Nói về tác giả “Ai Về Sông Tương”

Trong Đại Hội Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa qua, có một anh em hát bài “Ai Về Sông Tương” – Đây là bài nói về tác giả bản nhạc nổi tiếng này: Thông Đạt

Nhạc sĩ Văn Giảng, tên thật là Ngô Văn Giảng, một trong những tài năng âm nhạc của người Việt thuộc văn hóa Việt Nam Cộng Hòa, thành danh và đóng góp không ít cho nền văn hóa mà ông phục vụ, với cả những dòng nhạc tác phẩm bình dân cho đến học thuật. Thậm chí sau năm 1975, khi tìm đến định cư ở Úc, ông cũng làm việc không ngừng, góp sức xây dựng văn hóa âm nhạc cho cộng đồng người Việt đang tập hợp ở đây. Ông qua đời ở thành phố Footscray, tiểu bang Victoria, nước Úc, ngày 9 Tháng 5 năm 2013, hưởng thọ 89 tuổi.

Văn Giảng sinh năm 1924, tại làng Bác Vọng Ðông, Quận Quảng Điền (phía bắc thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên. Ông sinh ra trong một gia đình Phật Giáo thuần túy, song thân làm nghề buôn bán, và ông thú nhận học lực của ông không qua hết bậc trung học. Sau khi học ở trường tiểu học Paul Bert, rồi Trung Học Phú Xuân, ông phải nghỉ học sớm để ở nhà giúp cha mẹ. Trong suốt thời ấu thơ, Ngô Văn Giảng chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển qua những ban nhạc tài tử dân giã của đất Thần Kinh. Không qua một trường lớp âm nhạc nào, nhưng ông đã trở thành một người chơi đàn guitar, hawaiian guitar và contrebass nổi tiếng ở Huế, là trưởng ban nhạc của Đài phát thanh Huế, từ lúc đài này mới thành lập năm 1949, và sau đó là Giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế năm 1963. Ông và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba là người khởi xướng phong trào sáng tác và sinh hoạt nhạc Phật Giáo tại miền Trung.

Ðài phát thanh Huế, dưới thời của Giám đốc Ngô Ganh, ban nhạc của Văn Giảng tuy là một ban nhạc nhỏ, nhưng quy tụ nhiều ca, nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Lê Quang Nhạc, Trần Văn Tín (về sau là Đại Tá ngành quân nhạc VNCH), ca sĩ Minh Trang, Tôn Thất Niệm (nay là bác sĩ tại Nam California)… Năm 1963, Văn Giảng được bổ nhiệm làm Giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế.

Sau năm 1968, vì quá sợ các thành phần Việt Cộng nằm vùng tại Huế, ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống và học thêm. Ông tốt nghiệp Anh văn ở Hội Việt Mỹ và trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu về âm nhạc ở ngoại quốc, được xuất ngoại du học tại trường Âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Ở Hoa Kỳ, Văn Giảng đã tốt nghiệp với lời khen của Ban Giám Khảo và được cấp thêm học bổng để nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Bộ Văn hóa Việt Nam Cộng Hòa mời ông vào giảng dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Trong thời gian này, ông gặp nhạc sĩ Châu Kỳ – mà theo nhạc sĩ Lê Dinh kể lại – là người bạn đã chỉ dẫn ông đi vào con đường làm giàu nhờ viết nhạc.

Sài Gòn là nơi phát hiện tài năng ca khúc đời thường của nhạc sĩ Văn Giảng. Và từ đó, ông cũng bắt đầu sáng tác những tình khúc “hái ra tiền”. Ký bản quyền cho hãng dĩa xuất bản Asia, Sóng Nhạc… Văn Giảng đủ tiền mua một căn nhà khang trang mặt tiền trên đường Thoại Ngọc Hầu, mà theo lời ông tả là sự sung túc ở đất Sài Gòn đến nhanh chóng khiến ông cũng phải ngẩn ngơ. Những bản nhạc của Văn Giảng như Hoa Cài Mái Tóc, Tình Em Biển Rộng Sông Dài, Ðôi Mắt Huyền… được ấn hành hàng chục ngàn bản, phổ biến rộng rãi trên thị trường, điều mà trước đây, khi còn là giáo sư âm nhạc ở Huế, Văn Giảng không hề nghĩ đến.

Chuyện sáng tác Ai Về Sông Tương của nhạc sĩ Văn Giảng cũng là một đoạn sử nhạc thú vị. Bài hát được viết năm 1949, đã “top hit”, được thính giả yêu cầu nhiều nhất của Đài phát thanh Pháp Á trong hai năm 1949-1950 dưới một cái tên gây tò mò khắp nơi, là Thông Ðạt. Cái tên mới nghe lần đầu trong giới nhạc sĩ. Bản nhạc đó trở thành một trong những ca khúc bất tử của dòng nhạc tự do tại miền Nam và ra đến hải ngoại hôm nay.

Ai Về Sông Tương – Văn Giảng chưa bao giờ đến sông Tương vì nó ở tỉnh Hồ Nam bên Tàu – có lẽ ”  Ai Về Sông Hương”  (?)

Nguyên do của cái tên Thông Đạt, được nhạc sĩ Lê Dinh, một người cùng thời chia sẻ lại, là có dính líu đến một người bạn của ông Văn Giảng, là ông chủ của một nhà xuất bản âm nhạc ở Huế, ông Tăng Duyệt. Trong những thập niên 1940-1950, ở Huế ai ai cũng biết ông Tăng Duyệt, Giám đốc nhà Xuất bản Tinh Hoa Huế (khác nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam ở Sài Gòn do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo làm giám đốc) in ấn và phát hành một số nhạc phẩm ít ỏi của thời đó.

Văn Giảng chơi thân với ông Tăng Duyệt vì một số hành khúc của ông đều do nhà xuất bản Tinh Hoa Huế của ông Tăng Duyệt ấn hành. Một hôm trong lúc vui miệng, ông Tăng Duyệt có ngụ ý thách thức rằng Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.

Nghe vậy, nhạc sĩ Văn Giảng về nhà, âm thầm lấy giấy bút viết bài Ai Về Sông Tương, không ghi tên tác giả là Văn Giảng như mọi khi mà đề tên tác giả là Thông Đạt, một bút hiệu mới toanh trong làng tân nhạc Việt Nam thời đó. Bản Ai Về Sông Tương được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Ca khúc này bùng phát khắp nơi với sự hâm mộ của công chúng, và tò mò của giới sáng tác thời đó: Thông Đạt là ai?

Có người lý giải rằng Thông Đạt là tên mà nhạc sĩ Văn Giảng muốn ngầm chứng minh khả năng của ông là cái gì cũng có thể là được. Thế nhưng thật ra, đó là tên ghép pháp danh của ông là Nguyên Thông và vợ là Tâm Đạt.

Sau này, một trong những lý do nhạc sĩ Văn Giảng rời Huế, vào sống ở Sài Gòn, là bởi ông chứng kiến cuộc thảm sát 1968, một trong những người bạn thân của ông là ông Tăng Duyệt cũng bị giết chết. Lý do ông Duyệt bị hành hình, một phần là đã in ấn và phát hành nhiều ca khúc ca ngợi tinh thần quân đội Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có nhiều bài sáng tác của Văn Giảng. Buồn chán, Văn Giảng dời vào Sài Gòn, hy vọng để bớt đau buồn tìm thấy một nguồn sinh khí mới.

Nguyên nhân mà ít ai nghĩ Thông Đạt là một bút danh của Văn Giảng, bởi sự nghiệp khởi đầu của ông, hầu hết là hùng ca như Thúc Quân (1949), Lục Quân Việt Nam (1950), Đêm Mê Linh (1951), Quân Hành Ca (1951), Qua Đèo (1952), Nhảy Lửa (1953)… Một trong những bài hát hùng ca do nhạc sĩ Văn Giảng viết ra, những ai đã sống dưới hai đời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam đều nghe thấy, đó là Lục Quân Hành Khúc.

Điều thú vị là sau nhiều lần được nghe bài Ai Về Sông Tương và quá hâm mộ, ông Tăng Duyệt nhờ nhạc sĩ Văn Giảng dò hỏi trong giới nhạc, xem có biết Thông Đạt không để ký mua các tác phẩm mới. Nhạc sĩ Văn Giảng cười thầm trong bụng, cũng hứa là sẽ hỏi thăm dùm. Bất ngờ ngày nọ, Văn Giảng thấy ông Tăng Duyệt lái xe đến nhà, nắm tay ngưỡng mộ. Hóa ra hai người bạn là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ vô tình nhìn thấy bản thảo viết tay Ai Về Sông Tương của Văn Giảng trên bàn làm việc, phát hiện và lén nói cho ông Tăng Duyệt biết. Vừa nghe xong, ông Tăng Duyệt đã giật mình, chạy đi tìm Văn Giảng ngay.

Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang
Đi đi đi, lời thề nguyền, tung gươm thiêng, thi gan trai
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi…

Cuộc đời của nhạc sĩ Văn Giảng ở Thành Đô miền Nam là một bước ngoặt mới. Văn Giảng được Bộ Văn Hóa Giáo Dục đề cử làm Trưởng Phòng Học Vụ Nha Mỹ Thuật, đảm trách học vấn của các trường Âm nhạc Sài Gòn, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật. Năm 1970, ông được Huy Chương Vàng giải Văn học Nghệ thuật của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (âm nhạc loại A) với sáng tác phẩm Ngũ Tấu Khúc (Quintet for Flute and Strings). Cùng năm này, ông được chỉ định làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm 100 nghệ sĩ tân cổ nhạc và vũ, ban vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban vũ cổ truyền đại nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển, để tham dự Hội Chợ Quốc Tế Expo 70 tại Osaka (Nhật Bản).

Sau năm 1975, như mọi trí thức và tài năng văn hóa nghệ thuật của Việt Nam Cộng Hòa, ông rơi vào bế tắc và trầm cảm nặng. Theo lời kể, ông luôn tìm hỏi cách và nơi vượt biển, sau khi chứng kiến quá nhiều người – kể cả thầy giáo, nghệ sĩ… thậm chí công chức đã về hưu cũng bị đưa đi tù “cải tạo” mà không biết nơi giam nhốt ở đâu, sống chết ra sao.

Năm 1978, Văn Giảng từ Cần Thơ vượt biển với người con trai đầu lòng đến Indonesia. Khi đến đảo Natuna, hồ sơ của ông được ưu tiên do từng du học tại Hawaii, ông đủ điều kiện định cư tại Mỹ, nhưng vì muốn sớm bảo lãnh cho vợ và sáu đứa con còn lại, ông bằng lòng chọn Úc làm quê hương thứ hai. Ðến Melbourne, Văn Giảng sinh sống bằng nghề dạy nhạc tại tư gia về các môn sáng tác hòa âm cũng như sử dụng các nhạc khí như guitar, hawaiian guitar và contrebass cho người Việt mới đến định cư cũng như cho các sinh viên Úc. Suốt trong hơn 30 năm sống ở Úc, Văn Giảng vẫn tiếp tục soạn nhiều sách dạy nhạc, sử dụng nhạc cụ bằng cả hai thứ tiếng Việt, Anh, giới thiệu âm nhạc Việt Nam.

Văn Giảng, là một trong những nhạc sĩ tài hoa đáng kính của Việt Nam. Ông chọn sống và ra đi chỉ vì được tự do viết, hát với âm nhạc của mình muốn. Sự ra đi của ông cũng là một trong những sự mất mát đáng tiếc của di sản văn hóa Việt Nam tự do một thời.

Theo di nguyện, nhạc sĩ Văn Giảng muốn được hỏa táng và thả tro xuống biển, như mong được có lúc xuôi dòng theo về lại cố hương. Ký giả Hoài Nam của Đài SBS từng viết về di nguyện của ông “Có lẽ ông hy vọng sóng nước Thái Bình Dương sẽ đưa tro cốt của ông về biển Đông, rồi ngược dòng sông Hồng đưa ông về quê xưa.

Biết đâu rồi đây tro cốt của nhạc sĩ Văn Giảng cũng sẽ trôi dạt về cửa Thuận An, và sau cùng tới cố đô Huế bên dòng sông Hương – con sông mà ngày xưa nhạc sĩ đã đổi tên thành “sông Tương” trong tình khúc để đời của mình – và cũng là ca khúc Việt Nam mà cho tới nay vẫn còn được nhiều người tìm nghe lại”.

https://vietquoc.org sưu tầm

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt