Hơn 600 công ty Mỹ ký thư ủng hộ ông Trump đánh thuế Trung Cộng
Hơn 600 công ty có trụ sở tại Mỹ hôm thứ Sáu (21/6) đã ký vào một lá thư ủng hộ Tổng thống Donald Trump đánh thuế Trung Cộng. Những công ty này lập luận rằng việc đánh thuế đó giúp thúc đẩy việc làm tại Mỹ và làm giảm chi phí kinh doanh của họ, theo The Daily Caller đưa tin.
Daily Caller cho biết họ đã được xem lá thư nêu trên trước khi nó được chuyển tới Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hôm thứ Sáu (21/6). Hiện tại USTR đang lắng nghe ý kiến của các bên liên quan về khoản thuế dự kiến áp đặt lên thêm hơn 300 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Cộng.
Lá thư của hơn 600 doanh nghiệp, với đại diện chính là Liên minh Vì nước Mỹ Thịnh vượng (CPA), đã đẩy lùi một bức thư khác vào tuần trước mà một số doanh nghiệp kiến nghị ông Trump dừng đánh thuế Trung Cộng. Những doanh nghiệp ký tên vào bức thư đó chủ yếu là các nhà bán lẻ và có cơ sở sản xuất tại Trung Cộng.
Lá thư ủng hộ ông Trump đánh thuế Trung Cộng đến khi vị tổng thống đảng Cộng hòa mới đây đã nói rằng ông sẽ cân nhắc đánh thuế lên thêm hàng hóa Trung Cộng nếu Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình không gặp ông tại thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này. Từ sau cảnh báo đó của ông Trump, hai nước Mỹ, Trung đã lên tiếng xác nhận ông Trump và ông Tập sẽ hội đàm bên lề G-20. Tuy nhiên, ông Trump đã nói rằng nếu ông Tập không tham gia sự kiện đó, ông sẽ ngay lập tức áp đặt thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Cộng, trong đó có nhiều hàng tiêu dùng.
Trong cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G-20 tại Argentina vào tháng Mười Hai năm ngoái, ông Trump đã đạt được một số cam kết từ ông Tập để đổi lại Washington sẽ không thực hiện thêm bất kỳ khoản thuế nhập khẩu nào lên hàng hóa Trung Cộng.
Sau khi cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại song phương xa dần, Mỹ vào tháng Năm đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Cộng. Bắc Kinh cũng lập tức đáp trả bằng việc tăng thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ.
Ông Michael Stumo, Giám đốc Điều hành CPA nói trong bức thư gửi USTR rằng: “Dự án tương tác toàn cầu với Trung Cộng, thông qua thương mại tự do, đã thất bại. Đảng Cộng sản Trung Cộng đã sử dụng việc họ tiếp cận thị trường hàng hóa và tài chính Mỹ cho chiến lược kinh tế ăn cướp nhằm tăng trưởng các doanh nghiệp nhà nước của mình, cấp tiền cho xây dựng quân đội, giam cầm công dân của họ trong các trại tập trung hiện đại và thách thức quyền lực địa chính trị của Mỹ.”
“Các công ty và công nhân Mỹ đã bị yếu đi do thí nghiệm thất bại này. Chúng tôi muốn nó phải chấm dứt,” ông Stumo nói tiếp.
Trong thư, chủ tịch Joe Kripli của Hiệp hội tái chế phụ tùng Ôtô (APRA) nói: “Trong nhiều năm qua, các máy động cơ Trung Cộng đã thâm nhập vào nước ta với chi phí thấp khó tin và đã gây tổn hại cho các nhà sản xuất nhỏ ở tất cả các bang của Mỹ, những doanh nghiệp đã hiện diện trong cộng động của chúng ta từ Thế chiến II.”
Trong khi đó, ông Jon Toomey, Giám đốc Quan hệ Chính phủ của Fitzgerald USA, tuyên bố trong thư: “Fitzgerald USA là một trong số ít các tập đoàn xe tải ‘Made in America’. Chúng tôi hiện tại đã bắt đầu kinh doanh phụ tùng xe tải Mỹ khi ngành xe tải đang ngày càng chuyển dịch hoạt động sang Trung Cộng. Nước Mỹ cần một nền kinh tế sản xuất mạnh mẽ vì việc làm và an ninh quốc gia. Chúng tôi ủng hộ Tổng thống Trump và việc ông đánh thuế Trung Cộng.”
“Là người sáng lập MAM, tôi tin tưởng và ủng hộ mạnh mẽ thuế quan mà Tổng thống của chúng ta đang sử dụng để đàm phán với Trung Cộng. Các nhà sản xuất phải tìm cách sản xuất sản phẩm của họ tại đây, bên trong nước Mỹ. Sản xuất ở đây sẽ tạo ra/cung cấp việc làm cho công dân của chúng ta ở đây, ở nước Mỹ,” bà Mendoza nói trong thư.
Xuân Thành