Tổng thống Mỹ sẽ tiếp cận vấn đề biển Đông trong chuyến thăm châu Á ra sao?

Chuyên gia Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS

Từ ngày 3 đến ngày 14 tháng 11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ lên đường thăm châu Á lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào tháng Giêng vừa qua. Đây được coi là chuyến thăm dài nhất của một Tổng thống Mỹ đến châu Á kể từ thời của Tổng thống George H. Bush (cha) 25 năm về trước. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Trump được nhiều nước châu Á trông đợi vì họ muốn biết chiến lược sắp tới cũng như cam kết của Mỹ trong khu vực ra sao. Vấn đề Biển Đông là một trong những vấn đề sẽ được bàn thảo trong chuyến thăm tới nhưng cho tới lúc này các chuyên gia tại Hoa Kỳ vẫn không rõ liệu Tổng thống Trump sẽ đề cập vấn đề này với từng nước ra sao?

Vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ phải được bàn thảo trong chuyến thăm tới châu Á của Tổng thống Donald Trump nhưng mức độ thảo luận với từng nước có thể là khác nhau vì thái độ của từng nước với vấn đề này và cũng một phần bởi chiến lược chưa rõ ràng của chính quyền Mỹ đối với vấn đề này.

Chuyên gia Amy Searight, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC nhận định.

Rất khó để biết về lập trường của Tổng thống Trump đối với vấn đề Biển Đông và ông sẽ nêu vấn đề ra ở mức độ nào. Đã có nhiều những tín hiệu lẫn lộn đưa ra từ chính quyền của Tổng thống Trump liên quan đến vấn đề Biển Đông. Một mặt thì đã có những thảo luận cứng rắn đối với Trung Cộng ngay từ thời kỳ đầu của chính quyền nhất là từ Ngoại trưởng Tillerson, và phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ở Shangrila về thái độ của Trung Cộng ở Biển Đông. Chính quyền của Tổng thống Trump đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên ở Biển Đông. Tuy nhiên mặt khác, đã 10 tháng trôi qua mà chính quyền mới vẫn chưa có (hoặc không có) một chiến lược rõ ràng về vấn đề Biển Đông, và làm thế nào để gây sức ép với Trung Cộng trước thái độ quyết đoán của nước này ở Biển Đông và giúp đỡ các đối tác và đồng minh của mình trong khu vực.

Theo bà Searight, vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được đề cập trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với các lãnh đạo Việt Nam vào ngày 11/11 tới ở Hà Nội. Tuy nhiên rất có thể với Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không muốn nêu vấn đề này ra, trong khi với Trung Cộng việc Tổng thống Trump đưa vấn đề này ra như thế nào và có đưa ra hay không hiện vẫn còn chưa rõ ràng.

Hiện Trung Cộng là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông. Việt Nam và Philippines cũng là những nước đòi chủ quyền tại đây, nhưng kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Tổng thống Duterte đã muốn giảm nhẹ căng thẳng với Trung Cộng trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó Trung Cộng từ trước đến nay vẫn khẳng định không muốn các quốc gia bên ngoài can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, ý muốn nói đến Hoa Kỳ.

Lập trường của Hoa Kỳ từ trước đến nay là không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không của mình tại khu vực này qua việc thực hiện chương trình tự do hàng hải FONOPS được bắt đầu từ năm 2015 dưới thời của Tổng thống Obama và vẫn tiếp tục dưới thời của Tổng thống Trump.

Trong chuyến thăm châu Á lần này, Tổng thống Mỹ sẽ đến Đà Nẵng, Việt Nam dự APEC vào ngày 10/11 và đến Hà Nội vào ngày 11/11 để gặp các lãnh đạo cao CSVN bao gồm Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo chuyên gia Amy Searight, chuyến thăm đến Việt Nam lần này của Tổng thống Trump chỉ vài tháng sau cuộc gặp giữa ông với Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc ở Toà Bạch Ốc cũng cho thấy việc Mỹ coi trọng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Chuyến thăm cho thấy tầm quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam như dưới thời của Tổng thống Obama. Theo tôi họ sẽ thảo luận các vấn đề về kinh tế… Ngoài vấn đề kinh tế, vấn đề chiến lược khác là Biển Đông cũng sẽ được bàn thảo. Việt Nam đã là tiếng nói đi đầu trong ASEAN trong vấn đề Biển Đông và cứng rắn với Trung Cộng ở ASEAN, và vì vậy họ có nhiều khả năng sẽ thảo luận về vấn đề này.

Mỹ và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện vào năm 2013, dưới thời của Tổng thống Barack Obama.

Trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước từ trước đến nay, vấn đề Biển Đông vẫn luôn được nêu ra và cả hai bên luôn khẳng định việc duy trì an toàn tự do hàng hải, hàng không tại khu vực này, đồng thời kêu gọi các bên tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, tuân thủ luật quốc tế.

Cũng trong chuyến thăm châu Á lần này, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump sẽ nói đến chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do thay vì nói đến chiến lược chuyển trục về châu Á Thái Bình Dương như dưới thời của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, cho đến lúc này vẫn còn rất nhiều câu hỏi xung quanh cam kết của Mỹ với khu vực qua chiến lược này khi mà chính quyền của Tổng thống Trump đến giờ vẫn chưa có chiến lược rõ ràng ở khu vực Biển Đông, trong khi theo đuổi chính sách nước Mỹ trên hết và rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP hồi đầu năm nay.

Theo RFA

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt