Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường: lần nữa chọc thủng giấc mộng Trung Hoa
Lý Khắc Cường tuyên bố: “làm việc gì nhất định phải biết tự lượng sức mình”
“Hàng loạt các hành động liên tiếp của họ Lý như lột trần cảnh thái bình của Trung Cộng chỉ là giả tạo.
Vào thời điểm làn sóng phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng đang dâng cao khắp thế giới, nội bộ Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTC) cũng có sự chia rẽ một cách rõ rệt. Mấy ngày trước, Thủ Tướng Quốc Vụ viện Trung Cộng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh tại Hội Nghị Ban Thường vụ Trung ương ĐCSTC rằng “làm việc gì nhất định phải biết tự lượng sức mà làm”, hành động này lần nữa được cho rằng đã bóc trần nội tình kinh tế ĐCSTC, không đồng điệu với “giấc mộng Trung Hoa” do Tập Cận Bình gắng sức tô vẽ.
Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường ngày 15/7 đã có bài phát biểu tại Hội Nghị Ban Thường vụ Trung ương ĐCSTC. Ông cho biết rằng các khoản ngân sách mới đặc biệt của chính quyền địa phương trong năm nay sẽ được sử dụng cho “sáu ổn định” (ổn định việc làm, tài chính, ngoại thương, ổn định khoản đầu tư từ nước ngoài, ổn định đầu tư và công tác dự trù) cùng “sáu bảo đảm” (bảo đảm việc làm, sinh kế cơ bản của người dân, bảo đảm bộ phận chính của thị trường, an ninh lương thực và năng lượng, sự ổn định chuỗi cung ứng của dây chuyền sản xuất và bảo đảm các hoạt động cơ bản). Nghiêm cấm dùng ngân sách vào việc thay thế các khoản nợ hiện có, quyết không được phép làm các “công trình khoe khoang hình ảnh hay các công trình nhằm tô vẽ bộ mặt”.
Ngay từ cuộc họp Lưỡng hội diễn ra vào hạ tuần tháng 5, Lý Khắc Cường đã cảnh báo rằng năm nay nền kinh tế Trung Cộng sẽ chịu áp lực nghiêm trọng, doanh thu tài chính sẽ giảm mạnh. Chính quyền các cấp phải thắt lưng buộc bụng, chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông ĐCSTC, Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Cộng đã phê duyệt cho chính quyền địa phương phát hành thêm 3.75 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu để bảo đảm hoạt động ở cơ sở. Tính đến giữa tháng 7, trái phiếu đặc biệt mới của chính quyền địa phương đã phát hành 2.24 nghìn tỷ nhân dân tệ, chi ra 1.9 nghìn tỷ nhân dân tệ, tỷ lệ sử dụng đạt 85%.
Lý Khắc Cường cho biết tại cuộc họp rằng chính quyền địa phương nên tối ưu hóa đường hướng đầu tư của quỹ trái phiếu chính phủ. Ông chỉ trích một số nơi tùy tiện phá bỏ các khu vực không phải là khu vực đã quá lỗi thời hoặc khu ổ chuột cần phải cải tạo, “không cân nhắc vấn đề tiền đến từ đâu” tạo thành gánh nặng tài chính to lớn.
Ông cũng nhấn mạnh rằng “Trung Cộng vẫn là một quốc gia đang trong phát triển, làm việc gì nhất định phải làm hết sức, biết tự lượng sức mà làm”.
Ngoại giới hoài nghi những lời này của Lý Khắc Cường còn có ám chỉ điều gì khác. Truyền thông Đài Loan Liberty Times đưa tin rằng những lời phát biểu này của Lý Khắc Cường bị nghi là đang ám đấu với “giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình.
Trên thực tế, những phát biểu gần đây của Lý Khắc Cường đã liên tiếp bóc trần nội tình kinh tế của ĐCSTC, chọc thủng bong bóng “xây dựng thành công xã hội thịnh vượng, thoát nghèo toàn diện” mà Tập Cận Bình hết sức tô vẽ.
Tại Lưỡng hội, Lý Khắc Cường bất ngờ đã nói ra sự thật rằng “600 triệu người Trung Cộng có thu nhập bình quân hàng tháng dưới 1,000 Nhân dân tệ (dưới $143.5 USD)” và mạnh mẽ ủng hộ một “nền kinh tế vỉa hè” nhằm tạo thêm việc làm, cho phép người dân tự tìm đường sống. Tuy nhiên, phương án này của Lý Khắc Cường đã bị chính quyền các nơi ngăn chặn với lý do làm xấu “hình ảnh quốc gia”.
Trang UP Media của Đài Loan bình luận rằng “nền kinh tế vỉa hè” của Lý Khắc Cường bị đá một cách không thương tiếc, đây thực sự là một đường lối gây tranh cãi trong thời buổi suy thoái kinh tế trầm trọng như hiện nay. Điều này khiến Tập Cận Bình, người muốn gây dựng thành tựu chính trị của mình vào năm kết thúc “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, cảm thấy không còn chút thể diện nào.
Hiện giờ miền Nam Trung Cộng đang trong lũ lụt nghiêm trọng, Tập Cận Bình đã đi ngược lại truyền thống vốn có của các nhà lãnh đạo, không đích thân đến thị sát các khu vực thảm họa, và ông cũng chưa từng xuất hiện công khai để chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão và cứu trợ thảm họa. Trái lại Lý Khắc Cường đã có một chuyến thị sát đến Quý Châu, nơi thảm họa không được xem là tồi tệ nhất.
Trong khoảng thời gian Lý Khắc Cường thị sát tại Quý Châu, ngày 6/7 ông cho biết dọc đường đã trông thấy rất nhiều “nhà xưởng bỏ không”. Ông đốc thúc chính quyền địa phương sử dụng các nhà xưởng này để mở rộng sản xuất và nhấn mạnh rằng có thể “kêu gọi thêm anh chị em của những người lao động nhập cư của địa phương”.
Có nhà bình luận nói rằng Lý Khắc Cường vô tình lại nói sự thật, một lần nữa xác nhận rằng tình hình tái thiết kinh tế của Trung Cộng vốn không được như mong đợi, có không ít ngành công nghiệp sản xuất vẫn đang trong tình trạng dừng lại. hành động này một lần nữa đã “dội gáo nước lạnh” vào luận điệu thoát nghèo toàn diện, xây dựng thành công xã hội thịnh vượng của Tập Cận Bình.
Trang RFI nói rằng sau khi Tập Cận Bình chiếm trọn vị thế “duy ngã độc tôn”, Lý Khắc Cường đã không còn có thể mở miệng trong nhiều vấn đề. Xung đột hiện tại giữa Tập và Lý chủ yếu ở phương diện thực thi các chính sách, “người cần tiếng, kẻ cần miếng”.
Kể từ đầu năm nay, do sự chồng chất của nhiều nhân tố nghiêm trọng như chiến tranh thương mại, dịch bệnh và lũ lụt, nền kinh tế Trung Cộng đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn bao giờ hết. Các công ty tư nhân khó duy trì sản xuất. Làn sóng phá sản và thất nghiệp kéo đến khiến đời sống của người dân gặp khó khăn, xã hội rơi vào tình cảnh hỗn loạn.
Thế giới bên ngoài nhận thấy rằng Lý Khắc Cường đã nhiều lần nhấn mạnh công khai rằng, “bảo đảm công ăn việc làm” và “bảo đảm sinh kế của người dân”, nhưng nhiều chính sách của Tập Cận Bình lại không ngừng khuấy động thêm mâu thuẫn xã hội, kích động phẫn nộ của người dân.
Gần đây, Thái Kỳ – thị trưởng Bắc Kinh là thân tín của Tập Cận Bình, trước đây đã từng xua đuổi những người dân ở tầng đáy của xã hội, rồi lại bắt đầu ra tay với “người dân tầng trung”, cưỡng chế phá bỏ lượng lớn các căn biệt thự ở quận Xương Bình, Bắc Kinh, dẫn đến các cuộc biểu tình của nhóm người thuộc tầng lớp trung lưu ở Bắc Kinh.
Lý Khắc Cường ngày trước tại cuộc họp đã chỉ trích một số chính quyền địa phương đã phá bỏ nhà dân một cách bừa bãi, hành động này của ông cũng được cho rằng thể hiện sự bất mãn đối với thị trưởng Bắc Kinh Thái Kỳ.
Theo báo cáo, mùa lũ năm nay tạo thành thiệt hại to lớn về người và của, lượng lớn nhà cửa bị nước lũ phá hủy, ruộng vườn bị ngập, xe cộ bị cuốn trôi. Người dân phàn nàn rằng họ đã không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính phủ và chỉ có thể tự cứu lấy mình.
Theo Wen Hui, NTDTV
Vũ Dương biên dịch