Liên Âu đề xuất kế hoạch thành lập lực lượng quân sự phản ứng nhanh
Trong cuộc họp ngày 06/05/2021 tại Bruxelles, bộ trưởng Quốc Phòng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu dự trù thảo luận về kế hoạch thành lập một lực lượng quân sự có khả năng “can thiệp nhanh”. Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng phòng thủ cho toàn khối để đối phó với mối đe dọa xuất phát từ Nga và khả năng Hoa Kỳ thu hẹp sự hiện diện quân sự tại châu Âu.
Lực lượng phòng thủ chung của Liên Âu có thể được “đặt dưới sự điều động của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu”. Tháng 11/2021 Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định tăng cường khả năng can thiệp và đã bắt đầu nghiên cứu về “nhu cầu, những thiếu sót và phương tiện để giảm thiểu mức độ lệ thuộc” của khối này vào đồng minh Hoa Kỳ, đồng thời để đủ sức đối phó với một môi trường càng lúc càng phức tạp hơn. Toàn cảnh chung trở nên phức tạp do “thái độ hung hăng của nước Nga, quan hệ trồi sụt giữa liên minh NATO với một thành viên là Thổ Nhĩ Kỳ”.
Trước mắt, 14 trong số 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ. Trong số này có Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Slovenia, Hy Lạp, Hà Lan…
Một nhà ngoại giao châu Âu nhấn mạnh, hiện tại dự án thành lập một lực lượng quân sự chung châu Âu “mới chỉ là một đề xuất” và “không một quyết định nào được đưa ra” nhân cuộc họp cấp bộ trưởng Quốc Phòng châu Âu tại Bruxelles hôm nay. Cũng trong cuộc họp này, lãnh đạo quốc phòng các nước trong Liên Âu trình bày dự án nói trên với tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg. Lý do là NATO cũng đưa ra một dự án tương tự với mục đích tăng cường khả năng can thiệp vào ngưỡng 2030.
Tiến bộ trong dự án phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới của Liên Âu
Cũng về khả năng phòng thủ, một nguồn tin của Đức tiết lộ với hãng tin Reuters hôm 05/05/2021, là Pháp, Đức và Tây Ban Nha đạt được đồng thuận về những giai đoạn kế tiếp trong dự án phát triển chiến đấu cơ chung của châu Âu SCAF. Các công ty sản xuất máy bay Dassault Aviation (Pháp), Indra (Tây Ban Nha) và Airbus được mời tham gia dự án. Chiến đấu cơ SCAF nhằm thay thế máy bay Rafale của Pháp và Eurofighter do Đức và Tây Ban Nha đồng sản xuất vào khoảng năm 2040.
Liên Âu có thể phòng thủ cho an ninh của chính mình?
Năm 2019, Paris và Berlin muốn NATO thảo luận, phải nghiên cứu lại về vai trò của liên minh NATO trong tình hình hiện nay. Một nhóm chuyên gia sẽ tìm một số hướng cải cách NATO. Thế mà, cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao hôm thứ Tư 20/11/2019 tại Bruxelles diễn ra một cách bình thường như không có chuyện gì xảy ra, cứ như “NATO là một bao cát nhận mọi quả đấm không hề hấn gì”. Ngoại trưởng Pháp Jean Yves LeDrian, đồng nhiệm Đức Heiko Maas và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, không một ai đề cập xa gần gì đến tuyên bố gây chấn động của tổng thống Pháp trên báo Anh The Economist vào ngày trước : NATO chết não.
Jens Stoltenberg còn khẳng định “ngoài NATO (trong đó có Mỹ) ra, ai có thể bảo đảm an ninh cho 1 tỷ dân?”. Theo tổng thư ký NATO, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ được củng cố và tiếp tục đoàn kết: Binh lực Châu Âu là cột trụ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhưng không để thay thế.
Khác với tuyên bố bi quan của tổng thống Pháp, nữ bộ trưởng quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer khẳng định “NATO đầy sinh lực từ trái tim cho đến khối óc”. Theo giải thích của một nhà phân tích Đức, công luận và chính giới Đức xem NATO là hợp đồng “bảo hiểm nhân thọ” giúp cho nước Đức được sống trong hòa bình.
Theo RFI