Hạt Gạo Nào Nuôi Sống Thân Tôi…..

Mời qúy độc giả đọc bài Hạt Gạo Nào Nuôi Sống Thân Tôi…….của cảnh làm nông dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa của nhà văn Đại Dương.

HẠT GẠO NÀO NUÔI SỐNG THÂN TÔI …

ĐẠI-DƯƠNG

 

Nhiều dân tộc Á Đông trưởng thành nhờ hạt gạo. Những cánh đồng mạ non xanh mướt như nối tiếp với chân trời, hương bông lúa thơm ngào ngạt trong không khí, từng gié lúa no tròn vàng óng tạo nên khung cảnh thanh bình, êm đềm nơi thôn quê. 

Dân số bùng nổ, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã biến những cánh đồng thơ mộng thành những nhà máy sản xuất lương thực.

Nhà nông Việt Nam Cộng Hòa đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào ruộng đồng làm biến đổi bộ mặt nông thôn trì trệ từ ngàn xưa. Nếp sống cách biệt giữa thôn quê và thị thành ngày càng rút ngắn ngoài các vùng “xôi đậu=chịu sự kiểm soát cả quốc gia lẫn cộng sản”.

Khi đất nước thu về một mối, Nhà nước cộng sản mang kỹ thuật tuyên truyền ra đồng ruộng. Tiếng phèn la, chiêng trống, loa chát chúa, rền vang khắp thôn làng đến ruộng đồng “nhà nhà thi đua, người người thi đua” để biến “sỏi đá cũng thành cơm”. Đất giật mình, lúa hoảng sợ làm cho thôn quê Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lùi dần vào “thời đại đồ đá”.

Rồi có một ngày, âm lượng tuyên truyền vô nghĩa phải giảm để trả lại quyền quyết định cho những người “cúi mặt nhìn đất, bán lưng cho trời” đã làm cho đồng ruộng hồi sinh và dân tộc thoát khỏi nạn đói. Sản lượng nông nghiệp tăng dần và đã đứng vào hàng thứ nhì về xuất cảng gạo trên thế giới.

Với tham vọng vô bờ mà tầm hiểu biết hạn hẹp nên tay siêu địa chủ duy nhất (Đảng Cộng sản) tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ lo vắt kiệt tài nguyên đất và nước bất chấp đời sống cơ cực của nông dân và hậu quả to lớn đối với dân tộc.

Việt Nam hiện có 10 triệu ha đất nông nghiệp đã sử dụng một lượng phân bón kỷ lục khiến cho Viện trưởng Thổ nhưỡng nông hoá phải thốt lên tại cuộc Hội thảo 29/07/08 “kim ngạch nhập khẩu vật tư phân bón trong 7 tháng đầu năm đã gần tương đương với giá trị xuất khẩu lúa gạo 1,7 tỷ USD”.

Hiệu suất sử dụng phân bón chỉ đạt 30%, còn 70% phân bón sau khi xuống đất bị bốc hơi hoặc bị nước cuốn trôi. Như vậy, hơn 5 triệu tấn phân bón bị “bốc hơi”, hoặc tích tụ lại trong lòng đất, ngấm vào các mạch nước ngầm. Theo các chuyên gia nông nghiệp “bón phân quá nhiều hoặc quá ít đều cho ra năng suất thấp”.

Việt Nam đã sản xuất 45% phân hữu cơ, và số còn lại phải nhập cảng. Ngoài ra còn vô số phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật không có nguồn gốc rõ ràng cũng ngang nhiên trôi nổi trên thị trường mà nông dân sử dụng chỉ vì được rỉ tai về sự hiệu nghiệm.

Trong 6 tháng đầu 2008, Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện 81/201 loại phân không đạt tiêu chuẩn chất lượng mà nhà sản xuất đăng ký. Tức 40% số phân giả đã được tống vào thị trường khiến cho tình hình ngày càng trầm trọng nên đến năm 2020 vẫn phải nhập khẩu phân bón với số lượng lớn”.

Phân giả bơm vào ruộng lúa hợp cùng nước thải chưa được xử lý thoát ra từ các nhà máy mang theo hóa chất độc hại để nuôi hạt thóc tích tụ những căn bệnh khó lường.

Báo Lao Động 17/06/08 loan tin xã Vĩnh Bình thuộc tỉnh Thanh Hóa có 9 doanh nghiệp và 20 gia đình chuyên sản xuất đá mỹ nghệ đã thải ra nước bột trắng bao bọc thân cây lúa cánh đồng Chìn. Chính quyền xã chỉ “nhắc nhở” doanh nghiệp trong khi Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện tuyên bố “không ảnh hưởng đến môi trường và ruộng lúa”.

Báo Tuổi Trẻ 01/08/08 cho biết cảnh sát môi trường Quảng Bình đã bắt quả tang Công ty cổ phần bia Hà Nội-Quảng Bình xả nước thải từ lò nấu bia ra kênh dẫn nước tưới ruộng của công trình hồ thủy lợi Phú Vinh.

Gạo thơm Jasmin của Thái Lan một thời lao đao vì dư luận phát hiện được trồng trong vùng nhiễm thủy ngân. Có ai đã quan tâm tìm hiểu phẩm chất hạt gạo Việt Nam?

Độc quyền xuất cảng gạo của Nhà nước đã đẩy nhà nông Việt Nam vào cảnh khốn cùng. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết 2/3 diện tích lúa hè thu đã thu hoạch được 4 triệu tấn, nhưng doanh nghiệp viện nhiều cớ để ép giá.

Sau khi Phi Luật Tân đồng ý mua gạo Việt Nam với giá 700USD/tấn giao ngay và Hoa Kỳ thay đổi chính sách năng lượng nhằm tăng thêm lượng xăng sinh học làm giá thực phẩm thế giới vọt cao.

Việt Nam tiên đoán sản lương thực trong năm 2008 vào khoảng 37 triệu tấn sẽ dư 5 triệu tấn. Nhưng, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh ngưng xuất cảng gạo để đầu cơ mà không cần biết đến yếu tố giá cao nên nông dân Việt Nam thi nhau san liếp mía, chặt tràm, lấp vuông tôm để trồng lúa; Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Thái Lan, Nam Dương cũng chẳng chịu lép. Trong khi nông dân Thái Lan hưởng lợi nhờ tiếp tục xuất cảng gạo với giá 1,200USD/tấn.

Giờ đây, Nguyễn Tấn Dũng lại ra lệnh xuất cảng 400,000 tấn gạo trong tháng 8/08 với giá 600USD/tấn làm thiệt hại khoảng 200 triệu USD.

Trả lời câ hỏi của VietNamNet 05/08/08, GS Võ Tòng Xuân không che dấu nỗi bực dọc “Người khôn đâu có làm như vậy!”.

Ngưng xuất cảng gạo, công ty mua được lúa với giá thấp; lúa chín tràn đồng, doanh nghiệp ép giá cộng thêm các đại lý phân bón, thuốc trừ sâu, vật giá leo thang làm nhà nông méo mặt. Trần Văn Bảnh ở Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang than “tiền phân bón, tiền thuốc trừ sâu đều bị đại lý thúc lại thêm tiền tập, sách, áo quần cho mấy đứa nhỏ chuẩn bị nhập học… phải bấm bụng bán giá 3.600 đồng/kg”. Theo VietNamNet 31/07/08.

Hạt gạo Việt Nam vốn nuôi sống bao thế hệ liệu bây giờ có mang theo phẩm chất dinh dưỡng hợp vệ sinh không?

Và, nông dân Việt Nam phải thoát khỏi sự khống chế tệ hại của Tập đoàn lãnh đạo Cộng sản mới có thể làm ra những hạt gạo trắng tinh, thơm phức và đầy chất bổ dưỡng với giá cả phải chăng cho mọi nhà.

ĐẠI-DƯƠNG

27 08 2008

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt