Bất ổn ở Tân Cương phủ bóng lên Sáng kiến ”Vành đai và Con đường (BRI)”
Tân Cương (Xinjiang) là cầu nối giữa Trung Cộng với các thị trường Trung Á, Trung Đông và Châu Âu, biến nơi này thành trung tâm của “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI). Đây là trung tâm hậu cứ lớn nhất trong số các nước BRI. Trong số sáu hành lang kinh tế BRI đã được lên kế hoạch, ba hành lang sẽ đi qua Tân Cương, bao gồm Hành lang kinh tế Trung Cộng – Pakistan nối Kashgar ở Tân Cương với hải cảng Gwadar ở Pakistan. Một trung tâm phân phối cũng đang được phát triển tại Khorgos trên biên giới giữa Tân Cương và Kazakhstan.
Bắc Kinh hy vọng rằng Tân Cương có thể đóng vai trò như một trung tâm vận chuyển và trung tâm về thương mại, hậu cứ và văn hóa của khu vực. Trong năm 2017, khoảng 66 tỷ USD đã được đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Tân Cương – tăng 50% so với năm trước. Đường bộ và đường sắt cao tốc đã được xây dựng để kết nối khu vực này với các khu vực khác của Trung Cộng.
Chính phủ đã thúc đẩy hợp tác thương mại và tài chính giữa Tân Cương và các nước tham gia BRI. Thương mại với các quốc gia BRI chiếm hơn 80% tổng thương mại của Tân Cương. Về phát triển tài chính, khu vực này dự kiến sẽ trở thành một trung tâm thanh toán đồng Nhân dân tệ xuyên biên giới.
Tuy nhiên, tỉnh này là một trong những khu vực bất ổn nhất ở Trung Cộng. Căng thẳng và bạo lực sắc tộc đã tồn tại từ lâu ở Tân Cương, tạo ra sự bất định cho các dự án BRI. Chính quyền cũ của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã thử nghiệm chiến lược “phát triển trước tiên”, với hy vọng rằng các điều kiện kinh tế được cải thiện sẽ giúp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) chấp nhận sự cai trị của Trung Cộng. Hàng trăm tỷ nhân dân tệ đã được đổ vào vùng biên giới phía tây xa xôi này, tạo ra sự gia tăng mạnh cho GDP của Tân Cương.
Nhưng các chương trình phát triển đã không thể xoa dịu nỗi bất bình của người Duy Ngô Nhĩ. Một lý do là tăng trưởng kinh tế không làm giảm bất bình đẳng thu nhập giữa các nhóm sắc tộc. Khảo sát Tình hình Lao động Trung Cộng năm 2012 chỉ ra rằng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của người Hán ở Tân Cương là 28,900 NDT (khoảng 4,120 USD), trong khi thu nhập trung bình của người Duy Ngô Nhĩ là 12,800 NDT (khoảng 1,830 USD). Mức này cũng thấp hơn nhiều so với các sắc tộc thiểu số khác ở Trung Cộng.
Các dự án phát triển của Bắc Kinh tại Tân Cương phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước lớn vốn thích thuê công nhân người Hán vì kỹ năng ngôn ngữ và chuyên môn của họ. Người Duy Ngô Nhĩ tin rằng những dự án này đã đưa thêm nhiều người Hán vào khu vực và những người này đã giành lấy cơ hội việc làm và trở nên giàu, với phí tổn được đẩy sang cho họ.
Một nguồn gây bất bình khác là các chính sách tôn giáo mang tính đàn áp trong khu vực. Chính phủ đã kiên quyết kiểm soát các hoạt động tôn giáo như nghiên cứu Kinh Qur’an, ăn chay và đội mũ của người Hồi giáo. Những hạn chế khắc nghiệt đối với Hồi giáo đã làm cực đoan hóa nhiều người Duy Ngô Nhĩ và trong một chừng mực nào đó đã khuyến khích sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Tân Cương.
Một dòng tư tưởng chính làm nền tảng cho phong trào nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ là chủ nghĩa dân tộc, bắt nguồn từ chủ nghĩa Liên Thổ (Pan-Turkism) vào những năm 1930. Các nhà lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ như Rebiya Kadeer đã sử dụng chủ nghĩa Liên Thổ như một phương tiện huy động chủ nghĩa dân tộc, dựa trên mối liên hệ lịch sử và ngôn ngữ của khu vực này với các quốc gia sử dụng ngữ hệ Thổ Nhĩ Kỳ (Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan – ND). Chủ nghĩa Wahhabi, một học thuyết Hồi giáo bảo thủ, đã lan truyền tới miền nam Tân Cương kể từ những năm 1980, càng làm cực đoan hóa các thế hệ bất đồng chính kiến trẻ. Một số người trong số họ thậm chí còn bị ảnh hưởng bởi Chủ nghĩa Hồi giáo (Islamism). Có báo cáo cho thấy khoảng 30 người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương đã được đào tạo tại các trại huấn luyện chiến binh đặt tại Pakistan trước khi họ được khai triển tới Syria.
Để bảo đảm Tân Cương là một trung tâm kết nối đáng tin cậy cho BRI, đặc biệt là sau một loạt các vụ bạo lực và tấn công khủng bố từ năm 2013 đến 2014, các nhà lãnh đạo Trung Cộng đã áp dụng cách tiếp cận song song, kết hợp đàn áp nặng tay với các chính sách kinh tế và xã hội. Camera giám sát được tìm thấy trên tất cả các đường phố và thậm chí bên ngoài nhà ở của người dân. Cảnh sát đã được khai triển để tiến hành kiểm tra điện thoại di động ngẫu nhiên để tìm các nội dung đáng ngờ, và các quan chức địa phương đã được giao xuống sinh sống ngắn hạn trong nhà của người dân Duy Ngô Nhĩ. Họ mang theo những món quà nhỏ cho gia đình như thịt hoặc tiền mặt và theo dõi chặt chẽ các hoạt động hàng ngày của gia đình. Các trại cải tạo được cho là đang giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ là kết quả của những chính sách cứng rắn nêu trên.
Các chính sách kinh tế xã hội đã tập trung vào việc làm và giáo dục. Một số nguồn tin cho biết hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học người Duy Ngô Nhĩ đang thất nghiệp. Thanh niên thất nghiệp là những “ứng viên” chính tham gia các phong trào nổi dậy. Các doanh nghiệp nhà nước ở Tân Cương hiện được yêu cầu tuyển dụng ít nhất 70 phần trăm nhân viên mới là người địa phương, trong đó ít nhất 25 phần trăm là người dân tộc thiểu số. Nhà nước chọn các doanh nghiệp từ các tỉnh khác để đầu tư vào Tân Cương với trọng tâm là tạo việc làm. Nỗ lực phát triển du lịch cũng nhằm thu hút thanh niên dân tộc thiểu số ở nông thôn tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực dịch vụ.
Nhưng một rào cản lâu nay đối với người Duy Ngô Nhĩ trên thị trường việc làm là kỹ năng tiếng Quan thoại của họ – một điều kiện tiên quyết quan trọng đối với nhiều nhà tuyển dụng người Hán. Chính sách giáo dục mới đã chú trọng nhiều hơn vào giáo dục song ngữ. Từ năm 2017, miền nam Tân Cương bắt đầu cung cấp giáo dục mẫu giáo, tiểu học và trung học miễn phí cho học sinh.
Liệu các chính sách song song này có mang lại sự ổn định cho Tân Cương hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nhiều chính sách trong đó là các chiến lược mang tính cưỡng chế. Dạy tiếng phổ thông được thúc đẩy như là một phần của kế hoạch rộng lớn hơn nhằm mục đích đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ vào văn hóa Trung Cộng – điều có nguy cơ xóa sổ nền văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ. Các trại cải tạo được sử dụng để “thúc đẩy” việc làm bằng cách buộc các trại viên phải làm việc tại các khu công nghiệp gần đó. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy những hạn chế đối với Hồi giáo sẽ được nới lỏng. Những chính sách như vậy có khả năng gây ra sự kháng cự lớn hơn và sự chỉ trích quốc tế mạnh mẽ.
Tân Cương có thể vẫn tiếp tục là nguồn gốc gây bất định cho BRI khi mà tình trạng bất ổn xã hội khiến các doanh nghiệp không mặn mà với khu vực này. Một nhà sản xuất gia vị Ấn Độ đã hoãn việc mở rộng kinh doanh tại Tân Cương vì căng thẳng sắc tộc và các thủ tục an ninh quá mức. Sự lên án của quốc tế đã tăng lên khi tình trạng đàn áp ngày một tồi tệ. Mặc dù Trung Cộng tìm cách tăng cường kết nối toàn cầu thông qua BRI, các chính sách của họ ở Tân Cương lại có thể khiến nước này trở nên cách xa hơn với nhiều nơi trên thế giới.
Nguồn: Wei Shan, “Xinjiang casts uncertainty over the Belt and Road Initiative”, East Asia Forum, 29/11/2019.
Wei Shan là Nghiên cứu viên chính tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Biên dịch: Phan Nguyên