Những điểm chính trong chương trình nghị sự Thượng đỉnh G20 tại Osaka
Vào ngày 28 tháng 6 tới, tôi sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2019 tại Osaka. Chương trình nghị sự của chúng tôi sẽ tập trung vào ba vấn đề chính, vấn đề nào cũng có tầm quan trọng đặc biệt đối với châu Á.
Vấn đề đầu tiên trong chương trình nghị sự liên quan đến những gì tôi tin là thách thức quan trọng nhất của thời đại chúng ta: nỗ lực duy trì và cuối cùng là củng cố trật tự quốc tế cho thương mại tự do và công bằng. Đối với các nhà lãnh đạo châu Á, điều này có nghĩa là hình thành nên RCEP, tức Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, một thỏa thuận thương mại tự do tiên tiến giữa mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sáu quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).
Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong một thời gian. Bây giờ chúng ta phải chạy nước rút về đích.
Nội dung thứ hai trong chương trình nghị sự liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số. Số hóa nền kinh tế đã cho phép hình thành các mô hình kinh doanh độc đáo và chưa từng có, nhưng nó cũng mang lại những thách thức mới, chẳng hạn như việc không đánh thuế hai lần đối với các công ty đa quốc gia. Chúng ta chỉ có thể giải quyết các vấn đề như vậy thông qua hợp tác quốc tế.
Dữ liệu di chuyển tức thời trên khắp thế giới mà không quan tâm đến biên giới quốc gia. Tôi tin rằng tác động kinh tế và xã hội của những dữ liệu như vậy sẽ tương đương, thậm chí vượt qua cả vai trò của dầu mỏ và động cơ đốt trong trong thế kỷ 20.
Nhờ bản chất của nó, dữ liệu dễ dàng vượt qua các trở ngại vật lý. Nếu được nối mạng, hiệu ứng và lợi thế của nó được nhân lên gấp nhiều lần. Nhưng ngược lại, chỉ cần một phòng dữ liệu đóng cửa ở bất cứ đâu, thì tổn thất sẽ xảy ra với toàn bộ hệ thống mạng.
Nhật Bản đang ủng hộ một hệ thống “Trào lưu Dữ liệu Tự do có thể tin tưởng” (DFFT), một cách tiếp cận cố gắng cho phép luồng dữ liệu được chảy tự do theo các quy tắc mà tất cả các bên đều có thể tin tưởng. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị các quy tắc cho phép các lợi ích của nền kinh tế kỹ thuật số lan rộng đến với mọi người dân ở châu Á và trên toàn thế giới. Quá trình thực hiện điều đó được chúng tôi gọi là “Tiến trình Osaka”, điều mà chúng tôi hy vọng sẽ ra mắt tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Rõ ràng là hai điểm đầu tiên trong chương trình nghị sự – thương mại và dữ liệu – là không thể tách rời khỏi việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi WTO được thành lập. Trong thời gian đó, nền kinh tế thế giới đã thay đổi với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhưng WTO đã không theo kịp, và những tác động bất lợi của điều này đang ngày càng trở nên rõ ràng.
Chúng ta nên làm gì để WTO phù hợp trở lại trong vai trò cơ quan bảo vệ thương mại quốc tế tự do và công bằng?
Các chuỗi cung ứng lớn thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm nay đang nằm tại khu vực ASEAN. Các nền kinh tế khu vực đã được hưởng lợi từ một môi trường mà trong đó người dân và hàng hóa tự do luân chuyển. Chính sự tự do này lý giải cho sự năng động và thịnh vượng ngày càng tăng của ASEAN.
Vấn đề thứ ba tại hội nghị thượng đỉnh Osaka là tầm quan trọng của sự đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu. Các mục tiêu được nêu trong “Báo cáo 1,5˚C” của Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã không thể đạt được thông qua các quy định pháp luật. Đổi mới mang tính đột phá vốn giúp biến những điều tiêu cực thành tích cực sẽ là chìa khóa để hiện thực hóa các mục tiêu về khí hậu của thế giới.
Ví dụ như vấn đề carbon dioxide, vốn trong những năm gần đây đã được coi như một vấn đề tiêu cực. Nhưng sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể biến CO2 trở thành một nguồn tài nguyên có sẵn ở mức giá thấp nhất và khối lượng nhiều nhất! Các công nghệ tiên tiến như quang hợp nhân tạo chắc chắn sẽ biến giấc mơ đó trở thành hiện thực vào một ngày nào đó. Ở Osaka, tôi muốn G20 xác nhận tầm quan trọng của sự đổi mới sáng tạo đó. Và vào tháng 10, Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Sáng tạo Xanh, tập hợp các nhà nghiên cứu và đại diện hàng đầu của giới công nghiệp và tài chính từ khắp nơi trên toàn thế giới. Chúng tôi hy vọng sẽ khai thác được sự khôn ngoan của thế giới và mở ra một tương lai bền vững thông qua một cú hích lớn.
Vào ngày 6 tháng 3, tôi đã nhận được sáu khuyến nghị từ các thành viên của “Science20”, một sáng kiến được tạo ra bởi các viện nghiên cứu khoa học quốc gia của các nước G20. Để giảm bớt các mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển và bảo tồn môi trường biển, hai khuyến nghị cuối cùng trong số đó thúc giục “thành lập một hệ thống lưu trữ và quản lý dữ liệu cải tiến, cho phép truy cập tự do bởi các nhà khoa học trên toàn cầu”, đồng thời “chia sẻ thông tin thu được thông qua các hoạt động nghiên cứu nhờ sự hợp tác sâu rộng và đa quốc gia, để thúc đẩy sự hiểu biết toàn diện về đại dương toàn cầu và các động lực của nó”. Chính vì lý do này mà chúng ta phải đảm bảo có được DFFT và biến dữ liệu thành một thứ hàng hóa công cho các nhà khoa học trên toàn thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka đang chuẩn bị diễn ra trong buổi bình minh của một triều đại mới – triều đại Reiwa (Lệnh hòa) – tại Nhật Bản. Vào ngày 30 tháng 4 vừa qua, thế giới đã chứng kiến sự thoái vị của Hoàng đế Nhật Bản Akihito, sự thoái vị đầu tiên của một vị hoàng đế đang trị vì trong 202 năm qua. Ngày hôm sau, Hoàng đế Naruhito lên ngôi. Cảm giác phấn khích của người dân Nhật trào dâng, và tôi không thể tưởng tượng trước được những tình cảm tốt đẹp mà tôi nhận được từ bạn bè nước ngoài.
Một số người nhận xét, từ “rei” trong tên gọi “Reiwa” có âm rất hay. Họ chỉ ra rằng cách phát âm của nó giống như từ “ray” trong các cụm từ như “a ray of hope” (một tia hy vọng), hay “a ray of sunshine” (một tia nắng).
“Bây giờ tôi đã nhìn thấy nó”, tôi tự bảo mình khi nghe những lời nói đó và tôi nghĩ rằng âm thanh mang sắc thái tích cực đó là một sự khích lệ lớn lao. Những tình cảm đó làm tôi nhớ đến những gì tôi đã chứng kiến khi đến thị trấn Okuma ở tỉnh Fukushima, nơi có Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, và là nơi diễn ra thảm họa môi trường hồi năm 2011.
Một lệnh sơ tán được áp dụng cho cư dân trên toàn bộ khu vực Okuma trong nhiều năm đã được dỡ bỏ một phần vào ngày 10 tháng Tư vừa qua, và bốn ngày sau, vào ngày 14 tháng Tư, một buổi lễ được tổ chức để khánh thành văn phòng thị trấn mới được xây dựng. Tôi đã tham dự buổi lễ, và ở đó tôi gặp một người phụ nữ trẻ tên là Aki Sato. Cô chuyển từ Tokyo đến đó sau thảm họa, muốn tự mình chứng kiến tình hình và làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ.
Không lâu sau, cô kết hôn với một người đàn ông địa phương, và cô hiện là cư dân của Okuma. Cô ấy bảo tôi nhìn chiếc áo gió màu đỏ cô ấy đang mặc. Thông điệp ở mặt sau xuất hiện qua những dòng chữ tiếng Nhật màu trắng được viết khéo léo: “Nếu bạn có thời gian để nhìn lại, thì thay vào đó hãy tiến về phía trước.”
Tất cả người dân Nhật Bản đang tiếp tục tiến về phía trước, nói cho nhau nghe những lời động viên.
Thái độ tích cực đó là một lối sống của các thế hệ người Nhật sau Thế chiến II vốn đã mang lại sự phát triển kinh tế nhanh chóng cho đất nước chúng tôi. Đến những năm 1980, thái độ đó đã lan rộng khắp khu vực ASEAN. Bây giờ đó là một lối sống cho toàn bộ châu Á – hay chính là cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Và tôi tin chắc rằng một Nhật Bản tự tin sẽ là một Nhật Bản có khả năng để góp phần kiến tạo tương lai cho Châu Á.
Nguồn: Abe Shinzo, “The G20 in Osaka“, Project Syndicate, 21/06/2019
Abe Shinzo là Thủ tướng Nhật Bản.
Phiên dịch: Phan Nguyên