Mỹ tìm kiếm gì ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương?

Vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, Hoa Kỳ cùng các đồng minh châu Á lần lượt có cuộc họp quan trọng: Thượng Đỉnh Diễn Đàn An Ninh không chính thức bốn bên – QUAD (Bộ Tứ) ngày 12/03/2021, rồi hai cuộc họp cấp cao 2+2 Quốc Phòng và Ngoại Giao với Nhật Bản và Hàn Quốc. Vậy, Mỹ tìm kiếm gì tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương?

 

Tháng 03/2018, ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị từng tuyên bố rằng khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương rồi sẽ tan biến như bọt sóng biển” [ngụ ý cho rằng Ấn Độ-Thái Bình Dương rồi cũng bị Trung Cộng đánh tan như bọt biển]. Nhưng ngày nay, khái niệm này ngày càng hiện hữu trong nhiều phát biểu và chiến lược của nhiều quốc gia.

Câu hỏi đặt ra, khái niệm này có tự bao giờ? Ông Pierre Grosser, giáo sư sử học về quan hệ quốc tế, trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po), trên đài France Culture nhắc lại rằng ngay từ những năm 1960, Nhật Bản – lúc ấy bắt đầu dấn thân trở lại ở châu Á – đã từng sử dụng đến một thuật ngữ khá đặc trưng “châu Á – Thái Bình Dương”. Một sự kết hợp giữa châu Á “da vàng” và Thái Bình Dương “da trắng”. Mục tiêu là nhằm không tạo ra một cảm giác làm sống lại một trục châu Á “chống phương Tây”.

Trong suốt thập niên 1980, Nhật Bản suy nghĩ đến những hình thức hợp tác kinh tế tại vùng này và đưa ra nhiều sáng kiến nhưng lại để Úc lên tuyến đầu trong những tuyên bố chính thức.

Vậy thì thuật ngữ Ấn Độ – Thái Bình Dương ra đời trong hoàn cảnh nào? Nhà sử học, tác giả tập sách “L’histoire du monde se fait en Asie” (tạm dịch là Lịch sử thế giới được viết nên tại châu Á) giải thích tiếp:

“Thuật ngữ Ấn Độ – Thái Bình Dương được phát triển trong những năm 2000, trong một tình hình khá đặc biệt, nghĩa là người ta ngày càng nhận thức được mối liên hệ kinh tế giữa Trung Đông và châu Á – nhất là cho dầu hỏa, hay cuộc chiến chống hải tặc trên những con đường giao thông hàng hải. Rồi còn có tác động sóng thần Tsunami năm 2004, bao trùm toàn khu vực. Về mặt lịch sử mà nói, chúng ta có thể nhận thấy điều này chẳng có gì là mới cả.

Nhưng kể từ những năm 2000, người ta có cảm giác là đối diện với Trung Cộng và nhất là trước các tham vọng thật sự hay giả định của Bắc Kinh tại Ấn Độ Dương, các nước Nhật Bản, Ấn Độ, rồi sau đó là Mỹ, và bây giờ là cả Liên Hiệp Châu Âu, cụ thể là Anh, Pháp đều nói về Ấn Độ – Thái Bình Dương với những định nghĩa khác nhau. Nước Pháp có một định nghĩa rộng hơn đi từ châu Mỹ La tinh đến tận châu Phi“.

Điều thú vị là Trung Cộng, ngay khi có thể, tránh sử dụng khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương” – một khái niệm mà Bắc Kinh cáo buộc là nhằm bao vây Trung Cộng, “chống Trung Cộng”. Sách Trắng Quốc Phòng Trung Cộng năm 2017 chỉ nói về một vùng “châu Á – Thái Bình Dương”. Mong muốn phớt lờ khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương còn được khẳng định rõ trong tài liệu dành nói về chiến lược quốc phòng Trung Cộng công bố hồi tháng 7/2019, trong đó, cụm từ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” hoàn toàn vắng bóng.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh không có một tầm nhìn chiến lược về khu vực này mà họ đang phát triển bằng cách kết nối hai vùng rộng lớn với nhau. Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực ưu tiên, được xem như là vùng ảnh hưởng tự nhiên của Trung Cộng.

Với Ấn Độ Dương, những người theo trường phái học thuyết Alfred Mahan ở Trung Cộng rất rõ ràng: “Ai làm chủ Ấn Độ Dương thì kiểm soát châu Á”. Ông Alfred Thayer Mahan, là một nhà sử học, một sĩ quan hải quân và là một chiến lược gia của Hải quân Mỹ (US Navy) cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nổi tiếng với chủ trương tăng cường sức mạnh hải quân. Tác phẩm của ông được rất nhiều người biết đến là “The Influence of Sea Power Upon History, 1660-1783” (phát hành năm 1890). Do vậy, theo nhà sử học Pierre Grosser, tầm nhìn “Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Trung Cộng được diễn giải ở hai mức độ:

“Ở mức thứ nhất, người ta gần như có học thuyết Monroe như người Mỹ đang có, nghĩa là thống trị vùng Đông Nam Á và những vùng biển sát cạnh nhau. Rồi ở cấp độ thứ hai, như chúng ta đã biết, là thông qua những con đường tơ lụa, phát triển hải quân đại dương để có thể khai triển xa hơn, nhằm bảo vệ các lợi ích ngày càng nhiều của Trung Cộng trên khắp thế giới.”

Mỹ có thể huy động mạng lưới liên minh?

Sau bốn năm nhiệm kỳ Donald Trump làm sứt mẻ phần nào niềm tin của các đồng minh, Hoa Kỳ dưới thời tân tổng thống Joe Biden, ưu tiên khôi phục các mối quan hệ đó và tái tập trung vào cuộc cạnh tranh với Trung Cộng.

Chính sách này đầu tiên hết phải được tiến hành bằng các cuộc vận động ngoại giao thông qua những mạng lưới liên minh truyền thống của Mỹ, được thiết lập sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 như với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và trong một chừng mực nào đó là với Úc và New Zealand.

Lãnh đạo “Bộ Tứ” họp trực tuyến ngày 12/03/2021 Từ trái (trên) Tổng Thống Mỹ Joe Biden, Thủ Tướng Nhật Yoshihide Sugar. Hàng dưới từ trái Thủ Tướng Ấn Độ Norendra Modi, Thủ Tướng Úc Scott Morrison

Tuy chỉ là những liên minh song phương, không có kiểu đa phương như tại châu Âu, nhưng theo ông Pierre Grosser, những mối quan hệ kiểu này tại châu Á, một mặt cho phép Mỹ áp đặt các quan điểm của mình, và mặt khác Hoa kỳ vẫn có thể giám sát Nhật Bản không để nước này vực dậy về mặt quân sự, Hàn Quốc không tấn công Bắc Triều Tiên và ngăn cản Đài Loan tái chiếm lãnh thổ Hoa lục.

Kiểu quan hệ đồng minh này đặt ra những thách thức không phải là nhỏ, ít nhiều gây khó khăn cho Mỹ trong cuộc đọ sức với Trung Cộng ngày nay, theo như phân tích của nhà nghiên cứu về Quan hệ Quốc tế.

Vấn đề của những mối liên minh này mà chuyến công du vừa qua với một mục tiêu quan trọng thúc đẩy cùng nhau hành động, là giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều rắc rối lớn. Bởi vì Hàn Quốc trong khoảng gần 10 năm từng bị Nhật Bản đô hộ với những ký ức lịch sử nặng nề như vấn đề “gái giải sầu”, cho đến giờ vẫn còn gây bất đồng giữa hai nước.

Nhưng đến những năm 2000, và kể từ năm 2007, ý tưởng QUAD xuất hiện, nghĩa là cùng hợp sức với nhau không những với Úc và Nhật Bản mà có cả Ấn Độ nữa. Chính vì vậy mà Trung Cộng có cảm giác như là bị bao vây. Vì sao? Bởi vì, Hoa Kỳ đã tìm cách xích lại gần Ấn Độ. Về mặt lịch sử, Ấn Độ chưa bao giờ là bạn của Mỹ thậm chí còn liên kết với Liên Xô vào năm 1971.

Ở đây người ta thấy rõ ý đồ sâu xa của Mỹ. Nhật Bản bắt đầu chú ý đến khả năng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Biến số lớn ở đây là người ta sẽ đi đến đâu với QUAD. Đây là lần đầu tiên có cuộc họp ở cấp độ lãnh đạo Nhà nước bởi vì thông thường chỉ là cuộc gặp giữa các ngoại trưởng. Nhưng tôi không nghĩ là Bộ Tứ có thể trở thành một liên minh chính thức bởi vì Ấn Độ sẽ không tham gia vào liên minh chính thức đó.”

Ông Pierre Grosser lưu ý, trong cuộc đọ sức mới này, Hoa Kỳ khó thể lập mặt trận chung theo kiểu truyền thống như thời Chiến Tranh Lạnh ở châu Âu, do các nước lệ thuộc nhiều vào Trung Cộng về kinh tế.

“Thế nên người ta mới có một số lượng lớn các thỏa thuận chiến lược như Việt Nam chẳng hạn, vừa phụ thuộc một phần kinh tế Trung Cộng vốn có cùng một mô hình chế độ, nhưng vẫn duy trì các mối quan hệ với Nga. Ấn Độ cũng vậy. Nước này tham gia tổ chức Thượng Hải cùng với Nga và Trung Cộng. Là một nước lớn, khá tự tin, tuy có những tranh chấp biên giới với Trung Cộng, công luận cũng bài Trung Cộng nhưng Ấn Độ không thể liên minh với Hoa Kỳ”.

Kiềm hãm Trung Cộng: Chiến lược Reagan có hiệu quả?

Thái độ này được thể hiện rõ qua việc trong thông cáo chung QUAD không dùng đến cụm từ “chống Trung Cộng”. Vậy đâu là mục tiêu chính của Bộ Tứ trong khi mà Trung Cộng không ngừng trỗi dậy, củng cố năng lực tấn công cho hải quân? Trong năm 2021 này, Bắc Kinh sẽ cho hạ thủy 25 tàu chiến, một đội tàu chiến khả năng cao và hùng mạnh.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn có cả một đội tàu hải cảnh mà một đạo luật vừa thông qua cho phép lực lượng này nã súng vào các tàu nước ngoài khiến các nước quan ngại, và nhất là Trung Cộng còn có cả một đội tàu đánh cá ngang dọc khắp vùng Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà sử học, mối đe dọa lớn nhất cho Mỹ trong khu vực chính là hệ thống tên lửa phòng không của Trung Cộng.

Vấn đề nghiêm trọng đối với Mỹ ở đây chính là việc họ đã quen thống trị biển cả khi cho rằng điều đó là tốt cho tài sản chung, cho phép tự do lưu thông hàng hải, duy trì hòa bình và bảo đảm giao thương quốc tế.
Giờ Mỹ có cảm giác là không còn được như thế do các hệ thống tên lửa phòng không và sự trỗi dậy của hải quân Trung Cộng tại Biển Đông và các vùng duyên hải Trung Cộng. Trong một chừng mực nào đó, điều này làm Hoa Kỳ lo lắng.
Cách đáp trả truyền thống là đóng thêm nhiều tàu chiến, đương nhiên cách làm này mang lại nhiều nguồn lợi cho các ngành công nghiệp hàng hải. Vấn đề tranh cãi ở đây là: Thay vì tăng số tàu chiến, lượng vũ khí nên chặn phát triển chiến tranh mạng để ngăn chận Trung Cộng tấn công tàu chiến Mỹ mới là quan trọng hơn?
Theo tôi, có lẽ tốt hơn hết là nên đầu tư vào chiến trang mạng hơn là xây thêm tàu chiến mỗi lúc một nhiều và dễ bị tấn công.”

Liệu đó chẳng phải là chiến lược của Reagan được áp dụng từ trước cho đến nay? Theo đó, Hoa Kỳ phô trương sức mạnh quân sự, một năng lực tấn công mạnh mẽ nhưng thực chất là để thương lượng? Sử gia Pierre Grosser giải thích thêm.

“Về mặt quân sự, chiến lược của Reagan là tấn công trên biển để đối phó với Liên Xô. Tấn công ở đây có nghĩa là giam hãm không cho các tàu chiến Nga ra khỏi vùng biển Barents, biển Okhostsk… Bởi vì, kể từ những năm 1960, Liên Xô bắt đầu xây dựng các loại tàu chiến lớn, đó là điểm thứ nhất.

Điều thứ hai, cần phải xem đối với Reagan, đó là thương lượng trong thế mạnh. Như vậy, đầu tiên hết, thương lượng trong thế mạnh bởi vì ta có nhiều vũ khí và là vũ khí tối tân. Thứ đến là khi đã có đồng minh rồi thì ta có thể thương lượng.”

Chỉ có điều thời thế đã thay đổi. Trung Cộng không phải là Liên Xô. Hoa Kỳ và Trung Cộng phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau về kinh tế. Liệu rằng chiến thuật này có thể áp dụng cho Trung Cộng, vốn dĩ cũng là một cao thủ cờ vây? Hạ hồi phân giải !

Theo Minh Anh

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt