Ngày 30 tháng 4: Tưởng Nhớ về Người Anh Hùng bị Lãng Quên

 

      Đại tá Nguyễn Hữu Thông, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 42/       Sư Đoàn 22 BB. QLVNCH

Lời người post: Sắp tới ngày Quốc Hận 30 tháng 4. 43 năm trôi qua, Đất Nước chìm đắm trong nền cai trị độc tài, người Dân chưa bao giờ thấy được thấy ánh sáng của tự do dân chủ. Càng ngày càng ngập sâu vào cảnh bắt bớ, tù đầy, đánh đập, hành hạ… Những ai đụng tới quan thầy Trung Cộng của Việt Cộng thì bị vào tù ngồi “đếm” hàng chục cuốn lịch! Trí thức không dám lên tiếng về những thảm trạng mà Trung Cộng gây ra cho dân tộc Việt Nam! Những hệ lụy đau thương của dân tộc đó làm cho chúng ta nhớ tới Việt Nam Cộng Hòa, một thể chế tự do dân chủ. Đặc biệt, những người Chiến sĩ Quân Lực VNCH đã chiến đấu anh dũng bảo vệ cho nền Tự do Dân chủ đó. Bài này tưởng nhớ vị Đại Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 42, Sư Đoàn 22 Bộ Binh QLVNCH, Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, xuất thân khóa 16 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam… với hình ảnh kiêu hùng của những ngày sau cùng cuộc chiến 30/04/1975.

Ngày 30 tháng 4 TƯỞNG NHỚ VỀ NGƯỜI ANH HÙNG BỊ LÃNG QUÊN 

Ngày 31 tháng 3 năm 1975, tại Thành phố Quy Nhơn, người ta nghe rất rõ nhiều tiếng đạn nổ từ đèo An khê, tiếng rít kinh hồn của đại bác từ dẫy núi Nam Triều và mọi người đều nhận ra rằng Bắc quân sẽ tấn công thành phố này trong nay mai.

Sáng ngày 1 tháng tư năm 1975, có một vị Ðại Tá, người cao lớn, còn rất trẻ, da hơi ngăm đen đã bất thần đến thăm Quân Y Viện Quy Nhơn. Thấy tình cảnh chỉ còn một bác sĩ và vài y tá cùng hằng trăm thương binh trong tình trạng thiếu ăn, thiếu thuốc, cũng như nhiều chiến sĩ tử thương chưa được chôn cất, Ông đã bật khóc trước mặt vị Bác sĩ này. Đó là Y sĩ Trung úy Nguyễn Công Trứ, người Bác sĩ duy nhất còn lại trong Quân y viện. 

Chiều ngày 2 tháng tư, Quân Y Viện lại tiếp nhận thêm một “xác chết” nữa, và đau buồn thay! Chính là thi hài của vị Ðại Tá hôm qua, Đại tá Nguyễn Hữu Thông, Trung Đoàn trưởng Trung Đoàn 42, một  Trung Đoàn thiện chiến nhất của Sư Đoàn 22 BB. Binh sĩ đưa xác ông tới, và cho biết ông đã tự sát sau khi từ chối lên (một chiếc) tầu Hải quân để được hải vận về Nha Trang cùng với 3 Tiểu đoàn của Ông trên bờ biển Quy Nhơn. Xác ông được Quân y viện chôn cất dưới Cột Cờ, chung với 46 tử sĩ QLVNCH.         

Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông sinh năm 1937, nguyên quán tại Thạch Hãn, Quảng Trị, nhập học khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam năm 1959, khóa đầu tiên với chương trình 4 năm đào tạo Sĩ quan Hải Lục Không Quân hiện dịch. Ông tốt nghiệp ngày 22 tháng 12 năm 1962 và chỉ không đầy 10 năm sau, được thăng cấp Đại tá Thực Thụ tại chiến trường Cao nguyên năm 1972.              

Hình trên: Tổng Thống Đệ Nhị Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu với các Trung Đoàn Trưởng cùng xuất thân Khóa 16 tại chiến trường Cao nguyên: Trung tá Đinh Văn Mễ (Trái), Trung Đoàn trưởng  Trung Đoàn 47, Đại tá Nguyễn Hũu Thông (Giữa), Trung Đoàn trưởng  Trung Đoàn 42 và Đại tá Nguyễn Thiều (Phải), Trung Đoàn trưởng  Trung Đoàn 41 thuộc  Sư Đoàn 22 BB

Binh nghiệp lẫy lừng nhưng đầy bi hùng của Đại tá Thông bắt đầu từ cuối năm 1971 khi ông còn là Trung tá, được chỉ định về làm Giám đốc Trung Tâm Hành Quân /Tiểu Khu Bình Định, nhưng chỉ chừng 3 tháng sau, ông được bổ nhiệm làm  Trung Đoàn trưởng  Trung Đoàn 42/Sư Đoàn 22 Bộ Binh (BB) để trực chiến ngay với Bắc quân Cộng sản  trong một trận chiến kinh hoàng nhất trong Mùa Hè Đỏ Lửa, tháng tư năm 1972, trận DAKTO – TÂN CẢNH. 

Mở đầu Mùa Hè Đỏ Lửa tại Dakto-Tân Cảnh ngày 22 và 23 tháng Tư năm 1972, các  Sư Đoàn Bắc quân đã bất thần tấn công trực diện vào Bộ Tư lệnh Tiền phương và 2  Trung Đoàn của  Sư Đoàn 22, với sự yểm trợ của đại pháo cường tập tối đa và Thiết giáp hạng nặng cùng với chiến thuật biển người.  Trung Đoàn 42 và 47 và Bộ tư lệnh của  Sư Đoàn đã chống trả mãnh liệt, Thiếu Tá Nguyễn Bá Như, Trung Đoàn Phó 42, cùng Đại Úy Cố Vấn Kenneth Yoman đã leo lên tháp nước cao tại căn cứ, xử dụng đại liên 12 ly 7 để tác xạ địch, đã bị hỏa tiễn Sagger bắn trúng, bồn nước nổ tung và cà hai vị sĩ quan này tử thương tại chỗ. Tân cảnh thất thủ !

Ban cố vấn còn lại được cố vấn trưởng Quân đoàn John P. Vann giúp đỡ di tản lúc 4 giờ sáng bằng trực thăng, nhưng vị Tư lệnh Sư Đoàn 22, Đại tá Lê Đức Đạt cương quyết ở lại chống trả, để rồi tử trận trong biển lửa ngày 24 tháng Tư, 1972.

Bản đồ mặt trận Darkto-Tân Cảnh

Sự uất hận thua trận vì chiến thuật biển người thí quân của Bắc quân và sự hy sinh anh hùng của một Đại niên trưởng đã làm các Huynh Đệ khơi dậy tinh thần yêu nuớc, yêu dân và lòng can đảm của những Sĩ quan tự hào xuất thân từ Quân trường Võ Bị nổi tiếng, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Đại tá Thông cùng với vị Tân Tư lệnh cùng 3 vị  Trung Đoàn trưởng 40, 41 & 47 đã tái hồi sinh một  Sư Đoàn 22 mãnh liệt và dũng cảm hơn bao giờ hết.  Sư Đoàn 22 cùng với Sư Đoàn 23 từ đó đã tái chiếm, trấn giữ vùng Cao nguyên từ Pleiku đến KonTum, từ Pleime đến Bình Định.

Nhưng cho đến một ngày…..một ngày vào cuối tháng 3 năm 1975, theo lời của Y sĩ Trung úy Phan ngọc Hà, Tiểu đoàn 22 Quân y, thì “. …tình thế biến chuyển thật lẹ làng. Quyết định sai lầm trong việc triệt thoái Quân đoàn 2 ra khỏi Cao nguyên chẳng những đã không duy trì được lực lượng tác chiến mà còn làm rối loạn hậu phương và cũng chẳng có một lợi ích chính trị nào hết nếu không muốn nói đến sự phá sản của mọi mặt khi quân bài Domino bắt đầu đổ vỡ.”
 
Tháng 3 năm 1975, khi Ban Mê Thuột thất thủ, SĐ 22 chỉ còn 3  Trung Đoàn để phòng thủ Bình Định vì Trung đoàn 40 đã phải tăng phái cho SĐ 23 BB tại tuyến bắc Khánh Dương. Tại Bình Định, Trung Đoàn 47 của Đại tá Lê Cầu (Khóa 18/Võ Bị Đà Lạt) được giao khu vực bắc Bình Định, lo trấn giữ Bồng Sơn, cửa ngõ ra vào thung lũng An Lão.

Trung Đoàn 41 của Đại tá Nguyễn Thiều giữ Quốc lộ 19 từ Bình Khê đến An Khê, trong khi  Trung Đoàn 42 của Đại tá Nguyễn Hữu Thông giữ Quốc lộ 19 phía Nam Bình Khê và phần lãnh thổ còn lại của Bình Định. Trong lúc Trung Đoàn 42 đang cầm cự một cách dũng mãnh với  Sư Đoàn 3 Sao vàng của Bắc Việt ở mặt trận Bình khê thì được lệnh phải di tản về Nha Trang để yểm trợ cho Lữ đoàn 3 Nhảy Dù đang cầm chân Cộng quân ở Khánh Dương.

Nhưng lui binh bao giờ cũng là vấn đề khó khăn của các nhà quân sự từ Đông Tây kim cổ. Tài ba và mưu lược như Gia Cát Lượng mấy lần vào Kỳ Sơn như chỗ không người; oai dũng kiêu hùng như Napoléon cùng đoàn quân viễn chinh dưới chân Kim Tự tháp tự hào rằng lịch sử đang chiêm ngưỡng tài danh vẫn không khỏi khốn đốn khi phải rút lui, khi trận địa không còn ưu đãi.

Tuy nhiên, với những kỳ tài điều quân, ông đã để lại những trang sử hào hùng hiếm có trong Quân sử cận đại, điển hình là trận tái chiếm Đèo Nhông năm 1974. Theo lời của Phóng viên chiến trường Phạm Huấn “Đây là cuộc chuyển quân thần tốc của một  Trung Đoàn – Trung Đoàn 42 Bộ Binh – từ Tây Nguyên trở về Bình Định tái chiếm đèo Nhông – đây cũng là một chiến thắng kỳ diệu nhất của  Trung Đoàn 42 trong năm 1974.  Trung Đoàn 42 Bộ Binh đang hành quân tại vùng Pleime, Tây Nam Pleiku, trong một buổi chiều, được lệnh về giải tỏa áp lực của địch tại mặt trận Bình Định. Cuộc chuyển quân tưởng rằng phải được thực hiện trong vòng 2 hay 3 ngày. Nhưng, ngay đêm ấy, toàn bộ  Trung Đoàn 42 đã về tới Bắc Phù Cát. Và từ đó, dùng bàn đạp, đánh thẳng vào hậu phương địch, khiến Bắc quân trở tay không kịp. Những trận đánh đẫm máu ròng rã suốt 3 ngày sau.  Trung Đoàn 42 đã tiêu diệt gần 1  Trung Đoàn CSBV của  Sư Đoàn 3 Sao Vàng, dựng nên “Chiến Thắng Đèo Nhông”.

Trước khi mặt trận Ban Mê Thuột bùng nổ, một lần nữa, Trung Đoàn 42 Bộ Binh cũng đã tái chiếm và biến 2 ngọn đồi vô danh từ Tây Tây Nam quận Hoài Nhơn, Bình Định thành những “di tích” của chiến sử, nói lên tinh thần chiến đấu chống Cộng phi thường của người quân nhân QLVNCH.

Hai ngọn đồi vô danh, đó là những ngọn đồi chiến lược, được mang số 82 và 174, nằm trên huyết lộ vận chuyển của Cộng quân, trên trục Quảng Ngãi – Bình Định. Cũng tại hai cao điểm chiến lược này, bọn nhà báo bất lương ngoại quốc, sau gần 20 năm xuyên tạc về chiến tranh Việt Nam, đã phải ngả nón kính phục về tinh thần dũng cảm của QLVNCH. Một phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ cũng được gởi tới đó quan sát chiến trường, và khi trở về nước, đã lên tiếng binh vực, ủng hộ Việt Nam. Nhưng, mọi chuyện đã quá muộn!

Ngày 31 tháng 3 năm 1975, trước và sau đó suốt 22 tiếng đồng hồ, các  Trung Đoàn 41, 42, 47, trên chặng đường rút quân này, đã phải đương đầu một trận tuyến dài hơn 30 cây số; từng đơn vị bị phục kích, bị “chặt đứt” ra từng đoạn nhỏ. Họ phải trực diện một cuộc trả thù tàn ác, man rợ nhất trong trận chiến sau cùng của chiến tranh Việt Nam. Trên 30 cây số đường máu, chiến đấu không yểm trợ, không tiếp tế, không tản thương…

Trước mặt, sau lưng, đều là địch

“Đối thủ” lần này tuy vẫn là  Sư Đoàn 3 Sao Vàng, và những tiểu đoàn đặc công CSBV. Bắc quân CS ở thế thượng phong, có pháo và chiến xa yểm trợ. Những người cộng sản đã không cần biết đến quy luật của chiến tranh. Chúng thẳng tay tàn sát “kẻ thù” mà trước đây đã gây cho chúng những tổn thất lớn lao, những thất bại đau đớn.

Trên 30 cây số đường máu, các chiến sĩ Sư Đoàn 22 Bộ Binh đã chiến đấu trong tình trạng tuyệt vọng, nhưng vẫn dũng cảm, anh hùng. Tưởng cũng cần nhắc lại, Sư Đoàn 22 BB gồm có 4  Trung Đoàn bộ binh, Trung Đoàn 40,41,42 và 47.

Nhiều người đã bắn đến viên đạn cuối cùng, rồi ngã gục! Những hành động thật hào hùng, thật phi thường, trong đó có Đại tá Lê Cầu, Trung Đoàn trưởng  Trung Đoàn 47…..”

Thật vậy, sau trận chiến Dakto-Tân cảnh, nếu  Trung Đoàn 42 nói riêng và  Sư Đoàn 22 nói chung đã từng chiến đấu kiên cường biết bao với Cộng quân, thì khi phải rút lui, họ lại bị tơi tả dường ấy. Mọi kế hoạch thật không diễn tiến đúng như những bàn thảo ban đầu. Thành phố Quy Nhơn hỗn loạn sớm hơn dự tính vì đã có sự trà trộn của các đặc công và sự quấy phá của các Việt cộng nằm vùng.

Tuy nhiên khi  Trung Đoàn 42 từ An Túc rút về tử thủ ở chân đèo An Khê, tại đây, Trung Đoàn 42 đã lần chót đã đánh bật sư đoàn F10 Cộng quân không cho tràn xuống từ đèo An Khê, đã tiêu diệt trên 600 địch quân.  Sư Đoàn Bắc quân F10 (SĐ 10) phải bọc qua dẫy Nam Triều cố tràn xuống chiếm Quy Nhơn, nhưng Đại tá Thông đã kết hợp với  Trung Đoàn 41 của Đại tá Thiều ( bạn cùng khóa 16/ Trường Võ Bị Đà Lạt ) tức tốc kéo về thành phố Quy Nhơn trước, đã cầm chân  Sư Đoàn F10 và các lực lượng địa phương Cộng sản để bảo vệ cho Quân Dân di tản, và đã ở lại tử thủ Quy Nhơn cho đến ngày 2 tháng Tư.

Trong thời gian này, Tư Lệnh Hải Quân, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, chỉ thị cựu Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, vào chức vụ Tư Lệnh các Lực Lượng Hải Quân yểm trợ chiến trường Quy Nhơn.

Lực lượng Hải quân gồm có các chiến hạm:

Một tàu Hải Quân VNCH tăng cường cho mặt trận Quy Nhơn

HQ-3, Soái hạm có Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh; HQ-07 có HQ Trung tá Lê Thuần Phong, Chỉ huy trưởng (CHT) Hải đội 2 Tuần dương, sau đó đã lên HQ-403 để điều động cuộc nhập hạm của 2  Trung Đoàn 41 và 42; HQ-8 có HQ Trung tá Lê Thành Uyển, CHT Hải đội 3 Tuần dương, trách nhiệm phối hợp với các đơn vị Bộ Binh trên bờ; HQ400 có nhiệm vụ đón các đơn vị sau cùng của  Sư Đoàn 22 BB và 2 vị  Trung Đoàn Trưởng  Trung Đoàn 41 và 42.

Ngày 2 tháng tư năm 1975, Sư Đoàn 22 BB có lệnh từ Bộ Tổng Tham Mưu phải rút quân, Đại tá Nguyễn Hữu Thông và Đại Tá Nguyễn Thiều, Trung Đoàn trưởng Trung Đoàn 41 đành phải điều động gần 5 Tiểu Đoàn thuộc quyền lên các chiến hạm Hải Quân đậu gần bờ dưới những lằn đạn pháo kích nghiệt ngã của Bắc quân.

Nhưng vẫn còn môt Tiểu Đoàn của Đại Tá Thông còn chưa đến. Hai ông quyết định một người phải ở lại chờ đợi, một người phải lên tàu để chỉ huy đoàn quân. Thông và vài người đã chọn ở lại, quyết chờ đợi.               

 Vì chiến hạm phải cứu nguy hàng ngàn người di tản khác khi địch quân hàng hàng lớp lớp đang truy kích quân ta sát bờ, nên tầu phải nhổ neo.

Theo lời của nhà văn Hải Quân Điệp Mỹ Linh: “Từ trong bờ, Việt Cộng bắn ra chiến hạm dữ dội khiến chiến hạm không thể nào cặp bãi được. Cuối cùng, một số các quân nhân của Sư Đoàn 22 phải bơi ra tầu. Trong số những quân nhân đã lên tàu, có Thiếu Tướng Phan Đình Niệm, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh.”

HQ-07, HQ-08, HQ-400 và HQ-403 trách nhiệm yểm trợ & hải vận Sư Đoàn 22 về Nha Trang 

Trong khi đó, từ thành phố Quy Nhơn, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 42 Bộ Binh, Đại Tá Nguyễn Hữu Thông tiếp tục trấn an Hải Quân Trung Tá Lê Thành Uyển, Chỉ huy trưởng Hải Đội 3 tuần dương trên HQ-08. Ông cho biết rằng trong thành phố Quy Nhơn không có một tên Việt Cộng nào cả. Trung Tá Uyển hỏi tại sao lại có nhiều tiếng súng thì Đại Tá Thông trả lời, đó là của Nhân Dân Tự Vệ bắn vu vơ, để ông ấy cho dẹp ngay. Vì đã biết tình hình thật sự trên bờ, Trung Tá Uyển yêu cầu Đại Tá Thông nên ra tàu sớm. Đại Tá Thông bảo Trung Tá Uyển cho tàu đón quân lính của Ông ra trước đi….
Sau cùng, Trung Tá Uyển lại liên lạc với Đại Tá Nguyễn Hữu Thông lần chót, hỏi tại sao chưa thấy ông lên tàu? Đại Tá Thông đáp: “Tôi không thể ra với anh được. Lính của tôi có lẽ ra cũng gần hết rồi. Cảm ơn anh. Tôi đi về đây! Nhưng không ai biết vị Anh hùng ấy đi về đâu ?!”.                            

Theo lời của Đại tá Nguyễn Thiều, Đại tá Thông cùng với vài binh sĩ đã đi ngược lại về phía những Ngọn Ðồi Vô Danh tức cao điểm 82174 phía Tây Tây Nam Quận Hoài Nhơn tỉnh Bình Ðịnh, có lẽ ông đã cùng chết với những binh sĩ sau cùng của ông vừa mới tử trận trên những ngọn đồi lịch sử này.  Dư luận Tỉnh Bình Định cho là Đại tá Nguyễn Hữu Thông đã theo gương Danh tướng Võ Tánh cùng mất với Quy Nhơn. Khi vị Đại tá này nằm xuống ngày 2 tháng 4, ông chỉ mới 38 tuổi đời, nhưng Ông đã thực sự đi vào huyền thoại của của dân chúng Miền Trung kể từ đó.

Trong phần bình luận “Cuộc triệt thoái Cao nguyên 1975”, phóng viên Quân đội Phạm Huấn, một lần nữa đã ngưỡng mộ tính chất hào hùng của Đại tá Nguyễn Hữu Thông như sau:

…. “Sự hy sinh của một người anh hùng, một đại anh hùng sáng ngày 2/4/1975, đã bị rơi vào quên lãng, và cũng là một thiệt thòi lớn lao cho Đất Nước! Đó là trường hợp Đại tá Nguyễn Hữu Thông, Trung Đoàn trưởng Trung Đoàn 42, Sư Đoàn 22 Bộ Binh…”

Ông viết tiếp: “Tôi có thể quả quyết rằng, trong 20 năm sau cùng của chiến tranh Việt Nam, không có một Tướng lãnh nào khi chỉ huy một cấp trung đoàn hay lữ đoàn, đã tạo dựng được những chiến công to lớn như người Anh hùng Nguyễn Hữu Thông. Những tướng Cộng sản Bắc Việt chỉ huy  Sư Đoàn 320 Điện Biên Phủ, Sư Đoàn 3 Sao Vàng trong những năm 73, 74, 75, cho đến bây giờ và mãi mãi sẽ phải cúi mặt khi nhớ đến thảm bại nhục nhã, những thảm bại bởi Trung Đoàn 42 Bộ Binh, do Đại tá Nguyễn Hữu Thông chỉ huy, tại Pleime, Đèo Nhông, và “Những Ngọn Đồi Vô Danh” (Cao điểm chiến lược 82 và 174) tại Tây, Tây Nam Hoài Nhơn, Bình Định.”

“Nhân vật và Hình ảnh” Nguyễn Hữu Thông, sau khi đưa “những chiến hữu anh em còn lại” về vùng an toàn; đã lừng lững đi trở lại con đường cũ, về phía “Những Ngọn đồi vô danh”…để chết thật đẹp, thật phi thường, thật hào hùng!

Hai năm trước đây, tôi có dịp hầu chuyện với một vị tiền bối cùng thời với Hồ chí Minh. Tôi có thưa với Cụ về tài ba, anh hùng, của những Sĩ Quan các khóa 16, 17, 18…Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Họ được huấn luyện 4 năm cả về Quân Sự lẫn Văn Hóa, như tại các trường Võ Bị của Mỹ, Anh, Pháp.
Trong những trận chiến sau cùng, các Sĩ Quan này đã giữ những chức vụ  Trung Đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng, nhiều vị mất tích, tự sát hoặc ở lại chiến đấu với chiến hữu của mình cho đến phút cuối cùng. Như Đại tá Khóa 16 Đặng Phương Thành, Trung Đoàn trưởng  Trung Đoàn 12, Sư Đoàn 7 BB; như Lữ đoàn trưởng K.16 Nguyễn Xuân Phúc, Đỗ Hữu Tùng, Thủy Quân Lục Chiến ngoài vùng Hỏa tuyến; như K 16 Bùi Quyền, Nhẩy dù; như K 17 Võ Vàng; như K 18 Lê Cầu, Trung Đoàn trưởng  Trung Đoàn 47 tại mặt trận Bình Định …”

Sau cùng, Phóng viên chiến trường Phạm Huấn kết luận: “Nếu Hiệp Định Paris 27/1/1973 được ký kết trễ hơn khoảng 2 năm nữa, miền Nam không bao giờ mất vào tay cộng sản. Bởi vì, đất nước và quân đội sẽ được lãnh đạo và chỉ huy bởi những Tướng Lãnh anh hùng, có khả năng cả về quân sự lẫn văn hóa, với đầy đủ Trí, Đức, Dũng. Ngày 2/4/1975, nếu người anh hùng Nguyễn Hữu Thông là Thiếu tướng Nguyễn Hữu Thông, thì chắc chắn cái chết của Ông sẽ tạo thành một trận cuồng phong. “Trận cuồng phong” từ vùng Đất Linh thiêng của Quang Trung Đại Đế, sẽ làm quân thù khiếp sợ. Và gây được sự tin tưởng, phấn khởi cho toàn Quân, toàn Dân trong những ngày cuối cùng !”.        

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC MỘT NGƯỜI BẠN, MỘT ANH HÙNG BỊ LÃNG QUÊN,

NGUYỆN CẦU CHO LINH HỒN TẤT CẢ CÁC HUYNH ĐỆ QLVNCH ĐÃ NẰM XUỐNG ĐƯỢC MIÊN VIỄN BÌNH AN, THÊNH THANG TRÊN CÕI VĨNH HẰNG.  

HQ Nguyễn Đức Thu (Hoa Thịnh Đốn)
CSVSQ K16, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt