu quả. [Nói chung cần có những công đoàn độc lập mới có thể đấu tranh cho quyền lợi của công nhân].

Yếu tố 3: Không bảo đảm cho các công ty ngoại quốc đầu tư ở Việt Nam (1c),
Các công tư đầu tư nước ngoài bị hạn chế trong một số lĩnh vực hoạt động thương mại. Gồm việc ngăn chặn tiếp cận thị trường chung. Thủ tục hành chính rườm rà và thiếu minh bạch trong các tiến trình duyệt xét giấy phép [do tham nhũng]. Việt Nam không bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài.

Yếu tố 4: Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của nhà nước đối với các sản xuất tư nhân. (1d),
Luật pháp Việt Nam vẫn dung dưỡng các công ty quốc doanh đóng vai trò dẫn đầu trong nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy lợi ích kinh tế chính vẫn do các công ty quốc doanh thụ hưởng so với các công ty tư nhân. Một phương tiện sản xuất quan trọng là quyền sở hữu và kiểm soát đất đai thuộc về nhà nước. Tại Việt Nam đất đai đang do nhà nước làm chủ, kiểm soát giá đất và phân phối đất đai.

Yếu tố 5: Mức độ kiểm soát của nhà nước đối với việc phân chia nguồn lực và đối với các quyết định về giá và sản lượng của doanh nghiệp (1e),
BTM nhận thấy rằng nhà nước Việt Nam vẫn đang phân bổ nguồn lực kiểm soát giá cả còn tồn tại theo như năm 2002. Hơn nữa, kinh doanh xem kế hoạch của nhà nước như một phương tiện để chỉ đạo các quyết định kinh doanh nhằm đạt được sản lượng và các kết quả kinh tế khác. Các lợi ích như cho vay ưu đãi vẫn dành ưu tiên cho các công ty quốc doanh hơn là công ty tư nhân. Cần có các cải cách sâu hơn trước khi các quyết định về nguồn lực, giá cả, sản lượng chủ yếu được thúc đẩy bởi các điều kiện thị trường tự do.

Yếu tố 6: Các yếu tố khác mà cơ quan điều hành cho là phù hợp (1f),
Tham nhũng tràn lan, các vụ án cho thấy rõ khoảng cách giữa lý thuyết pháp luật và trên thực tế khác nhau rất xa. Vấn đề này không chỉ ngăn cản đầu tư nước ngoài mà còn cản trở tiến trình của Việt Nam hướng tới một nền kinh tế thị trường tự do.

Kết quả của 6 yếu tố trên có được là qua một tiến trình phân tích dựa trên các yếu tố luật pháp quy định của BTM Hoa Kỳ, không phụ thuộc vào một yếu tố riêng lẻ nào cả. Qua 6 yếu tố thực tế này Bộ Thương Mại Hoa Kỳ quyết định duy trì quy chế
Việt Nam là một quốc gia kinh tế phi thị trường (Non-Market Economy) vi phạm luật AD (Anti-Dumping/Chống Phá Giá) của Hoa Kỳ (1g).

Sự từ chối quy chế “kinh tế thị trường” của Việt Nam mục đích để Hoa Kỳ có thể đánh thuế cao vào những mặt hàng bán phá giá từ Việt Nam xuất cảng đến Mỹ có giá bán thấp hơn giá thị trường hợp lý để hạ giá cạnh tranh với hàng nội địa của Hoa Kỳ.

Những mặt hàng đó là gì?

Trước đây, báo chí Mỹ thường đưa tin BTM Hoa Kỳ điều tra để đánh thuế cao vào hàng sắt thép, tôm, catfish (cá tra)… từ Việt Nam. Việc làm đó để bảo vệ quyền lợi người lao động Mỹ ở ngành sản xuất sắt thép, đánh bắt tôm, nuôi cá catfish, v.v…
Công ty sắt thép nằm ở các tiểu bang Arkansas, Indiana, Alabama, Pennsylvania, Michigan, Texas, Ohio. Văn phòng công đoàn sắt thép gọi United Steelworker (USW) có trụ sở tại Pittsburgh, Pensylvania, có thành viên gồm 1.2 triệu công nhân thêm gia đình và những công nhân về hưu. Với số cử tri quá lớn như vậy buộc Thượng Nghị Sĩ (TNS) Tom Cotton của tiểu bang Arkansas muốn bảo vệ cái ghế TNS của mình trong các nhiệm kỳ tới phải bênh vực quyền lợi cho cư tri của mình làm nghề sắt thép. Đó là lý do tại sao TNS Cotton là người khởi xướng bức thư chống “Việt Nam vào kinh tế thị trường” (2) gửi lên bà Bộ Trưởng BTM Hoa Kỳ Gina Raimondod. Bức thư có đoạn viết: “Tiền tệ của Việt Nam không được tự do chuyển đổi. VN không bảo vệ việc mặc cả tự do giữa người lao động và ban giám đốc công ty. Chính phủ của VN vẫn kiểm soát giá cả và sản xuất thông qua các công ty quốc doanh được trợ cấp mạnh – nhiều đến mức ngay cả trong tiến trình cứu xét này, chính bộ phận của ông [TNS Cotton] đã có nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với Việt Nam để thừa nhận những sự bất cập này… Không còn nghi ngờ gì nữa, các hoạt động kinh tế phi thị trường của đất nước này [Việt Nam] đã vi phạm cạnh tranh công bằng và thương mại hợp pháp”…
Các TNS của tiểu bang khác cũng có những công nhân (cử tri) mất quyền lợi do bán phá gia của Việt Nam đều ký vào bảo trợ TNS Cotton như:
– TNS John Boozman (R-Arkansas) ký bảo trợ cho TNS Cotton vì cùng một mục đích là bênh vực cho quyền lợi của công nhân sắt thép.
– TNS Roger Wicker (R-Mississippi) và Hyde-Smith (R-Mississippi) ký bảo trợ cho TNS Cotton với mục đích bảo vệ quyền lợi cho những cử tri nuôi cá catfish  (cá tra) và nuôi ong lấy mật bán ra tại Mỹ (3).
– TNS Bill Cassidy (R-Louisiana) ký bảo trợ cho TNS Cotton là để bảo vệ các cử tri của mình về ngành đánh bắt tôm (4). 
– TNS: Katie Britt (R-Alabama) ký Bảo trợ cho TNS Cotton là để bảo vệ các cử tri của mình về ngành sản xuất cá catfish.
Các TNS trên đã làm đúng trách nhiệm của những vị “dân cử” bảo vệ quyền lợi lao động cho cử tri thuộc tiểu bang mình đại diện. Do đó họ không ngần ngại ký vào thư gửi cho Bộ Trưởng BTM Gina Raimondod với nội dung gay gắt: “Trao cho Việt Nam Cộng Sản quy chế kinh tế thị trường sẽ phá hủy việc làm và các ngành công nghiệp của Mỹ”.
Bức thư phản đối của TNS Tom Cotton và các TNS bảo trợ có giá trị quyết định đối với BTM Hoa Kỳ. Do đó, trong thư từ chối Việt Nam vào “kinh tế thị trường” của BTM Mỹ có đề cập đến tầm quan trọng của bức thư phản đối của những các TNS này.
Nếu bà bộ trưởng BTM Gina Raimondod từ chối phản đối của những TNS nói trên thì họ có thể mời bà Bộ Trưởng ra một phiên điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ. Kết quả tệ hại là có thể xảy ra như tình trạng bà Giám Đốc Cơ Quan Mật Vụ Kimberly Cheatle vừa rồi khi điều trần trước Quốc Hội về việc cựu Tổng Thống Trump bị ám sát hụt ở Butler, Pennsylvania. Ủy Ban điều trần yêu cầu Giám đốc Cheatle phải từ chức.

Những tổ chức đấu tranh người Việt hải ngoại làm công việc cần thiết để góp gió: 

Nhân thấy rằng Việt Nam được vào kinh tế thị trường thì giúp việc bán hàng qua Mỹ với thuế thấp. Việt Nam thâu về nhiều tiền hơn, GDP của Việt Nam cũng tăng lên. Đảng CSVN lấy đó làm thành tích khoe khoang với quần chúng và thế giới là CSVN lãnh đạo giỏi làm kinh tế thành công! Đó là hai “công cụ” mạnh nhất để CSVN tiếp tục duy trì quyển lực cai trị độc tài mãi mãi.
Cho thấy rõ, Việt Nam tăng GDP chỉ để phục vụ cho Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục cai trị độc tài với người dân. Tuyệt nhiên, 100 triệu người dân Việt Nam không có lợi ích đáng kể so với những đau khổ phải chịu đựng dưới chế độ độc tài CSVN.
Đó là lý do tại sao các tổ chức người Việt hải ngoại lên tiếng phản đối Việt Nam không được vào quy chế “kinh tế thị trường”.
Các tổ chức chống cộng tại Hoa Kỳ muốn dân tộc Việt Nam có tự do dân chủ, thoát khỏi chế độ cai trị độc tài thì không muốn đảng CSVN tồn tại bằng mọi hình thức. Và sự phản đối của những tổ chức người Việt hải ngoại mang lập trường chính trị là chính. 

Hoa Kỳ, ngày 10 tháng 8 năm 2024
Lê Hoành Sơn


(1) https://s3.amazonaws.com/warren-news.com/pdf/932179
(1a, 1b, 1c, 1d,1e, 1f, 1g) https://s3.amazonaws.com/warren-news.com/pdf/932179
(2)https://www.cotton.senate.gov/news/press-releases/cotton-colleagues-to-raimondo-granting-communist-vietnam-market-economy-status-would-destroy-american-jobs-and-industries
(3) https://www.britannica.com/place/Mississippi-state/Economy

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt