Tàu Cộng kiểm soát 5G là một trận Trân Châu Cảng thứ 2 của Mỹ

Hình internet

Thế giới đang đối diện với 4 chiến trường thường thấy: Chiến tranh trên đất liền do Lục Quân làm chủ, chiến tranh trên biển do Hải Quân quyết định, chiến tranh trên không do Không Quân điều hành, chiến tranh không gian vũ trụ do Satellite vận hành. Nay lại thêm một chiến trường thứ 5 ra đời “Điện thoại di động không giây thế hệ 5G”. Hiện nay Tàu Cộng và Hoa Kỳ đang cạnh tranh quyết liệt loại chiến tranh rất phức tạp và bí ẩn này.

Gần đây báo chí, truyền thanh, truyền hình thường nhắc đến thế hệ 5G. Nó là gì? Đó là hệ thống điện thoại cầm tay không giây (cellular phone) của thế hệ 5G (G viết tắt của Generation là thế hệ). Theo sự phát minh và sáng chế thì cứ một thế hệ điện thoại cầm tay chừng 10 năm…

Điện thoại thế hệ 1G (Motorola DynaTAC)

– 1G: Thế hệ điện thoại cầm tay 1G được hãng Nordic Mobile Telephone của Nhật sáng chế đầu tiên vào năm 1981, dùng kỹ thuật truyền âm dưới dạng sóng (Analog).  Dĩ nhiên, vào thời đó điện thoại cầm tay không như smartphone bây giờ, không vào được Internet, thậm chí Internet thời đó chưa có ai dùng. 1G dùng phone cầm tay nói chuyện với nhau là đã “hách lắm rồi”.  Loại phone cầm tay 1G lúc đó to và nặng phải bỏ trong cái xách mang theo, mỗi lần nói chuyện 30 phút là hết pin và phải charge lại tốn chừng 10 giờ.  Năm 1983 Mỹ dùng điện thoại cầm tay 1G do công ty Ameritech ở Chicago cung cấp và chiếc điện thoại cầm tay của công ty Motorola có tên DynaTAC với giá $3995/1 cái, tương đương với thời giá năm 2017 là $9426 (1).  Giá quá đắt như vậy rất ít người dùng, có chăng là các ông chủ các công ty lớn.

– 2G: Đúng 10 năm sau, 1991 thế hệ 2G ra đời  bởi công ty Phần Lan GSM (Groupe Spécial Mobile) sau lan ra ở châu Âu. Đặc biệt 2G hoạt động bằng hệ thống số nhị phân (Digital) chứ không còn hoạt động qua dạng sóng như 1G nữa. Quốc gia đầu tiên sử dụng 2G là nước Anh, sau đó bán đi khắp châu Âu rồi bán qua Mỹ và Úc. Nếu chúng ta thấy những cell phone vào những năm 1992-2001 ở Mỹ tức dùng hệ thống 2G. Nhưng thời đó người dùng phone tay cũng chưa thịnh hành.

– 3G: tức thế hệ thứ 3 điện thoại cầm tay không giây ra đời chừng 10 năm sau vào năm 2001 đầu tiên ở nước Nhật, thế hệ 3G có hệ wifi để nối kết với hệ thống Internet, qua đó sử dụng Internet để gởi email, hình ảnh và audio (tuy còn hạn chế vì đường truyền Internet còn yếu, và vận tốc tải dữ liệu còn giới hạn). Sau đó thế hệ 3G được các hãng điện thoại ở Mỹ như Verizone, AT&T, Apple sản xuất hàng loạt tràn ngập thị trường vào năm 2002. Thế hệ 3G ra đời có tính thông dụng kết hợp  sự nở rộ của kỹ thuật vi tính “dotcom” ở Mỹ, người dùng có thể dùng simcard riêng. Hàng trăm nước trên thế giới dùng 3G trong đó có Việt Nam. Mạng điện thoại 3G của DoCoMo có tốc độ tải dữ kiện là 384 kilobyte/giây. Với tốc độ như vậy thì còn rất hạn chế và chạy rất chậm.

– 4G:  Cuối năm 2009, công ty TeliaSonera của Thụy Điển đầu tiên đưa ra thị trường 4G tại thủ đô  Stockholm và Oslo ở Na Uy.  Năm sau, 2010 thì ra mắt tại Phần Lan,  năm 2014 TeliaSonera bán 4G trên 10 nước. Ngày 4 tháng 6,  2010, hãng điện thoại Sprint của Mỹ ra đời WiMAX smartphone bán tại Hoa Kỳ và sau đó Samsung, Apple, Motorola và hàng loạt công ty ra đời smartphone để dùng cho hệ thống 4G bán khắp thế giới. Hiện nay chúng ta đang dùng hệ thống 4G, những iPhone, Samsung, LG v.v.. đời mới các bạn đang cầm trên tay là sử dụng thế hệ 4G.  4G là một sự tiến bộ lớn so với 3G như đọc được website tại phone của bạn, tải và đưa hình, audio, video từ Internet xuống phone và ngược lại, sử dụng các công dụng như Skype, Viber v.v… có thể gọi điện thoại dùng video. Hàng trăm loại application software (gọi là app) có thể tải xuống để dùng ở thế hệ 4G. Đặc biệt vận tốc truyền dữ kiện nhanh gấp 100 lần so với 3G. 4G có thể truyền 100 Mbyte/giây khi di chuyển trên xe, và nhanh gấp 10 lần khi đứng yên, cho phép người sử dụng có thể tải và truyền lên hình ảnh khi quay di động rất rõ. Nhờ thế những hình ảnh chuyển qua Youtube từ trong Việt Nam ra ngoài nước khá rõ và nhanh chóng.

Theo trên thì các thế hệ điện thoại cầm tay được sáng chế từ Nhật, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển nhưng Mỹ không hề lên tiếng, chẳng phải phàn nàn, chỉ mua về chế biến điện thoại bán ra các thị trường thế giới. Nay hệ thống 5G sắp ra đời sẽ thử nghiệm trong năm 2019 và bán ra thị trường năm 2020, và các công ty ZTE và Huawei của Tàu Cộng đang hăm he dẫn đầu thế hệ 5G.

 

Thế hệ 5G ra đời là một cuộc thay đổi toàn diện, có thể nói là một cuộc cách mạng kỹ thuật “điện thoại cần tay” nó không còn dùng thông thường như thế hệ 4G mà chúng ta đang có, mà thế hệ 5G sẽ thay đổi đời sống con người, nó có thể điều khiển các khía cạnh của đời sống, nó mở ra một chiến lược trong chiến tranh điện tử toàn cầu v.v.. Vì thế Hoa Kỳ đang lo sợ kẻ thù của Mỹ sẽ dẫn đầu và kiểm soát 5G như tờ Epoch Times cảnh cáo:  

“Tàu Cộng quyết tâm kiểm soát kỹ thuật công nghệ điện thoại cầm tay thế hệ 5G, là mối đe dọa cho các công ty viễn thông Mỹ và gia tăng lo ngại về an ninh quốc gia. Một chuyên viên kỹ thuật viễn thông mới đây đã cảnh báo rằng chính phủ Hoa Kỳ phải hành động nhanh chóng nếu không sẽ lặp lại trận Trân Châu Cảng trên không gian Internet như hồi Thế Chiến II”.

Không gian Internet được coi là trận địa chiến thứ năm mang tính chiến lược, cùng với các trận địa chiến truyền thống như đất liền (lục quân), trên biển (hải quân), trên không (không quân) và trong không gian vũ trụ (satellite). Nhà cầm quyền Bắc Kinh đang tung tiền khổng lồ đầu tư rất mạnh vào hệ thống 5G như là một phần trong kế hoạch toàn diện về chạy đua kỹ thuật nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh,  nhất là Mỹ, và thống trị toàn cầu với kỹ thuật 5G. Hiện nay hệ thống 5G đang được 3 nước tranh dành là Tàu Cộng, Nam Hàn và Mỹ… trong đó về “networking” thì Tàu Cộng có công ty Huawei và ZTE lớn nhất thế giới, nhưng về chip điện tử hardware cho kỹ thuật 5G thì Mỹ đang nắm con ách chủ bài trong tay do hai công ty Intel và Qualcomm độc quyền sáng chế. Công ty cung cấp software ở Mỹ là Google, Amazone cùng với CISCO là công ty quan trọng cung cấp các linh kiện về networking.

Ông Declan Ganley, nhà sáng lập Hệ Thống Mạng Rivada (Rivada Networks của 5G), so sánh mối đe dọa của Tàu Cộng về Không gian Internet hiện nay với trận Trân Châu Cảng vào 77 năm trước là Nhật Bản đã tấn công vào căn cứ hải quân của Mỹ tại Trân Châu Cảng ở Hawaii, qua đó kéo Mỹ vào tham chiến trong Thế Chiến II. Ông nói: “Chúng ta đang ở vào một trong những thời khắc như vậy của lịch sử, nơi mà bạn cần biết những gì đang xẩy ra trước mắt mình.”

Ông Ganley giải thích rằng vào buổi sáng Chủ Nhật trước cuộc tấn công của quân đội Nhật Bản, nhân viên điều khiển hệ thống radar của Quân Đội Hoa Kỳ thực sự đã phát hiện một số lượng lớn máy bay tiếp cận nhanh. Tuy nhiên, họ cho đó là các máy bay B-17 của Mỹ đang bay tới từ trong nước Mỹ và phớt lờ chúng.

Tương tự như vậy, ngày nay người Mỹ không nhận ra những gì đang xảy đến với họ, ông Ganley nói và nhấn mạnh: “Bây giờ, nó đang ẩn khuất khỏi tầm nhìn rõ ràng và để đánh bại nó, bạn phải hành động ngay”.

Chính phủ Hoa Kỳ đã cấm hai công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất của Tàu Cộng là Huawei và ZTE bán linh kiện điện tử của họ vào thị trường nước Mỹ, viện dẫn nguy cơ về an ninh quốc gia. Washington cũng đã tìm cách ngăn chặn các đồng minh của họ sử dụng thế hệ 5G của các công ty Tàu Cộng, và đặc biệt theo sát hai công ty Qualcomm và Intel cung cấp chip hardware cho Tàu Cộng chế điện thoại cầm tay.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền và các tập đoàn viễn thông Tàu Cộng đang nỗ lực đi đầu trong việc sản xuất các thiết bị cho kỹ thuật công nghệ 5G này. Theo công ty tư vấn Deloitte, Tàu Cộng đã vượt Mỹ trong việc chi tiêu cho kỹ thuật công nghệ điện thoại di động. Báo cáo của Deloitte cho biết: “Hãy nhìn về phía trước, kế hoạch kinh tế 5 năm của Tàu Cộng đã chi 400 tỷ USD vào đầu tư liên quan tới thế hệ 5G”.  Deloitte cũng nói thêm rằng chiến lược của Tàu Cộng là sẽ tạo “sóng thần 5G” và khiến cho Hoa Kỳ không thể bắt kịp.

Kỷ nguyên mới

Kỹ thuật công nghệ thế hệ 5G đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong kỹ thuật điện toán mạng di động không dây. Thế hệ mới này sẽ thay thế mạng di động thế hệ 4G. Thế hệ 5G có khả năng thay đổi cuộc sống của chúng ta bằng việc tăng tốc độ chuyển dữ liệu và đường truyền internet. Thế hệ 5G cũng cho phép mở rộng các thiết bị kết nối thông qua vạn vật (Internet of Things).

Kỹ thuật 5G không những chỉ ứng dụng cho điện thoại mà còn dùng vào điều khiển máy móc kỹ nghệ, thiết bị nông nghiệp, xe hơi,  và nhiều thiết bị khác trong tương lai. Ông Ganley cho biết: “Nó sẽ chạm tới mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Và miền [tác chiến] này là miền không gian mạng.”

“Đó là nơi các trận Trân Châu Cảng của tương lai sẽ diễn ra. Và bất cứ ai thống trị được hệ thống 5G sẽ giành được an ninh chiến lược to lớn và chắc chắn đạt được cả lợi thế về kinh tế”, ông Ganley khẳng định.

5G và các kỹ thuật công nghệ tiếp theo được dự báo sẽ mang lại hàng nghìn tỷ USD về kinh tế. Truyền dữ liệu nhanh hơn và đường Internet kết nối đáng tin cậy hơn có thể cải thiện tăng trưởng năng suất trên toàn bộ nền kinh tế.

Ông Ganley cho biết: “Đó là một sự chuyển dịch kỹ thuật công nghệ mà có khả năng làm tăng trưởng Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) ít nhất 0.75% đến 1% của bất kỳ quốc gia nào trong bất kỳ năm nào. Đó là một sự chuyển dịch kinh tế lớn”.

Chiến lược của Tàu Cộng

Tiêu chuẩn 5G quốc tế sẽ được thiết lập vào năm 2019 và dự kiến đưa vào sử dụng quy mô vào năm 2020. Các công ty của Mỹ và Tàu Cộng đang cạnh tranh khốc liệt để bảo đảm lợi thế người đi đầu trong cuộc chạy đua 5G này.

Chế độ Bắc Kinh đã thừa nhận những lợi ích kinh tế khổng lồ mà kỹ thuật công nghệ 5G mang lại và họ đã xác định đây là ưu tiên của quốc gia, được vạch rõ trong kế hoạch chi tiết “Made in China 2025”.  Vì thế, nhà cầm quyền Bắc Kinh ủng hộ tối đa các nỗ lực của các nhà thành lập hệ thống networking và các công ty viễn thông của họ để xâm nhập thị trường toàn cầu.

Hiện nay, các công ty của Mỹ như Qualcomm, Intel, Cisco, Amazon và Goole là những công ty kỹ thuật dẫn đầu về phát triển mạng thế hệ 5G. Nhưng chính sách được dẫn dắt và đầu tư vốn bởi nhà nước Tàu Cộng đã làm suy yếu sức cạnh tranh của các công ty Hoa Kỳ dựa vào sức đầu tư của tư nhân.

Theo ông Ganley, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã phát hiện cơ hội để thống trị không gian Internet toàn cầu qua thế hệ 5G. Để xây dựng mạng 5G, Tàu Cộng đã sử dụng các nhà dùng mạng di động trên toàn thế giới như những chú ngựa thành Troy của họ để thực hiện công việc vận động hành lang cho Tàu Cộng.

“Đó là một kế hoạch sáng lạn và nó gần như đã có hiệu quả”, ông Ganley nói.

Ông Ganley giải thích rằng các nhà dùng mạng toàn cầu muốn dùng kỹ thuật công nghệ Tàu Cộng vì giá thành rẻ hơn và được chính phủ Tàu Cộng trợ cấp. Họ cũng không lo ngại về mặt chiến lược.

Theo ông Bradley A. Blakeman – giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown cho biết Tàu Cộng tiếp cận thị trường viễn thông toàn cầu thông qua hai gã khổng lồ Huawei và ZTE.

ZTE là công ty viễn thông lớn thứ hai Tàu Cộng và là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Họ sản xuất điện thoại di động và linh kiện điện tử cho nhiều nhà sản xuất Mỹ.  Họ có mối làm ăn với trên 150 công ty điện thoại không dây tại 60 nước.

Trong khi đó, Huawei là công ty viễn thông hàng đầu thế giới. Huawei bán smartphone và thiết bị viễn thông khắp thế giới, có mặt tại 170 quốc gia. Đầu năm nay, công ty Tàu Cộng này đã trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Samsung của Nam Hàn.

Qua đó cho ta thấy rằng tại sao Mỹ chiếu tướng và bắt bà Giám Đốc tài Chánh Mạnh Vãn Châu của công ty Huawei là bắt con ong chúa trong tổ ong đang cạnh trạnh chiến lược với Hoa Kỳ.

Điều nhận xét này cho ta thấy chiến tranh thương mại Mỹ-Tàu là những trận chiến khởi đầu làm suy giảm tiềm lực của Tàu Cộng.  Nhưng mục tiêu nhắm tới là sự tranh dành vị thế siêu cường giữa Tàu Cộng và Hoa Kỳ.

Lê Hoành Sơn
27/12/2018

(1) Federal Reserve Bank of Minneapolis Community Development Project. “Consumer Price Index (estimate) 1800–”. Federal Reserve Bank of Minneapolis. Retrieved January 2, 2018.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt