Còn gì cho tuổi trẻ Việt Nam?

Còn gì cho tuổi trẻ Việt Nam, người bạn trẻ thổ lộ lên tâm trạng của mình sống và lớn lên trong lòng chế độ XHCN. Hôm nay người trẻ đã biết đặt vấn đề. Bài dưới đây là tâm trạng, thao thức của hàng triệu tuổi trẻ đang sống tại Việt Nam…

Còn Gì Cho Tuổi Trẻ Việt Nam?

Sơn Nguyễn

Em chưa được sinh ra khi cuộc chiến huynh đệ tương tàn kết thúc. Ngày em chào đời là lúc em thừa hưởng một đất nước tan hoang rã rời.

Em được cha mẹ kể lại trong cuộc chiến vừa qua hơn hai triệu đồng bào ruột thịt của cả hai miền đã ngã xuống cho mảnh đất em đang lớn lên. Một cách chính thức và không chính thức em được biết dân ta rất hào hùng. Ở cả hai phía đều có những anh hùng bất khuất nhưng rất tiếc họ lại đánh nhau.

Ông em đi lính Việt Nam Cộng hòa, nhưng bố em lại phải đi nghĩa vụ quân sự cho nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, còn em thì cắp sách đến trường để nghe người ta giảng về sự oai hùng của quân đội bố em khi đánh bại đội quân của ông em. Em ngồi đó mà nghe chết lặng cả tâm hồn!

Năm tháng lặng lẽ trôi qua ông em đã ra người thiên cổ, bố em nay tuổi cũng già. Thế hệ chúng em giờ đây chỉ biết có một điều là kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền để có đủ tiền mua tất cả, từ những viên thuốc lắc trong vũ trường, những tấm bằng đại học giá bèo đến cả những công lý ở đời thường.

Tiền là thước đo cho sự thành công, là phẩm chất sống xã hội đang cổ võ. Em luôn tự hỏi không biết rồi đây tiền có mua được sự toàn vẹn lãnh thổ không nữa.

Khi nghe tin Trung Quốc đang cướp lãnh thổ ngoài khơi của Việt Nam em bỗng giật mình, sao lại thế nhỉ?

Việc này đã có nhà nước lo lâu rồi cơ mà. Hơn nữa Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa anh em mà có một lần em được học dưới mái trường XHCN sau ngày thống nhất đất nước:

“Việt Nam và Trung Quốc là hai nước anh em, sông liền sông, núi liền núi. Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí mà còn là người thầy tín cẩn, đã cưu mang chúng ta, nhiệt tình để chúng ta có được ngày hôm nay, thì chủ quyền Hoàng Sa và Trường sa thuộc về Trung Quốc hay thuộc về ta cũng vậy thôi. Khi nào chúng ta muốn thu hồi thì Trung Quốc sẽ sẵn sàng trao lại!…”

Chẳng lẽ đây là cái “tình anh em xã hội chủ nghĩa” mà em được học?

Trăm lần không, ngàn lần không, em không muốn tin, nhưng nó lại là sự thật. Đây đúng là câu chuyện “Cây Khế” thời đại rồi!

Hôm qua, cùng các bạn xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc hành chính hóa hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam em đã ngộ ra một điều: Tiền không thể mua được sự an nguy của tổ quốc, lòng yêu nước theo kiểu Xã hội chủ nghĩa có cái gì đó không thể tiêu hóa nổi.

Trung Quốc vĩ đại không chỉ là người đồng chí mà còn là người thầy tín cẩn, vậy thì chủ quyền Hoàng Sa và Trường sa thuộc về Trung Quốc hay thuộc về ta cũng vậy thôi.

Vẫn một điệp khúc cũ khi anh công an ngăn cản chúng em đến gần toà lãnh sự Trung Quốc: “Vấn Đề Hoàng Sa và Trường sa đã có nhà nước lo, các anh tụ tập phản đối như vậy là bất hợp pháp”.

Chao ôi, sao lại thế này?

Phản đối kẻ xâm lược cũng là bất hợp pháp ư?

Vậy thì còn việc gì mà hợp pháp trong chính quyền em đang sống đây?

Em tự hỏi và tự trả lời. Không, không có việc gì cả chỉ là vấn đề “chính quyền nhân dân” có thích nhân dân hay không mà thôi.

Các bạn ơi chúng ta đã bị ru ngủ từ lâu lắm rồi. Đất nước của chúng ta do máu xương của cha anh để lại thì cũng phải lấy máu xương của chúng ta mà gìn giữ nó.

Chúng ta không thể ủy thác cho bất kỳ một ai dù là chính quyền khi họ không còn đủ ý chí chính trị mạnh mẽ. Chúng ta phải nên làm một cái gì đó nhỏ thôi nhưng thật ý nghĩa trước khi mọi việc quá muộn, để đến khi thế hệ con em chúng ta được sinh ra đất nước này vẫn hình chữ S thân yêu.

Hãy vững bước lên các bạn ơi.
Một tiếng thét giữa trời xanh, sóng dậy
Nước non này không phải của riêng ai
Núi trả núi, sông đền sông, đòi lại
Nam sơn hà một dải định thiên thư
Trong vũ trụ bao la không cùng tận
Việt Nam mình bất khuất sử lưu danh
Sông có cạn, núi có mòn, vẫn giữ
Lệ có nhòa, máu có đổ, xông lên!

Sơn Nguyễn

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt