Ngoại giao “cây tre” của Cộng Sản Việt Nam bị bật gốc

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Nguyễn Phú Trọng hô hào ngoại giao cây tre từ năm 2016, có người tưởng ngoại giao cây tre là gió thổi chiều nào thì bổ theo chiều đó. Theo “chánh tổng” Nguyễn Phú Trọng giải thích thì ngoại giao cây tre có 3 ý nghĩa về “gốc, thân và đặc tính cây tre” – “gốc” cây tre thường quyện vào nhau mang biểu tượng đoàn kết, “thân” cây tre là biểu tượng hiếu hoà nhưng quật cường, “đặc tính” cây tre thì lại là biểu tượng cho dễ thích nghi trong mọi hoàn cảnh sống. Từ đó “sách trắng” của nhà nước CSVN đưa ra chủ trương 4 không: Không liên minh quân sự với nước nào; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài xử dụng căn cứ quân sự trên đất mình để chống nước thứ ba; Và không xử dụng vũ lực hoặc đe dọa xử dụng vũ lực trong ngoại giao quốc tế.

Đó là những gì Cộng Sản Việt Nam (CSVN) nói. Còn sự thật chúng lừa bịp quần chúng và thế giới như thế nào? Điểm chính ngoại giao của nhà nước CSVN làm sao để bám chặc quyền lực với chủ trương “thà mất nước còn hơn mất Đảng” nên Hà Nội cam tâm làm nô lệ cho Bắc Kinh để được bao che giữ quyền lực cai trị của Đảng. Điều này Nguyễn Minh Triết cựu Chủ Tịch Nước từng tuyên bố “bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát” – Điều 4 nói rằng chỉ có một mình đảng CSVN lãnh đạo đất nước không được ai chen vào – đến nay CSVN vẫn ôm chặt điều 4 không thay đổi!

CSVN cho “cây tre” và “4 không” là ngoại giao khôn ngoan. Đó là khôn vặt với trò đu dây cố hữu nếu không muốn nói là “lú lâu” và “dốt bền”. Nhìn lại lịch sử của những nước nhỏ trên thế giới họ không thể đứng vững giữa những cơn phong ba bão táp của các thế lực quốc tế tranh hùng. Chúng ta đã chứng kiến các nước nhỏ ở châu Âu, châu Á, Châu Phi và Trung Đông qua hai đại chiến Đệ I và Đệ II với kết cục lãnh thổ của họ bị cắt xén, có nước biến mất trên bản đồ thế giới, có nước bị chia đôi như Việt Nam, Đại Hàn, Đức (thua trận), và cũng có những nước bị cấm tổ chức quốc phòng do luật của phe thắng trận áp đặt như Nhật (thua trận). Như vậy, ngoại giao nước nhỏ khôn ngoan nhất là chọn phe mạnh mà đi.

Tranh minh hoạ về “ngoại giao cây tre”

Trong bài nói chuyện ngày 17 tháng 6 năm 2023 nhân lễ Tưởng Niệm ngày Tang Yên Báy lần thứ 93 tại miền Nam California tôi đã trình bày: “Nếu sự đối đầu Mỹ – Trung cứ tiếp tục căng thẳng hoặc nổ ra chiến tranh thì Việt Nam dù muốn, dù không cũng bị đẩy vào vòng tranh chấp không thể tránh khỏi. Dân tộc Việt Nam lại một lần nữa rơi vào vòng lửa đạn do tranh chấp quyền lợi của cường quốc trên thế giới”. Ngày đó hình như đang ló dạng!

Hãy quan sát những sự việc trong hai tháng 5 và 6 vừa qua các cường quốc trên thế giới đã tấp nập đến Việt Nam như để chuẩn bị bữa tiệc chiến trường, bữa tiệc máu trên thân xác dân tộc Việt Nam! Và liệu rằng chính sách ngoại giao cây tre với lập trường 4 không có thể đứng vững được trước những cuồng phong đang ập tới trên đất nước Việt Nam vốn đã chịu nhiều đau thương do chiến tranh gây ra hay không?

Từ tháng 5/2023, vùng biển Bãi Tư Chính thuộc đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam nằm phía Nam Biển Đông trên thềm đường “Lưỡi Bò Chín Đoạn” đã dậy sóng. Tại đó Nga và Việt Nam từ lâu hợp doanh thành lập công ty Vietsovpetro khai thác những lô dầu 12, 06-1 và 05-3. Nơi đó giới lãnh đạo đảng CSVN lấy tiền bỏ túi nhờ bán lậu dầu thô ngoài khơi đem về nhiều balo tiền mặt bằng đồng đô-la Mỹ. Đồng thời dựa vào sức mạnh của Nga để khai thác buôn bán tài nguyên quốc gia. Điều này báo Tuổi Trẻ (báo lề Đảng) có đưa bài “Khoan thăm dò dầu khí ở bãi Tư Chính là góp phần bảo vệ chủ quyền” (1) – Vụ Bãi Tư Chính và khoan dầu nuôi đảng [CSVN] (2).

Những đường đen là tàu HD10 và các tàu họ vệ của Trung Cộng quần thảo trên vùng biển Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 6/2023 (ảnh: Internet)

Trước đây Trung Cộng còn sợ không dám đuổi Nga ra khỏi những lô dầu của công ty hợp doanh Nga-Việt đang khai thác, mà chỉ gây sức ép với các nước yếu hơn như Tây Ban Nha và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất nên các nước này phải huỷ bỏ hợp đồng với Việt Nam.

Từ khi Tập Cận Bình đi thăm Nga vào tháng 3/2023, do Nga bị sa lầy ở cuộc chiến tại Ukraine nên rất cần sự yểm trợ của Trung Cộng về mọi mặt, Putin lép vế trước Tập Cận Bình dường như sẵn sàng đổi lấy những gì để được Trung Cộng tiếp tục yểm trợ Nga trong cuộc chiến Ukraine. Vi thế CSVN sợ Nga nghe theo Trung Cộng bán đứng liên doanh Vietsovpetro. Vào cuối tháng 5 và tháng 6 /2023 Trung Cộng cho tàu khảo sát địa chất HD10 với sự hộ tống của 2 tàu hải cảnh loại lớn và nhiều tàu du kích biển quần thảo ngang dọc trên Bãi Tư Chính không một chút kiêng dè như trước đây… Sở dĩ Trung Cộng quậy phá như vậy để Nga lấy cớ là vùng khai thác dầu ở Bãi Tư Chính không được an ninh nên rút đi chăng?

Trước tình hình như vậy, thì Mỹ và các đồng minh có những bước ngoại giao tấp nập đổ vào Việt Nam làm cho ngoại giao cây tre đã bị bật gốc và lập trường 4 không đã lung lay tận gốc rễ:

– Với Mỹ, có những sự việc xảy ra cho thấy ngoại giao Việt-Mỹ là một chuỗi xoay chiều 180 độ đáng ngạc nhiên. Từ Việt-Mỹ có ngoại giao tẻ nhạt nếu không muốn nói là bế tắc hơn 1 năm qua, bỗng nhiên sôi động nồng ấm trở lại. Giữa tháng 4/2023 ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm Việt Nam đã được tiếp đón rất nồng hậu, từ TBT Nguyễn Phú Trọng, Thủ Tướng Phạm Minh Chính, yến tiệc linh đình ở bộ ngoại giao Hà Nội, ăn phở tại quán ăn bình dân và nghe hòa nhạc tại một thính phòng nhỏ… Nói chung, từ vua quan đến dân dã đều có đón tiếp Bộ trưởng Blinken. Đó là sự tiếp đãi nồng hậu và cởi mở chưa từng có của nhà nước CSVN đối với một Ngoại Trưởng Mỹ từ ngày lập lại bang giao 1995 đến nay. Điều này làm cho mọi người ngạc nhiên! Nhưng nếu hiểu được CSVN chẳng có gì lạ – chỉ là trò “đu dây” cố hữu để Hà Nội bắn tiếng cho Bắc Kinh là trước đây họ đu dây giữa Trung-Nga thì giờ đây họ sẵn sàng đu dây giữa Trung-Mỹ. Một đối thủ số một của Trung Cộng hiện nay.

Tuy thế, đã đến lúc ngoại giao đu dây không còn dễ dàng như trước đây vì các cường quốc cần lật bài tẩy buộc Việt Nam đi hướng nào chắc chắn, không còn thời gian để CSVN lơ lửng con cá vàng… Do đó họ có những hành động ngoại giao liên tục để đưa đối tượng vào quỹ đạo chiến lược của mình, phải đưa vào thật sâu để CSVN không thể đảo ngược. Làm như Mỹ đã đưa nền giao thương Việt-Mỹ lên cao ngất ngưỡng đến nỗi giờ đây cho kẹo CSVN không dám chặt đứt quan hệ thương mại với Hoa Kỳ! Hết đường thối lui, giao thương với Mỹ hay chết.

– Đến ngày 07/06, sau 6 tuần sau cuộc viếng thăm của Ngoại trưởng Blinken, nữ Đô Đốc Linda Fagan Tư Lệnh Tuần Duyên Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam (3) thảo luận với thiếu tướng CSVN Tư Lệnh tuần duyên Việt Nam Lê Quang Đạo để hợp tác chiến đấu giữa hai lực lượng tuần duyên.

– Ngày 19/06 các máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II của Không quân Hoa Kỳ hạ cánh tại phi trường Đà Nẵng (4). Loại A-10 này thuộc thế hệ mới có khả năng tác chiến rất cao, săn và diệt chiến xa rất hữu hiệu. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Mỹ hạ cánh tại phi trường Việt Nam từ ngày 30/04/1975.

Cường kích A-10 Thunderbolt II Fairchild Republic của Không lực Hoa Kỳ hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng, Việt Nam ngày 19/06/2023 (ảnh: internet)

– Nửa tháng sau ngày 25-30/06 Hàng Không Mẫu Hạm tối tân nhất của Mỹ Ronald Reagan viếng thăm hải cảng Đà Nẵng trong 5 ngày, tại đây đã có những tổ chức giao lưu Việt-Mỹ rất thân thiện và hợp tác mà tạp chí của CSVN tờ Lao Động ca ngợi: “Tại Đà Nẵng, các thủy thủ [Mỹ] đã tham gia các buổi giao lưu văn hóa và các dự án cộng đồng, và các trải nghiệm chung này đã giúp tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa người dân hai nước. Hợp tác quốc phòng Mỹ – Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật lệ. Bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta bảo vệ chủ quyền, tăng cường nhận thức về biển, cải thiện các nỗ lực nhân đạo, gìn giữ các giá trị và lợi ích chung tại một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, và an toàn” (5).

– Ngày 29/06, Lê Hoài Trung Trưởng ban đối ngoại Trung Ương CSVN gặp ngoại trưởng Blinken tại Washington DC (6) mà giới quan sát quốc tế nhận định rằng cuộc gặp này có thể dẫn tới khả năng Nguyễn Phú Trọng sang thăm Toà Bạch Ốc vào cuối tháng 7/2023 (6).

Lê Hoài Trung (trái) ngoại trưởng Blinken (phải) tại Bộ Ngoại  Giao Hoa Kỳ ngày 29/06/2023

Đó là giữa Mỹ-Việt liên tục xảy ra với nhịp độ hàng tuần rất nhộn nhịp và tích cực, bên cạnh đó những đồng minh của Mỹ trong bộ tứ Kim Cương (Mỹ, Ấn, Úc, Nhật) cũng cùng nhịp độ không kém đến Việt Nam với những biểu hiện thúc dục hợp tác chứ không nói chuyện ngoại giao mơ hồ như trước đây.

– Ngày 5/06/2023, Thủ Tướng Úc Anthony Albanese lần đầu tiên viếng thăm Việt Nam (7) từ khi nhậm chức một năm trước đây. Thủ Tướng Albanese gặp TBT CSVN Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính để thúc dục hợp tác an ninh khu vực. Trong chuyến viếng thăm này Thủ Tướng Albanese viện trợ cho Việt Nam 160 triệu USD.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái), bắt tay với Thủ Tướng CSVN Phạm Minh Chính (phải) nhân chuyến viếng thăm Việt Nam ngày 5 tháng 6, 2023 (Ảnh: Yuji Nitta)

– Ngày 14-17/06/2023 Hàng Không Mẫu Hạm hạng nhất JS Izumo và khu trục hạm JS Murasame của Nhật đã ghé thăm hải cảng Cam Ranh (8). Vịnh Cam Ranh là nơi đặt cơ sở hậu cần và tu sửa cho các chiến hạm hải quân rất lý tưởng. Một quân cảng quan trọng bậc nhất thế giới mà các cường quốc đều thèm muốn… Trước khi JS Izumo cập bến Cam Ranh thì chiến hạm này đã tập trận chung với hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông.

Tàu khu trục JS Izumo của Nhật Bản thăm Việt Nam ngày 20/6 đang đậu tại vịnh Cam Ranh. (Ảnh: vietnamnet.vn)

– Ngày 23/06, Tổng Thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol đã đến thăm Việt Nam (9) đây là chuyến thăm VN đầu tiên kể từ khi nhậm chức Tổng Thống từ ngày 10/05/2022 – Nam Hàn và Việt Nam đã thiết lập ngoại giao cao nhất “Chiến lược toàn diện”. Trong cuộc gặp gỡ này hai bên cam kết tăng cường hợp tác an ninh và đầu tư song phương bất chấp sự sụt giảm trong năm nay và kể cả chương trình đánh thuế cao hơn của Việt Nam đối với các công ty lớn của Nam Hàn.

Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol bắt tay với Chủ tịch nước CSVN Võ Văn Thưởng trong cuộc gặp tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/06 năm 2023. (Ảnh: Yonhap qua REUTERS)

– Ngày 28/06/2023 một tàu chiến của Ấn Độ mang tên INS Kirpan trang bị hoả tiễn hành trình tối tân trên đường đi đến tặng cho Việt Nam (10). Được biết quan hệ ngoại giao Ấn-Việt là cao nhất “chiến lược toàn diện”. Ấn-Việt đã tập trung vào hỗ trợ quốc phòng, cả hai nước đều lo ngại về một Trung Cộng ngày càng hung hăng xâm lược.

Tàu chiến INS Kirpanmang trang bị hoả tiễn hành trình của Hải quân Ấn Độ đang trên đường đến Việt Nam làm quà tặng.

Song song với những cuộc viếng thăm Việt Nam có nhiều sự kiện ngoại giao quốc tế có liên quan đến tình hình chính trị, quân sự Việt Nam xảy ra trong tháng 6:

Ngày 21/06 lần đầu tiên Indonesia cho máy bay B52H (mang vũ khí nguyên tử) hạ cánh phi trường quân sự chiến lược Kualanamu trên đảo Sumatra (11). Hộ tống hai bay B52H là những chiến đấu cơ F-16 của Indonesia. Sự hợp tác bất ngờ này làm cho Trung Cộng hụt hẫng và lo lắng.

Ngày 22/06, từ bao thập niên qua Ấn Độ chủ trương trung lập, nay cũng thăm Washington được hai ông bà Tổng Thống Biden thết đãi tiệc tối tại Toà Bạch Ốc. Truyền thông cả hai nước Mỹ-Ấn ca ngợi chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nâng quan hệ Mỹ-Ấn và là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế kỷ 21 (12).

Đó là những tiếp cận xảy ra trong tháng 6/2023 làm cho tình hình tại Việt Nam nóng hẳn lên, nếu đem so sánh thì Washington không có những cuộc viếng thăm nhộn nhịp như Hà Nội trong những tháng qua. Những khách đến là Mỹ và đồng minh của Mỹ. Trong khi “đồng chí” của Hà Nội là Demitri Medvedev, nhân vật thứ hai của Nga đến thăm Việt Nam vào tháng 5/2023 được cho là chuyến đi tình báo dò tìm Phạm Minh Chính được mời tham dự hội nghị G7 tại Nhật Bản với mục đích gì? Và ngày 24/06 chuyến thăm của Chủ Tịch Quốc Hội Nga (Duma) Volodin Victorovich đã lên chương trình cũng bị dời lại vô thời hạn (13).

Về phía Trung Cộng, không có chuyến viếng thăm nào của lãnh đạo Bắc kinh đến Việt Nam đáng chú ý, ngoại trừ chuyến đi của Phạm Minh Chính qua Trung Cộng (có thể để đi chữa lửa) từ ngày 25-29/06 để tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại Thiên Tân (14) và tiếp xúc với lãnh đạo Trung Cộng. Tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế giới, Phạm Minh Chính có bài phát biểu “Đương đầu với các cơn gió ngược: khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh”. Nhìn chủ đề thấy có cái gì đó không ổn!

Đặc biệt trong khi Việt Nam đang ngày đêm tiếp xúc và làm việc với “bộ Tứ Kim Cương” và Nam Hàn thì Trung Cộng lại điều động Hàng Không Mẫu Hạm Sơn Đông qua eo biển Đài Loan rồi đi xuống Biển Đông tập trận có tính cách khiêu khích (15).

Thế giới đang trong một khúc quanh lịch sử quan trọng. Chiến tranh đe doạ khắp nơi. Tình hình Ukraine thu hút mọi sự chú ý của các cơ quan truyền thông quốc tế cũng như trên hệ thống mạng. Ông William Burn giám đốc tình báo CIA của Mỹ trước đây đã trả lời trên đài truyền hình “mắt nhìn ở Ukraine nhưng đầu thì đặt ở Đài Loan và Biển Đông”. Rất chính xác, Trung Cộng mới là kẻ thù nguy hiểm của Mỹ mà Biển Đông là chiến trường khó tránh khỏi của thế kỷ thứ 21. Trong vài tháng qua, các cường quốc lớn nhỏ đến Việt Nam chỉ với mục đích kéo VN về phía họ, lần nầy trông sức kéo với những hấp lực to lớn có thể “bứng gốc” ngoại giao cây tre của CSVN.

Hoa Kỳ ngày 5 tháng 7 năm 2023

Lê Thành Nhân

———————————————————————————–

(1) https://tuoitre.vn/khoan-tham-do-dau-khi-o-bai-tu-chinh-cung-la-gop-phan-bao-ve-chu-quyen-20190805180523052.htm

(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65084545

(3) https://vietquoc.org/tu-lenh-tuan-duyen-my-cam-ket-dam-bao-an-ninh-hang-hai/#more-36568

(4) https://eurasiantimes.com/warthog-in-warzone-us-a-10-thunderbolt-lands-in-vietnam/

(5) https://laodong.vn/the-gioi/tau-san-bay-my-ronald-reagan-roi-da-nang-1211138.ldo

(6) https://vietquoc.org/ngoai-truong-my-tiep-truong-ban-doi-ngoai-trung-uong-cong-san-viet-nam-le-hoai-trung/

(7) https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Australia-and-Vietnam-solidify-ties-with-Albanese-visit

(8) https://thediplomat.com/2019/06/japans-largest-flattop-visits-vietnams-cam-ranh-port

(9) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/south-korean-president-visits-vietnam-bilateral-trade-slumps-2023-06-22/

(10) https://www.reuters.com/business/aerospace-defense/first-india-gifts-active-warship-vietnam-2023-06-28/

(11) https://militarywatchmagazine.com/article/us-first-deployment-nuclear-b52h-indonesia

(12) https://www.hindustantimes.com/india-news/pm-modi-usa-visit-pm-modi-arrives-in-washington-deepening-ties-india-101687370504637.html

(13) https://vovworld.vn/en-US/news/chairman-of-russias-state-duma-postpones-vietnam-visit-1210217.vov

(14) https://moderndiplomacy.eu/2023/06/30/vietnamese-pm-visit-to-china/

(15) https://news.usni.org/2023/06/21/china-sends-carrier-strike-group-through-taiwan-strait

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt