Biển Đông: Tàu Trung Cộng bị tố gây nguy hiểm cho tàu Mỹ
Ngày 02/10/2018, Bắc Kinh đã lớn tiếng đả kích Mỹ “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ” Trung Cộng khi cho chiến hạm áp sát hai hòn đảo nhân tạo mà Trung Cộng chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Lời đả kích được đưa ra ít lâu sau khi một chiến hạm Trung Cộng bị phía Mỹ tố cáo là đã có hành vi gây nguy hiểm cho khu trục hạm Mỹ USS Decatur khi chiếc tàu này di chuyển ở vùng Trường Sa hôm 30/09 vừa qua.
Một phát ngôn viên của Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ đã xác nhận với hãng tin Pháp AFP rằng hôm 30/09, chiếc USS Decatur đã tiến hành một chiến dịch “bảo vệ tự do hàng hải“ khi đi vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý bao quanh các rạng san hô Ga Ven và Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.
Khi tàu Mỹ đang di chuyển gần đá Ga Ven thì một khu trục hạm Trung Cộng lớp Lữ Dương (Luyang) đã xông đến một cách “hung hăng”, “nguy hiểm và không chuyên nghiệp”, chỉ cách mũi chiếc Decatur khoảng 45 yard (tức là 41 mét). Hành vi của tàu Trung Cộng đã buộc tàu Mỹ phải chuyển hướng để tránh va chạm.
Sau đó, chiếc tàu Trung Cộng đã có một loạt thao tác “càng lúc càng hung hăng” và đòi tàu Mỹ phải rời khỏi khu vực.
Về phía Bắc Kinh, lập luận dĩ nhiên khác hẳn. Trong một thông báo vào hôm nay, bộ Quốc Phòng Trung Cộng đã giận dữ khẳng định trở lại chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, và tố cáo phía Mỹ cho tàu đi vào lãnh hải của Trung Cộng quanh các đảo ở Biển Đông mà “không xin phép”, buộc Trung Cộng phải cho tàu ra để yêu cầu rời khỏi khu vực.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde phân tích thêm về những lý do khiến Trung Cộng tức giận:
Giọng điệu của bản thông cáo không thể kém cứng rắn hơn: Bộ Quốc phòng Trung Cộng khẳng định rằng việc Mỹ gởi chiến hạm đến vùng Biển Đông đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Trung Cộng, và gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ quân sự Mỹ-Trung.
Phải nói là quan hệ Mỹ-Trung trong lãnh vực quốc phòng lúc này đã rơi xuống mức gần như là ngang bằng với quan hệ thương mại: Hôm chủ nhật vừa qua, khu trục hạm Mỹ USS Decatur đã đi được khoảng hơn 10 hải lý trong vùng biển sát một hòn đảo nhân tạo của Trung Cộng tại Biển Đông, trước khi bị tàu Trung Cộng xông đến đuổi đi.
Sự kiện đó như một giọt nước làm tràn ly. Đối với chính quyền Trung Cộng, hoạt động này của chiến hạm Mỹ đã cộng thêm vào các phi vụ của oanh tạc cơ B-52 trên Biển Đông và Biển Hoa Đông được Lầu Năm Góc loan báo.
Theo Washington, phản ứng cản trở tàu Mỹ của Trung Cộng một lần nữa chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh muốn hạn chế sự tự do đi lại trong một vùng biển chiến lược, nơi hoạt động của nhiều quốc gia khu vực.
Bắc Kinh thì đả kích lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào quân đội Trung Cộng vì đã mua vũ khí của Nga. Trung Cộng cũng chống lại việc Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan.
Hệ quả là cuộc họp an ninh dự trù với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Bắc Kinh vào tháng 10 này đã bị hủy bỏ.
Trọng Nghĩa