Mỹ – Trung: Donald Trump ký sắc lệnh “cấm cửa” công ty viễn thông Hoa Vi

Ngày 15/05/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng trang thiết bị viễn thông của các công ty ngoại quốc bị cho là “đe dọa an ninh” Hoa Kỳ. Bộ Thương Mại đưa Hoa Vi và 70 chi nhánh của công ty viễn thông Trung Cộng này vào “danh sách đen“.

Thông tín viên đài RFI, Eric de Salve từ San Francisco ghi nhận quyết định cứng rắn của Tổng Thống Trump được đưa ra trong tình hình chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang bước vào hồi gay cấn.

Đây là quyết định triệt để nhất mà chính quyền Trump tiến hành nhắm vào công nghệ Trung Cộng, lĩnh vực nằm trong tâm điểm của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Bắc Kinh. Sắc lệnh do tổng thống Hoa Kỳ ký hôm Thứ Tư cấm các doanh nghiệp Mỹ trong ngành viễn thông mua trang thiết bị của các công ty nước ngoài thuộc diện rủi ro mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.

Cùng ngày, bộ Thương Mại thông báo đưa công ty viễn thông Hoa Vi của Trung Cộng vào danh sách các hãng thuộc diện có mức độ rủi ro cao. Bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross giải thích, quyết định nói trên nhằm tránh việc các thực thể thuộc các cường quốc khác sử dụng công nghệ Mỹ để phá hoại an ninh đất nước.

Nhà Trắng thậm chí còn xem những mối đe dọa đó là một điều cấp bách và biện minh cho việc giới hạn sử dụng trang thiết bị của nước ngoài khi nêu lên một số hành vi dọ thám từ các đối thủ ngoại quốc, khai thác những nhược điểm trong mạng lưới công nghệ của Mỹ.

Bắc Kinh cho rằng đây chỉ là một cái cớ, đồng thời lên án hành động lạm dụng quyền lực của Mỹ chỉ nhằm là gạt các doanh nghiệp Trung Cộng ra khỏi cuộc cạnh tranh tự do. Nhà Trắng còn cấm Hoa Vi triển khai mạng 5G trên lãnh thổ Hoa Kỳ và dọa các nước đồng minh của Mỹ là sẽ không cung cấp thông tin tình báo nếu như những nước này vẫn hợp tác với một công ty Trung Cộng để phát triển mạng lưới 5G của mình.
Thanh Hà (RFI)
Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt