Trung Cộng trở thành mục tiêu mới của các nhóm thánh chiến Hồi giáo

Các tổ chức khủng bố quốc tế từ lâu chỉ coi Bắc Kinh là một mục tiêu thứ yếu. Điều đó đã thay đổi.

Khủng bố hồi giáo-Khorasan

Đầu tháng 10, một kẻ đánh bom của Nhà Nước Hồi Giáo-Khorasan đã giết chết gần 50 người tại một nhà thờ Hồi giáo ở Kunduz, Afghanistan. Việc nhóm chiến binh nhận trách nhiệm về vụ tấn công không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng trong một diễn biến mới đáng lo ngại đối với Bắc Kinh, họ cũng quyết định liên hệ vụ thảm sát với Trung Cộng: Nhóm này nói rằng kẻ đánh bom là người Duy Ngô Nhĩ và cuộc tấn công là nhằm trừng phạt Taliban vì đã hợp tác chặt chẽ với nhà nước Trung Cộng bất chấp các hành động của Trung Cộng chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trung Cộng từ lâu chỉ được coi là mục tiêu thứ yếu của các tổ chức khủng bố quốc tế. Các nhóm như al-Qaeda và Nhà Nước Hồi Giáo tập trung nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ, phương Tây nói chung, hoặc các đối thủ địa phương của họ, đến nỗi họ hiếm khi chĩa vũ khí về phía Trung Cộng, mặc dù họ có thể muốn làm như vậy vì sự ngược đãi của Trung Cộng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Nhưng tại Kunduz, quan điểm này đã bị chấm dứt một cách tàn nhẫn. Trung Cộng hiện có thể coi mình là một mục tiêu rõ ràng của chủ nghĩa khủng bố.

Lịch sử của Trung Cộng với các nhóm Hồi giáo bạo lực rất phức tạp. Trong một thời gian dài, khả năng của Bắc Kinh trong việc thể hiện vị thế của mình là một cường quốc thuộc “thế giới đang phát triển” có nghĩa là họ có thể ẩn náu, ở một mức độ nào đó, đằng sau vẻ bề ngoài không phải là một cường quốc thuộc địa cũ ở “thế giới thứ nhất”, những nước vốn gây phẫn nộ cho những dân tộc bị áp bức trên thế giới. Trước sự kiện ngày 11/9, các nhà lý luận của al Qaeda đã đi xa đến mức nói rằng Bắc Kinh là một đối tác khả dĩ. Theo logic của họ, Trung Cộng chống lại Hoa Kỳ, kẻ thù không đội trời chung của al-Qaeda và do đó, có thể áp dụng lập luận “kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta”.

Có rất ít bằng chứng cho thấy điều này đã xảy ra. Vào cuối những năm 1990, sự khoan dung mà Trung Cộng dường như thể hiện đối với các nhân vật của al-Qaeda những người thỉnh thoảng sử dụng lãnh thổ Trung Cộng để trung chuyển và hỗ trợ cho các chiến dịch, có thể là do sự thiếu hiểu biết của Trung Cộng hơn là do cố tình. Đến năm 2004, mối quan hệ này đã thay đổi và tình báo Trung Cộng sẵn sàng làm việc với các đối tác phương Tây để truy quét các nghi phạm khủng bố đi qua các sân bay của Trung Cộng.

Trong chính phủ đầu tiên do Taliban lãnh đạo vào những năm 1990, các quan chức Trung Cộng đã do dự nhưng vẫn sẵn sàng đối thoại với chế độ của Mullah Mohammad Omar. Trung Cộng không bao giờ là nước ủng hộ Taliban hết mình, mà thay vào đó, họ muốn tìm cách làm việc với nhóm này. Điều này chủ yếu diễn ra dưới hình thức Trung Cộng cung cấp đầu tư và hỗ trợ hạn chế, điều được Pakistan ủng hộ, với kỳ vọng rằng Taliban sẽ kiềm chế các nhóm Duy Ngô Nhĩ, vốn đã được thành lập ở Afghanistan dưới sự bảo vệ của Mullah Omar, khỏi tấn công Trung Cộng. Bắc Kinh dường như không quan tâm lắm đến mục tiêu lớn hơn của Taliban, miễn là các nhà lãnh đạo Afghanistan hành động theo yêu cầu quan trọng này của Trung Cộng. Tuy nhiên, vẫn có rất ít bằng chứng cho thấy Bắc Kinh liên kết vấn đề trong nước này với mối đe dọa khủng bố quốc tế nói chung.

Sau cuộc tấn chiếm do Hoa Kỳ lãnh đạo vào Afghanistan và sau đó là Iraq, vấn đề khủng bố quốc tế đã bùng phát trên toàn cầu, với các nhóm nhắm mục tiêu đến một loạt các quốc gia. Tuy nhiên, nỗ lực thành công của Trung Cộng trong việc đưa một số nhóm Duy Nhô Nhĩ trong nước vào danh sách các tổ chức khủng bố của Liên hợp quốc và Hoa Kỳ đã không khiến quốc gia này bị các nhóm thánh chiến quốc tế đưa vào mục tiêu. Trong khi đó, trong những năm ngay sau vụ 11/9, Trung Cộng trở nên cảnh giác với Taliban. Một nhóm người Duy Ngô Nhĩ được cho là đã chiến đấu cùng Taliban trong nhiều năm, như một video của thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri nêu bật hồi năm 2016, và như thông tin tình báo của Mỹ từ Vịnh Guantánamo đã chỉ ra trước đó.

Trong những năm 2010, nhiều công dân Trung Cộng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các vụ khủng bố trên toàn cầu, nhưng phần lớn dường như là do ngẫu nhiên – họ đến sai nơi, sai thời điểm. Al-Qaeda và các lãnh đạo Nhà Nước Hồi Giáo sau đó đã đưa ra một số tuyên bố đe dọa Bắc Kinh về cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, và thực sự là người Hồi giáo nói chung, nhưng phần lớn các lời đe dọa đó mang tính hạn chế và không dẫn đến bất kỳ sự thúc đẩy lớn nào nhằm nhắm mục tiêu vào Trung Cộng.

Giờ đây, không thể phủ nhận rằng Trung Cộng đang trở thành mục tiêu, đặc biệt là khi bàn chân của họ ở Afghanistan ngày càng tăng. Bắc Kinh từ lâu đã đề cập đến việc can dự chính thức ở Afghanistan, và trong khi tiếp tục làm điều này có mức độ nào đó, Trung Cộng cũng là bên sẵn sàng nhất trong số các cường quốc khu vực trong việc hợp tác trực tiếp với Taliban. Nhà Nước Hồi Giáo-Khorasan nhận thấy rõ ràng việc Taliban cúi đầu trước Bắc Kinh là một nhược điểm chí tử cần khai thác, và thông điệp của nhóm này rất rõ ràng: Họ đang mở cửa như một ngôi nhà để chào đón những người Duy Ngô Nhĩ không hài lòng với chế độ Taliban, cũng như những người Afghanistan nào cảm thấy kinh hoàng trước cách Trung Cộng đối xử với các nhóm thiểu số Hồi giáo.

Chính quyền mới của Taliban đã công khai tuyên bố mong muốn được làm việc với chính phủ Trung Cộng, điều mà Bắc Kinh đã nói rõ là phụ thuộc vào các hành động của Taliban chống lại các chiến binh Duy Ngô Nhĩ. Các nhà lãnh đạo Taliban đặc biệt quan tâm đến việc thu hút đầu tư và quan hệ đối tác kinh tế với Trung Cộng. Vào cuối tháng 10, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị đã gặp các nhà lãnh đạo của nhóm tại Doha, Qatar. Bộ trưởng Ngoại giao Taliban Amir Khan Muttaqi đã tặng Vương một hộp hạt thông Afghanistan, là một trong nhiều mặt hàng mà Afghanistan đang hy vọng xuất khẩu sang thị trường Trung Cộng. Trong khi đó, Vương tập trung vào nhu cầu có một chính phủ ổn định ở Afghanistan và kêu gọi Taliban một lần nữa cắt đứt liên hệ của họ với các chiến binh Duy Ngô Nhĩ.

Nhưng mức độ mà Taliban có thể, hoặc muốn, cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với người Duy Ngô Nhĩ là một câu hỏi mở. Trong vài tháng qua, nhóm này đã nói rằng họ sẽ không để lãnh thổ của mình bị các chiến binh sử dụng nhằm tiến hành các cuộc tấn công ở nước ngoài, và các chiến binh Duy Ngô Nhĩ đã rời khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, dù có những tin đồn về các hành động chống người Duy Ngô Nhĩ ở hậu trường, và việc Taliban di chuyển người Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan ra khỏi khu vực biên giới với Trung Cộng, nhưng Bắc Kinh không hoàn toàn bị thuyết phục. Sau cuộc họp ở Doha, Bộ Ngoại giao Trung Cộng viết rằng ông Vương đã bày tỏ Trung Cộng “hy vọng và tin tưởng” Taliban “sẽ đoạn tuyệt với ETIM” (tức “Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan”, tên mà Trung Cộng dùng để gọi các mạng lưới chiến binh người Duy Ngô Nhĩ), cho thấy rằng nhóm này vẫn chưa thực hiện được mong muốn của Bắc Kinh.

Đây chính là động lực mà Nhà Nước Hồi Giáo-Khorasan đã tận dụng khi sử dụng một kẻ đánh bom liều chết trong cuộc tấn công ở Kunduz mà họ đặt biệt danh chiến trường là Muhammad al-Uighuri. Trong thông điệp được các kênh truyền thông của Nhà Nước Hồi Giáo đưa ra về vụ tấn công, nhóm này đã liên hệ trực tiếp vụ tấn công với việc Taliban hợp tác với Trung Cộng, nêu rõ “người tiến hành cuộc tấn công là một trong những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ mà Taliban đã hứa sẽ trục xuất để đáp ứng yêu cầu từ Trung Cộng và các chính sách của [Trung Cộng] chống lại người Hồi giáo ở đó. ”

Thông điệp này có nhiều lớp ý nghĩa. Thứ nhất, đó là một tín hiệu gửi tới Taliban, nhấn mạnh Taliban không có khả năng bảo vệ các nhóm thiểu số ở đất nước mà họ đang kiểm soát. Thứ hai, đó là một thông điệp gửi tới Trung Cộng, công kích Bắc Kinh vì các chính sách của họ ở Tân Cương, và liên kết những chính sách đó với lợi ích của nhóm. Thứ ba, đó là một thông điệp gửi đến những người Duy Ngô Nhĩ khác, những người cảm thấy bị Taliban bỏ rơi hoặc đe dọa, và có thể đang tìm cách gia nhập các nhóm khác để thúc đẩy lợi ích của họ. Cuối cùng, đó là một thông điệp tới thế giới, cho thấy Nhà Nước Hồi Giáo-Khorasan là một tổ chức có năng lực tiếp tục truyền thống của Nhà Nước Hồi Giáo trên chiến trường và lên tiếng bảo vệ những người Hồi giáo bị áp bức. Những thông điệp này sẽ gây được tiếng vang với những người ủng hộ tiềm năng trên khắp thế giới.

Về mặt công khai, Trung Cộng đã phản ứng thận trọng, chỉ chỉ trích thiệt hại về nhân mạng. Không có bình luận chính thức nào được đưa ra về danh tính của kẻ tấn công, mặc dù một học giả Trung Cộng đã đăng một bài bình luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc sở hữu nhà nước, cáo buộc hãng tin AP bịa đặt câu chuyện về kẻ tấn công là người Duy Ngô Nhĩ. Thay vào đó, tác giả đề cao quan điểm của Taliban rằng những người Duy Ngô Nhĩ từng chiến đấu với Taliban ở Afghanistan đã rời khỏi đất nước này, và ca ngợi sự kiểm soát của Taliban cũng như việc Taliban hợp tác với Trung Cộng.

Nhưng Bắc Kinh có thể biết rằng đây là một diễn biến nguy hiểm, đặc biệt là trong một khu vực nơi họ đang phải đối mặt với những mối đe dọa lớn hơn. Đã có những báo cáo mới về sự hiện diện an ninh ngày càng tăng của Trung Cộng tại Tajikistan nhằm tăng cường khả năng giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng từ Afghanistan. Một loạt các nhóm chiến binh ngày càng tăng ở Pakistan đang nhắm vào các lợi ích của Trung Cộng ở đó, với các cuộc tấn công ở Dasu và Karachi đến từ lực lượng ly khai Baluchi và Sindhi địa phương. Đại sứ quán của Trung Cộng ở Bishkek, Kyrgyzstan, đã bị tấn công năm 2016, cũng như lãnh sự quán của họ ở Karachi vào năm 2018, trong một cuộc tấn công khiến 4 người thiệt mạng (cùng với 3 kẻ tấn công). Các phong trào biểu tình địa phương, các nhóm chiến binh và các chính trị gia đều coi Trung Cộng là kẻ thù. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các cuộc tấn công đều do các phong trào ly khai địa phương tiến hành. Việc bổ sung Nhà Nước Hồi Giáo-Khorasan vào danh sách cuối cùng đã đưa Trung Cộng đi sâu vào tầm ngắm của các chiến binh thánh chiến.

Vấn đề đối với Trung Cộng là nước này chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những mối đe dọa như vậy. Quân đội của họ có thể lớn và được trang bị tốt, nhưng họ có ít kinh nghiệm chống lại các tổ chức chiến binh và thường dựa vào các quốc gia khác để làm điều đó. Tuy nhiên, như những gì Bắc Kinh ngày càng phát hiện ra ở Pakistan, một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của họ, điều này rất khó đảm bảo. Giới lãnh đạo Taliban có thể thể hiện sức mạnh to lớn và sự tự tin, nhưng họ sẽ gặp phải những khó khăn giống như những chính phủ khác trong khu vực trong việc dẹp yên các nhóm chiến binh trên lãnh thổ của mình, và họ có thể cũng gặp khó khăn trong việc bảo vệ Trung Cộng hoàn toàn trước các tổ chức khủng bố kiên quyết.

Theo một nghĩa nào đó, Bắc Kinh đang bế tắc. Trung Cộng là nước láng giềng mạnh và có ảnh hưởng nhất của Afghanistan, điều giải thích phần nào sự chú ý ngày càng tăng đối với vai trò của nước này ở Afghanistan. Bắc Kinh ngày càng được coi là nước hậu thuẫn chủ chốt cho Taliban trên trường quốc tế. Khi đảm nhận vai trò này, Trung Cộng có nguy cơ bị coi là đang lấp khoảng trống mà Mỹ bỏ lại ở Afghanistan, điều mà Bắc Kinh muốn tránh. Tuy nhiên, thực tế là Trung Cộng đã bị cuốn vào. Cuộc tấn công của Nhà Nước Hồi Giáo-Khorasan ở Kunduz chỉ đơn thuần cho thấy rõ Bắc Kinh đã đi bao xa trên con đường ấy.

Nguồn: Raffaello Pantucci, “How China Became Jihadis’ New Target”, Foreign Policy, 22/11/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt