Eo biển Đài Loan sóng gió…
Lời người post: Bà Thái Anh Văn Tổng Thống Đài Loan nói “không thống nhất” trong khi Tập Cận Bình cho Đài Loan đứng độc lập là thảm họa. TT Trump thì hành động khác thường so với những đời TT Trước, đầu năm ký hiệp ước bán vũ khí thường xuyên cho Đài Loan ….
Đài Loan nói không với kêu gọi thống nhất của Tập Cận Bình. Thay vào đó, bà Thái Anh Văn kêu gọi Trung Cộng hãy dũng cảm đi về hướng dân chủ
Trong “Bức thư gửi tới những đồng bào Đài Loan của chúng tôi” hôm 2/1, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình kêu gọi hòn đảo mà ĐCSTC coi là một tỉnh nổi dậy hãy trở về với đất mẹ dưới hệ thống ‘Một quốc gia, hai chế độ’ giống như Hong Kong. Ông Tập cũng cảnh báo không loại trừ sử dụng vũ lực để tái chiếm Đài Loan.
“Một nhiệm vụ đã trở thành lịch sử không thể lảng tránh của ĐCSTC, chính phủ Trung Cộng và nhân dân Trung Cộng là giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất quê hương kể từ năm 1949”, ông Tập nói trong bài phát biểu được ghi hình trực tiếp.
“Chúng tôi đã sẵn sàng làm việc hướng tới thống nhất hòa bình với sự chân thành lớn nhất bởi vì một sự thống nhất đạt được bằng hòa bình sẽ mang lại lợi ích cho tất cả dân tộc và nhân dân ở cả 2 bờ của eo biển Đài Loan”.
Tuy nhiên ông Tập cũng cảnh báo: “Chúng tôi không hứa hẹn từ bỏ sử dụng vũ lực quân sự và bảo lưu quyền dùng vũ lực để tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết đối phó với các lực lượng thù địch nước ngoài và một bộ phận rất nhỏ những kẻ ly khai và hành động ly khai của chúng.”
Ngay sau đó trong ngày 2/1, Tổng Thống Đài Loan Thái Văn Anh thẳng thừng bác bỏ đề nghị của ông Tập, khẳng định 23 triệu người Đài Loan muốn tự quyết định vận mệnh của mình.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng Đài Loan nhất định không chấp nhận ‘một quốc gia, hai chế độ’. Hầu hết công luận Đài Loan cũng nhất quyết phản đối ‘một quốc gia, hai chế độ’.
“Các giá trị dân chủ là quý giá và là sinh đạo mà người Đài Loan trân trọng, chúng tôi kêu gọi Trung Cộng hãy dũng cảm bước tới nền dân chủ”, bà Thái nói.
Đảng Dân Tiến của bà Thái vừa trải qua một thất bại lớn trong cuộc bầu cử Đài Loan hồi tháng 11 vừa rồi, tuy nhiên bà nói kết quả này không phải là dấu hiệu người Đài Loan muốn từ bỏ chủ quyền.
“Kết quả của cuộc bầu cử vừa rồi hoàn toàn không có nghĩa là công luận chủ đạo của Đài Loan có ý từ bỏ chủ quyền, cũng không phải nghĩa là người dân muốn nhượng bộ về vấn đề bản sắc Đài Loan”, bà Thái nói. Bà kêu gọi Bắc Kinh cần coi đàm phán song phương trên một cơ sở công bằng “thay vì sử dụng đàn áp và đe dọa để khiến người Đài Loan phải cúi đầu.”
“Với tư cách là một quốc gia dân chủ, tất cả các hoạt động đàm phán và tham vấn chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan phải được chấp nhận và giám sát bởi nhân dân Đài Loan, và tiến hành trên cơ sở ngang hàng chính phủ với chính phủ của cả hai phía”, bà Thái nói.
Bắc Kinh chưa bao giờ chấp nhận Đài Loan là một nước độc lập có chủ quyền. Báo cáo cuối năm của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận, các lực lượng vũ trang dưới quyền Đảng Cộng sản Trung Cộng “tiếp tục phát triển, triển khai khả năng quân sự ngày càng tiên tiến nhằm cưỡng chế Đài Loan. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Cộng quyết tâm và ngày càng tăng cường khả năng tiến hành một cuộc xâm lược.”
Các nhà quan sát nhận định phát biểu đầu năm của ông Tập cho thấy một sự thay đổi trong thái độ đối với vấn đề Đài Loan của chính quyền Bắc Kinh. Dường như Bắc Kinh đang nóng lòng muốn đẩy nhanh tiến độ thống nhất Đài Loan trong khi những thay đổi chính trị trong ví dụ ‘một quốc gia, hai chế độ ở Hong Kong’ ngày càng khiến người Đài e ngại.
Đầu năm 2019: Dấu hiệu Mỹ sẽ tập trung đối phó Trung Cộng
Vài giờ sau khi bước sang năm mới 2019, Tổng Thống Donald Trump ký Đạo luật mở rộng việc bán vũ khí sang Đài Loan trong khi Quyền Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ thì nhắc đi nhắc lại với các tướng lĩnh không được quên vấn đề Trung Cộng.
Đạo luật Sáng Kiến Tái Bảo Đảm Châu Á (ARIA) mà Tổng Thống Mỹ ký bao hàm toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhưng thực chất là nhằm bảo vệ Đài Loan và các đồng minh khác của Mỹ. Đạo luật đã được Quốc Hội Mỹ thông qua hồi giữa tháng 12/2018 và được ông Trump đặt bút ký vào ngay năm mới như một lời nhắc nhở đến chính quyền Bắc Kinh. Sau đó một ngày, hôm 2/1, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình lên sóng truyền hình kêu gọi Đài Loan “trở về với đất mẹ” trong hòa bình, mặc dù Bắc Kinh vẫn cảnh báo sử dụng vũ lực nếu cần.
Đạo luật mới cho phép Đài Loan có thể mua vũ khí của Mỹ theo định kỳ chứ không cần phải xin duyệt từng lô như trước. ARIA đề nghị chính phủ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan theo định kỳ để “đáp ứng nhu cầu phòng thủ chính đáng” cũng như đề nghị các quan chức chính quyền và quân sự Mỹ tới thăm Đài Loan theo như tinh thần được ghi trong Đạo Luật Du Hành Đài Loan vốn từng làm Trung Cộng tức giận.
Đạo luật còn tái khẳng định lập trường của Mỹ rằng mọi xung đột giữa hai bờ eo biển Đài Loan phải đạt được “một giải pháp hòa bình mà cả hai phía cùng chấp nhận”.
Trong khi ký Đạo luật này, Tổng Thống Trump còn ra một thông cáo cam kết sẽ thực thi nghiêm túc đạo luật này. Thông cáo có đoạn:
“Chính quyền của tôi sẽ xem những quy định này trong sự nhất quán với thẩm quyền hiến định của Tổng Thống trong vai trò Tổng tư lệnh và vai trò đại diện duy nhất của nước Mỹ trong các vấn đề đối ngoại.”
Sau lời kêu gọi – đe dọa thống nhất của Chủ tịch Trung Cộng, Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn thẳng thắn khước từ và khẳng định người Đài muốn tự quyết định vận mệnh của mình. Thêm vào đó, bà Thái còn khuyên Bắc Kinh nên bước về hướng dân chủ.
Trong một diễn biến khác, hôm 2/1 Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nhắc nhớ các lãnh đạo trong quân đội Mỹ chớ quên ‘Trung Cộng’ ngay cả khi Mỹ chiến đấu với phiến quân ở những nơi như Syria và Afghanistan.
“Trong khi chúng ta đang tập trung vào các chiến dịch đang diễn ra, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan nói chúng tôi không được quên Trung Cộng, Trung Cộng, Trung Cộng”, một quan chức quốc phòng giấu tên nói, theo tờ Reuters.
Vị quan chức quốc phòng giấu tên này không nói rõ về lập trường của ông Shanahan đối với Trung Cộng, nhưng các quan chức khác đã gọi ông là ‘lực đẩy’ đằng sau lập trường ngày càng cứng rắn của Lầu Năm Góc đối với Bắc Kinh, bao gồm việc gọi Trung Cộng là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia 2018.
Trong một dòng Tweet chúc mừng năm mới, ông Shanahan viết: “Trong năm 2019, Chiến lược Anh ninh Quốc gia tiếp tục là định hướng cho chúng ta. Sức mạnh quân sự của Mỹ tiếp tục là trung tâm của chúng ta”.
Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ được cựu Bộ trưởng James Mattis công bố hồi tháng 1/2018, trong đó mô tả Trung Cộng là một “đối thủ chiến lược”, một nước “sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân sự nhằm trở thành bá quyền khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong tương lai gần và thay thế Hoa Kỳ để đạt được ảnh hưởng ưu việt hơn trên toàn cầu trong tương lai xa hơn.”
Hoa Kỳ từng cáo buộc Trung Cộng tiếp tục sử dụng gián điệp quân sự và kinh tế, chỉ trích dự án “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh là một dạng xâm lược kinh tế.
Trọng Đức (T/T)