Khả năng hạn chế của Mỹ trước Iran
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi xảy ra các vụ tấn công vào hai tàu dầu trên vùng biển Oman ngày 13/06, Hoa Kỳ đã chỉ đích danh Iran là thủ phạm, nhưng điều đáng chú ý là chính quyền Donald Trump đã không thi hành ngay các biện pháp trả đũa Teheran.
Nói cách khác, đối diện với Iran, khuôn khổ hành động của Mỹ rất hạn hẹp và hiện giờ, chính sách của Wasshington đối với chế độ này còn thiếu tính nhất quán.
Kể từ khi tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran cách đây một năm, Hoa Kỳ đã thành công trong việc ép buộc các đồng minh tham gia vào việc cấm vận dầu hỏa, đẩy nền kinh tế Iran vào tình trạng rất khó khăn. Chiến lược của chính quyền Trump là gây “áp lực tối đa” để buộc Teheran chấp nhận thương lượng một hiệp định hạt nhân với những điều kiện gắt gao hơn, cũng như chấm dứt những hành động “gây mất ổn định khu vực”. Nhưng theo tờ Le Monde, chiến lược này hiện đang gặp hai trở ngại.
Thứ nhất, trước đây, để biện minh cho việc đưa quân sang Iraq, chính quyền George Bush đã nêu lên lý do là chế độ Saddam Hussein có trong tay nhiều vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng sau đó ai cũng biết là Babdad hoàn toàn không có những vũ khí này. Cho nên, bây giờ, khi Hoa Kỳ đưa ra các bằng chứng khẳng định chính Iran đã tấn công hai tàu dầu, nhiều nước tỏ vẻ hoài nghi, đặc biệt là Đức. Liên Hiệp Châu Âu thì tỏ ra rất thận trọng với lời tố cáo của Washington, đòi phải tiến hành điều tra độc lập về những vụ tấn công này. Đây cũng là yêu cầu của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.
Trở ngại thứ hai, đó là qua việc cáo buộc Iran tấn công vào hai tàu dầu trên vùng biển Oman, chính quyền Donald Trump mặc nhiên thừa nhận tác dụng của chiến lược gây “áp lực tối đa” rất là hạn chế. Vào cuối tháng 5 vừa qua, tổng thống Trump đã tỏ vẻ tự mãn, cho rằng Iran đang kiệt quệ và sẽ phải chấp nhận thương lượng lại với Mỹ. Ông tuyên bố : “Nếu họ muốn nói chuyện, tôi sẵn sàng”.
Thế nhưng, thất bại của thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong vai trò trung gian hòa giải nhân chuyến đi Teheran vừa qua cho thấy là các nhà lãnh đạo chế độ Hồi Giáo ở Teheran không hề nao núng. Và bây giờ thậm chí họ sẽ thực hiện lời đe dọa không tuân thủ những cam kết trong hiệp định hạt nhân mà họ đã ký với 6 nước vào năm 2015.
Sự thiếu nhất quán trong chính sách của Mỹ đối với Iran dường như chính là do có những xu hướng khác nhau trong chính quyền Trump. Một bên là phe “diều hâu“, bao gồm ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, và bên kia là những người ôn hòa hơn một chút, như bộ trưởng Quốc Phòng Patrick Shanahan. Mặc dù tuyên bố quyết tâm bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Hoa Kỳ trên khắp thế giới, ông Shanahan cho rằng hiện giờ cả quân Mỹ, lẫn lợi ích của Mỹ chưa bị ai đụng đến, và những vụ tấn công tàu dầu ở vùng biển Oman chỉ là vấn đề về giao thông hàng hải thế giới, phải được giải quyết ở cấp độ quốc tế. Tổng thống Donald Trump có vẻ nghiêng về lập trường này, chính vì vậy mà ông không trả đũa ngay dù đã lớn tiếng cáo buộc Iran.
Đã có lúc tổng thống Mỹ tỏ vẻ hòa hoãn, nhiều lần kêu gọi đối thoại với Teheran, nhưng theo nhận định của hãng tin AFP, trước việc lãnh đạo tối cao chế độ Hồi Giáo Ali Khamenei dứt khoát không muốn nói chuyện với Hoa Kỳ, ông Trump chưa biết phải đối phó ra sao.
AFP trích lời Aaron David Millier, nguyên là nhà thương thuyết dưới thời các chính quyền Mỹ trước đây, vấn đề là chính quyền Trump không thật sự biết họ muốn gì. Ông Miller nêu câu hỏi : Washington thi hành các biện pháp trừng phạt là nhằm “phá hủy nền kinh tế Iran”, hay là nhằm “thương lượng một hiệp định tốt hơn” về hạt nhân Iran ?
Hiện giờ, theo ông Miller, những vụ tấn công tàu dầu trên biển Oman chưa đủ để Washington lấy cớ gây chiến với Teheran. Tuy nhiên, trên mạng Twitter, ông Colin Kahl, một cựu quan chức chính quyền Obama, cảnh báo là cuộc đấu võ mồm triền miên giữa Hoa Kỳ với Iran và việc căng thẳng leo thang gần đây có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh mà cả hai đều tuyên bố là muốn tránh.
Thanh Phương RFI