APEC 2017 chờ đợi gì từ tổng thống của “nước Mỹ trước tiên” ?

Các bộ trưởng APEC chụp hình chung sau cuộc họp ngày 08/11/2017 tại Đà Nẳng (ảnh: Reuters)

Ngày mai 10/11/2017, thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC 2017 chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Tâm điểm chú ý của thượng đỉnh APEC lần này là tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh đạo các nước APEC đang đợi vị tổng thống với khẩu hiệu nổi tiếng “nước Mỹ trước tiên” sẽ thể hiện tầm nhìn thế nào trước một diễn đàn tự do thương mại quốc tế.
Chặng đầu của chuyến công du châu Á của ông Trump đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Cộng, trước khi tới Việt Nam dự APEC, được đánh giá mang nặng tính chất địa chính trị để thể hiện chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á. Thế nhưng, người ta đã thấy bên cạnh những tuyên bố trấn an đồng minh chiến lược Nhật, Hàn về vấn đề an ninh, tổng thống Mỹ không quên lợi ích kinh tế của nước Mỹ (American First).

Tổng thống Trump đã nhiều lần nhắc lại với hai đồng minh về quan hệ làm ăn phải “tự do, công bằng và có qua có lại” để giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ. Tại Trung Cộng, ông Trump dường như đã hài lòng hơn với một loạt hợp đồng trị giá hơn 250 tỷ đô la được ký. Vì thế mà ông Doanld Trump đã đổi giọng, không còn chỉ trích Trung Cộng như trước đó không lâu.

APEC quy tụ 21 nước thành viên chiếm 40% dân số toàn cầu nắm giữ 60% của cải thế giới, với những nền kinh tế tiềm năng đa dạng. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: Vị Tổng thống tôn sùng chủ nghĩa bảo hộ sẽ thể hiện những gì tại diễn đàn thúc đẩy toàn cầu hóa và tự do thương mại này ?

Cố vấn An ninh Quốc gia của Toà Bạch Ốc, ông McMaster đã giải thích trước chuyến công du quan trọng của ông Trump rằng tổng thống Mỹ muốn “bảo đảm các chính phủ không trợ giá một cách không công bằng cho công nghiệp của họ, không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc không hạn chế đầu tư nước ngoài”

Giảm thâm hụt thương mại của Mỹ là một trong các cuộc chiến tâm đắc nhất của ông Trump vì ông nhận thấy đó là mối đe dọa cho công ăn việc làm của người Mỹ. Vì thế mà ngay sau khi nhậm chức, ông đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP – hiệp định thương mại tự do đối tác xuyên Thái Bình Dương ký với 11 nước, cho dù đa số những nước tham ký đều nhận thấy TPP là công cụ hữu hiệu để làm đối trọng với đà bành trướng kinh tế của Trung Cộng. Thế nhưng, ông Donald Trump cho rằng nước Mỹ không được lợi lộc gì và thậm chí còn bị thua thiệt ở hiệp định tự do thương mại TPP mà đa số các nước tham gia có thặng dư thương mại với Mỹ.

Hệ quả là Trung Cộng, nước bị gạt ra ngoài TPP, có thể lợi dụng dịp này vẽ lại bản đồ trao đổi thương mại của họ ở châu Á bằng cách thúc đẩy ký các thỏa thuận đơn lẻ với các nước.

Ông Trump chưa tới Đà Nẵng, nhưng một ngày trước khi khai mạc APEC, người ta đã thấy hiệu ứng của chủ trương “nước Mỹ trước tiên” [American First]. Theo AFP có mặt tại Đà Nẵng, các bộ trưởng Thương Mại và Ngoại Giao APEC vẫn chưa thể đạt được đồng thuận cho một bản tuyên bố chung của hội nghị. Thủ tục thông thường này đang vấp phải cản trở bởi khái niệm “tự do buôn bán” và “bảo hộ mậu dịch” theo kiểu “nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Trump.

Kinh tế cũng không choán hết mối quan tâm của ông Donald Trump tại diễn đàn ở Đà Nẵng. “Nước Mỹ trước tiên” và nước Mỹ cũng đang là mục tiêu đe dọa của hạt nhân Bắc Triều Tiên. Hồ sơ Bắc Triều Tiên đã theo ông Trump trong suốt ba chặng công du châu Á những ngày qua với những tuyên bố cảnh cáo chế độ Bình Nhưỡng và kêu gọi hai nước lớn Trung Cộng và Nga phải có trách nhiệm chung tay gây sức ép, “cô lập chế độ tàn bạo Bắc Triều Tiên”.

Tại APEC lần này người ta đang mong chờ thấy một tổng thống Trump khôn khéo hơn, ngoại giao hơn, không bốc đồng tuyên bố đe dọa, mạt sát Kim Jong Un và chế độ Bình Nhưỡng như trước đây, để thế giới có thể thở phào vì cuộc chiến thương mại hay chiến tranh với Bắc Triều Tiên chỉ là nguy cơ thoáng qua mà thôi.

Tú Anh (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt