Chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng dưới thời TT Joe Biden

Trái: Jake Sullivan – Trưởng CVANQG. Phải: BTNG Antony Blinken

Lê T Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Cho đến giờ phút này, chính quyền của ông Joe Biden chưa tuyên bố một chính sách rõ ràng đối phó với Trung Cộng. Điều này chẳng có gì lạ, vì các đời TT trước, như TT Trump chẳng hạn, phải gần một năm, đến tháng 12/2017 mới tuyên bố Chiến Lược An Ninh  Quốc Gia (CLANQG) và Chiến Lược An Ninh Quốc Phòng của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ 4 năm của ông. Khi CLANQG công bố mới biết cụ thể chính sách 4 năm trong nhiệm kỳ của một Tổng Thống. Hôm nay chưa đầy 100 ngày từ khi ông Biden nhậm chức, còn quá sớm để biết chính xác về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, đặc biệt đối với Trung Cộng trong nhiệm kỳ bốn năm tới.

Tuy vậy, chính sách đối ngoại của một nhiệm kỳ Tổng Thống thường dựa trên những nhận định và ý tưởng của một số nhân vật chủ yếu trong nội các của Tổng Thống. Tìm hiểu những suy nghĩ của những nhân vật chủ yếu đó qua quan điểm lập trường trong những bài viết, những bài thuyết trình của họ trong quá khứ, chúng ta có thể dự đoán chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ nói chung và đối với Trung Cộng nói riêng trong những ngày tới như thế nào?

1) Hiện nay, những nhân vật chủ yếu về đối ngoại trong nội các của Joe Biden về châu Á Thái Bình Dương là Bộ Trưởng Ngoại Giao Antony Blinken, Trưởng Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia đặc trách châu Á Thái Bình Dương Kurt Cambell (ông Cambell là nhân vật thiết kế chiến lược Xoay Trục Châu Á thời thời TT Obama).

2) Jake Sullivan và Kurt Cambell tuy hai mà một, cặp bài trùng này thường viết chung những bài bình luận đăng trên Tạp Chí Ngoại Giao (Foreign Affairs). Cả hai đều có chung một nhận định về chính sách đối ngoại với Trung Cộng “cạnh tranh nhưng không để gây nên thảm họa” đại ý cho rằng đừng bao giờ để xẩy ra chiến tranh với TC là một thảm họa. Còn Ngoại Trưởng Antony Blinken vào ngày 3/3/2021 cho đăng bài“chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”. Vào đầu tháng 3/2021 Tòa Bạch Ốc đưa một tài liệu “tạm thời hướng dẫn về vấn đề an ninh quốc gia”.  Những tài liệu vừa nêu, đều do ba nhân vật chủ yếu là Sullivan, Blinken và Cambell hợp tác soạn thảo. Trong tương lai Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cũng do ba nhân vật này nghiên cứu và chấp bút. Trong các tài liệu ngoại giao của Hoa Kỳ gần đây, đối với Trung Cộng mang nội dung không khác gì nhiều so với những bài viết về lập trường và chủ trương đối ngoại của Jake Sullivan và Antony Blinken đăng trên website https://vietquoc.org vào cuối tháng 1/2021, trong hai link dưới đây:

https://vietquoc.org/co-van-an-ninh-quoc-gia-jake-sullivan-dinh-hinh-chinh-sach-doi-ngoai-cua-my-ra-sao/

https://vietquoc.org/tan-ngoai-truong-my-antony-blinken-tuong-lai-chinh-sach-cua-my-doi-voi-trung-cong/

Về vấn đề Mỹ đối đầu với Trung Cộng, tựu trung chính quyền TT Joe Biden dựa trên hai điểm:

 Thứ nhất: Cả hai ông Sullivan và Blinken tin rằng trước hết phải xây dựng một liên minh tin cậy, có lập trường chung để tạo sức ép lên Trung Cộng, buộc Trung Cộng phải tuân theo luật lệ thế giới… Như vậy, muốn đối đầu với Trung Cộng họ chủ trương trước tiên là tạo thế liên minh, và dùng sức mạnh của liên minh ép Trung Cộng phải tôn trọng luật chơi quốc tế.

Thứ hai:
Cả hai ông Sullivan và Blinken chủ trương “vừa đấu tranh vừa hợp tác”: Jake Sullivan cho rằng “một sự cam kết mang lại những thay đổi hệ thống chính trị của Trung Cộng là lạc quan quá mức” – với suy nghĩ đó thì Trưởng Cố Vấn  An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Jake Sullivan không có ý định giải thể chế độ độc tài cộng sản ở Trung Hoa để dân Tàu có tự do dân chủ. Thay vào đó, ông Sullivan đề nghị “một sự cam kết hướng tới việc tạo điều kiện cho sự sống chung với Trung Cộng”. Bộ Trưởng Ngoại Giao Blinken cũng có suy nghĩ gần như ông Sullivan cho rằng “ông không chủ trương hoàn toàn tách rời các mối quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Cộng, vì hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phụ thuộc và đan xen lẫn nhau”.  

Đó là những điểm cơ bản, tô đậm chủ trương và đường lối của Mỹ đối với Trung Cộng trong những ngày tới.

Với Hoa Kỳ, vì quyền lợi quốc gia quá lớn trong khu vực khu vực châu Á Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng trước thế kỷ thứ 21, thậm chí Mỹ cho rằng: “Thế kỷ Thái Bình Dương là tương lai của Mỹ” buộc Tổng Thống Joe Biden phải chống TC để bảo vệ quyền lợi của Mỹ.  Nếu Mỹ không giữ được Biển Đông và vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương thì đồng nghĩa với việc Mỹ tự đánh mất vị thế siêu cường của mình đối với thế giới. Cách đối phó với Trung Cộng của nội các TT Joe Biden có thể sẽ diễn ra như sau:

– Ông Biden chống Trung Cộng, nhưng không giống ông Trump chống TC trước đây. Ông Trump trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia xem TC như “kẻ thù – Enemy” và đối đầu trên mọi mặt. Trong khi ông Biden tuyên bố trong cuộc họp báo 26/03 vừa qua xem TC là nước “đối thủ nặng ký nhất – most serious  competitor” chủ trương có điểm đối đầu, mà cũng có điểm hợp tác.

– Ông Biden chống nhưng không ngăn chặn Trung Cộng, hoặc có ngăn thì cũng dựa vào thế liên minh. Còn ông Trump vừa chống vừa ngăn chặn Trung Cộng trên mọi góc độ từ thương mại, kinh tế, kỹ thuật cao, tình báo, tin học, không gian v.v..

– Ông Biden quyết tâm xây dựng đồng minh để chống TC, còn ông Trump lấy thế mạnh của Mỹ để chống TC, thế liên minh với ông Trump không phải là yếu tố tiên quyết.

Từ cách đối phó với Trung Cộng của Biden như vậy,  cho nên vừa qua bộ trưởng ngoại giao Antony Blinken, Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và cả TT Biden đi tìm thế liên minh ở châu Á, bằng cách chủ động mời họp qua trực tuyến hoặc trực tiếp viếng thăm lãnh đạo của Bộ Tứ Kim Cương Nhật, Ấn, Úc hứa hẹn xây dựng thành một thực thể liên minh NATO ở châu Á. Điều nay như một tiền đề và tạo thế mạnh liên minh trước khi gặp phái đoàn cao cấp ngoại giao  của Trung Cộng Dương Khiết Trì và Vương Nghị của TC ở tiểu bang Alaska trong ngày 18/03.
Trong tuần qua, ông Blinken đi châu Âu mục đích tạo thế đồng minh Liên Âu.
Sự việc Mỹ trở lại Hội Nghị Biến Đổi Khi Hậu ở Paris và Hiệp Ước Hạn Chế Nguyên Tử với Iran cũng nằm trong chiều hướng làm vui lòng các cường quốc châu Âu (Pháp, Anh, Đức) để tạo thế liên minh.
Việc TT Biden tuyên bố sản xuất 1 tỉ liều vaccine chống đại dịch virus Vũ Hán tại Ấn Độ để giúp đỡ các nước trong vùng châu Á-Thái Bình Dương cũng trong mục đích “phóng tiền tài thâu nhân tâm” thắt chặt mối liên minh với các nước trong vùng này.

– Chỉ có một điều mà ông Joe Biden đến nay vẫn còn duy trì mức thuế quan đánh trên hàng hóa TC như dưới thời Trump chưa thay đổi.

Như vậy, chúng ta thấy hé lộ chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh là “sẽ cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi bắt buộc” (đây cũng lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Antony Blinken:  Our relationship with China will be competitive when it should be, collaborative when it can be, and adversarial when it must be.)

Với đường lối này, Washington trong 4 năm tới sẽ không hòa hoãn với TC có tính cách nhu nhược như dưới thời TT Obama, và cũng không quyết liệt mạnh mẽ đối đầu trực diện với TC như dưới thời TT Trump. Chính sách của TT Joe Biden đối với TC sẽ đi giữa TT Obama và TT Trump.

“Ai kiểm soát được Tây Thái Bình dương và Đông Ấn Độ dương sẽ làm chủ Châu Á; Ai làm chủ Châu Á sẽ kiểm soát vận mệnh thế giới”.

Trung cộng càng ngày càng tỏ ra lộng hành một cách quyết đoán, coi thường Luật Biển Quốc Tế năm 1982, không quan tâm phán xét của tòa án quốc tế La Haye về Biển Đông, ngang nhiên xé bỏ hiệp ước tại Hồng Kông ký với nước Anh, háo thắng xâm lăng biên giới Ấn-Trung…Như vậy, chứng tỏ Trung Cộng luôn luôn chà đạp luật pháp quốc tế để thực hiện tham vọng bá quyền. Thế giới cho rằng TC là nước hung hăng có thể châm ngòi nổ khắp nơi trên thế giới! 

Hiện nay, duy nhất chỉ có Hoa Kỳ đủ sức để chống TC trên nhiều mặt. Nếu Washington không cương quyết thì càng ngày TC càng lớn mạnh, khoảng cách giữa Mỹ và TC càng ngày càng khép lại thì thế giới sẽ bị hỗn loạn dưới sự xâm lăng bất chấp luật pháp của cộng sản Bắc Kinh.

Chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Trung Cộng như thế nào thì tình hình Biển Đông nằm trong chính sách đó.

Không quyết liệt, đồng nghĩa với TC xâm sẽ tiếp tục lăng Biển Đông, rồi đây lấn tới xây đảo nhân tạo trên đảo scarborough của Philippines trước khi hết nhiệm kỳ của TT Duterte….củng cố quyền lực, tăng cường quân sự trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa…Khiêu khích, hiếp đáp các nước nhỏ chung quanh Biển Đông để quả quyết chủ quyền đường lưỡi bò chín đoạn và gây hấn các tàu tuần tra của Mỹ, Úc, Ấn, Anh, Pháp, Đức trên Biển Đông với mức độ không xẩy ra chiến tranh.
Biển Đông là quyền lợi chung của thế giới, cho nên hiện nay, thế giới đang tham gia vào vấn đề an ninh Biển Đông như Đức, Pháp, Anh đã gửi tàu chiến đến Biển Đông cùng hợp tác với Hoa Kỳ và Bộ Tứ Kim Cương. Tình hình Biển Đông càng ngày càng căng thẳng, không biết rồi đây, vùng địa chính trị, kinh tế chiến lược quan trọng này có buộc TT Joe Biden phải cứng rắn với TC như trong câu nói của ngoại trưởng Antony Blinken “đối đầu khi bắt buộc” hay không? 

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Ngày 7 tháng 4 năm 2021

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt