Yếu tố mấu chốt trong tham vọng thống lĩnh công nghệ toàn cầu của Trung Cộng

Con đường tơ lụa kỹ thuật số cho thấy rõ tham vọng của Trung Cộng trong nỗ lực trở thành nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu. (Ảnh: China Daily)

Con đường tơ lụa kỹ thuật số có thể sẽ trở thành mấu chốt giúp Trung Cộng cạnh tranh với Mỹ trong bối cảnh 2 nước ganh đua ảnh hưởng toàn cầu và khu vực.

Trung Cộng đang khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, đáng chú ý nhất là thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) tham vọng của Tập Cận Bình.

BRI đánh dấu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Cộng, từ “che giấu sức mạnh, chờ đợi thời cơ” trở thành “nắm bắt cơ hội, vươn ra biển lớn” của Tập Cận Bình.

Các chuyên gia tin rằng Con đường tơ lụa kỹ thuật số, một thành tố của BRI sẽ có vai trò quan trọng trong việc xác định năng lực của Trung Cộng trong việc định hình trật tự thế giới mới nổi của thế kỷ 21.

Thông qua Con đường tơ lụa kỹ thuật số, Trung Cộng đang tham gia vào cuộc cạnh tranh công nghệ chiến lược với Mỹ và quảng bá mô hình kỹ thuật số mà họ đang phát triển ra toàn thế giới.

Lần đầu tiên được công bố trong Sách trắng 2015 do chính phủ Trung Cộng ban hành, Con đường tơ lụa kỹ thuật số tập trung vào việc tăng cường kết nối kỹ thuật số ở nước ngoài, thúc đẩy Trung Cộng trở thành một siêu cường công nghệ.

Trong khi BRI được xem là một sáng kiến ​​chính sách đối ngoại, Con đường tơ lụa kỹ thuật số lại mang dáng dấp của một sáng kiến pha trộn cả yếu tố đối nội và đối ngoại trong đó bao gồm 4 thành phần công nghệ liên quan đến nhau.

Đầu tiên, Trung Cộng tìm cách trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số vật lý, trong đó có 5G, cơ sở hạ tầng internet bao gồm cáp quang và trung tâm dữ liệu.

Thứ hai, Trung Cộng đầu tư phát triển các công nghệ tiên tiến với ứng dụng kinh tế và chiến lược quan trọng, bao gồm hệ thống định vị vệ tinh, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.

Thứ ba, Trung Cộng và các tập đoàn công nghệ lớn nhất của họ nhận ra tầm quan trọng của thương mại kỹ thuật số và vai trò thiết yếu của nó trong việc tiếp tục tăng trưởng của Trung Cộng như một siêu cường kinh tế. Do đó, các khu thương mại tự do kỹ thuật số đang được hình thành dưới sự bảo trợ của Con đường tơ lụa kỹ thuật số để tạo thuận lợi cho thương mại điện tử quốc tế.

Cuối cùng, Trung Cộng tăng cường các nỗ lực ngoại giao kỹ thuật số và quản trị internet thông qua các diễn đàn đa phương để thiết lập các chuẩn mực quốc tế phù hợp với quan niệm của thế giới kỹ thuật số trong tương lai.

Nhìn chung, khái niệm về Con đường tơ lụa kỹ thuật số coi sáng kiến ​​này là một nỗ lực toàn diện của chính phủ Trung Cộng với mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo công nghệ trên trường quốc tế và thúc đẩy tầm nhìn về các quy tắc và nguyên tắc quản lý các lĩnh vực mạng và kỹ thuật số, sẽ có những tác động to lớn và khó lường đối với tương lai của kiến ​​trúc địa chính trị vượt ra ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Khi cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Cộng đang ngày càng gay cấn, Trung Cộng sẽ đẩy mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ và kinh tế. Trung Cộng đặt mục tiêu tham gia vào cuộc cạnh tranh công nghệ chiến lược để thách thức sức mạnh toàn cầu của Mỹ mà không gây ra đối đầu trực tiếp.

Đáp lại, Mỹ thực hiện các nỗ lực ngoại giao để hạn chế Con đường tơ lụa kỹ thuật số và sự mở rộng toàn cầu của các đại gia công nghệ Trung Cộng bằng cảnh báo sự bành trướng của các công ty Trung Cộng được chính phủ nước này hậu thuẫn sẽ gây ra các rủi ro lớn đối với an ninh quốc tế. Huawei chính là con tốt thí đầu tiên mà Mỹ chọn.

Một trong những mục tiêu của Trung Cộng khi thực hiện Con đường tơ lụa kỹ thuật số là tái cấu trúc trật tự quốc tế hiện tại. Tuy nhiên, Bắc Kinh không muốn thay thế hoàn toàn trật tự đó. Trung Cộng đã và đang được hưởng lợi rất nhiều từ trật tự kinh tế tự do, cho phép nước này phát triển kinh tế và đưa hàng trăm triệu công dân thoát nghèo. Mặc dù vậy, với Con đường tơ lụa kỹ thuật số, Trung Cộng đang cố tạo ra một trật tự quốc tế phi chính trị có lợi cho họ.

Washington vẫn đang tìm cách ngăn cản tham vọng này của Bắc Kinh nhưng quyết tâm đó không dễ thực hiện.

Theo Diplomat, cái Mỹ cần làm hiện nay và xác định một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với cuộc cạnh tranh quyền lực đang định hình kiến ​​trúc địa chính trị của thế kỷ 21 và cung cấp một mô hình tích cực về phát triển công nghệ và kết nối quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật số nhằm thúc đẩy các giá trị cốt lõi của nó, có thể đóng vai trò thay thế cho Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Cộng.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt