Cựu TT Mỹ Richard Nixon tiên tri về châu Á…

Cố Tổng Thống Hoa Kỳ: Richard Nixon

Lời người post: Hơn nửa thế kỷ trước, Phó TT Richard Nixon đã nhìn về châu Á một cách rành mạch. Ông dự đoán châu Á như thế nào thì nó xảy ra hôm nay như thế đấy.  Đọc bài dưới đây của Tiến Sĩ Francis P. Sempa nói về Richard Nixon, mới thấy được những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có một tầm nhìn (vision) rất sâu rộng cả hàng nửa thế kỷ để không những đem quyền lợi cho nước Mỹ  mà cả thế giới cùng chung sống.  Mặc dù  ông Richard Nixon phải từ chức Tổng Thống Hoa Kỳ sau biến cố chính trị Watergate, nhưng khi đọc những ý tưởng về chiến lược thế giới, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và thán phục về tầm nhìn chiến lược sâu rộng của ông…
Đọc kỹ bài này, thì chúng ta có thể hiểu thêm về chính sách của Hoa Kỳ đối với châu Á, Đông Nam Á và Biển Đông ngày hôm nay… Có thể đây là “tiền đề” cho những nhà lập chính sách của Mỹ hiện nay với Trung Cộng?

Richard Nixon đã dự đoán được sự “xoay trục” của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương hơn 50 năm trước khi xảy ra sự kiện này.

Số ra tháng 10 năm 1967, tờ Foreign Affairs của Mỹ đăng một bài báo của Richard Nixon, lúc đó đang là cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ và có khả năng trở thành ứng cử viên của đảng Cộng Hòa cho kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1968, với nhan đề “Châu Á sau Việt Nam” (Asia After Viet Nam). Bài báo này sau đó đã trở nên nổi tiếng vì được coi là báo trước về “mở cửa sang Trung Cộng” của chính quyền Hoa Kỳ dưới thời ông.  Nhưng bài báo của Nixon còn đi xa hơn thế rất nhiều. “Châu Á Sau Việt Nam” là công trình phân tích hàng đầu của Nixon – nhìn vào tương lai với những nhận thức chắc chắn về lịch sử, địa lý và chính trị quốc nội và quốc tế.

Nixon bắt đầu bài viết bằng khuyến nghị nói rằng Mỹ cần có “tầm nhìn xa hơn Việt Nam” và đánh giá cao quá trình chuyển đổi toàn cầu đang diễn ra trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông không hạ thấp giá trị cam kết của Mỹ ở Việt Nam đối với khu vực này, cũng như tầm quan trọng của việc coi cam kết đó thông qua điều mà ông gọi là “kết thúc chấp nhận được”. Nhưng ông tin rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần nhìn châu Á bằng những thuật ngữ rộng hơn, thuật ngữ toàn cầu – như là thành phần của “cộng đồng Thái Bình Dương rộng lớn”, trong đó Mỹ là thành viên chủ chốt.

“Từ thời Thế chiến II”, Nixon viết, “một châu Á mới đang nổi lên với tốc độ nhanh đến kinh ngạc”. Châu Á, ông nhận xét, “thay đổi nhanh chóng hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới thậm chí ngay cả khi các cường quốc châu Á đang tư duy trong “các thuật ngữ khu vực” về các vấn đề và đề tài toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế của châu Á – ở những nước như Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan, Singapore và những nước khác – và thái độ tự tin về chính trị dẫn đến “người ta ngày càng hướng tới việc tìm kiếm các giải pháp của châu Á cho các vấn đề châu Á và công nhận rằng “châu Á có thể trở thành đối trọng với Tây phương”.

Nixon còn cảm thấy rằng các nước châu Á nhỏ hơn nhìn về Trung Cộng với sự lo lắng đang ngày càng gia tăng. Các nhà lãnh đạo châu Á, ông viết (bằng những từ ngữ quen thuộc đối với ngày hôm nay) “nhận ra rằng… Mỹ hiện nay không còn là kẻ áp bức nữa, mà là người bảo vệ”. “Đây là chuyển dịch quan trọng trong nhận thức của họ về đối trọng trước đe dọa”, ông khẳng định, “và chuyển dịch này có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai”.

Nixon nhận thức được rằng một trong những di sản của cuộc chiến tranh ở Đông Nam Á sẽ là Mỹ không còn muốn can thiệp quân sự vào khu vực này một lần nữa – sau này được gọi là “Hội chứng Việt Nam”. “Sự chia rẽ đầy cay nghiệt đã làm tan hoang đời sống trí tuệ Mỹ”, ông viết, “dù kết quả cuộc chiến có như thế nào thì có thể cần một thời gian dài mới hàn gắn được”. Ông khuyến nghị rằng “các quốc gia bước theo con đường của những tham vọng của Trung Cộng sẽ nhanh chóng chuyển sang thiết lập khuôn khổ châu Á bản địa cho nền an ninh tương lai của chính mình”. Mỹ có thể sẽ giúp đỡ các quốc gia đó đào tạo, trang bị và tư vấn, nhưng không can thiệp quân sự công khai. Một bộ đệm mang tính khu vực do châu Á lãnh đạo, Nixon giải thích, sẽ chia tách “siêu cường ở xa (Mỹ) khỏi mối đe dọa trực tiếp”. “Chỉ có khi bộ đệm chứng tỏ là không đủ sức thì [Mỹ] mới tham gia”. Ở đây, Nixon báo trước tiến trình “Việt Nam hóa” chiến tranh và “học thuyết Nixon” (Nixon Doctrine) rộng lớn hơn mà ông đã thực hiện sau khi trở thành tổng thống.

Nixon nghĩ rằng Hội đồng Châu Á và Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Australia và New Zealand) được thành lập vào năm 1966 có thể là nền tảng của “một nhóm quân sự được thiết kế nhằm ngăn chặn đe dọa của Trung Cộng”. Thậm chí Nixon còn nhắc tới Ấn Độ như một thành viên của liên minh chống Trung Cộng trong khu vực.

Chính sách của Mỹ, Nixon khuyên, là nên tìm cách thúc đẩy sự ổn định về kinh tế và chính trị ở các quốc gia châu Á ít quyền lực hơn – những điều kiện đó quan trọng hơn là bản chất “dân chủ” của chính phủ những nước đó.

Về mặt địa chính trị, tương lai của Châu Á, Nixon dự đoán, sẽ được xác định bởi nhóm “bốn ông lớn” của châu Á-Thái Bình Dương: Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Cộng và Mỹ. Ông kêu gọi Mỹ và Ấn Độ hợp tác chặt chẽ hơn, và đề nghị Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, tương xứng với sức mạnh kinh tế của nước này, trong cơ cấu an ninh của châu Á-Thái Bình Dương.

Trước hết, Nixon viết một câu để đời: “[Bất kỳ] chính sách nào của Mỹ đối với châu Á cũng phải nhanh chóng nắm bắt được hiện thực của Trung Cộng”. Nghĩa là, ông viết, “nhận thức được nguy hiểm hiện hữu và tiềm tàng từ Trung Hoa Cộng sản, và thực hiện các biện pháp có chủ đích nhằm đương đầu với nguy hiểm đó”. Nhưng về lâu dài, ông khẳng định, “đơn giản là chúng ta không thể để Trung Cộng vĩnh viễn nằm bên ngoài gia đình của các dân tộc, không để họ tiếp tục vun đắp trí tưởng tượng của mình, ấp ủ lòng hận thù và đe dọa các lân bang”. Trung Cộng không thể và không nên bị cô lập. Chính sách của Mỹ cần khuyến khích họ thay đổi, vì, theo lời Nixon, “thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Cộng thay đổi”. Điều đó có nghĩa là Trung Cộng phải tin rằng lợi ích quốc gia của chính họ “đòi hỏi phải quay lưng lại với những cuộc phiêu lưu ở nước ngoài và quay vào bên trong để tìm giải pháp cho các vấn đề trong quốc nội của chính mình”.

Trung Cộng, sau Mao, và một phần là do chính sách ngoại giao tam giác của Nixon, đã làm chính những điều Nixon thúc giục họ làm trong một thời gian – hướng nội và giải quyết nhiều vấn đề ở trong nước. Nhưng khi Trung Cộng phát triển được cả về kinh tế lẫn quân sự thì tham vọng toàn cầu của nước này đã quay trở lại. Năng lực của Trung Cộng lại một lần nữa hướng ra bên ngoài. Nhiều nhà quan sát tin rằng mục tiêu lâu dài của Trung Cộng là thay thế Mỹ để trở thành người lãnh đạo trật tự thế giới.

Nhắc tại tư tưởng của bài báo nổi tiếng “X” của George Kennan về chính sách của Mỹ đối với Liên Xô, Nixon nói rằng Trung Cộng đầy tham vọng phải được ngăn chặn “bằng chính sách kiềm chế vững chắc… của một biện pháp đối đầu mang tính sáng tạo, được thiết kế nhằm thuyết phục Bắc Kinh rằng, phải chấp nhận những bộ luật căn bản của nền văn minh thế giới thì họ mới đạt được lợi ích của mình”. Ông viết tiếp, trong quá trình ngăn chặn tham vọng của Trung Cộng, chính sách của Mỹ, “cần tiếp tục giải quyết một cách khẩn trương khi cần thiết và thái độ kiên nhẫn, phát sinh từ chủ nghĩa hiện thực”.

Nhắc lại tư tưởng của bài diễn văn “bức màn sắt” nổi tiếng của Winston Churchill ngay trước giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Nixon kêu gọi Mỹ “định hình khung sườn cộng đồng Thái Bình Dương” nhằm chống lại cuộc xâm lăng của Trung Cộng, nhưng mục đích cuối cùng là chào đón một nước Trung Cộng khác, một đối tác trong cộng đồng của các quốc gia.

Nixon kết thúc bài viết của mình bằng đoạn nhận xét về nền chính trị bên trong nước Mỹ, rất giống với những sự kiện đang diễn ra trong ngày hôm nay. “Nhiều người Mỹ, chán nản với chiến tranh, chán nản với các đồng minh, vỡ mộng với các khoản viện trợ, mất tinh thần trước những cuộc khủng hoảng ở trong nước”, Nixon viết, “đang quay sang với lời kêu gọi trở về với chủ nghĩa biệt lập mới”. Ông cảnh báo những người đồng bào của mình rằng, phải chống lại thái độ biệt lập quá đơn phương và quá nguy hiểm này. Ông kết luận: “Thế hệ sau sẽ không thể có hòa bình hay an ninh, nếu chúng ta không nhận thức được sức mạnh to lớn của các lực lượng đang hoạt động ở châu Á”.

Trong bài báo có ảnh hưởng mạnh, Richard Nixon đã dự đoán được cú “xoay trục” của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương hơn 40 năm trước khi xảy ra sự kiện này.

Bài viết của Tiến Sĩ Francis P. Sempa (Nhà bình luận chính trị, Giáo sư, Luật Sư)
Source: https://thediplomat.com/2019/12/richard-nixons-asian-prophecy/
TS Francis P. Sempa là tác giả những cuốn sách sau: Geopolitics: From the Cold War to the 21st Century và America’s Global Role, The Problem of Asia…Ông thường xuyên viết về lịch sử và chính sách đối ngoại cho Asian Review of Books, the University Bookman, the Claremont Review of Books, The Diplomat, the South China Morning Post, Orbis, Joint Force Quarterly, Strategic Review, the New York Journal of Books, và một số ấn bản phẩm khác. Ông hiện đang là công tố viên liên bang và là giáo sư môn Chính Trị Học tại Wilkes University – Đại Học tư ở tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Bản dịch Phạm Nguyên Trường
Ngày 3/01/2020

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt