Sự khác nhau giữa Trung Cộng và Nga

Tập Cận Bình (T) – Putin (P)

Ngày 17/03/2018, Tập Cận Bình được toàn thể 2.970 đại biểu Quốc Hội Trung Cộng bỏ phiếu thông qua nhiệm kỳ thứ hai. Một ngày sau, 18/03, đến lượt Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 4 với hơn 76% phiếu bầu. Theo góc nhìn từ phương Tây, đây là thắng lợi của hai nhà độc tài. Nhưng thắng lợi Putin lại không giống với chiến thắng của Tập. Nhà báo Renaud Girard trên Le Figaro (20/03/2018) đưa ra “Những lý do của sự chênh lệch lớn” này.
Theo tác giả, cả Trung Cộng lẫn Nga đều không phải là Nhà nước pháp quyền theo định nghĩa của phương Tây, sau khi hệ tư tưởng cộng sản bị xóa bỏ vào năm 1989. Điểm khác biệt giữa hai thể chế chuyên quyền lớn là đối lập được Moscow nhắm mắt cho tồn tại ở một mức độ nào đó, còn Bắc Kinh thì nghiêm cấm. Dân Nga có thể phê phán trên một số báo chí hoặc mạng xã hội; điều này không thể xẩy ra tại Trung Cộng.

Tuy nhiên, Trung Cộng thì phát triển kinh tế một cách “ngoạn mục”, trong lúc nền kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu. Tác giả nhấn mạnh: sự khác biệt giữa hai nước không phải do mức độ chuyên quyền ít hay nhiều. Nguyên nhân là kể từ năm 1989, Trung Cộng không hề sơ suất chiến lược [độc tài] nào trong lúc Nga vẫn chưa định ra được chiến lược.

Nhà nước và xã hội của Nga và Trung Cộng do đảng Cộng Sản thiết kế, tổ chức và lãnh đạo. Tại Moscow, Gorbachev rồi Yeltsin đã phá vỡ tổ chức này và không có gì để thay thế. Còn tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo không ngừng củng cố hiệu quả hoạt động của đảng Cộng Sản, với mục đích là quản lý tốt hơn một xã hội tư bản mới của Trung Cộng. Chính thông qua cơ chế Đảng mà Tập Cận Bình tiến hành chiến dịch chống tham nhũng (khoảng một triệu rưỡi vụ bắt giữ).

Giới lãnh đạo Trung Cộng không cần quan tâm đến nghĩa gốc của từ “Cộng Sản” hay “Tư Bản”. Đó là những người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và họ chỉ quan tâm đến một việc là tái lập vị thế đứng đầu châu Á mà Trung Cộng đã từng nắm giữ hồi đầu thế kỷ 19, trước khi bị châu Âu, Mỹ và Nhật Bản tới khuất phục.

Ba gương mặt của Trung Cộng

Để thế chỗ chủ nghĩa cộng sản, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh đã lựa chọn con đường riêng của Trung Cộng. Họ phát huy tối đa tài buôn bán, đầu óc sản xuất của người dân, vốn bị bóp nghẹt dưới thời Mao Trạch Đông, giữ lại những tập đoàn lớn của Nhà nước, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, không phải để chống mà phát triển cùng với Bắc Kinh.

Đối với bên ngoài, Trung Cộng đã từng bước thể hiện ba gương mặt: Giai đoạn đầu tiên, đó là một nước chậm phát triển và phương Tây cần phải giúp đỡ. Giai đoạn hai, đó là một cường quốc thương mại “hữu hảo”, tôn trọng các quy định tự do trao đổi của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trước tiên, sẵn sàng chuyển giao các công nghệ đã làm chủ được.

Phương Tây đã tin vào lời nói và Trung Cộng đã lao vào một cuộc đánh cắp công nghệ trên quy mô lớn để trở thành công xưởng của thế giới. Giai đoạn ba, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình: Bắc Kinh củng cố sự bành trướng thương mại với chiến lược Con đường tơ lụa, hướng sang châu Âu mà Trung Cộng từng bước chinh phục.

Tập Cận Bình – Vladimir Putin: Kẻ thong dong, người hối hả

Để thay thế chủ nghĩa cộng sản, thì Nga lại làm ngược lại hoàn toàn. Họ ngây thơ nghĩ là đã lựa chọn con đường phát triển như phương Tây, mời các chuyên gia của Havard, các kinh tế gia “xó bếp” đến tiến hành những cuộc thử nghiệm khổng lồ.

Tất cả bộ máy công nghiệp đã bị tư nhân hóa vội vã, và do vậy, rơi vào tay giới tài phiệt, quả đầu mafia, để rồi giới này quay lại áp đặt quan điểm, lợi ích của họ đối với Kremlin. Vladimir Putin đã tái lập trật tự trong xã hội và quyền lực của chính quyền trung ương chống lại những quý tộc mới này, nhưng ông đã không biết xây dựng một Nhà nước pháp quyền cho phép giữ lại cho nước Nga các nhà nghiên cứu và giới đầu tư.

Vẫn theo nhà báo Renaud Girard, về đối ngoại, ông Putin đã lấy được Crimé nhưng mất Ukraina và nguồn vốn từ các ngân hàng phương Tây. Ông giành thắng lợi tại Syria nhưng thắng lợi này không mang lại lợi lộc gì cho dân Nga… Nói tóm lại, Putin dậm chân tại chỗ với các chiến thuật ngắn hạn, trong lúc Tập Cận Bình rảo bước với chiến lược dài hạn.

Do vậy, theo Renaud Girard, trước một Hoa Kỳ tỏ thái độ coi thường, trước một Trung Cộng chỉ chực chờ để ăn tươi nuốt sống, châu Âu chỉ có một giải pháp: đó là hiểu được bệnh hoang tưởng của Nga, giúp chữa trị, rồi lôi kéo Nga trở lại gia đình châu Âu. Nhà báo kết luận: Sẽ là điên rồ khi đẩy Nga rơi vào vòng tay Trung Cộng.

Trung Cộng: Tư pháp mang hơi hướm thời phong kiến ?

Cũng liên quan đến Trung Cộng, thành phần nội các mới vừa được công bố đã được một số nhật báo Pháp khai thác dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Les Echos chú ý đến lĩnh vực kinh tế với bài viết đề tựa “Tập Cận Bình bổ nhiệm một người thân cận để lèo lái nền kinh tế”.

Vương Kỳ Sơn, người tiến hành chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” do Tập Cận Bình khởi xướng, nắm cương vị phó chủ tịch nước. Lưu Hà, cố vấn kinh tế, từng học tại đại học Harvard làm phó thủ tướng. Và Dịch Cương lên thay ông Chu Tiểu Xuyên làm thống đốc Ngân hàng Trung ương… Một loạt các vị trí quan trọng đã được giao cho những người thân tín của Tập Cận Bình. Với những quyết định trên, Les Echos cho rằng thủ tướng Lý Khắc Cường xem như bị gạt ra bên lề.

Le Monde quan tâm đến việc Tập Cận Bình thông báo thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới : Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia, do Dương Hiểu Đỗ (Yang Xiaodu), một người thân tín khác của Tập Cận Bình đến từ Thượng Hải lãnh đạo. Bài viết đề tựa : “Tại Trung Cộng, giới công chức dưới ách một nền tư pháp đặc biệt“.

Cơ quan này sẽ có những quyền hạn rộng hơn trong việc chống tham nhũng, giám sát toàn bộ công chức Trung Cộng chứ không chỉ giới hạn trong giới lãnh đạo. Nghĩa là từ nhân viên cho đến lãnh đạo, từ trường học cho đến bệnh viện, qua cả truyền thông, tòa án hay các công ty Nhà nước, kể từ giờ đều có thể là đối tượng điều tra của định chế mới này.

Theo Le Monde, quyền hạn của cơ quan này còn trên cả tư pháp và Tòa Án Tối Cao theo như một loạt sửa đổi bổ sung về luật được thông qua hôm 11/03. Một loạt ủy ban giám sát ở cấp địa phương cũng sẽ được thành lập. Và một mô hình giam giữ mới gọi là “lưu trệ” được thiết lập, giống với kiểu giam giữ “song quy” dành cho đảng viên, bị hạn chế về địa điểm và thời gian.

Ông Nicholas Bequelin, giám đốc Amnesty International phụ trách Đông Á, cảnh báo tình trạng các nhà điều tra lạm dụng quyền hạn cưỡng bức hỏi cung do các quy định áp đặt cho các thành viên trong ủy ban là rất mơ hồ và do tính chất thiếu vắng việc không tôn trọng các quyền cơ bản của người dân.

Bất kỳ ai làm việc trực tiếp hay gián tiếp cho chính phủ có thể sẽ bị giam giữ, thẩm vấn, cưỡng bức nhận tội hay bị trưng dụng mà không cần thông qua một tiến trình pháp lý cũng như các biện pháp hỗ trợ khác trong trường hợp bị các nhà điều tra lạm dụng. (…) Những người bị giam giữ sẽ không có cách nào tiếp cận luật sư và gia đình sẽ không được thông báo trong vòng 24 giờ, nếu như các nhà thẩm vấn cho rằng việc này có thể gây nhiễu cuộc điều tra“.

Nhà nghiên cứu Eva Pils, chuyên gia về luật Trung Cộng trường King’s College tại Luân Đôn cũng lưu ý là việc dỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo cũng như là những quyền hạn tu chính án mới cho lĩnh vực công là hoàn toàn đi ngược với ý tưởng rằng Luật Pháp và Hiến Pháp có thể cản trở quyền lực.

Bà nói : “Ủy Ban Giám Sát mới còn tăng cường hơn nữa việc hợp nhất Đảng và Nhà nước bằng cách thông qua trong Hiến Pháp một hình thức điều tra mà nhìn từ góc độ nhân quyền và những người ủng hộ hiến pháp, không hề có một biện pháp bảo vệ cần thiết nào“.

Nói tóm lại việc trao cho Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia mới này những quyền hạn to lớn khiến người ta nhớ lại một giai đoạn hãi hùng dưới triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Cộng. Đội Cẩm Y Vệ, Đông Xưởng, Tây Xưởng thời kỳ đó cũng có những quyền hạn tương tự khiến bao công thần và dân vô tội bị chết thảm.

Minh Anh

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt